Trang chủ --> Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng --> Nghịch cảnh tạo ra sức mạnh
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Nghịch cảnh tạo ra sức mạnh

 

Tôi luôn tin rằng thách thức xuất hiện để làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ. Trong những năm gần đây những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý sức khỏe đã phát hiện ra điều này qua những cuộc nghiên cứu được thực hiện đối với những người đã trải qua sự căng thẳng ghê gớm hoặc chấn động tinh thần thuộc nhiều dạng, từ bệnh tật hiểm nghèo, những sự kiện thảm khốc đến chấn động do mất người thân.

 

Bạn thường nghe nói về sự căng thẳng hậu chấn động tinh thần, và các nhà tâm lý cũng đã phát hiện ra rằng những người đương đầu một cách thành công với những thách thức về sức khỏe có thể trải nghiệm sự trưởng thành qua nghịch cảnh hoặc sau chấn động tinh thần. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nhiều người đương đầu một cách thành công với những bất lợi về thể chất đã thực sự trưởng thành hơn:

 

·        Họ hiểu rằng họ mạnh mẽ hơn họ nghĩ, và họ có xu hướng vượt qua những thách thức trong tương lai một cách nhanh chóng hơn.

 

·        Qua khó khăn thách thức, họ nhận ra ai thực sự quan tâm đến họ và những mối quan hệ này sau đó có cơ hội phát triển một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn.

 

·        Họ trân trọng từng ngày được sống và những điều tốt đẹp trong cuộc sống của họ hơn.

 

·        Họ trở nên mạnh mẽ hơn về tinh thần.

 

Tôi tin rằng chúng ta có thể tìm thấy trong sự khuyết tật và những thách thức về sức khỏe một mối lợi khác. Tôi nghĩ Chúa cho phép một số người trong chúng ta trải qua buồn phiền để chúng ta có thể an ủi người khác như Chúa đã an ủi chúng ta. Sự giải thích này đặc biệt có ý nghĩa đối với tôi bởi vì qua trải nghiệm của bản thân tôi biết đó là sự thực.

 

Phép màu có thể xảy ra

 

Tất nhiên tôi không khuyên bất cứ ai đầu hàng. Phép màu có thể xảy ra. Chính bản thân tôi đã được thấy nhiều phép màu xảy ra trong cuộc sống, và mọi người thường chia sẻ phép màu của họ với tôi. John đã gửi câu chuyện về phép màu của anh ấy cho tôi, một câu chuyện mang đến cho chúng ta bằng chứng thuyết phục về việc hành động theo niềm tin. Câu chuyện đó như sau:

 

Tôi không phải là một người mộ đạo cho đến khoảng mười năm trước khi tôi đối mặt với cái chết. Khi còn nhỏ, tôi bị mất một chân vì bệnh ung thư và các bác sĩ nói rằng tôi sẽ không sống được quá năm tuổi.

 

Tôi đã phá vỡ tiên lượng của họ, và vào ngày 6 tháng 5 này tôi tròn ba mươi bảy tuổi. Nhưng sống được như vậy không dễ dàng gì. Cứ vài năm bệnh ung thư của tôi lại tái phát và năm ngoái nó trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Các bác sĩ nói rằng tôi sẽ chết trong vòng một năm trừ khi tôi tuân thủ phương pháp chữa trị bằng hóa chất một cách nghiêm ngặt.

 

Ngay lập tức tôi ngắt lời họ và nói rằng tôi muốn chết, rằng tôi đã mệt mỏi lắm rồi. Bệnh ung thư đã cướp đi sự sống của mẹ, hai chị gái và ba người anh trai của tôi, vậy nên tôi biết một ngày nào đó nó sẽ giết chết tôi. Tôi đã sẵn sàng cho sự kết thúc!

 

Tôi nói với mục sư ở giáo phận của chúng tôi về quyết định đó, và sau nhiều lần cầu nguyện, tôi thay đổi quyết định và bắt đầu đợt điều trị bằng hóa chất. Tôi được sắp xếp truyền hóa chất hai lần mỗi tuần trong mười hai tuần liền. Trước lần truyền hóa chất thứ năm, họ xét nghiệm máu và gửi kết quả tới bác sĩ của tôi. Sau đó bác sĩ mời tôi đến phòng khám của ông ấy. Khi tôi tới đó, ông bác sĩ lập tức bước vào phòng và bật khóc. Ông ấy nói với tôi rằng bệnh ung thư trong cơ thể tôi đã biến mất! Không còn một dấu hiệu nào cho thấy có tế bào ung thư trong cơ thể của tôi. Cứ như thể bệnh đó chưa từng tồn tại trong cơ thể tôi vậy. Ông ấy hạnh phúc quá, nhưng tôi còn hạnh phúc hơn nhiều!

 

Cứ ba tháng tôi lại đi kiểm tra sức khỏe, và cho đến nay mọi chuyện đều tốt. Tôi biết một ngày nào đó bệnh ung thư có thể tái phát và tôi có thể gặp những tai nạn bất ngờ chẳng hạn như bị xe đâm trên đường đi làm về. Quả thực chúng ta không bao giờ biết được khi nào chúng ta kết thúc cuộc sống trên cõi trần.

 

Tất cả tên và số của chúng ta đều có trong Cuốn Sách Của Sự Sống. Chúng ta chỉ không biết khi nào Chúa quyết định đưa chúng ta về bên Người mà thôi. Hãy yêu thương nhau như thể hôm nay là ngày cuối cùng của bạn trên cõi đời này. Hãy sống hết mình, trân trọng từng ngày bạn được sống.

 

Câu chuyện của John và của nhiều người khác mà tôi từng được nghe là bằng chứng cho thấy phép màu có thể xảy ra. Đó là lý do tại sao tôi vẫn giữ một đôi giày trong tủ - biết đâu đấy, một ngày nào đó phép màu sẽ xảy ra với tôi và tôi có chân để đi giày. Bạn hãy hành động theo niềm tin bằng cách đặt nó vào tay Chúa và thỉnh cầu Người giúp đỡ, cầu nguyện cho phép màu xảy ra, nhưng nếu một phép màu không tới, thì bạn vẫn có thể là một ngọn đèn tỏa sáng trên đời cho những người khác.

 

Cho đến nay tôi chưa nhận được phép màu khiến tôi có chân, có tay mà tôi hằng tìm kiếm, nhưng tôi đã được trải nghiệm niềm vui, sự bình yên, và chân lý của niềm tin kỳ diệu. Điều đó còn hơn cả một phép màu khiến cho một căn bệnh được chữa khỏi. Suy cho cùng, bạn có thể được chữa khỏi bệnh ung thư nhưng có thể dù được chữa khỏi bệnh bạn vẫn bất hạnh, không biết quý trọng mọi thứ trên đời này. Phải nói thực rằng nhờ có niềm tin, tôi đã có cái diễm phúc được chứng kiến những cuộc đời quanh tôi thay đổi một cách tích cực. Điều này thật tuyệt vời! Bạn có thể hãnh diện rằng bạn có đầy đủ chân tay, nhưng mỗi ngày tôi đều hãnh diện vì mình không có chân tay. Phép màu tuyệt vời nhất là sự biến đổi từ bên trong con người chúng ta.

 

Lấy đau khổ làm bài học

 

Từ trải nghiệm của bản thân, tôi biết rằng việc chịu đựng khuyết tật, bệnh tật hoặc thương tật có thể khuấy lên nỗi sợ hãi trong chúng ta. Bạn có thể cũng cảm thấy cô độc, lẻ loi, căng thẳng. Những lúc tôi cảm thấy tồi tệ nhất thường là những lúc tôi chọn thu mình lại gặm nhấm nỗi đau hơn là cho phép mình nhận sự an ủi và quan tâm của những người thân. Tôi khuyên bạn chớ mắc phải sai lầm đó. Nếu trong cuộc sống có những người sẵn sàng ở bên bạn để chia sẻ thì bạn hãy chấp nhận sự giúp đỡ của họ với sự hòa nhã và lòng biết ơn. Hãy nói với họ rằng bạn hy vọng một ngày nào đó bạn có thể làm cho họ điều mà giờ đây họ đã và đang làm cho bạn, và hãy cho họ cơ hội giúp đỡ bạn như họ mong muốn.

 

Nếu bạn không có gia đình, bạn bè ở bên cạnh, không có những người có thể an ủi động viên, thì bạn hãy tìm đến những chuyên gia, tìm đến nhà thờ hoặc các tổ chức hỗ trợ người gặp khó khăn. Các bác sĩ và những chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể giúp bạn tìm ra những nguồn trợ giúp. Có các nhóm trợ giúp dành cho hầu hết những người mắc những căn bệnh phổ biến, và có những nhóm trợ giúp có thể giúp bạn đương đầu với bất cứ căn bệnh trầm trọng nào.

 

Một điều tôi muốn nhắc nhở bạn là khi đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, bạn có thể thấy mình hoàn toàn tập trung đương đầu với nó, vậy nên bệnh tình của bạn và việc làm sao để khỏe mạnh trở lại là tất cả những gì bạn nghĩ tới. Các chuyên gia nói rằng chấp nhận và kiểm soát bệnh tình của bạn là điều quan trọng, nhưng quan trọng không kém là nhớ rằng bạn vẫn là bạn. Đừng buông bỏ những việc bạn thích làm, đừng rời xa những người bạn muốn ở bên cạnh chỉ vì bạn muốn tập trung toàn bộ tâm trí, khả năng và thời gian cho việc phục hồi sức khỏe. Thách thức về sức khỏe đã xảy ra với bạn, nhưng đừng để nó điều khiển cuộc sống của bạn hoặc làm tổn hại đến ý thức về bản thân bạn và những giá trị mà bạn mang đến cho cuộc sống. Bạn lớn lao và mạnh mẽ hơn thách thức đó rất nhiều.

 

Trong cuộc đời mình, bạn sẽ có những ngày tồi tệ hơn những ngày khác. Bạn có thể có cảm giác đất dưới chân mình sụt xuống trước khi bạn có thể bước về phía trước. Có thể ngay lúc này đây bạn đang bị chi phối bởi nỗi đau thể xác, nhưng về tinh thần và cảm xúc thì bạn đừng đầu hàng. Hãy mạnh mẽ trong niềm tin và sự lạc quan. Hãy duy trì sự vui vẻ, hài hước và mỗi ngày hãy hướng tới những lúc bạn tìm thấy sự bình yên và niềm vui, cho dù đó đơn giản chỉ là những phút yên tĩnh của buổi sáng sớm hay niềm vui được sống thêm một ngày nữa, dù hoàn hảo hay không hoàn hảo, để chia sẻ với những người bạn yêu thương.

 

Khi tôi viết sách hoặc diễn thuyết và miêu tả cuộc sống của mình “tốt đẹp đến mức kỳ diệu”, tôi muốn nói đến niềm vui mà tôi cảm nhận được mỗi ngày và mọi ngày. Dù thời tiết đẹp hay xấu, dù mọi chuyện diễn ra êm ả hay tồi tệ, dù tôi được ở nhà với những người tôi yêu thương hay ở ngoài đường giữa những người xa lạ, dù tôi cảm thấy mình khỏe mạnh hay ốm mê ốm mệt, cuộc đời cũng vẫn đáng sống.

 

Bạn không thể mong mỗi ngày đều có ý nghĩa. Đôi khi ngày của bạn rất vui nhộn. Những ngày khác lại buồn thảm. Nhưng dù tốt hơn hay tồi tệ hơn, trong tình trạng ốm đau hay khỏe mạnh, tốt hay xấu, thì cũng thật đáng mừng vì chúng ta vẫn đang sống và đang thở, đúng không bạn? Bản thân cuộc sống là một phép màu. Bạn và tôi đang ở trong cuộc hành trình mà Shakespeare gọi là “this mortal coil”[1], vậy bạn sẽ làm gì trong hành trình của mình? Bạn sẽ cho phép những hạn chế về sức khỏe, cho phép một vết thương tồi tệ, một khuyết tật cướp đi dù chỉ một chút niềm vui từ cơ hội sống trên trái đất này của bạn ư? Tôi khuyên bạn thay vì làm thế bạn hãy tiến lên phía trước. Nếu bạn bị bệnh tật hành hạ hoặc phải sống chung với khuyết tật, thì bạn hãy nắm lấy cơ hội đó để biết được ý nghĩa và sự quý giá của cuộc sống, hãy để những người bạn quan tâm biết rằng bạn yêu thương họ như thế nào, và hãy làm cho niềm tin của bạn trở nên mạnh mẽ.

 

Luôn có khả năng Chúa đặt thách thức này lên cuộc sống của bạn để làm cho bạn trở nên mạnh mẽ hơn, biết yêu thương mọi người hơn, can đảm hơn, giàu lòng quyết tâm và giàu niềm tin hơn. Vậy nên hãy tận dụng cơ hội đó để vươn lên. Thể xác của bạn có thể yếu ớt, nhưng bạn vẫn có thể để cho trí tưởng tượng và tinh thần của mình đưa bạn đi đến bất cứ đâu bạn muốn. Có thể bạn quá bận không thể nâng cấp tài khoản của niềm tin, củng cố thanh danh, dọn dẹp những cành khô. Đó là lúc bạn nên đọc những cuốn sách hỗ trợ tinh thần của bạn trong khi các y bác sĩ chữa bệnh cho bạn. Bản thân bạn cũng hãy tự chữa trị cho mình và làm cho những phần mà các y bác sĩ không thể chạm tới được trở nên mạnh mẽ hơn. Hãy xác định rằng cho dù điều gì xảy ra với thể xác của bạn chăng nữa, phần còn lại của bạn – trí óc, tinh thần và tâm hồn – sẽ vượt qua thách thức, sẽ phục hồi và được cải thiện.

 

 Không phục hồi, không vấn đề

 

Tất nhiên, nếu bạn mắc bệnh hiểm nghèo hoặc phải sống chung với khuyết tật nặng nề như khuyết tật của tôi, thì sẽ không có sự phục hồi.

 

Có những người phải sống chung với bệnh tật hoặc khuyết tật trong suốt cuộc đời. Bạn có thể cứu mình khỏi tình trạng chìm đắm trong cảm giác tủi thân, tự ti, cay đắng, giận dữ, hoặc là chấp nhận thách thức và tận dụng một cách tối đa cơ hội để làm những gì tốt nhất có thể trong khi thời gian trôi đi.

 

Tôi đã nhận được sự chú ý và sự đánh giá cao nhờ cái cách tôi lựa chọn để sống và phục vụ người khác mặc dù tôi không có chân, không có tay. Nhưng trong cuộc đời cũng còn có rất nhiều người khác đang âm thầm đối mặt với những thách thức về bệnh tật với sự biết ơn, lòng can đảm và niềm tin có sức lan tỏa.

 

Rebekah Tolbert sinh ra đã phải chịu thách thức về sức khỏe lớn hơn khuyết tật của tôi nhiều. Cô là đứa trẻ sinh non, rất yếu, chào đời trong tình trạng phải cấp cứu trong một gia đình bị ám ảnh vì bạo hành. Khi chào đời cô nặng chưa tới 1,5 kg, nhưng theo bản năng cô níu chặt lấy sự sống. Mỗi ngày cô sống dường như lại mang đến cho cô nhiều thách thức hơn. Cuối cùng Rebekah được chẩn đoán bị bại não thể liệt cứng. Cha mẹ cô ly hôn, nhưng mẹ cô, Laurena, đã truyền cho Rebekah nhận thức rằng Chúa luôn yêu thương cô.

 

Tràn đầy niềm tin, Rebekah lớn lên với một tinh thần lạc quan và thái độ vui vẻ đáng kinh ngạc. Thay vì cảm thấy mình giống một nạn nhân, cô trở thành người chiến thắng những thách thức và là người có thể chữa lành vết thương cho những người khác. Khi còn đang học phổ thông, cô đã tổ chức chiến dịch quyên góp để giúp đỡ những người tị nạn ở Afghanistan. Cô đi quyên góp bằng xe ba bánh và cô đi đủ xa để quyên góp được mười lăm nghìn đô la cho mục tiêu trên.

 

Để thực hiện một dự án của lớp mình ở trường trung học, Rebekah đã hợp tác với tổ chức mang tên Wheels for the World (Xe lăn cho thế giới) và thực hiện việc thu thập những chiếc xe lăn đã qua sử dụng cũng như những trang thiết bị y tế khác để tặng cho các nạn nhân của trận động đất ở Haiti năm 2010. Thái độ tích cực và lòng nhiệt tình của cô đã mang đến cho cô rất nhiều bạn mới ở trường học. Cô đã tìm đến với những người khác, và hầu hết họ đều đáp lại tính tình cởi mở và dễ gần của cô.

 

Nhưng rồi Rebekah cũng phải trải qua những thách thức giống như những thách thức mà tôi đã gặp phải khi ở tuổi của cô. Những năm của tuổi mới lớn là giai đoạn đầy thách thức đối với bất cứ ai, và giai đoạn đoạn đó đặc biệt khó khăn đối với những người khuyết tật như chúng tôi. Khi tinh thần và thể xác của bạn tiến tới sự trưởng thành và thay đổi nhanh chóng, có những thay đổi về hóa học xảy ra trong cơ thể và những thay đổi đó cũng góp phần làm gia tăng cảm xúc. Đó là một môi trường không ổn định bởi vì các bạn học và bạn bè của bạn nói chung đang trải qua những sự thay đổi tương tự. Ai cũng cố xác định xem mình có hợp với xung quanh hay không, mình hợp với nơi nào, và tương lai của mình sẽ ra sao.

 

Ở cái tuổi đó tôi hiểu ra rằng có những điều các bạn học của tôi có thể làm nhưng tôi không thể, dù tôi có huy động toàn bộ lòng quyết tâm và niềm tin trong tôi. Tôi cũng phải chịu đựng sự bắt nạt, sự thô tục và tàn nhẫn của những học sinh khác trong suốt những năm tôi ở tuổi mới lớn. Mặc dù đó thường chỉ là những lời bình phẩm thiếu suy nghĩ hoặc sự gây cười lố bịch của ai đó, tôi đã phải đấu tranh để vượt lên cảm giác bị tổn thương và thiếu tự tin.

 

Rebekah đã trải qua những thách thức tương tự. Việc bước vào trường trung học mang đến cho cô những niềm vui mới, những người bạn mới, những thách thức mới cũng như cảm giác tăng lên về sự khác biệt của mình so với những người đồng trang lứa. Thái độ vui vẻ của cô đã kéo các bạn chung lớp đến với cô, nhưng có một số người không thoải mái trước sự có mặt của cô. Một số người đưa ra những lời bình phẩm gây tổn thương hoặc từ chối nỗ lực kết bạn của cô.

 

Những lời bình phẩm và sự từ chối đó khiến cô đau đớn. Rebekah cố gắng duy trì sự lạc quan và vui vẻ, nhưng cô bắt đầu phải đấu tranh với cảm giác tự ti và thất vọng.

 

Thật không may, trong cuộc sống đôi khi xảy ra chuyện con người làm cho nhau thất vọng và bị tổn thương. Mặc dù Rebekah đã rất nỗ lực để học tập tốt ở trường và trở thành một trong những lãnh đạo của lớp, đến thời điểm tốt nghiệp trung học cô nhận thấy mình lại rơi vào bế tắc. Cô luôn mong chờ ngày tốt nghiệp và cô đã lên kế hoạch chia sẻ lời nguyện cầu của mình với mọi người tại lễ tốt nghiệp. Nhưng vì vấn đề thủ tục, ban giám hiệu nhà trường quyết định rằng cô không đủ tư cách để tốt nghiệp, và cô không được phép ngồi cùng với các bạn trong buổi lễ tốt nghiệp.

 

Đó là một cú đấm tàn nhẫn giáng xuống Rebekah. Từ lâu cô đã hằng mơ về lễ tốt nghiệp cũng như vai trò của cô tại sự kiện đó. Trong giai đoạn đó cô cũng phải đương đầu với những mất mát to lớn, bắt đầu bằng sự qua đời của người bà thân yêu của cô, tiếp đó là sự ra đi mãi mãi của chín người bạn của cô vì bệnh bạch cầu, bệnh Parkinson, ung thư não và tự sát.

 

Rebekah cảm thấy mình bị dồn đuổi bởi nỗi đau ghê gớm. Sự chán nản phủ bóng đen lên đời sống tinh thần của cô, che khuất khả năng suy nghĩ, giam hãm niềm tin của cô. Kẻ thù của tâm hồn cô giành được thế đứng vững chắc. Cô gái trẻ năng động và sôi nổi đã dành nhiều thời gian để tìm ra nhiều cách giúp đỡ người khác bỗng mất đi tất cả sự quan tâm dành cho cuộc sống của chính mình. Mỗi ngày đối với cô dường như lại u ám hơn ngày đã qua. Những giọng nói tiêu cực ám ảnh ý nghĩ của cô: Mi là một gánh nặng. Không ai thực sự quan tâm đến mi hết. Tất cả mọi người chỉ thương hại một đứa con gái tàn tật như mi thôi.

 

Cô bị thôi thúc bởi ý định tự sát. Một hôm cô thấy mình đứng nhìn trân trân vào ngăn để dao kéo trong bếp và nghĩ đến một kế hoạch tự sát trong khi mẹ cô vắng nhà.

 

Những người thân yêu của Rebekah cố gắng cứu cô khỏi sự tuyệt vọng. Mẹ cô khăng khăng rằng cô nên đi nhà thờ vào các ngày chủ nhật. Thường thì Rebekah là người đầu tiên ra khỏi cửa để đi lễ nhà thờ. Giờ đây thậm chí cô không muốn ra khỏi giường nữa. Mẹ cô cố thúc giục cô. Bà chắc chắn rằng Chúa vẫn ở bên Rebekah. Cô cần phải có mặt trong ngôi nhà của Chúa, giữa những người của Chúa.

 

Bà Laurena đã giúp Rebekah ra khỏi giường, giúp cô thay quần áo và giúp cô ngồi vào xe lăn. Họ lái xe tới nhà thờ. Rebekah vẫn im lặng, chìm trong tâm trạng ủ ê. Khi họ bước vào thánh đường, mẹ cô đưa tay với lấy một tập thông tin của nhà thờ. Một tờ giấy rơi khỏi tập thông tin đó, tờ thông báo về một sự kiện.

 

Mẹ của Rebekah nhìn thấy một khuôn mặt quen quen trên tờ thông báo. Đó là một người mà trước khi rơi vào tình trạng chán nản này con gái bà thường ngắm nhìn để cảm thấy được truyền cảm hứng. Nước mắt lưng tròng, bà Laurena đưa cho Rebekah tờ thông tin có ảnh của tôi cùng với thông báo cho biết rằng tôi sẽ đến diễn thuyết tại lễ tốt nghiệp ở trường của cô, buổi lễ mà cô không được tham gia.

 

“Con vẫn nghĩ rằng Chúa đã quên con ư?”, Laurena hỏi con gái.

 

Rebekah thường xem các video của tôi, và cô thường cầu nguyện rằng một ngày nào đó cô sẽ được gặp tôi, bởi vì cô cũng nuôi trong lòng ước mơ chia sẻ niềm tin và truyền cảm hứng cho người khác. Nhiều người nói với tôi rằng chỉ riêng hình ảnh của tôi thôi đã có thể tạo ra ảnh hưởng đối với người khác. Không phải lúc nào tôi cũng chắc chắn rằng người ta nói thế là muốn nói tới ảnh hưởng tốt! Nhưng trong trường hợp này thì quả là tốt thật.

 

Lần đầu tiên trong nhiều tháng trời, Rebekah cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Cảm giác thanh thản tràn về, xua đi những ý nghĩ tiêu cực và cảm giác tủi thân. Cô nói với mẹ rằng cô muốn dự buổi lễ tốt nghiệp.

 

Sau khi tôi thực hiện bài diễn thuyết ngày hôm đó, Rebekah và mẹ của cô đã tới nói chuyện với tôi. Bà Laurena kể với tôi về cuộc đấu tranh của con gái bà, vậy nên tôi đã cùng cầu nguyện với Rebekah, và chúng tôi dành vài phút nói chuyện riêng với nhau. Cô bé chia sẻ với tôi những điều đang đè nặng lên trái tim cô. Tôi hiểu. Tôi nói với cô rằng tôi đã từng trải qua chuyện đó.

 

Tại sao Đấng Sáng Tạo lại tạo ra tôi với hình hài không chân, không tay? Tại sao Người lại đặt tôi vào vị trí của người nói chuyện mang hy vọng đến cho cô gái đặc biệt đang bị tổn thương này? Tôi mong đến ngày tôi có thể gặp Chúa để hỏi những câu hỏi này. Hoặc có thể tới lúc đó lý do của Người không còn quan trọng nữa, chỉ kết quả là quan trọng mà thôi.

 

Tôi vui mừng khôn tả thông báo với bạn rằng một năm sau đó, năm 2010, Rebekah đã tốt nghiệp trung học. Theo đề nghị của các bạn cùng lớp, cô đã chia sẻ lời cầu nguyện về sự cống hiến của mình trong lễ tốt nghiệp. Bạn có thể dám chắc rằng cô đã chạm đến nhiều trái tim trong ngày hôm ấy và những ngày sau đó.

 

Cô đã hành động theo niềm tin của mình thông qua tổ chức Formed for His Use (Phụng sự Chúa), tổ chức phi lợi nhuận của cô, và thông qua những việc làm giúp người khác thực hiện mục đích của Chúa trong cuộc sống của họ. Rebekah, người đã có lúc cần được an ủi, giờ đây trở thành nguồn an ủi đối với nhiều người. Cô đem đến cho các cá nhân và các gia đình đang phải đương đầu với khuyết tật sự hướng dẫn và khích lệ. Bằng cách hành động theo sự mách bảo của trái tim, cô đã đến được với những số phận đang đau khổ, mang đến cho họ tình yêu và sức mạnh tạo ra sự thay đổi!

 

 

--------------------------------------------------------------------------------

 

[1] Trong vở Hamlet, Shakespeare viết: “For in that sleep of death what dreams may come/When we have shuffled off this mortal coil” (Bởitrong giấc ngủ của cõi chết ấy, khi ta đã thoát khỏi cái thể xác trần tục này).

 

  

Lượt xem : 1162 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo