Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Chung tay giúp người khiếm thị thoát nghèo
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Chung tay giúp người khiếm thị thoát nghèo

Người ta thường nói: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Mất đi đôi mắt, cuộc sống của phần đông người khiếm thị (NKT) chìm trong mặc cảm. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường và lòng yêu lao động, không ít người đã vươn lên, quyết tâm thay đổi số phận. Trên hành trình ấy, NKT luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền, Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là nguồn vốn vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm (QQGGQVL) của Trung ương Hội Người mù Việt Nam.

 

 
Nỗ lực vượt khó

Đối diện với cảnh mù lòa, tưởng chừng cuộc đời đã đẩy gia đình anh Nguyễn Đình Huynh, ở xã Các Sơn (Tĩnh Gia) vào ngõ cụt. Nhưng đồng vốn vay dành cho NKT đến với gia đình anh như chiếc phao cứu sinh, giúp cả gia đình vượt qua cơn bĩ cực.

Anh Huynh chia sẻ: “Trong mơ, tôi cũng không tin gia đình mình có ngày hôm nay. Nhớ lần đầu vay vốn, cầm số tiền trong tay mà lòng tôi rối như tơ vò, bởi không biết làm gì để sau này trả được nợ? Thế nên, tôi chỉ dám đầu tư sản xuất nhỏ nhưng an toàn. Dần dần, có đồng vào, đồng ra, tôi mới mạnh dạn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn. Giờ thì chuyện trả nợ cả gốc lẫn lãi không còn là vấn đề nữa mà gia đình còn sửa sang được nhà cửa”.

Hay như anh Phạm Văn Nam, ở TP Thanh Hóa, người tiên phong trong việc phát triển dịch vụ tẩm quất, xông hơi, cho biết: Ban đầu khi bắt tay vào học nghề tôi cảm thấy khá khó khăn. Bởi đối với người bình thường, họ sẽ nhận thức mọi việc và hoạt động dựa trên sự cảm nhận của 5 giác quan, nhưng chủ yếu lại là qua đôi mắt. Còn những NKT như chúng tôi chỉ cảm nhận mọi vật bằng 4 giác quan, nhưng phần lớn là qua xúc giác và thính giác. Người mù tuy không sáng mắt, nhưng bù lại cảm nhận các huyệt đạo rất chuẩn xác và tẩm quất, mát xa rất thành thục. Nhiều khách sử dụng dịch vụ thấy thoải mái dễ chịu hơn cả người bình thường làm. Vượt qua những khó khăn ban đầu, với nguồn vốn vay 15 triệu đồng từ QQGGQVL. Nhờ chịu khó đầu tư và không ngừng học hỏi, cơ sở tẩm quất của gia đình tôi dần dần chiếm được lòng tin của khách hàng với tổng doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 6-7 NKT với mức thu nhập bình quân 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Còn nhiều gương điển hình khác như các ông Lê Văn Hạnh, ở xã Hợp Lý (Triệu Sơn); Trần Văn Hương, xã Công Bình (Nông Cống); Nguyễn Văn Hóa, xã Thành Long (Thạch Thành)... Với họ, dù mất đi đôi mắt nhưng vẫn còn sức khỏe, còn đôi tay. Thế nên, họ đã vượt qua những khiếm khuyết để vươn lên khẳng định mình và trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Sự chung tay của cộng đồng

Theo số liệu thống kê của Hội Người mù tỉnh, những năm trước đây, tỷ lệ gia đình NKT nghèo luôn chiếm trên 50%. Trước tình hình đó, Tỉnh hội xác định cần trang bị cho người mù kiến thức, kỹ năng nghề để họ có thể đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội. Với phương châm “Cho cần câu hơn xâu cá”, những năm qua, Hội Người mù tỉnh thường xuyên liên hệ với Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các trung tâm, trường học và tổ chức, cá nhân hảo tâm để mở nhiều lớp dạy nghề cho hội viên như: làm tăm tre, chổi đót, hương, xoa bóp, bấm huyệt, vi tính văn phòng... 5 năm qua, Tỉnh hội và các hội cơ sở đã đào tạo nghề cho 600 hội viên. Sau đào tạo, 80% hội viên có việc làm ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, Hội Người mù tỉnh còn tạo việc làm cho NKT ngay tại gia đình hoặc cơ sở sản xuất tập trung. Không chỉ hỗ trợ mua sắm các loại thiết bị, máy móc, hội còn tích cực vận động hội viên chú trọng đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm như tăm tre, chổi đót, hương... của NKT không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra các địa phương khác. Nhờ vậy, tổng doanh thu sản xuất tập trung của hội đạt 30,382 tỷ đồng.

Nhằm giúp NKT thoát nghèo nhanh và bền vững, từ năm 1992, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Hội, Hội Người mù tỉnh đã quản lý tốt nguồn vốn phân bổ, chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng và thực hiện nhiều dự án. Từ năm 1992 đến năm 2012, Tỉnh hội đã triển khai 87 dự án vay vốn QQGGQVL với tổng số vốn vay 3,540 tỷ đồng (trong đó kênh địa phương 1,380 tỷ đồng, kênh trung ương 2,160 tỷ đồng), giúp cho gần 400 gia đình hội viên được vay vốn để phát triển kinh tế. Nhờ sử dụng vốn hiệu quả, nhiều gia đình NKT đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết: “Tín hiệu đáng mừng là hầu hết hội viên khiếm thị đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, giúp cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Trong quá trình vay vốn, không có trường hợp nào nợ quá hạn. Việc hoàn trả vốn và lãi được thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định. Số lượng hội viên thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Đời sống tinh thần của hội viên được nâng lên, giúp họ vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng.

 
Lượt xem : 39662 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo