Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Dự án “Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật”: Lợi ích cho nhiều phía
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Dự án “Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật”: Lợi ích cho nhiều phía

Dự án “Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật” (gọi tắt là dự án) do Bộ Ngoại giao Đức và tổ chức Malteser International tài trợ đã thực hiện được 1 năm tại Đại Lộc. Dự án triển khai thực sự mang lại lợi ích cho người khuyết tật (NKT) và người thân của họ cùng cộng đồng.

Nhu cầu thiết thực

Quảng Nam là địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, và mỗi năm có không ít người trực tiếp bị ảnh hưởng. Thiên tai tác động lên tất cả mọi người, trong đó có NKT. Điều đáng nói, NKT là đối tượng dễ bị tác động và hậu quả tác động thường nặng hơn, do bản thân bị thương tật, khó khăn trong di chuyển, tránh bão lũ nếu không có người trợ giúp. Chị Lê Thị Phượng (xã Đại Hồng, Đại Lộc), bị khuyết tật ở chân, di chuyển cần sự hỗ trợ của xe lăn nên thường gặp rất nhiều khó khăn khi bão lũ. Chị chia sẻ: “Mỗi khi lũ đến, người thân thường cõng tôi đến chùa để tránh lũ. Hễ nước ngấp nghé ngoài mép sông là gia đình lo đưa tôi đi tránh lũ trước, vì tôi đi lại quá khó. NKT rất cần sự hỗ trợ của người thân và cả mọi người trong thôn, xóm để tránh bão lũ, hoặc khi có sự cố thương tích xảy ra”.

 

Tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho các thành viên đội cứu hộ.Ảnh: D.LỆ
Tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho các thành viên đội cứu hộ.Ảnh: D.LỆ

Không chỉ là nơi hay xảy ra thiên tai, Quảng Nam là tỉnh có nhiều NKT do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam trong chiến tranh. Vì thế Quảng Nam được lựa chọn là địa phương đầu tiên của Việt Nam được thụ hưởng những lợi ích của dự án. Trong đó, NKT, người thân và cộng đồng quanh NKT ở 6 xã (47 thôn) của các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên trực tiếp được Dự án hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thiên tai, từ tháng 4.2012 đến hết tháng 3.2014 (tổng kinh phí tài trợ hơn 4,5 tỷ đồng). Các địa phương tham gia dự án đều nằm trong vùng lũ lụt thường xuyên diễn ra, gây hậu quả nặng nề nhất về người và của. Ông Trương Tấn Bửu - Phó ban quản lý (BQL) dự án cho biết: “Trong quá trình đi khảo sát, BQL đều chọn những thôn nằm ở ven các con sông, dễ bị ngập lụt, có đông NKT cần được hỗ trợ để thực hiện dự án. Ở những nơi này, người dân và chính quyền địa phương thường xuyên ứng phó với lũ lụt, sạt lở nên đã có kinh nghiệm, dễ tổ chức thực hiện”.

Hỗ trợ trực tiếp

Tại huyện Đại Lộc, trong năm đầu tiên, dự án được thực hiện tại 19 thôn của 2 xã Đại Hồng và Đại Lãnh. Ông Bửu cho biết, khi dự án triển khai lần đầu tiên, có 500 người đến dự, trong đó có hơn 400 NKT, còn lại là cán bộ quân dân chính của thôn, người thân NKT và nhân dân địa phương. Từ những buổi khảo sát ban đầu, BQL dự án đã nắm bắt những nhu cầu cấp thiết liên quan đến NKT, như Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão các địa phương cần bổ sung kiến thức về quản lý rủi ro thiên tai; mỗi thôn cần có tổ cứu hộ, có hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai; chuẩn bị chủ động cơ sở vật chất để sơ tán và cứu hộ NKT gồm ghe cứu hộ, áo phao... Từ những nhu cầu này, BQL đã mở được 39 lớp tập huấn cho 475 NKT và người thân của NKT. Qua đó nâng cao nhận thức của NTK về việc tiếp nhận cảnh báo sớm và sơ tán sớm, nêu lên những khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ.

Sau những buổi tập huấn các kiến thức cần thiết, dự án đã cùng với chính quyền, ngành chức năng của 2 xã Đại Hồng và Đại Lãnh thành lập 19 đội cứu hộ ở 19 thôn, mỗi đội có 12 - 18 thành viên, gồm những người có sức khỏe, biết bơi, biết chèo ghe khi cứu nạn, có tính cộng đồng cao và tình nguyện tham gia giúp đỡ NKT. Đội cứu hộ được tập huấn các kiến thức cần thiết về sơ cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn hướng đến NKT. Những dụng cụ cần thiết như áo phao, phao cứu sinh, túi sơ cấp cứu, dây thừng... đã được dự án cấp cho 19 đội cứu hộ; 9 đội cứu hộ có nhu cầu về ghe cũng đã được cấp ghe cứu hộ.

Ông Hứa Quốc Dũng - Trưởng BQL dự án cho biết: “Quan trọng nhất là đội cứu hộ đã tham gia diễn tập thực tế, và áp dụng được các kiến thức vào quá trình sơ cấp cứu, cứu đuối và các tình huống bất ngờ liên quan khi cứu hộ cứu nạn, sơ tán NKT. Các thành viên đều có năng lực điều phối các hoạt động, lập kế hoạch cảnh báo sớm và sơ tán rất bài bản, hiệu quả”. Bà Bùi Thị Quản (thôn Tịnh Đông Tây, xã Đại Lãnh), thành viên đội cứu hộ thôn, sau khi được tập huấn các kiến thức liên quan đã ứng dụng ngay vào thực tế. Bà Quản kể: “Trong một lần ra đồng, tôi gặp một người già trong thôn đi thăm ruộng bị té nằm ở bờ ruộng không đứng lên được. Tôi đoán ông đã bị gãy chân nên áp dụng phương thức sơ cấp cứu tại chỗ như đã được tập huấn, bằng những vật dụng sẵn có như thanh tre, dây vải cố định chân. Sau đó tôi gọi người đến phụ, gọi gia đình đến đưa cụ đi viện kịp thời”.

Dự án triển khai, BQL rủi ro thiên tai cấp thôn cũng được thành lập với sự tham gia đầy đủ các thành phần quân dân chính và người dân. Qua các buổi họp, tập huấn, tham gia diễn tập, người dân được nâng cao nhận thức về các kiến thức liên quan đến việc giảm thiểu rủi ro thiên tai cho NKT. Họ đã xem đó là trách nhiệm của cả cộng đồng, chứ không chỉ riêng mỗi gia đình có NKT. Qua các buổi họp, BQL rủi ro thiên tai thôn xác định được điểm mạnh - yếu, nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, đặc biệt là NKT, đưa vào kế hoạch hoạt động. Nhờ vậy, nếu có sự cố là các đội, thành viên có thể ứng phó ngay theo nhu cầu, không để những rủi ro đau lòng xảy đến với NKT.

DIỄM LỆ 

 

Hoàng Kim (theo Báo Quảng Nam Online)

Lượt xem : 15817 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo