Trang chủ --> Gương sáng --> Người khiếm thị mưu sinh: Nỗ lực & mong muốn
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người khiếm thị mưu sinh: Nỗ lực & mong muốn

 

 

Gia đình của anh Phan Văn Đủ (xã Bàn Long, huyện Châu Thành) có 7 thành viên thì có đến 5 người khiếm thị. Cha của Đủ bị mù, 5 anh em của Đủ thì có 4 người khi lớn lên cũng dần dần mất ánh sáng, chỉ có cô em gái út là không bị khiếm thị. Năm 1994, biết Hội Người mù có dạy nghề bó chổi dành cho người khiếm thị, Đủ xin vào học.

Sau khi biết nghề, Đủ bó chổi bán kiếm tiền, nhưng bó 1 cây chổi bán chỉ được 10.000 đồng, trừ tiền vốn hết 4.500 đồng, nên thu nhập cũng không được là bao. Vì vậy Đủ đi học nghề se nhang mong kiếm được nhiều tiền hơn để phụ giúp gia đình. Nhưng rồi nghề se nhang thu nhập cũng bấp bênh, nên chuyển qua đi bán vé số. Cứ thế, 4 anh em của Đủ cứ làm hết nghề này sang nghề khác mà cũng chẳng giúp được gì cho gia đình, chỉ đủ ăn uống và chi tiêu cho bản thân. Vì vậy, nhiều năm qua, gia đình của Đủ vẫn chưa thể thoát nghèo để trả sổ hộ nghèo lại cho địa phương.

Chị Nguyễn Nguyên Bình (thị trấn Cai Lậy) bị mù từ năm 8 tuổi. Không muốn làm gánh nặng cho gia đình, chị Bình đi học nghề se nhang rồi ở lại Tỉnh Hội Người mù để sản xuất nhang với các anh chị trong tổ sản xuất của Hội. Sản phẩm bán được, Tỉnh Hội dùng để lo ăn uống hàng ngày cho các thành viên trong tổ sản xuất. Cuối năm kết toán, tiền còn dư thì chia ra cho anh em trong tổ sản xuất. Năm 2011, số tiền dư đến cuối năm được chia ra chỉ được 900 ngàn đồng/người.

May mắn hơn chị Bình, Nguyễn Thị Kim Ngân (phường 2, TP. Mỹ Tho) được gia đình đưa lên Hội Người mù TP. Hồ Chí Minh để học văn hóa. Học đến lớp 8, vì không theo kịp chương trình học hòa nhập nên Ngân nghỉ học văn hóa để đi học nghề massage. Hiện nay, Ngân làm nhân viên massage cho cơ sở massage Hồng Phúc (đường Trần Hưng Đạo, TP. Mỹ Tho), thu nhập được hơn 1 triệu đồng/ tháng (không tính tiền boa của khách).

Chủ tịch Tỉnh Hội Người mù Lê Văn Khôi cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 847 người khiếm thị, trong đó có 326 người trong độ tuổi lao động, 246 người có việc làm ổn định. Trong thời gian qua, để giúp cho người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, Hội đã lập 26 dự án, giúp cho hơn 500 lượt hội viên vay vốn, với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Hội viên vay chủ yếu để chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Trong tất cả các dự án, hội viên vay vốn đều hoàn trả vốn và lãi đúng hạn, không có hiện tượng nợ quá hạn. Bên cạnh đó, để giúp cho người khiếm thị có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân, Tỉnh Hội Người mù đã mở 7 lớp dạy nghề ngắn hạn, với 125 học viên. Học viên khi tham gia các lớp học nghề ngắn hạn sẽ được Tỉnh Hội lo chỗ ăn ở, không phải đóng bất kỳ khoản phí nào. Các nghề được Tỉnh Hội tổ chức mở lớp dạy là: bó chổi bông cỏ, chổi tàu dừa, se nhang bằng máy, đan lát hàng thủ công. Đây là những nghề phù hợp với khả năng người khiếm thị, có thể giúp họ có một việc làm ổn định. Qua các lớp dạy nghề ngắn hạn, một số hội viên đã tự sản xuất tại gia đình, một số tập trung thành tổ sản xuất tại Tỉnh Hội và Hội Người mù cơ sở.

Hiện nay, các hội viên sau khi học nghề đã hình thành 5 Tổ sản xuất, với 39 hội viên. Để giúp cho các hội viên có điều kiện sản xuất, Tỉnh Hội đã vận động các nhà hảo tâm trang bị cho các Tổ sản xuất 39 máy làm nhang, 3 máy trộn bột nhang, 2 máy ép bột nhang, trị giá gần 110 triệu đồng. Sản phẩm của người khiếm thị làm ra cũng đã được thị trường chấp nhận.

Chủ tịch Tỉnh Hội Người mù Lê Văn Khôi tâm tư: Người khiếm thị hầu hết đều kiên trì, chịu thương, chịu khó, chí thú làm ăn. Tuy nhiên, do năng suất lao động của người khiếm thị không cao như người sáng mắt, sản phẩm của họ cũng kém chất lượng hơn nên vẫn còn tiêu thụ chậm. Ngoài ra, các nghề đào tạo cho người khiếm thị chủ yếu là nghề giản đơn, nên thu nhập không cao. Chính vì vậy, dù đã cố gắng làm việc, nhưng thu nhập bình quân của người lao động khiếm thị đã qua đào tạo nghề chỉ dao động từ 300 đến 500 ngàn đồng/tháng. Với khoản thu nhập khiêm tốn ấy, nó có giá trị về mặt xã hội hơn là về mặt kinh tế. Chính vì vậy, dù trong thời gian qua, Hội Người mù các cấp đã nỗ lực giúp đỡ bằng nhiều cách, nhưng hiện nay vẫn còn 281 hộ người khiếm thị nghèo, chiếm tỷ lệ 33,2%; 54 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,4%.

Hiện nay, nhu cầu học nghề của người khiếm vẫn còn cao (hơn 140 người), nhất là đối với nghề massage. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên hiện nay Tỉnh Hội chưa thể mở lớp dạy nghề massage được, trong khi nghề này có thu nhập ổn định nhất so với các nghề khác. Để đáp ứng nhu cầu học nghề massage của hội viên, hàng năm Tỉnh Hội đã đưa hội viên đi học nghề massage ở TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Song do chỉ tiêu của Trung ương Hội Người mù phân bổ cho Tiền Giang thấp, nên đến nay Tỉnh Hội Người mù chỉ mới đưa được khoảng 20 người đi học nghề massage. Hầu hết các học viên sau khi học nghề massage đều có việc làm ổn định ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai...

Hiện nay, hội viên có nghề massage muốn về tỉnh nhà làm việc để gần gia đình, nhưng Tỉnh Hội chưa thể mở cơ sở massage được. Chủ tịch Tỉnh Hội Người mù Lê Văn Khôi bộc bạch: Tỉnh Hội có mặt bằng, nhưng lại không có kinh phí để đầu tư, nâng cấp trụ sở Hội để mở cơ sở massage cho người khiếm thị. Nếu mở được cơ sở massage không chỉ giải quyết việc làm cho người khiếm thị, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Tỉnh Hội mở các lớp đào tạo nghề massage cho hội viên. Chính vì vậy, bài toán giải quyết việc làm, giúp cho người khiếm thị tăng thu nhập, ổn định cuộc sống xem ra vẫn chưa có lời giải.

Nguyên Chương
 

 

Lượt xem : 35136 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo