Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Ngôi nhà chở nặng yêu thương
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Ngôi nhà chở nặng yêu thương

Chị đứng đó, hai bàn tay thoăn thoắt dồn thịt vào những trái khổ qua tươi roi rói. Có lẽ chị đi chợ mới về, chiếc khăn che mặt còn chưa kịp gỡ xuống. Chị chào hỏi chúng tôi vui vẻ và mời ngồi, trong khi chị cố nán làm hết công việc còn lại.

Chị là Đặng Thị Sương, còn gọi là Dương Ánh Sương, vợ anh Đỗ Văn Đá. Vợ chồng chị là chủ nhân ngôi nhà 9 căn, chỗ dựa của 30 người khiếm thị ở Bạc Liêu.

Đưa mắt quan sát ngôi nhà lá 9 căn xiêu vẹo, san sát những giường ngủ và bàn ăn dành cho 30 người mù, có cái gì đó thương cảm, xúc động chen lẫn với sự khâm phục dâng lên trong lòng tôi. Bếp ăn rất đơn giản, một người mù là đàn ông đang nhen lửa. Chị bảo có duy nhất một mình anh ấy còn thấy mờ mờ nên hay giúp chị làm những việc trong khả năng cho phép.

 

     Ảnh: KIM PHƯỢNG

 

Anh Đỗ Văn Đá (giữa) dạy chữ nổi cho người khiếm thị ở Hội Người mù tỉnh Bạc Liêu.
 
 

Trên nóc ngôi nhà lổ chổ những đốm sáng, lá đã xộc xệch và bị bào mòn bởi thời gian; dưới chiếu, trên những chiếc giường nhiều chấm trắng tròn bò chậm chạp theo sự dịch chuyển của mặt trời, cả dãy nhà cột kèo đều xiêu về một hướng. Nhiều cửa ra vào, nhiều giường xếp cạnh nhau không kê ngay hàng thẳng lối, nhưng các anh chị em mù không hề lộn phòng hay lộn giường nhau. Có phải lối quen hay hơi quen đưa lối dẫn đường? Tôi nghĩ có thể cả hai.

 

Chị đưa chúng tôi lên văn phòng của Hội Người mù tỉnh Bạc Liêu. Đó là một căn nhà ngang 4 m, mái ngang, nơi văn phòng làm việc độ chừng trên 20 m2, chính giữa đặt chiếc bàn trà, hai bên là hai dãy bàn để máy vi tính.

Anh ngồi đó, hướng mặt ra ngoài nghe ngóng, vừa bình thản, vừa nôn nao, đôi mắt anh che kín bởi hai tròng đen to của chiếc kính mát. Trông anh người tầm thước, khỏe mạnh như ẩn chứa một thời ngang dọc.

Gương mặt anh tươi nhưng không che giấu được nỗi khắc khổ của thời chinh chiến mà anh đã từng trải. Tất cả vẽ nên nét trầm tư sâu sắc, lắng đọng. Chào tôi và bắt tay thân mật với chúng tôi, anh cười vui vẻ…

... Năm 1971, anh ra trận chiến đấu bị thương mù một con mắt và lui về xưởng cơ khí huyện Châu Thành, tỉnh Cà Mau tiếp tục cống hiến. Không may, ngày 15/10/1972 anh lại bị trái nổ, trên người anh lãnh hơn 20 vết thương. Đau đớn hơn, ánh sáng còn lại cuối cùng của đời anh cũng tắt lịm.

Thế là cuộc đời anh chìm vào bóng tối. 19 tuổi đời anh phải chấp nhận một thực tế phủ phàng. Nhưng lạ lùng thay, ánh sáng vô hình mầu nhiệm khác đã lớn dậy trong anh. Đó là ánh sáng của trí tuệ, niềm tin, sức mạnh, hy vọng mà trên hết vẫn là ý chí luôn được anh nuôi lớn trong những ngày sống trong bóng tối.

Khi thị giác mất đi, các giác quan còn lại trở nên kỳ diệu. Bằng sự tập trung cao độ, anh lắng nghe nhiều hơn về lưu giữ vào bộ nhớ dù là chi tiết nhỏ nhất mà anh thu lượm được. Phải chăng đây là bản năng vốn có của người khiếm thị? Tôi nghĩ hẳn anh đã phải dày công rèn luyện.

Dù không còn hình ảnh "tình yêu bắt đầu từ đôi mắt", nhưng hạnh phúc thay trong đời, anh có hai người phụ nữ mang đến cho anh tình yêu, tiếc rằng anh cảm nhận được hình hài, nhưng không thấy được làn da, ánh mắt, bờ môi... Anh cảm nhận nụ hôn nồng cháy, vòng tay xiết chặt, nhưng không thấy được bàn tay ngọc ngà, dáng đi uyển chuyển của người thương. Bù lại anh được ban tặng bảy người con trai, một cô con gái dễ thương, hiếu thảo, lễ nghĩa.

Chia tay người vợ trước, anh gặp chị Dương Ánh Sương khi chị hãy còn rất trẻ. Chị yêu thương hết các con anh, bảo bọc, chở che, nuôi ăn học và tạo cho chúng có công ăn việc làm, có danh phận trong xã hội.

Bù lại, các con anh rất yêu thương cha mẹ, hiểu và ủng hộ nhiệt tình việc cha mẹ bán hết vàng vòng được 39 triệu đồng, cất nhà nuôi 30 người cùng cảnh ngộ, cả việc thu xếp căn nhà ở Láng Trâm, vợ chồng chị dọn lên ở chung để chăm lo cho 30 anh chị em mù từ miếng cơm, giấc ngủ, đi chợ, rửa bát, nấu cơm, quét dọn...

Tất tần tật chị đều đảm đang, chỉ mong anh một lòng một dạ với chị, hết lòng thương yêu chị.

Thời nào cũng có rất nhiều phụ nữ hết mực yêu thương chồng, vun đắp sự nghiệp cho chồng, nhưng ủng hộ hết mình thực hiện tâm nguyện của chồng như chị Dương Ánh Sương thật hiếm có.

 

                               Ảnh: KIM PHƯỢNG

 

Anh Đỗ Văn Đá và chị Dương Ánh Sương hiện là chỗ dựa của 30 người khiếm thị.       
 
 

Tâm sự với chúng tôi, chị cười hồn nhiên: Có khi cũng thiếu tiền chi, bởi lương thương binh của anh và phụ cấp nuôi dưỡng thương binh nặng của chị cũng chỉ hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Chị ra chợ mua hàng mối ghi nợ có khi đến 16 triệu đồng hoặc 26 triệu đồng, nhưng chị có lòng tin bà con không bỏ chị, các con vẫn luôn ủng hộ anh chị.
 

 

Vậy là địa chỉ 160, ấp Cái Tràm A, xã Long Thạnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đã trở thành nơi bao người có lòng nhân ái, từ tâm gửi gắm. Người ta biết ở đó có vợ chồng anh Đá mù, làm Chủ tịch Hội Người mù bỏ tiền cất nhà và nuôi 30 người mù không tiếc sức mình. Bà con ở chợ Bạc Liêu và nhiều tổ chức, cá nhân khác, người ủng hộ tiền, người gạo, thịt, rau củ, quả... thường xuyên chở đến tiếp tế cho chị.

Các con chị khi thì cá, tôm, hột vịt, chuối, dừa, mắm, muối, nước tương... ủng hộ cha mẹ tận tình. Cũng có khi chị lội xuống đầm trũng sau nhà, giăng bắt cá cho anh em ăn tạm vài ngày, nhờ thế mà các anh chị vượt qua những lúc eo nghèo, túng ngặt.

Mang ánh sáng tri thức cho người mù

Anh Đỗ Văn Đá cho biết, ở đây tất cả 30 người đều được học văn hóa từ lớp 1 trở lên theo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Anh cho chúng tôi xem các dòng chữ nổi trên sách, chúng tôi là người sáng mắt còn không biết đâu mà lần. Điều làm chúng tôi khâm phục hơn cả là anh đảm nhận việc dạy vi tính cho hơn 20 người còn trẻ ở đây. Các máy tính đều do anh đi xin máy cũ của các cơ quan mà có.

Anh bảo, anh học vi tính qua điện thoại với bạn bè và anh dạy lại cho các em, các cháu, giờ có cháu giỏi dạy lại cho người tiếp theo. Anh nói thêm, máy được cài đặt phần mềm tiếng Việt dành cho người khiếm thị do ông Đặng Hoài Phúc, Giám đốc Trung tâm Sao Mai TP Hồ Chí Minh viết chương trình dành riêng cho Việt Nam.

Tôi háo hức muốn xem hiệu quả nên lấy USB cho cháu An khai thác thông tin trên máy ngay. Chao ôi! Hình ảnh 10 ngón tay cháu An lướt trên bàn phím, nhấn phím lệnh, chúng bật lên âm thanh tiếng Anh và tiếng Việt nhanh và chính xác đến không ngờ. An nhấn OK, thế là từng tác phẩm hiện ra, máy đọc vang lên, ấm áp, mọi người cùng thưởng thức.

Còn tôi, nỗi vui mừng chen lẫn với khâm phục trước sự nỗ lực của các em, ông Chủ tịch Hội Người mù, cả Ban Chấp hành Hội Người mù tỉnh Bạc Liêu, cả người phụ nữ đứng bên anh, giữ vai trò "nội trợ" cho anh và cho cả 30 người đồng cảnh.

Anh vừa cho biết, rằng anh đã đưa 4 em đi đào tạo giáo viên ở Hà Nội 6 tháng, học chương trình cải cách chữ nổi của Bộ Giáo dục - Đào tạo, chương trình sử dụng máy vi tính quản lý văn phòng. Khi 4 em này quay về, Hội sẽ có 4 giáo viên đã qua đào tạo sư phạm để dạy lại cho người khiếm thị. Tương lai đang mở ra trước mắt họ con đường hòa nhập cộng đồng như mong đợi của chúng ta. Tuy nhiên, tỉnh Bạc Liêu có đến gần 2.000 người khiếm thị, đó là điều anh vẫn luôn trăn trở.

Chị bảo, anh tế nhị lắm, chăm chút cho chị, giúp chị những việc trong tầm tay anh như: giăng mùng, giặt giũ, lau dọn, bơm nước... để sẵn cho chị lúc anh sắp đi vắng nhà. Cố nán lại đợi anh em dùng cơm trưa, chúng tôi thấy chị như người mẹ hiền, chăm chút cho từng người.

Chị gắp thức ăn cho anh, bới cơm cho anh, chị thêm thức ăn chỗ nọ, chỗ kia. Chúng tôi hỏi sao chị không cùng ăn luôn, chị bảo, mọi người ăn xong chị mới ăn. Thật là một nghĩa cử đáng quý trọng.

Trước khi chúng tôi ra về, lời anh muốn nói là chính sách của Nhà nước cho người khiếm thị còn những mặt chưa đổi mới. Mảnh đất mà Văn phòng Hội Người mù tỉnh Bạc Liêu mà 30 anh chị em đang cư ngụ là đất thuê, mỗi tháng 1.000.000 đồng.

Gần đây chủ hộ kêu bán đất, trong khi anh đang vận động xin các nhà tài trợ cất tạm 9 căn nhà mới cho anh em ở qua vài mùa mưa, chờ Nhà nước định vị chỗ làm việc ổn định sẽ xây dựng nhà cơ bản.         

Hy vọng vẫn là hy vọng và niềm tin còn đang ở phía trước. Anh vẫn luôn mong cơ quan anh có văn phòng làm việc, để anh chị em mù có chỗ ở ổn định. Để nơi đây là một địa chỉ, là nơi gặp gỡ của những tấm lòng bác ái, từ tâm, cùng chia sẻ nỗi đau của những người bất hạnh, giúp họ vươn lên, hòa nhập cộng đồng./.

Bút ký của Nguyễn Tuyết Nga


 

 

Lượt xem : 78023 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo