Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Nguồn sáng từ một tấm lòng
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Nguồn sáng từ một tấm lòng

Tính từ năm 1993 đến nay, Trung tâm Phòng chống các bệnh Xã hội (TTPCCBXH) tỉnh Cà Mau đã thực hiện khoảng 20.000 ca mỗ mắt. Trong số đó có 75% miễn phí cho người mù nghèo, 50% do bác sĩ (Bs) Trương Chí Thảo- Phó Giám đốc Trung tâm trực tiếp phẫu thuật. Con số 10.000 ca là một kỷ lục thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện giá trị làm việc của một tư duy khoa học cùng đôi tay tài hoa. Và sẽ không quá lời khi nói rằng: “Anh là người sinh ra để… mổ”.

Khởi nghiệp là nhân viên kế toán Trung tâm Y tế huyện Đầm Dơi, hằng ngày được chứng kiến những hoạt động của cơ quan, thấy nghề y cứu sống được con người, chữa lành những nỗi đau, hơn nữa là nhân tố quan trọng tạo nên sự ổn định mạnh mẽ về thể chất, tinh thần của dân tộc, giống nòi. Anh quyết định chuyển hướng theo đuổi học y với ước nguyện là được giúp người.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, năm 1990 anh nhận nhiệm vụ tại Trạm Mắt (nay là Khoa Mắt) thuộc TTPCCBXH tỉnh Minh Hải. Như một sự đặt để hoàn thiện, ở môi trường này anh đã bộc lộ rõ tư chất, năng khiếu gần như bẩm sinh cùng với những kinh nghiệm dày dạn dần được bổ sung.

Nhiều bác sĩ ở tuyến trên đều nhận định: "Anh là một bác sĩ giỏi của chuyên khoa Mắt và đứng đầu hiện nay của tỉnh".

 

 

 
 Một ca mổ mắt do Bs Thảo phụ trách   Ảnh: T.M

Có lần dự Hội nghị toàn ngành mắt tại Hà Nội, được nghe một số tỉnh báo cáo kết quả chương trình mổ mắt đưa về tuyến huyện, anh thấy hay hay rồi chợt nghĩ đến quê mình chằng chịt kênh rạch, việc đi lại đối với bệnh nhân mù nghèo là cực kỳ khó khăn. Làm cách nào để giúp người bệnh được sáng mắt và giảm thấp nhất chi phí đi lại?
 

 

Sau thời gian suy tính chu đáo, anh đã chủ động đề xuất và được lãnh đạo thống nhất ủng hộ. Chuyến đi đầu tiên năm 1993 chọn địa bàn thí điểm là huyện Trần Văn Thời, với ê kíp mổ gồm hai người. Không có bác sĩ "đàn anh" theo hỗ trợ, kèm cặp, anh và y sĩ phụ tá - hai tấm lòng chung một quyết tâm cùng bắt tay khởi sự cho một quá trình dài mổ mắt miễn phí mà sau này trở thành chương trình lớn của tỉnh: Chương trình Ánh sáng cho người mù nghèo tỉnh Minh Hải - một chương trình xã hội giàu tình nhân ái.  

Lạ lùng thay phút khởi đầu, niềm hào hứng cứ vô tư tràn ngập trong anh, xen lẫn là những hồi hộp lo lắng trước những bất trắc có thể xảy ra. Giữa ranh giới mong manh của sự thành công hay thất bại có ý nghĩa quyết định rất lớn, bởi lúc bấy giờ người dân rất hoang mang, lo sợ.

Lần đầu 16 ca mỗ mắt đục thủy tinh thể cho người mù nghèo kết thúc vỡ òa trong niềm vui háo hức của mọi người, trong đó có người bệnh, anh và nhiều đồng nghiệp ở Trung tâm cùng đi theo cổ vũ.

Bs Nguyễn Minh Triết- Trưởng Khoa Mắt của Trung tâm cho biết: Ở thời điểm thiếu thốn mọi thứ, chủ động và mạnh dạn thực hiện chương trình, là một quyết định có phần táo bạo. Vì không tiền, chương trình sẽ bị gãy, kèm theo là máy móc cũ kỹ, nhân lực thiếu, mạng lưới y tế cơ sở chưa được tập huấn, công tác truyền thông hạn chế, nhận thức của người dân chưa dám tin sẽ được sáng mắt sau phẫu thuật.

Sự huyền diệu của y học cùng với tấm lòng của những người thực hiện chương trình đã giúp cho hàng chục ngàn người trở lại cuộc sống bình thường, hòa nhập cộng đồng sau bao năm dài khổ sở sống dò dẫm từng bước trong hoàn cảnh khó nghèo.

Nhiều cụ già ăn cơm lấy tay bóc dò từng cọng xương cá, có cô mang thai sinh đẻ hai lần vẫn chưa biết mặt con, có người bị liệt đôi chân, bị động kinh, hoặc bị bệnh kéo dài trong nhiều năm nên quên đi dung mạo của người thân…

Càng lăn lộn thực tiễn, thấu hiểu nỗi đau người bệnh, anh càng dốc tâm trí vào lĩnh vực chuyên môn, với mong muốn vươn đến những hiệu quả cao hơn trong việc chăm sóc người bệnh.

Từ những hiệu quả công việc, chương trình được nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước biết đến, rồi tích cực giúp sức ủng hộ về vật chất lẩn tinh thần. Lãnh đạo địa phương cũng luôn quan tâm tạo mọi thuận lợi để chương trình phát huy tối đa "công lực".

Năm 2002, một người Việt sống tại Úc biết Cà Mau có chương trình này nên gửi tặng số tiền, nhờ người thân của mình là chị Bích sinh sống tại Cà Mau trao lại. Không ngờ chị Bích nhiệt tình tiếp tục vận động thêm bạn bè, tổng số tiền bằng chi phí cho 171 ca mổ.

Đoàn tìm đến Trung tâm trao tiền và khăng khăng xin được cùng theo bs Thảo xuống huyện Cái Nước để tặng quà cho bệnh nhân và để tận mắt nhìn thấy anh phẫu thuật.

Đồng hành với bước tiến của chương trình là những nung nấu trăn trở, hy vọng, những vất vả khó khăn mà anh và đồng nghiệp đã trải qua. Hằng tháng xuống cơ sở lặn lội đến từng nhà tìm bệnh, trực tiếp điều tra lên danh sách, hẹn ngày phẫu thuật tại các Trung tâm Y tế huyện.

Mỗi lần đi phải khuân vác đồ nghề cồng kềnh, nặng nề, bác sĩ vẫn phải làm tất tần tật. Nhiều chuyến công tác liên huyện phải đi hằng tuần, thiếu ăn đói ngủ, có ngày phải ngồi mổ từ sáng cho đến tám giờ tối, chỉ nghỉ nhanh để ăn trưa bằng cơm hộp, kèm theo đó là bao khó khăn trở ngại về điều kiện làm việc vẫn mặc lòng.

Trong ký ức của nhiều người, bs Thảo đã để lại những ấn tượng thật sâu sắc, đẹp đẽ. Nhà văn Nguyễn Thanh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Cà Mau, không may nhiều lần bệnh "gặp phải" các bác sĩ trẻ nói năng dặt một, gương mặt khằm khặm cứ chăm chăm nhìn đâu đâu… đã thành nỗi ám ảnh khó quên, khiến ông thất vọng và luôn thấy ái ngại khi có bệnh cần tìm đến bác sĩ.

Trong một lần được Bs Thảo khám mắt, ghi nhận của ông: "Đó là một bác sĩ rất ân cần, khiêm tốn, thân thiện với bệnh nhân, làm cho tôi thấy yên tâm, hạnh phúc khi được khám và chữa trị. Cầu trời cho đời này có nhiều thầy thuốc như Bs Trương Chí Thảo. Bớt dần, hết hẳn mấy ông thầy thuốc lạnh lùng, ăn nói dặt một, không biết quan tâm, quý trọng người bệnh".

Làm tốt công tác khám chữa bệnh, tổ chức xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ trong và ngoài tỉnh…, nét nổi bật ở người thầy thuốc ngoại khoa này là xử lý vết mổ phức tạp rất tài tình.

Dưới vùng sáng kính hiển vi, đôi tay anh nhẹ nhàng từng động tác tỉ mẩn, chính xác, thuần thục trên đối tượng nghiên cứu quen thuộc đầy sức hấp dẫn. Mắt chăm chú, đầu óc suy nghĩ, tay làm, chân đạp cùng phối hợp nhuần nhuyễn, giải quyết nhanh chóng những trường hợp thuộc phần việc của mình, vì một tham vọng thôi thúc là  được nhìn thấy những đôi mắt trong trẻo, nguyên lành.

Không để một hạn chế tinh thần nào cản trở, nhưng có lúc anh vẫn thấy căng thẳng bởi có những áp lực, nhất là đối với bệnh nhân chỉ còn lại một mắt hoặc bị bệnh quá lâu, quá nặng. Bằng mọi cách làmsáng lên niềm hy vọng cuối cùng mà người bệnh đã giao phó cho mình.

Mặc dầu được đào tạo, ai cũng có thể cầm dao mổ nhưng để có những đường mổ đẹp, chính xác, chất lượng, trong phẫu thuật vẫn đòi hỏi yếu tố về năng khiếu.

Bs Triết cho biết: Cái năng khiếu của bs Thảo, là ở chỗ xử lý tình huống rất nhạy bén, chính xác. Nhìn vào mắt người bệnh anh sẽ tính toán  phẫu thuật cách nào đem lại chất lượng tốt nhất, an toàn nhất.

Những năm trước đây, đoàn bác sĩ người Nhật thuộc tổ chức phòng chống mù loà của Châu Á đến Cà Mau thực hiện chương trình mỗ mắt, đã mời bác sĩ Thảo cùng tham gia.

Lúc đầu, có lẽ về phía bạn chưa thật sự an tâm nên không muốn dính líu về trách nhiệm, họ quan sát, ghi chú cặn kẽ từng bệnh nhân do bs Thảo phẫu thuật.

Lần đó có trên một trăm ca thì Bs Thảo đã mổ hơn phân nửa. Chuyện mổ xẻ là điều rất cụ thể, sai đúng rõ ràng, chỉ qua một lần hợp tác, đến những lần sau này đoàn xóa luôn việc ghi chú bệnh án, đồng thời những ca khó đều chuyển cho Bs Thảo.

Để tạo dựng được lòng tin trong lòng đồng nghiệp, kể cả các bác sĩ bậc thầy trong nước và nước ngoài, là cả quá trình dài Bs Thảo đã khổ luyện, không ngừng học hỏi, nghiên cứu, làm việc say mê, kiên nhẫn, có hệ thống.

Dầu mệt mỏi, vất vả nhưng với anh thật sự là niềm hạnh phúc khi được cống hiến cho cái nghiệp mà mình tự đi tìm rồi buộc vào thành số phận.

Như một đốm lửa âm thầm bừng cháy, đem lại nguồn sáng diệu kỳ cho biết bao người cũng như thắp sáng hình ảnh người thầy thuốc biết dấn thân, hết lòng vì đạo nghiệp.

Không chỉ giỏi giang về chuyên môn, anh còn mày mò nghĩ ra nhiều sáng kiến độc đáo, góp phần làm giảm bớt khó khăn tình hình kinh phí của đơn vị. Mỗi khi đề cập những đóng góp đó, các đồng nghiệp trong cơ quan đều dành cho anh những tình cảm yêu thương, quý trọng và tin tưởng.

Y sĩ Mộng Long kể: “Anh Thảo tánh tốt lắm, vui vẻ, hiền lành, điềm đạm, ít nói, về máy móc ảnh giỏi lắm nghen. Mỗi lần kỹ thuật viên lắp ráp anh đều đứng xem để học hỏi, đến khi máy móc các khoa gặp trục trặc là anh đứng ra sửa chữa. Anh còn tận dụng những vật dụng cũ chế lại để tiếp tục sử dụng. Kể về ảnh nhiều chuyện hay lắm, kể hổng hết đâu.

Những năm trung tâm gặp khó khăn, bệnh nhân đến phòng mạch của anh, anh giới thiệu ngược lại để bệnh nhân tìm vào trung tâm điều trị”.

Bs Trần Quang Khoá nguyên là Giám đốc Trung tâm, trước kia là cấp trên, từng cùng Bs Thảo đi thực hiện các chương trình, cho biết: "Thảo rất chịu khó tìm tòi cải tiến cách làm việc, đồng thời có cá tính rất đặc biệt. Luôn luôn khiêm tốn, chưa bao giờ nói về mình và luôn từ chối mọi danh hiệu thi đua, mọi danh dự khen thưởng.

Lòng say mê học hỏi và nghiên cứu của Thảo không hề vì tiền tài, danh vọng. Với tay nghề của mình, muốn lên tuyến trên làm việc là chuyện rất dễ dàng, kèm theo đó là những hứa hẹn về cuộc sống kinh tế dư dả, con cái học hành nhiều thuận lợi, nhưng Bs Thảo không màng tới, chỉ mong muốn ở lại để phục vụ tỉnh nhà, đúng như lời hứa với mẹ mình ngay từ ngày đầu bước vào nghề y.

Phong và mắt công việc hoàn toàn khác nhau nhưng Thảo vẫn luôn chia sẻ, ủng hộ cùng với chương trình phong đi giám sát nắm tình hình trao đổi, làm việc rất hiệu quả và có trách nhiệm".

Còn Bs Nguyễn Minh Triết chân tình: Anh Thảo có rất nhiều sáng tạo, chẳng hạn anh nghĩ ra việc đặt hai webcam, một quay toàn cảnh trong phòng mổ, một gắn vào kính hiển vi ghi lại vùng mổ, rồi chuyển hình ảnh lên màn hình rộng để các đồng nghiệp và thân nhân người bệnh ở bên ngoài đều có thể quan sát mọi diễn biến trong quá trình phẫu thuật.

Cách làm này chỉ dưới hai triệu đồng, so với camera chuyên dụng là vài ngàn đô la Mỹ. Hoặc anh thay bóng đèn chiếu sáng của kính hiển vi trị giá khoảng năm trăm đô la bằng một bóng đèn thường chỉ vỏn vẹn 20.000 đồng, bằng cách quấn thêm chì, thêm bạc vào hai chân đèn cho phù hợp với kích thước để sử dụng.

Thời kỳ máy móc "cổ lổ sĩ”, anh đã dùng một bình ga thông qua blóc lạnh để tạo ra cái đầu lạnh đông dùng để lấy thủy tinh thể, thay vì đưa dụng cụ vào để gắp rất dễ bể, dễ gây tai biến.

Có lần anh Thảo tâm sự rằng, thực lòng anh không muốn làm phó giám đốc, nhưng suy đi nghĩ lại anh nhận, làm phó mới được ký lệnh mổ, lệnh điều trị miễn phí, có thể giúp cho người bệnh nghèo được nhiều hơn nữa.

Trong cơn lốc thị trường hiện nay, tình trạng tiêu cực đang tấn công vào các cơ sở y tế, khiến người dân cảm thấy hoài nghi về hai chữ “tâm đức” của đội ngũ cán bộ chuyên môn.

Riêng anh, dầu cuộc sống gia đình còn đạm bạc, nhưng Bs Thảo đã nêu một tấm gương tiêu biểu về y đức, tập trung nhiều đức tính hiếm thấy, bằng chính cách sống, cách nghĩ, cách làm việc của mình.

Chưa bao giờ anh xuất hiện trước cơ quan truyền thông để nói về mình, những gì mà mọi người biết đến anh đều bắt nguồn từ thành quả công việc.

Nghĩ về anh, nói về anh chính là nói đến một nhân cách sống tràn đầy tình yêu thương và giàu sức cống hiến, có tác động khích lệ nhiều người, kêu gọi được sự góp sức của cộng đồng. Đó chính là cách sống vì mọi người, vì người bệnh - một tinh thần y đức luôn sáng ngời và cao quý./.

Thực hiện: Đỗ Thùy Mai

 



 

Hoàng Kim (theo .:: Cà Mau Online)  

Lượt xem : 58612 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo