Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Giúp người khiếm thị tự lo cuộc sống
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Giúp người khiếm thị tự lo cuộc sống

 

Sau khi học nghề, nhiều người tự đứng ra mở điểm tẩm quất cổ truyền, tạo thu nhập khá ổn định, bảo đảm cuộc sống hằng ngày... 
 


Dạy nhạc cho người khiếm thị

 
Đứng trước khó khăn trong việc chọn hướng đi giải quyết việc làm cho người khiếm thị, ngay sau khi thành lập (năm 1998), Hội Người mù tỉnh đã mở các lớp đào tạo nghề tẩm quất cổ truyền. Năm 2009, hội đã tổ chức 2 lớp học đầu tiên với khoảng 30 học viên tham gia học chữ nổi, phục hồi chức năng và các kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt. Với mong muốn hội viên học xong có việc làm ngay, hội đã chọn Hội Người mù TP Hải Dương làm điểm mở dịch vụ tẩm quất. Đến nay, các điểm tẩm quất đã được nhân rộng ra tất cả các Hội Người mù huyện, thị xã. Dịch vụ này đang là hướng đi phù hợp nhất với người khiếm thị, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho hội viên.

Đến thăm đơn vị tẩm quất cổ truyền Hội Người mù TP Hải Dương, nhiều người phải khâm phục bởi bàn tay lao động chăm chỉ, bền bỉ của những người khiếm thị. Anh Nguyễn Xuân Quyết, một cán bộ của hội cho biết: "Hội có 2 điểm tẩm quất, tạo việc làm cho 44 hội viên. Các phòng được trang bị đầy đủ quạt, điều hòa nên thu hút đông khách. Thu nhập trung bình mỗi người khoảng 2 triệu đồng/tháng, có người lúc cao điểm lên tới 5 triệu đồng/tháng". Gia đình anh Trần Văn Tiền (quê ở xã Hiệp An, Kinh Môn) là một trong những gia đình có thu nhập cao nhất tại hội. Vào mùa hè, có tháng anh Tiền thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng. "Tôi có 7 anh em thì 4 người bị khiếm thị nên cuộc sống rất khó khăn. Tôi phải tự xoay xở làm nhiều nghề, từng tham gia đội thủy lợi, cắt đất đắp đê, đóng gạch ba banh, làm than tổ ong để nuôi sống bản thân. Sau khi tham gia lớp học tẩm quất cổ truyền và được tạo việc làm, cuộc sống của tôi đã thay đổi hẳn”, anh Tiền cho biết.



Hội viên Hội Người mù Thanh Hà sản xuất tăm tre Vip

 
Đến nay, Hội Người mù tỉnh đã mở được 28 lớp học nghề với gần 450 học viên. Khoảng 90 - 95% số học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp; nhiều người tự đứng ra mở điểm tẩm quất cổ truyền. Hội Người mù các cấp quản lý 17 điểm tẩm quất, tạo việc làm cho 125 hội viên. Mỗi năm, các điểm tẩm quất thu hút hàng trăm nghìn lượt khách, với tổng doanh thu từ 3 - 3,5 tỷ đồng. Một số Hội Người mù cấp huyện như Thanh Hà, Thanh Miện được quan tâm đầu tư xây dựng các điểm dịch vụ khang trang.

Để tạo việc làm cho nhiều hội viên, cả những người trung tuổi, sức kém, Hội Người mù tỉnh đã mở các HTX 18 - 4 sản xuất tăm tre. Hiện nay, mô hình này được mở ở 3 huyện Thanh Hà, Nam Sách, Tứ Kỳ, tạo việc làm cho khoảng 70 hội viên, thu nhập mỗi người từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Năm 2011, các đơn vị này sản xuất và tiêu thụ hơn 1,1 triệu gói tăm tre, doanh thu đạt hơn 2,6 tỷ đồng. Riêng tổ hợp tác của Hội Người mù Thanh Hà đã sản xuất được tăm tre Vip. Hội đã đầu tư các máy làm tăm, máy phun quế, máy cắt, máy phát điện… nên chất lượng tăm không thua kém gì các hãng khác. Tăm Vip của Hội Người mù huyện Thanh Hà đã được tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà còn bán ra cả ở các tỉnh bạn. Nhiều người khiếm thị ở các tỉnh khác cũng về Hội Người mù huyện Thanh Hà học nghề. Em Trần Văn Huân (Tuyên Quang) vào học nghề và làm việc được hơn 1 năm cho biết: “Ở Tuyên Quang chưa có mô hình này, thông qua đài phát thanh, em tìm về tận nơi để xin học. Em học nghề xong được tạo việc làm và có thu nhập ổn định. Sau này, em sẽ về Tuyên Quang để làm nghề này tại quê nhà”.

Được sự hỗ trợ của Tổ chức từ thiện Marion (Hoa Kỳ), Hội Người mù tỉnh đã mở 2 lớp dạy nhạc cho 24 học viên. Các học viên được học các loại nhạc cụ hiện đại và truyền thống, các kỹ thuật thanh nhạc. Các học viên được đào tạo các kỹ thuật thanh nhạc cơ bản tiến đến nâng cao. Hội đã thành lập đội biểu diễn nghệ thuật, bước đầu đã biểu diễn lồng ghép ở một số hội nghị. Hội đang xúc tiến các thủ tục thành lập Trung tâm Hướng nghiệp và tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Hội Người mù tỉnh với mong muốn các hội viên đam mê âm nhạc sống được bằng nghề. Chị Nguyễn Thị Thịnh, học viên thanh nhạc cho biết: “Tôi thường hát theo các nghệ sĩ sau khi nghe trên đài. Được Hội Người mù tỉnh tạo điều kiện mời giáo viên về dạy, chúng tôi được học bài bản hơn. Thỉnh thoảng chúng tôi được đi biểu diễn nên cuộc sống cũng vui hơn”.

Bên cạnh đó, Hội Người mù các cấp luôn coi trọng công tác xóa đói giảm nghèo cho hội viên. Các cấp hội phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người khiếm thị được hưởng chính sách xã hội. Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 người khiếm thị được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hơn 1.200 hội viên được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên.
Báo Hải Dương
 

 

Lượt xem : 22139 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo