Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Hành trình không đơn độc
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Hành trình không đơn độc

Hiện toàn tỉnh Ninh Bình có trên 20.000 người tàn tật, chiếm gần 3% dân số, trong đó, 1/3 tổng số người tàn tật là thương binh, con những người bị nhiễm chất độc hóa học, số còn lại chủ yếu do tàn tật bẩm sinh và các loại khác nhau như: tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Những năm qua, tỉnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật, tạo cơ hội cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống...

Anh Sướng giúp vợ chuẩn bị bữa ăn gia đình
Anh Sướng giúp vợ chuẩn bị bữa ăn gia đình


 

Hai đứa trẻ đi học về, ngoan ngoãn chào bố rồi tíu tít kể cho bố nghe chuyện ở trường, ở lớp. Người bố trẻ mù lòa Đặng Quang Sướng tuychưa một lần nhìn thấy mặt các con, song nghe được giọng nói trong trẻo của con, anh vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc dâng trào. Người vợ tảo tần, hiền thục vừa luôn tay dọn dẹp nhà cửa, vừa dạy các con lời bài hát “cả nhà thương nhau”. Ngôi nhà nhỏ rộn rã tiếng cười. Cái hạnh phúc giản đơn ấy đã hiện hữu từ nhiều năm nay, song nhiều lúc, anh Sướng vẫn ngỡ đó là một giấc mơ.

 

Sinh ra tại xã Phú Long, huyện Nho Quan. Thuở nhỏ, Đặng Quang Sướng cũng có một tuổi thơ êm đềm như bao đứa trẻ khác. Rồi tai họa ập tới, khi đang học lớp 7 thì anh phát hiện thị lực của mình ngày càng giảm sút. Gia đình vay mượn tiền đưa anh đi khám và chữa ở nhiều nơi, song căn bệnh thoái hóa võng mạc không thể chữa khỏi và Đặng Quang Sướng đã phải thích nghi với cuộc sống trong bóng tối ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Sướng nhớ lại: Tôi vật vã trong đau khổ, tuyệt vọng, bất lực. Bao nhiêu ước mơ, dự định bỗng chốc tan biến. Từ một người khỏe mạnh tôi trở thành tàn tật, cuộc sống, sinh hoạt phải dựa vào sự hỗ trợ của người thân. Thế rồi, tôi tham gia vào Hội người mù của huyện. Tại đây, tôi được học chữ nổi, rồi học nghề làm tăm tre. Quan trọng hơn là tôi được giao lưu, trò chuyện, sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ để cùng tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Cuộc sống của tôi dần bình yên trở lại khi tôi lấy lại được sự lạc quan. Và từ những buổi giao lưu với những người cùng cảnh, ông trời đã xe duyên cho tôi được gặp vợ tôi bây giờ. Tuy không bị mù hẳn như tôi song đôi mắt của vợ tôi cũng kém. Bằng tình yêu đôi lứa, bằng sự sẻ chia của những tâm hồn đồng cảnh, chúng tôi quyết định tổ chức lễ cưới vào năm 2000. Những năm sau đó, đôi vợ chồng đặc biệt này đã lần lượt cho ra đời hai đứa con một trai, một gái.

 

Để có điều kiện kinh tế chăm lo cho gia đình, từ năm 2001, Đặng Quang Sướng chuyển sang học nghề xoa bóp, bấm huyệt. Tiếp thu nhanh nên chỉ sau thời gian ngắn, Đặng Quang Sướng đã là thợ lành nghề. Anh tự tin mở một tiệm xoa bóp, bấm huyệt ở thị trấn Nho Quan và tạo việc làm cho 2 người khuyết tật khác với mức thu nhập ổn định. Ngoài ra, anh còn là Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Nho Quan.

 

Ngay khi lọt lòng mẹ, Đinh Văn Toàn, xã Gia Vượng (huyện Gia Viễn) đã là đứa trẻ kém may mắn bởi đôi chân tật nguyền. Vượt qua mặc cảm, em vẫn cắp sách đến trường để đeo đuổi ước mơ vào giảng đường đại học. Nhưng rồi, chưa kịp tốt nghiệp THCS, việc học của em đành dang dở khi bố em qua đời sau cơn bạo bệnh. Mẹ em cũng đau yếu luôn. Gánh nặng mưu sinh đặt lên vai cậu bé tật nguyện. Toàn kể: Đó là thời khắc khó khăn nhất đối với em. Mặc dù chính quyền địa phương, bà con hàng xóm chung tay giúp đỡ song khó khăn cũng chỉ vơi bớt được phần nào. Em nghĩ, chỉ có đi làm mới mong có thu nhập ổn định để tự nuôi mình và phụng dưỡng mẹ già. Nhưng đi xin việc không ai muốn nhận vì sức khỏe của em không tốt trong khi em lại chẳng biết nghề gì. Trong lúc gần như tuyệt vọng thì may mắn em được chọn đi học lớp vi tính do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức. Kết thúc khóa học, em và mấy người bạn nữa thuê địa điểm ở ngoài thị trấn Me để mở hiệu photo, đánh máy vi tính. Ban đầu, chúng em được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng, được hỗ trợ máy vi tính, máy phô tô. Đến nay, cửa hiệu của chúng em đã hoạt động được gần 4 năm, cho thu nhập ổn định. Quan trọng hơn cả, khi có nghề và tự lo cho bản thân thì em thêm tự tin hòa nhập với cộng đồng. Cuối tháng này em lấy vợ. Vợ em là người bình thường và làm ở KCN Gián Khẩu.

 

Cùng với nghị lực vươn lên của bản thân, hạnh phúc của Đặng Quang Sướng, Đinh Văn Toàn và nhiều người khuyết tật khác còn là kết quả của tình cảm cộng đồng dành cho họ. Những năm qua, để người khuyết tật có thêm cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội thì công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Theo đó, tỉnh đã dành gần 3 tỷ đồng trong chương trình 120 để cho vay, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và người khuyết tật. Một số tổ chức kinh tế, xã hội đã quan tâm và giúp đỡ người khuyết tật về vốn và tạo việc làm như: Hội Người mù tỉnh đã tổ chức truyền nghề, dạy nghề cho 320 lượt người làm tăm tre, chổi đót, xoa bóp, bấm huyệt. Trung tâm dạy nghề-phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật thành phố Ninh Bình đã dạy nghề cho trên 500 người, trong đó có 119 người khuyết tật, giới thiệu và giải quyết việc làm ổn định được 75-87% tổng số người học nghề tại Trung tâm với mức thu nhập từ 500-1.000.000 đồng/người/tháng.

 

Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người khuyết tật, tỉnh ta cũng đã hỗ trợ kinh phí trợ giúp việc tập luyện các môn thể thao cho người tàn tật và tổ chức các đoàn vận động viên tham gia Hội thi thể thao - văn nghệ toàn quốc. Qua các đợt tham gia thi đấu, đoàn vận động viên của tỉnh đã giành được nhiều huy chương các loại. Từ những hoạt động thiết thực này, tâm hồn những người khuyết tật như được sưởi ấm hơn, trái tim biết sẻ chia, yêu thương và trong hành trình vươn lên của người khuyết tật đã không còn đơn độc.

 

Bài, ảnh: Thu Hằng 

Lượt xem : 21611 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo