Trang chủ --> Tin tức Hoàng Kim --> Em là hoa hướng dương
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Em là hoa hướng dương

Chưa bao giờ được nhìn thấy ánh sáng, nhưng may mắn thay, Hoàng Xuân Hạnh đã nhận được tình yêu của cô học trò, cũng là "xe ôm" của anh và cả hai đã có một tổ ấm. Vợ xấu đẹp thế nào anh không nhìn thấy, nhưng Hạnh có thể cảm nhận điều đó qua mô tả, bằng cảm nhận sự tận tụy, chăm sóc của người vợ hiền.  

 Gia đình Hạnh - Cuộc đời và số phận - NHÂN DÂN CUỐI TUẦN

Bỗng nhiên... được vợ

 

Tôi tìm đến Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng(Hội người mù Việt Nam) để gặp Hạnh như đã hẹn. Xuất hiện trước mặt tôi là một người đàn ông khá cá tính, nhanh nhẹn. Trong khi vừa trò chuyện, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy anh dùng máy tính rất thành thạo, mười ngón tay lướt trên bàn phím thoăn thoắt. Anh nói, những thao tác đó là nhờ có phần mềm trợ giúp.

 

Pha trà mời khách, anh Hạnh lại khiến tôi đi đến một ngạc nhiên khác khi anh chia sẻ về "nàng xe ôm" - vợ anh. Chị Bùi Thị Kim Anh, là cán bộ, từ Quảng Ngãi ra Hà Nội tập huấn tại Trung tâm, nơi anh là thầy giáo đứng lớp. Vì xa nhà nên cuối tuần Kim Anh không về quê. Trong thâm tâm của Kim Anh lúc ấy, nói đến người khiếm thị chỉ gợi cho chị sự tò mò. Và chị muốn tìm hiểu xem cách ăn nói, đi lại của họ ra sao, có giống những gì chị đã hình dung. Thấy thầy Hạnh có khuôn mặt hiền lành nhưng khiếm thị, đi lại vất vả, chị đã tình nguyện làm "xe ôm" đưa anh đi, về. Ban đầu, Hạnh khước từ vì ngại phải nhờ vả, nhưng trước sự nhiệt thành của người con gái xứ Quảng, anh chấp nhận. Ngồi sau xe, Hạnh lúc thì tâm sự về cuộc đời, lúc bàn luận về chuyện học hành và những dự định tương lai. Kim Anh "kết" anh lúc nào không hay.

 

Sau mấy tháng quen nhau, một ngày Hạnh được người "xe ôm" tỏ tình. Anh quá bất ngờ và không dám tin vào tai mình. Hạnh tự ti, không muốn phiền người con gái, nhưng trước tình yêu chân thành, Hạnh đã đón nhận và cùng người yêu hướng về phía tương lai. "Nếu tôi không được học hành, không có công việc thì dù cô ấy yêu đến mấy, tôi cũng không dám nhận lời. Ít ra, tôi đã có công việc ổn định và đây là lúc thích hợp để nghĩ về một "mái nhà và những đứa trẻ" mà trước đó tôi quá tự ti, chưa bao giờ dám mơ. Thực ra, tôi cũng ăn may, lúc đó mọi người chung quanh nói Kim Anh ưa nhìn lắm. Hay cũng có thể là cái duyên trời định cho tôi được vợ. Và thời gian đó, nhiều người đã thấy tình cảm của chúng tôi. Kim Anh đã dắt tôi đi chơi. Công viên Thủ Lệ ghi lại biết bao kỷ niệm"- Hạnh khẳng định.

 

Yêu nhau từ năm 2000, đến năm 2005 hai người quyết định làm đám cưới. Nhưng khi biết chuyện con gái mình yêu một kẻ mù lòa, gia đình Kim Anh phản đối kịch liệt và tuyên bố từ mặt con gái nếu không cắt đứt để về quê. Cũng phải thôi, không bố mẹ nào lại muốn con gái mình sẽ phải sống cùng với một kẻ kém may mắn. Hạnh cho biết: "Tôi rất buồn, nhưng sau đó tôi nghĩ phải quyết tâm chứng minh với gia đình người yêu rằng dù khiếm thị vẫn có thể lao động và trở thành người có ích".

 

Nghĩ là làm. Hạnh dẫn một người bạn thân về quê người yêu, chứng minh cho "nhạc phụ, nhạc mẫu" biết khả năng của mình. Dẫu thế, anh cũng phải năm lần bảy lượt bắt xe từ Hà Nội về Quảng Ngãi thực hiện chiến lược "mưa dầm thấm lâu". Cuối cùng Hạnh cũng chinh phục được bố mẹ người yêu.

 

Sau khi cưới, vợ chồng Hạnh thuê một căn phòng nhỏ trong khu trọ sinh viên. Hằng ngày, buổi sáng vợ Hạnh lại chở chồng đến chỗ làm, tan tầm lại đến đón anh về. Nói đến đây, tôi hỏi vợ anh Hạnh: "Với những gia đình khác, thường thì chồng chở và đưa đón vợ, còn với anh chị thì ngược lại, có khi nào chị cảm thấy thiệt thòi?". Vừa nhặt rau chuẩn bị bữa cơm chiều, chị quay ra "lườm yêu" chồng: "Chú thử hỏi anh ấy xem. Mà nghĩ lại cũng thấy ngượng lắm chứ. Nhiều lúc, người đi đường ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông cao to lại ngồi sau lưng vợ".

 

Nghe vợ nói, Hạnh đùa: "Anh nói vợ cứ đi làm, để anh đi xe ôm cũng được, mà vợ có chịu đâu!".

 

Ðể sống cho ý nghĩa

 

Anh Hoàng Xuân Hạnhsinh năm 1975 ở xã nghèo Kỳ Châu (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Di truyền từ bố nên ba chị em anh đều khiếm thị bẩm sinh. Lên sáu tuổi, dù không thấy ánh sáng nhưng Hạnh vẫn nằng nặc đòi bố mẹ đưa đi học. Thương con, ông Hiền bố anh dẫn đến trường làng và sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng trường cũng đồng ý để Hạnh học dự thính lớp một. Anh được học hết cấp II, sau đó vì các trường phổ thông trong huyện chưa có lớp học cho người khiếm thị nên phải ra Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh học chữ nổi. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp cấp III, lúc đó khát vọng cháy bỏng của Hạnh là được vào học ở một trường sư phạm. Dù hồ sơ gửi đi nhiều lần nhưng Hạnh chỉ nhận được sự im lặng. Bao năm trời đi học, chẳng lẽ lại dừng giữa chừng vì một chút khó khăn? Hạnh nghĩ, không học bằng đường này, mình sẽ đi theo đường khác. Ý chí thôi thúc, anh lao đầu vào học tiếng Anh và tiếng Trung rồi sau đó đăng ký học hệ từ xa ngành Quản trị kinh doanh của Viện Ðại học Mở Hà Nội. Sau hai năm trời theo học, trường gọi ra thi, Hạnh không đỗ vì nhà trường không chấm được chữ nổi. Thêm một lần, cánh cửa giảng đường đại học khép lại. Với Hạnh, niềm hy vọng đã vụt tắt hoàn toàn.

 

May sao, trong quá trình viết thư tâm sự và câu chuyện của Hạnh nhiều lần được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng giám đốc Đài lúc ấy đã về tận nhà tặng Hạnh chiếc cát-sét để động viên và giúp anh có thêm điều kiện tự học tiếng Anh. Sự khích lệ dù nhỏ thôi nhưng đã giúp Hạnh có thêm niềm tin tiếp tục học ngoại ngữ. Cuối cùng, ngày ấy cũng đến. Năm 1997, Trung ương Hội Người mù Việt Nammời Hạnh ra Hà Nội học giáo viên nguồn. Sau đó, anh được nhận ở lại làm việc.

 

Thế rồi, năm 2000 Hạnh thi đỗ ngành Quản lý xã hội, Trường ÐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Học ở Hà Nội, với anh đó là những ngày tháng vô cùng vất vả. Ðể có tiền đi xe ôm đến trường, Hạnh cùng em trai lân la khắp nơi làm nghề tẩm quất dạo. Có khách quen, họ giới thiệu và gọi anh đến phục vụ tại nhà riêng. Ngày đó chưa có điện thoại di động, nhiều lần không tìm được địa chỉ phải về không, tiền xe ôm vẫn phải trả. Có lần khách cố tình trả thiếu tiền, lại có nhiều khách sau khi nhậu say gọi anh đến và bắt bẻ, chửi mắng, xúc phạm, lần khác bị ngã... Tuy rất tủi thân, nhưng vì quyết tâm lấy được tấm bằng đại học nên Hạnh đành nhẫn nhịn.

 

Có người nói, Hạnh như bông hoa hướng dương, luôn hướng về phía mặt trời để tìm ánh sáng hạnh phúc. Còn Hạnh coi vợ mình là bông hoa hướng dương tuyệt đẹp, đã tạo thêm cho anh niềm tin, nghị lực để sống và làm việc tốt.

 

* Ngoài việc giảng dạy, Hạnh đã mở được cửa hàng tẩm quất Hoàng Kimvà tạo việc làm thường xuyên cho bảy lao động khiếm thị. Ðặc biệt, đầu năm 2012, Hạnh thi Cao học ngành Hành chính công, Học viện Hành chính Quốc gia và đỗ thủ khoa.

 

 

DUY NGỢI . 

Cuộc đời và số phận - NHÂN DÂN CUỐI TUẦN: 09:15, Thứ sáu, 26/07/2013 (GMT+7) 

  

Lượt xem : 26818 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo