Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Cả làng tình nguyện hiến mắt cho người mù
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Cả làng tình nguyện hiến mắt cho người mù

Nghĩa cử cao cả ấy sẽ mang lại ánh sáng cho hàng trăm người mù lòa trong tương lai.  

Những nông dân chân lấm tay bùn chẳng biết nhiều về y khoa lại tình nguyện hiến đôi mắt của mình khi qua đời với ý nguyện nó sẽ mang lại ánh sáng cho người mù lòa, để phần đời còn lại của họ có ý nghĩa hơn.

Con đường dẫn vào xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng lưa thưa vài căn nhà thấp bé. Đi đâu, người ta cũng bắt gặp hình ảnh những nông dân vai áo bạc phếch, làn da rám nắng đôn hậu, thật thà. Cả xã có hơn 120 người đăng ký hiến giác mạc trong gần 3 năm nay.

 

Ông Đất sẵn sàng hiến giác mạc sau khi qua đời

Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người dân Hòa Nhơn chỉ mong muốn có được cuộc sống bình yên, đến cuối đời được chôn cất tử tế cùng với họ hàng, tổ tông. Cái ý tưởng hiến giác mạc sau khi qua đời còn quá lạ lẫm với người dân nơi đây. Chính vì thế, năm 2009, khi Hội chữ Thập đỏ TP. Đà Nẵng phát động phong trào tình nguyện hiến giác mạc thì chẳng có ai hưởng ứng. Ông Trần Công Tương, Chi hội trưởng Hội chữ Thập đỏ thôn Thanh Nham Tây, người sống cả đời ở Hòa Nhơn, thừa nhận không dễ dàng để thay đổi được cách nghĩ của người dân.

Ban đầu khi phát động, ai nấy cũng phớt lờ vì nghĩ “hiến đi giác mạc chẳng khác nào không được toàn thây khi chết”. Mà như thế khi đầu thai kiếp khác sẽ gặp khó khăn và không khỏi sống một cuộc đời bất hạnh. Thấy không dễ để thuyết phục người dân tham gia, ông Tương vận động chính người trong gia đình. Vợ chồng ông là người tiên phong ở Hòa Nhơn tình nguyện hiến giác mạc, vừa để bà con tin tưởng, vừa để giúp đời, giúp người.

Cảm phục ý nguyện của vợ chồng ông Tương, ở cái tuổi ngoài 60 vẫn còn làm những việc có ích, hàng xóm thuận theo ý ông. Ban đầu là những hộ gia đình kế cận nhà ông Tương, dần dà phong trào lan rộng ra cả xã. Vượt qua được những rào cản ban đầu, bây giờ ở Hòa Nhơn có hơn 120 người đăng ký hiến giác mạc và hàng trăm người ký cam kết. Trong số đó có rất nhiều gia đình đăng ký cả nhà.

 

Nông dân Tương hiến giác mạc với suy nghĩ đơn giản là để lại cho đời chút ý nghĩa

Vợ chồng ông Hồ Tiến và bà Nguyễn Thị Như đã ngoài 60 tuổi cũng tham gia. Ông Tiến cho biết: “Ban đầu nghe đến hiến giác mạc, vợ chồng tui sợ lắm. Cứ nghĩ đôi mắt của mình bị người ta móc đi. Mình chết không được toàn thây”. Nghĩ như thế nên vợ chồng ông chẳng lay động gì với cái phong trào mặc dù biết nó sẽ mang lại ánh sáng cho người mù. Cùng suy nghĩ như vợ chồng ông Tiến, người dân Hòa Nhơn quan niệm khi nhắm mắt xuôi tay mà cho đi giác mạc thì không còn cơ hội nhìn thấy gì, cho dù có xuống “suối vàng” cũng không được mãn nguyện.

Thế rồi từ việc làm của ông Tương, sự tuyên truyền của Hội chữ Thập đỏ về ý nghĩa của phong trào, vợ chồng ông Tiến và hàng trăm người dân đã thay đổi suy nghĩ. Khi vợ chồng ông lập di chúc với tâm nguyện được hiến tặng giác mạc thì gặp sự phản ứng của 3 người con. Các con nhất quyết không đồng ý cho bố mẹ làm việc ấy.

“Tụi tui phải thay nhau thuyết phục các con, cho chúng nó hiểu đây là việc làm có ý nghĩa, chẳng những mang lại ánh sáng cho người mù mà còn đem lại cho họ cả tương lai tươi sáng hơn”, ông Tiến nói thật thà. Có lẽ vì thế mà các con đồng ý cho bố mẹ hiến giác mạc và sau đó cả 3 người này cũng đăng ký theo. Gia đình ông Tiến là điển hình đầu tiên “cả nhà cùng hiến giác mạc” của xã Hòa Nhơn.

“Mình cho đi giác mạc sau khi mất, có người nhờ đó mà có được một cuộc đời thực, tràn đầy ý nghĩa. Nghĩ đến đó là tôi cảm thấy hạnh phúc rồi chú ạ”, bà Võ Thị Thanh (76 tuổi) chia sẻ. “Nếu một mai gia đình mình có người mù, nếu không ai cho giác mạc thì làm sao có được ánh sáng. Mà người mù thì sống cực khổ lắm”.

Những người hiến giác mạc ở Hòa Nhơn gìn giữ đôi mắt của mình rất cẩn thận. Đôi mắt ấy bây giờ không chỉ là của riêng họ, mà còn là của cộng đồng sau này. “Sống mà biết mình sẽ còn mang lại cho đời, cho người ánh sáng sau khi chết thì còn chi ý nghĩa hơn nữa”, ông Nguyễn Đất, người dân ở Hòa Nhơn, chia sẻ.
 

Lượt xem : 24390 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo