Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Nơi thắp sáng niềm tin cho người khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Nơi thắp sáng niềm tin cho người khiếm thị

Cơ sở tẩm quất cổ truyền của Hội người mù tỉnh Quảng Ninh đã và đang là chỗ dựa, nơi mang lại ánh sáng niềm tin cho nhiều người mù trên địa bàn tỉnh, giúp họ có thu nhập ổn định bằng chính đôi tay của mình và nhất là xóa đi mặc cảm về bản thân, sống hòa nhập hơn với cộng đồng.

Thành ngữ xưa có câu "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay" để nói đến sự quý giá của những bộ phận này trên cơ thể con người. Qua đó có thể thấy rằng đối với người mù, việc hòa nhập được với cộng đồng đã khó, việc tự mưu sinh lại còn khó khăn gấp bội.

Sớm nhận thức được điều đó, Hội người mù tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Cơ sở tẩm quất cổ truyền của người mù tại thành phố Hạ Long để giúp những người mù, người khiếm thị trên địa bàn tỉnh có được một nghề nghiệp với thu nhập ổn định bằng chính bàn tay của mình. Đến với cơ sở, khách hàng ngoài việc được thư giãn, thoải mái, còn thể hiện nghĩa cử cao đẹp đó là giúp cho những người mù có việc làm, ổn định cuộc sống, giúp họ giảm bớt khó khăn cho gia đình, sống hòa nhập với xã hội.

Anh Trìu Mằn Sinh, 42 tuổi, người dân tộc Dao, quê ở xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, là kỹ thuật viên của trung tâm đã được 7 năm. Vừa tẩm quất cho khách, anh vừa tâm sự: “ Gia đình tôi có 8 anh chị em, có 3 người bị mù thì 2 người nay đã chết. Trước đây khi mắt còn tinh tường, tôi làm ruộng. Nhưng sau khi bị mù thì chẳng tìm được công việc gì phù hợp với mình , trở thành gánh nặng cho gia đình, tôi rất mặc cảm, cảm thấy cuộc sống như chấm hết với mình vậy. May mắn cho tôi vào năm 2006 khi đến với trung tâm, được đào tạo nghề tẩm quất cổ truyền, tôi đã có nghề nghiệp ổn định, có thể kiếm tiền nuôi bản thân và gửi chút ít về cho gia đình”

Nhắc đến chuyện vợ con, anh Sinh vui vẻ cho biết: “Năm 2011 tôi cưới vợ, cô ấy cũng có hoàn cảnh giống như tôi và cũng làm tại một cơ sở tẩm quất cổ truyền ở Uông Bí. Chúng tôi đã có 1 đứa con nay đã gần 2 tuổi.”

Anh Trìu Mằn Sinh - kĩ thuật viên dịch vụ tẩm quất cổ truyền của Hội Người mù tỉnh, tẩm quất cho khách hàng.
Anh Trìu Mằn Sinh - kĩ thuật viên dịch vụ tẩm quất cổ truyền của Hội Người mù tỉnh, tẩm quất cho khách hàng.

Đến nay, sau 9 năm đưa vào hoạt động (từ năm 2004), Cơ sở tẩm quất cổ truyền Hội người mù tỉnh Quảng Ninh có thể nói như một gia đình của những người mù. Ở đây, mọi người sống hòa thuận, yêu thương nhau, giúp nhau trong sinh hoạt hàng ngày, trong việc học chữ nổi để nâng cao trình độ văn hóa. Qua thái độ nhiệt tình, hòa nhã, những người mù cũng nhận được sự đồng cảm, cảm thông rất lớn từ khách và qua tiếp xúc với khách cũng giúp họ nâng cao hiểu biết, kiến thức xã hội rất nhiều. 

Bà Trần Thị Tía -71 tuổi, sống tại tổ 1 khu 8 phường Hồng Hải, TP Hạ Long, một khách hàng thường xuyên của cơ sở cho biết:” Tôi biết đến trung tâm qua một người bạn trong hội người cao tuổi, thích nhất là đội ngũ kỹ thuật viên ở đây rất niềm nở, nhiệt tình phục vụ khách, mà chất lượng cũng rất tốt. Các con tôi sau khi nghe tôi kể về cơ sở này thì cũng đến tẩm quất, rồi từ đấy tuần nào cũng đến“

Khi được hỏi về những khó khăn trong việc học nghề cũng như trong quá trình làm việc của những người mù, Bà Vũ Thị Ngọc – Thường trực Tỉnh Hội người mù cho biết: “Đối với người bình thường, việc tìm huyệt, bấm huyệt cũng còn khó nói gì đến người mù. Các kĩ thuật viên ở đây đều phải trải qua 3 tháng đào tạo, miệt mài học hỏi trong quá trình làm việc mới có thể nắm vững nghề. Để đào tạo học viên, chúng tôi liên hệ với trường trung cấp y và bệnh viện Y dược cổ truyền Tỉnh để có giáo viên về giảng dạy. Đến nay Hội đã có 2 cơ sở (tại TP Hạ Long và TP Uông Bí).

Được biết giá thành mà người mù tẩm quất là khá rẻ (60.000 đồng/người/45 phút), cùng với sự chu đáo tận tình của các kĩ thuật viên, cơ sở thu hút rất đông khách hàng, mỗi ngày có từ 40-60 lượt khách. Thậm chí, có những khách từ tận Hải Phòng, Hà Nội khi có việc về Hạ Long cũng đều ghé qua cơ sở để được bấm huyệt, tẩm quất.

Với mong muốn mang lại công việc, ổn định cuộc sống cho nhiều người mù, người khiếm thị hơn nữa trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Tỉnh Hội người mù Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm giúp đỡ Cơ sở tẩm quất cổ truyền mở rộng quy mô, trang bị hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ hơn, đào tạo tay nghề để tạo cơ hội có việc làm cho nhiều người mù hơn.

Hữu Khánh

 

Hoàng Kim (theo Báo Quảng Ninh)

Lượt xem : 43968 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo