Trang chủ --> Xoa bóp --> Tẩm Quất – vài nét về lịch sử hình thành và phát triển
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Tẩm Quất – vài nét về lịch sử hình thành và phát triển

Như nhiều dân tộc khác trên thế giới, nước ta cũng sớm có môn xoa bóp cổ truyền. Đó là kết tinh những kinh nghiệm hàng trăm năm của dân tộc. Theo các tài liệu để lại thì Tuệ Tĩnh đã tổng kết những kinh nghiệm xoa bóp chữa một số chứng bệnh (nam dược thần diệu) với các phương pháp xoa bóp. Nguyễn Trực (thế kỷ XV đã ghi trong cuốn "Bảo anh lương phương" với các thủ thuật xoa bóp, bấm, miết, vuốt, vặn, kéo tác động lên kinh lạc, huyệt và các bộ phậnnhất định khác để hỗ trợchữa một số bệnh và hồi phục sức khỏe sau những giờ lao động mệt nhọc v.v.
 

            Đào Công Chính (thế kỷ XVII) đã viết "Bảo sinh diện thọ toản yến" tổng kết các phương pháp tự luyện, trong đó có tự xoa bóp để phòng bệnh và chữa bệnh.
 

            Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ XVIII) trong cuốn "Vệ sinh yếu quyết" đã nhấn mạnh ý nghĩa, tác dụng hữu ích những phương pháp xoa bóp củaĐào Công Chính và áp dụng để truyền bá trong nhân dân. Những thủ thuật chỉ thông qua đôi bàn tay nhưng vô cùng hữu ích, giảm tiện, rẻ tiền mà lại rất tốt cho sức khỏe con người cứ thế được truyền trong dân gian và nhân dân gọi đó là Tẩm Quất. Người làm nghề này được học truyền khẩu theo kiểu tự phát chỉ thuộc những kỹ thuật được học và thực hiện 1 cách máy móc nhưng nhuần nhuyễn 1 cách tinh sảo, điêu luyện và nhân dân gọi họ là "thợ tẩm quất".
 

            Sau khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, nền y học dân tộc bị kìm hãm, xoa bóp Tẩm Quấtcũng bị coi rẻ.
 

Từ sau cách mạng tháng 8 đến hết thời kỳ bao cấp cho đến những thập niên 80 của thế kỷ 20 nghề Tẩm Quất dần được khôi phục. Người ta thấy những người lao động thấp và nhất là những người mù, đêm đêm dạo trên những phố cổ Hà Nội vừa đi vừa giao "Ai quất đi" tạo lên thành những âm thanh như một nét văn hóa riêng biệt của thủ đô. Có khi họ tập trung lại thành phố tẩm quất như vỉa hè phố Cửa Nam...
 

Cho đến nay trên những tuyến phố này đã vắng bóng những người Tẩm Quất rong. Cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội của Thủ đô, dịch vụ Tẩm Quất đã được tổ chức với một quy mô mới, hình thức được cải thiện, đưa vào các phòng riêng, có các phương tiện hỗ trợ tương đối ổn định. Tuy nhiên do phát triển quá nhanh, mọc lên nhan nhản khắp nơi nên nghề này cũng đã và đang nảy sinh những vấn đề bất cập. 
 

Nhưng trước khi bàn tới những yêu cầu đặt ra hiện nay của nghề "Tẩm quất" để nó trở thành 1 nghề  chính thống cho xã hội. Chúng ta hãy nhìn nhận lại những nét đặc trưng của nghề này và tác dụng của nó dưới đôi tay khéo léo của người mù.
 

Kỹ thuật nghề tẩm quất bao gồm hàng chục thủ thuật khác nhau, thủ thuật cơ bản theo cổ truyền, xưa nay, được người trước dạy truyền khẩu cho người sau, trong lúc thực hiện có thể sáng tạo thành những động tác mới làm cho khách cảm thấy thư giãn êm tai và phát triển thành những tuyệt chiêu ví như: Cái này là đấm, nông thôi, lỏng thôi, như vừa thả xuống đã nhấc lên, lực từ cổ tay rơi ra, không từ cánh tay dồn lại. Đấm phải vui tai mới là đấm hay. Tẩm quất là món dân dã. Cái này là vỗ, tay khum như mui rùa, như đùm không khí mà đập xuống. Cũng phải nghe bồm bộp mới sướng. Cái này là chặt, xát, miết, véo, day, phát, bóp, ấn, lăn, vê, cọ, kẹp…, nghe có vẻ ghê, nhưng nó là đặc trưng bởi tẩm quất không phải nghệ thuật vuốt ve. Cái này là bắt chuột. Dọc sống lưng, mỗi bên có một con chuột lẩn kỹ lắm, lùa cho nó nổi lên mà chạy mới là giỏi. Cái này là kiến bò. Thoang thoảng đầu ngón tay, nhưng khách phải sởn gai ốc mới là đạt.v.v
 

Nói chung làm một bài Tẩm Quất đích thực với những tiểu xảo nghệ thuật sẽ giúp máu huyết lưu thông, giải phóng mệt mỏi thấy người khỏe khoắn để lại ấn tượng hấp dẫn mãi cho khách. Hơn hẳn các loại Máy rung, máy xoắn, máy giác, máy đập, máy ủ chân, máy chườm bụng, máy cù nách, máy chiếu tia hồng ngoại hay mấy cái que gãi lưng với cái cục vừa đấm vừa xoa bằng nhựa, được coi là hiện đại.

 


            * Tẩm quất một nghề đặc biệt với người mù :
 

Trong thực tế những thủ thuật y học cổ truyền thông qua việc tác động lên cơ thể người là dùng để hỗ trợ chữa bệnh, vì thế đối với người thợ tẩm quất đặc biệt là người mù do có sự tập trung cao độ vào đôi bàn tay hành nghề, khéo léo, truyền năng lượng lên vùng cơ thể Tẩm Quất làm lưu thông máu huyết, chống mệt mỏi và có tác dụng phòng bệnh rất hữu hiệu.
 

Hiện nay, thực trạng do xã hội phát triển dân trí ở mức cao nhưng lại có một số cá nhân lợi dụng sơ hở trong quản lý nghề mà họ trá hình nên nghề tẩm quất đôi khi bị bóp méo và hiểu sai vì nghĩ ngay tới các cô chân dài ăn mặc hở hang đứng ngồi mời chào khách ở những quán đèn mầu với những cái biển hiệu đại loại: “Cà phê tẩm quất...” vì thế những người hành nghề tẩm quất  thực sự  đại đa số là những người mù gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế phần lớn chủ các cửa hàng tẩm quất kiểu đó không cần học qua trường lớp nào cả và thậm chí còn không biết gì về nghề tẩm quất họ chỉ cần bỏ tiền đầu tư và thuê những cô chân dài “nhí nhố Tẩm Quất” gây những hiểu lầm phản cảm  trong xã hội ảnh hưởng không nhỏ tới những người hành nghề chân chính.

 

* Tẩm quất cần phải được tổ chức quản lý
 

Những năm qua, nghề Tẩm Quất chưa được coi là một nghề chính thống bởi chưa có một môi trường đào tạo cơ bản, khoa học, được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép. Mặt khác, trên địa bàn Hà Nội hoạt động của loại hình dịch vụ này của người khiếm thị rất khó khăn :
 

+ Xã hội: Do xã hội phát triển, dân trí cao nên người dân tìm đến những cơ sở có quy mô, cả về đầu tư về vật chất, công nghệ, trình độ chuyên môn cao để được tư vấn và chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
 

+ Trình độ chuyên môn ( kỹ thuật, kỹ năng) của các nhân viên hành nghề Tẩm Quất còn nhiều hạn chế, bấp bênh. Tính chuyên nghiệp trong tổng thể của một loại hình dịch vụ chưa cao. Đặc biệt một số tuyệt chiêu của nghề có nguy cơ bị thất truyền...
 

            Qua thực trạng trên chúng ta cần phải có những giải pháp hữu hiệu để phát triển nghề tẩm quất vì nó không những giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lao động xã hội mà nó còn là 1 nét văn hóa phi vật thể cần phải bảo tồn. Vì lý do này mà Hội Đông y Hà Nội và Trung tâm dạy nghề thuộc hội người mù Thành phố đã kết hợp với các lương y, bác sĩ soạn ra “Chương trình, giáo trình dạy nghề Tẩm Quất” nhằm đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ thuật cho người khiếm thị. Chương trình đã được chính thức ban hành và cấp phép.
 

 Mong muốn nghề tẩm quất nhân rộng trên toàn quốc, mong đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của xã hội và giải quyết được bài toán công ăn việc làm, kinh tế cho số lượng lớn người mù trên khắp cả nước, vì nghề tẩm quất là 1 trong những nghề phù hợp nhất đối với khả năng người mù. Vì vậy cần thiết lập các trung tâm dạy nghề tẩm quất, cấp chứng chỉ và quản lý kinh doanh loại hình dịch vụ này.
 

            Muốn làm được điều này cần có sự quan tâm của các cơ quan nhà nước phối hợp với các cơ sở đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người mù.

 

Lương Y Đa Khoa L.Y Cao Thế Hải – Phó Chủ tịch Hội Đông Y Thành phố Hà Nội.

 

Lượt xem : 45600 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh
Tags :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo