Trang chủ --> Gương sáng --> Mái ấm rộn rã của đôi vợ chồng khiếm thính
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Mái ấm rộn rã của đôi vợ chồng khiếm thính

 

Đến ra mắt nhà người yêu, hai đứa khiếm thính phải đi tàu gặp nhiều khó khăn lúc giao tiếp với nhân viên nhà ga, đã thế, lại phải ngồi xe ô tô 5 giờ đồng hồ liền, đường toàn ổ trâu, ổ gà, mệt vô cùng mệt, nhưng nghĩ đến tình yêu, hai đứa vẫn nắm chặt tay nhau, mỉm cười không chút nản lòng…” Anh Nguyễn Văn Ánh – Chủ tịch Chi Hội người Khiếm thính Hà Nội nhớ lại kỉ niệm khó quên trong thời gian yêu và tìm hiểu vợ mình, chị Vũ Thị Thu Phương, cũng bị khiếm thính sau một tai nạn nhỏ.

Nam tiến để bố mẹ vợ tương lai trực tiếp “ xét duyệt”

Tôi là người không mấy tin vào chữ “duyên” vào “số phận” bởi tôi luôn quan niệm, cái gì nó cũng phải có sự chuẩn bị, sự sắp xếp cả, nhưng đúng sau buổi nói chuyện với vợ chồng anh chị Ánh – Phương hôm ấy, tôi hình như đã tự bảo mình rằng “ừ, chữ duyên nó linh nghiệm lắm, mình không sắp đặt, thì ông trời sắp đặt, có khác gì nhau đâu…”.

Ngồi “đọc” cuộc nói chuyện, “đọc” lại khoảng kí ức và những ngày yêu nhau, cùng nhau vượt qua những lúc khó khăn nhất, thông qua “ngôn ngữ cơ thể” mà anh chị nói ra, chúng tôi càng thêm trân trọng và khâm phục hai con người khuyết tật mà đầy nghị lực ấy bấy nhiêu.

Ngày ấy, khi chàng thanh niên Ánh làm Chủ tịch Chi hội người Khiếm thính Hà Nội, tình cờ trong một buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ, anh Ánh bắt gặp và ấn tượng mãi với hình ảnh của cô gái nhanh nhẹn, có nụ cười duyên và rất dịu dàng trong buổi tối hôm đó.

Và ngay hôm ấy, anh hỏi han bạn bè, người trong chi hội để biết thêm về thành viên mới của chi hội mình. Anh Ánh cười, miệng mấp máy, tay không ngừng ra kí hiệu, ý muốn nói:

“Thực ra lúc đầu, tự nhiên khi nhìn thấy Phương trong đám đông, tôi bị ấn tượng mạnh, nên phần cũng muốn tìm hiểu hoàn cảnh của Phương, vì dù sao Phương cũng là thành viên của Chi hội, phần cũng muốn tìm hiểu một cách riêng tư, vì lúc ấy chỉ thấy bị ấn tượng mạnh lắm thôi, không giải thích nổi…”

Vợ chồng Nguyễn Văn Ánh –  Vũ Thị Thu Phương hạnh phúc bên con

Qua tìm hiểu bạn bè, anh Ánh nhanh chóng có được số điện thoại, cũng như địa chỉ liên lạc của Phương. Sau vài lần tới sinh hoạt ở Chi hội, tình cảm phát sinh và nảy nở lúc nào không ai biết, để đến ngày Ánh ra hiệu hỏi Phương một cách chân thành mà đầy tình cảm. “Em có yêu anh không?” và Phương cũng ra hiệu đáp lại ngắn gọn “Có”.

Nhớ lại lúc ấy, chị Phương đỏ mặt cười, miệng mấp máy, rồi đôi bàn tay liên hồi ra kí hiệu: “Nói chuyện này xấu hổ lắm. Chỉ biết là lúc ấy mình chưa sẵn sàng để đi đến hôn nhân, nên bảo anh ấy cứ từ từ, muốn tình yêu có thêm thời gian thử thách nữa…”

Ngày hai đứa quyết định đi đến hôn nhân, gia đình chị Phương ở tận trong Cần Thơ lo lắng nhiều lắm, vì chị là con cả trong gia đình, lại mang bệnh sau một lần bà ngoại vô ý dội nước vào tai lúc chị tắm, để rồi chị mãi mãi mất đi giọng nói và sự lắng nghe, nên mọi người thương và lo lắng cho chị nhất nhà.

Một mình ra nơi đất Bắc làm ăn, sinh sống, chị tự nuôi bản thân bằng đồng lương ít ỏi của nghề thợ may, nên lúc biết chị có người yêu, lại cũng là một người khiếm thính như chị, bố mẹ chị lo lắng lắm, nóng lòng muốn tận mắt “kiểm tra” cậu con rể tương lai, từ tính cách, đến sự thủy chung, và những đức tính khác.

Anh Ánh nhớ lại: “Ngày ấy, nhà tôi cũng nghèo lắm, quê ở tận Nam Định, mình lại không được bình thường như những người khác, có khỏe mạnh đấy, nhưng đi xin việc ở đâu họ cũng từ chối, nên kinh tế lúc ấy cũng eo hẹp lắm.

Lúc hai đứa bắt tàu vào Nam, trong túi cũng không có nhiều tiền, rồi lại ngồi xe ô tô gần 5 giờ đồng hồ, đường nhiều ổ trâu ổ bò, đi tới đâu mọi người cũng tròn mắt tò mò, nhìn hai đứa cứ khua tay, múa chân ra hiệu với anh phụ xe.

Nhiều khó khăn như thế, nhưng chỉ với suy nghĩ và lòng mong muốn được ở bên Phương, để hai đứa nương tựa vào nhau, cùng nhau sống hạnh phúc, thì lúc ấy mọi mệt mỏi, lo lắng không còn ý nghĩa gì cả...”. Anh Ánh vẫn không ngừng diễn tả bằng tay, chị Hoa phiên dịch ngồi bên cạnh cứ gật gù, rồi nói lại trôi chảy cho tôi hiểu.

Vào được đến nhà Phương, anh chị ở lại đó gần 2 tháng để hai bác bố mẹ Phương trực tiếp xét duyệt cậu rể tương lai. Sống cùng một mái nhà, ăn cơm cùng mâm và cùng chung mọi sinh hoạt ở gia đình, dù cho không nghe, không nói được, nhưng Ánh chưa làm mất lòng ai bao giờ.

Bản tính hiền lành, thật thà, chăm chỉ, thạo công việc nhà, đôi lúc lại nhanh nhẹn, thông minh khi ra những kí hiệu ngôn ngữ đơn giản để bố mẹ Phương có thể hiểu được, rồi cứ gật gù, ra chiều bằng lòng với cậu rể tương lai này lắm.

Lúc được bố mẹ chính thức đồng ý, và nói đến chuyện đám cưới, cả hai người đều vui sướng, hạnh phúc đến nhường nào, cứ nắm tay nhau, nhìn nhau mà nước mắt cứ thế trào ra….

Hạnh phúc diệu kỳ

Mừng mừng tủi tủi khi được ở bên nhau, rồi anh chị lại bắt đầu với bao lo toan của cuộc sống mới. Trở lại đất Bắc để lập nghiệp, vợ chồng anh chị ở trong một ngôi nhà tồi tàn bên quận Hoàng Mai, hàng ngày chưa biết làm gì để kiếm sống.

Ngày ấy, đồng lương ít ỏi chỉ tầm 800.000 đồng của anh Ánh khi làm chủ tịch Chi hội người Khiếm thính Hà Nội, cộng với số tiền vài trăm nghìn hàng tháng chị Phương đi làm công nhân may, nên hai vợ chồng khó khăn lắm.

Có những lúc, nhìn vợ gầy xanh xao, đôi mắt thiếu ngủ, anh Ánh chỉ biết lén quay đi, thở dài vì thương vợ, vì thấy lo lắng cho mái ấm của gia đình mình bây giờ.

Anh Ánh bảo: “Mình có đi nộp hồ sơ, đi xin việc nhiều lắm, nhưng ở đâu họ cũng lắc đầu từ chối, vì thực ra, họ bỏ tiền ra để thuê mình về, mà lại bất đồng ngôn ngữ, thì làm việc với nhau khó khăn lắm. Thời gian ấy, công ty may của Phương hết việc, nên cô ấy đi xin làm thêm ở quán café, nhưng lương lậu thấp, mà chủ thì ghê lắm, hay mắng mỏ nhân viên thôi. Cực nhọc lắm…”

Rồi, đến năm 2008, Phương mang bầu, mọi việc càng trở nên khó khăn hơn, lúc ấy, sinh hoạt của hai vợ chồng hầu như chỉ trông vào đồng lương của Ánh và thi thoảng là sự hỗ trợ, đỡ đần của gia đình hai bên nội ngoại.

Nhớ lại thời gian chị Phương mang bầu, anh Ánh nhìn chị âu yếm, rồi ra kí hiệu cho chúng tôi: “Cũng may Phương không nghén gì cả, ăn uống cũng dễ thôi. Ngày ấy, tôi lo lắng lắm, lúc nào cũng hỏi han, nhìn nét mặt vợ để xem vợ như thế nào.

Có những hôm, đang nửa đêm Phương trằn trọc không ngủ được, hỏi mãi Phương mới bảo đói, mà nhà lại không có gì ăn. Thế là, tôi bật ngay dậy, chạy khắp nơi kiếm đồ ăn cho Phương, mặc cho lúc ấy đã gần 1h sáng rồi…” Nói rồi anh Ánh lại đưa mắt nhìn chị Phương và đứa con gái thứ 2 chị đang bồng trên tay.

Nhớ lại khoảng thời gian hai vợ chồng chăm cháu lớn – bé Phương Thy, chị Phương bảo: “Nhanh thật, bây giờ cháu nó đã được 4 tuổi rồi. Nhớ ngày mới sinh bé Thy, vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo, kinh tế khó khăn, không biết chăm cháu thế nào.

Nhưng khó khăn lớn nhất là không biết lúc nào con khóc, con đói, thế là hầu như mấy tháng đầu, hai vợ chồng thức trắng đêm, thay nhau bế con, hay đặt con lên đùi, tay cầm chặt tay con, và luôn để ý đến nét mặt con.

Nếu bé đói hay muốn bú sữa, sẽ thấy bé khóc, hoặc cử động chân tay, nên chồng lại lay vợ dậy, cho con bú…”. Cũng may, thời gian ấy, ông bà nội ngoại cũng thường xuyên qua lại giúp đỡ, trông nom bé cho anh chị.

Lúc này, anh Ánh bắt đầu lo lắng về vấn đề kinh tế nhiều lắm, bởi gia đình từ nay đã có thêm một thành viên mới, bé bỏng và anh cũng nhận thấy việc nuôi nấng bé Thy cũng rất tốn kém.

Đi xin việc không ai nhận, nếu cứ trông vào đồng lương thì khó mà trụ nổi, anh suy nghĩ nhiều lắm, rồi quyết định mở một quán café, tự mình đứng lên làm chủ, nhờ cậy vào sự giúp đỡ, hỗ trợ ban đầu của gia đình hai bên.

Thế là, năm 2011, quán café Thy khai trương ở một góc phố nhỏ bên Hồ Đền Lừ. Thời gian đầu, việc làm ăn khó khăn lắm, quán thường xuyên vắng khách, ế ẩm lắm. Không muốn chị Phương vừa chăm con, vừa lo lắng chuyện kinh tế, anh vẫn dấu chị, vẫn cười tươi tỏ vẻ không lo lắng gì trước mặt chị và con, nhưng khi ra đến quán, anh nhăn trán, căng óc suy nghĩ, đầy âu lo.

Anh bảo: “Cả gia đình bây giờ trông vào quán café này, đầu tư vào đây không ít tiền của, mà làm ăn thua lỗ, buôn bán ế ẩm thì không biết vợ con mình sống bằng gì. Lo lắng lắm chứ…”

Nhưng đấy chỉ là thời gian đầu mở ra, anh Thy bắt đầu đi tới những quán café khác, học hỏi kinh nghiệm pha chế, đến trình bày, thiết kế quán, sao cho thật bắt mắt, ấn tượng. Và khó khăn lớn nhất anh gặp phải là sự bất đồng ngôn ngữ giữa chủ và khách tới quán.

Anh Ánh chia sẻ: “Ngày đầu, có vài ba khách tới quán, mình vội cầm menu chạy ra tới bàn, chỉ mỉm cười, ú ớ ra hiệu cho khách, thấy họ có vẻ ngạc nhiên lắm. Mình vội lấy tờ giấy trên tay, viết viết, thế là họ hiểu, rồi vui vẻ gọi đồ…” .

Từ đó, mọi người cứ chuyền tai nhau, quán café Thy ngày một đông khách, họ gọi đây là “Điểm đến không lời”, bởi đến quán, mọi người gọi đồ, thanh toán đều viết ra giấy, hoặc trực tiếp chỉ vào Menu, rồi ngồi chờ chủ quán mang ra. Không ai nói thành lời, nhưng họ trao cho nhau cái nhìn trìu mến, đầy thiện cảm.

Đến bây giờ, khi việc buôn bán của cửa hàng đã dần đi vào ổn định, chị Phương lại vừa sinh cháu gái thứ 2, tên bé là Ánh Chi, vừa tròn 6 tháng tuổi, gia đình nhỏ của anh hạnh phúc lắm. Nhìn hai vợ chồng ú ớ dỗ con ăn từng thìa bột nhỏ, chúng tôi không khỏi xúc động.

Anh Ánh cười mãn nguyện, anh bảo: “Ngày bé Thy nói được, gọi được mọi người, vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt luôn, cứ sợ con không nói được. Bây giờ bé Chi cũng ngoan lắm, vợ chồng cũng có kinh nghiệm chăm bé hơn rồi, lại được ông bà ngoại giúp đỡ, nên cũng không khó khăn lắm. Chỉ lo sau này, trình độ văn hóa mình thấp quá, không dạy dỗ được con thì thiệt thòi cho nó lắm…”.

Đôi mắt anh Ánh nhìn xa xăm, tay không ngừng ra kí hiệu. Lúc ấy, chị Phương cũng ngước lên nhìn chồng, khẽ khàng ra hiệu: “Mình cùng chăm sóc con, có cả ông bà nữa, bé Thy và bé Chi ngoan và nghe lời bố mẹ lắm, các con sẽ trưởng thành thôi, gia đình mình bên nhau là được mà…”. Nói xong, người vợ trẻ hiền từ cười hạnh phúc nhìn chồng.

  • Huy Khánh
Lượt xem : 17770 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo