Trang chủ --> Gương sáng --> Người dẫn chương trình mù nổi tiếng nhất Hàn Quốc
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người dẫn chương trình mù nổi tiếng nhất Hàn Quốc

“Khán giả của bản tin thời sự 12h trên kênh truyền hình KBS – một trong những kênh truyền hình lớn và nổi tiếng nhất Hàn Quốc nay đã không còn xa lạ gì với người phát thanh viên đặc biệt: chàng trai mù có tên Lee Chang Hun với giọng nói ấm áp và rõ ràng. Họ không chỉ chú ý tới anh vì anh là người dẫn chương trình mù đầu tiên tại Hàn Quốc mà còn bởi vì sự hiện diện của anh khiến cho cuộc đời dường như tràn ngập thêm màu hồng của hy vọng”.

Cậu con trai út không may mắn trong gia đình

Lee Chang Hun sinh năm 1985 tại tỉnh Jin-ju của Hàn Quốc. Là cậu con trai út trong gia đình, phía trên là 3 chị em gái, niềm vui đến với cha mẹ anh chẳng được bao lâu khi cậu con trai “quý tử” trong gia đình mất hoàn toàn thị lực sau 7 tháng tuổi.

Bệnh viêm não đã cướp đi khả năng được nhìn ngắm thế giới tươi đẹp này của Chang Hun. Nhớ khi sinh ra anh, cả gia đình và bạn bè vui mừng, hạnh phúc bao nhiêu thì cái tin sét đánh ngang tai lại làm tất cả mọi người đau đớn và xót xa bấy nhiêu.

Mẹ anh đã tưởng như khuỵu ngã trước sự thật đau lòng. Cha mẹ anh đã tìm rất nhiều phương thuốc chữa ở khắp nơi nhưng tất cả đều không đem lại hiệu quả gì dù chỉ một ít. Đôi mắt của Chang Hun hoàn toàn không còn khả năng kể cả phân biệt ánh sáng và bóng đêm.

Khi Chang Hun ra đời, cậu bé được nhận được nhiều lời chúc tụng của mọi người. Có người nhìn Chang Hun và khẳng định chắc chắn rằng sau này cậu sẽ là người làm được nhiều việc lớn, có ích cho đời. Mất đi thị giác, tương lai của cậu dường như hoàn toàn thay đổi.





Phát thanh viên Lee Chang Hun trên chương trình thời sự KBS

Sau một thời gian dài cố gắng nhưng không đem lại kết quả gì, cha mẹ của Chang Hun đành chấp nhận sự thật đau lòng. Khi bắt đầu biết nói, biết đi, mẹ của Chang Hun đi đâu cũng mang cậu theo, từ nhà ra siêu thị, tiệm cắt tóc hay tới nhà thờ.

Cậu bé không thể nhìn thấy đường đi nên mẹ muốn trở thành đôi mắt của cậu con trai bé nhỏ. Chính quãng thời gian này, Chang Hun đã được tiếp xúc với nhiều người, được nghe, được nói, và đặc biệt, cậu dường như đã tiếp nhận được giọng nói rõ ràng, trầm ấm của vị linh mục trong những bài giảng của ông mỗi khi theo mẹ tới nhà thờ.

Chang Hun đã “học ăn, học nói” những bài học đầu tiên trong cuộc đời như thế.

Thế rồi cậu bé Chang Hun lớn dần lên theo năm tháng. Là người khuyết tật hẳn là cậu gặp phải nhiều khó khăn, thiệt thòi hơn người bình thường mặc dù tất cả mọi người xung quanh đều động viên, giúp đỡ cậu trong cuộc sống.

Tuy nhiên ở Hàn Quốc lúc bấy giờ có rất nhiều chính sách và các điều kiện dành cho người khuyết tật cũng tốt hơn. Chang Hun được đi học và các phương tiện hỗ trợ người mù đọc sách, dùng internet cũng bắt đầu phổ biến.

Lớn lên một chút, ai cũng khen Chang Hun có giọng nói hay. Giọng Chang Hun trầm vang và rõ ràng. Nhưng những lời khen lúc ấy chỉ như là những lời động viên trong cuộc sống của Chang Hun.

“À, giọng nói của mình cũng không đến nỗi nào”, cậu bé đã tự nhủ như vậy nhưng những ý thức về sự nổi trội trong giọng nói của mình cũng như những ý nghĩ làm việc như một phát thanh viên chưa bao giờ xuất hiện trong đầu cậu.

Chang Hun không nghĩ tới, và cũng không dám nghĩ tới, chỉ cho tới khi cậu lớn lên thành một chàng trai – một sinh viên đại học.

Chàng sinh viên khoa Xã hội trường đại học Shin-hak Lee Chang Hun năm 2007 đã tham gia vào chương trình Phát thanh trên internet dành cho người mù Hàn Quốc (KBIC) như một sở thích trong cuộc sống.

Giọng nói tốt, tự tin của anh đã được nhiều người ghi nhận. Chang Hun tham gia hoạt động phát thanh như một công việc khiến anh có thể thư giãn và tìm được niềm vui trong cuộc sống.

Lúc đó ước mơ của anh vẫn là trở thành một người hoạt động xã hội, giúp ích được cho những người có hoàn cảnh như mình. Nhưng như một năng khiếu bẩm sinh có sẵn trong người, càng nói anh càng thấy say mê.

Và rồi cơ hội đã đến với Chang Hun khi năm 2011 đài truyền hình KBS mở ra một cuộc tuyển phát thanh viên bản tin thời sự dành cho cả những người khuyết tật.

Tin tức đến tới Chang Hun, bạn bè xung quanh, những người thấy được thực lực của anh cũng động viên anh tham gia thi tuyển. Năng lực có, cơ hội đến, nhưng quyết định đến với Chang Hun cũng không phải dễ dàng gì.

Phải làm tốt thì những người khuyết tật khác mới có thêm nhiều cơ hội

Trong lòng rất muốn thử sức nhưng tâm trí anh vẫn còn nhiều điều băn khoăn, e ngại: Liệu mình vẫn còn giữ được niềm vui trong công việc phát thanh như trước nếu như bị loại khỏi cuộc thi tuyển?

Trước đây đến với việc dẫn chương trình đối với anh như một sở thích trong cuộc sống và anh muốn giữ nó giản dị, tốt đẹp như vậy. “Hãy cứ thử sức mình”, mẹ Chang Hun nói với con.

Chang Hun nhận ra rằng “phải thử mới biết”, phải biết nắm lấy cơ hội, dù thất bại nhưng nó vẫn chứng minh được một điều là bản thân mình đã cố gắng.

Dù chưa bao giờ được “xem” một bản tin thời sự theo đúng nghĩa của nó, nhưng anh vẫn có “một đôi tai tốt”. Anh quyết định đăng ký tham gia thi tuyển người dẫn chương trình của đài truyền hình KBS.

Quyết định thi thử sức, không tin rằng mình sẽ vượt qua cuộc thi khốc liệt như vậy nhưng Chang Hun vẫn đầu tư thời gian của mình vào chuẩn bị một cách nghiêm túc. Anh thu thập nhiều bản tin trên đài truyền hình, nghe đi nghe lại, luyện tập phát âm và nói theo những người dẫn chương trình.

Hơn nữa, giọng của Chang Hun là giọng nói địa phương, anh cũng phải tập để sửa phát âm theo giọng tiêu chuẩn. Trước đây anh đến với việc dẫn chương trình theo bản năng, giọng nói thế nào thì cứ sử dụng như vậy.

Trong quá trình tìm tòi chuẩn bị Chang Hun mới nhận ra rằng không phải cứ có giọng nói hay, rõ ràng là được, một người làm nghề phát thanh viên cũng phải luyện tập không ngừng nghỉ, trau dồi kỹ năng và kiến thức của mình.

Chuẩn bị kỹ càng, coi như một cuộc thử sức mình, Chang Hun không tránh khỏi những hồi hộp nhưng anh không hề gặp bất cứ một áp lực nào.

Tại Hàn Quốc, nghề phát thanh viên trên truyền hình là một nghề “hot”, được rất nhiều bạn trẻ yêu thích và theo đuổi. Được làm phát thanh viên dẫn chương trình thời sự lại càng là điều khó nhất trong các chương trình truyền hình, giải trí khác, đòi hỏi chuyên môn về giọng nói, ngữ điệu chuẩn xác.

Chính vì thế hàng năm những cuộc thi tuyển phát thanh viên chương trình thời sự có rất nhiều người đăng ký, cạnh tranh rất khốc liệt. Đối với người khuyết tật như Chang Hun, có những hạn chế riêng, có lẽ điều đó còn khó khăn hơn nhiều.

Ấy thế nhưng, sau nhiều vòng thi, phỏng vấn, kết quả đã tốt đẹp không ai ngờ tới. Lee Chang Hun đã vượt qua hơn 500 thí sinh khác để dành một vị trí phát thanh viên bản tin thời sự tại KBS.

Khi bước vào đài truyền hình KBS, những người làm truyền hình biết Chang Hun chưa có đủ những kỹ năng như một người để sẵn sàng lên sóng truyền hình, đặc biệt các bản tin thời sự của KBS thường truyền hình trực tiếp.

Nhưng những người đồng ý tuyển anh vào đều nhận thấy tiềm năng và nghị lực của anh. Chang Hun được đào tạo trong vòng vài tháng từ những kỹ năng phát âm đến biểu cảm gương mặt cũng như các tình huống có thể xảy ra trong truyền hình.

Những ngày đầu anh thường bị chỉnh lại tư thế ngồi quá cứng vì hồi hộp, nói quá nhanh hay những nhược điểm thường gặp của những người mới bắt đầu lên sóng truyền hình.

Chang Hun còn có những hạn chế riêng của mình như không thể nhìn thấy tín hiệu của đạo diễn hoặc phải tập để điều khiển đôi mắt của mình. Những người mù khi nói có thể đảo mắt một cách vô ý thức và điều đó có thể ảnh hưởng đến khán giả xem truyền hình.

Tất cả mọi việc đối với Chang Hun đều mới mẻ và là thử thách mới đối với anh. Sau khi nhận thấy sự tiến bộ của anh, mọi người giao cho Chang Hun một góc nhỏ về thông tin đời sống trong bản tin thời sự 12h hàng ngày.

Chang Hun có nhiệm vụ truyền tải cho người xem những tin tức mới nhất về đời sống như giao thông, sức khỏe, văn hóa v.v... Lần đầu tiên người xem được gặp chàng trai phát thanh viên mù, họ đã lấy làm lạ vì chưa bao giờ trên sóng truyền hình lại có một người dẫn đặc biệt như thế.

Ngay lập tức mọi thông tin của anh được rất nhiều người tìm kiếm và quan tâm. Dần dần sự xuất hiện của Chang Hun với bàn tay “đọc” chữ dưới bàn cùng giọng nói ấm áp trên bản tin thời sự đã trở thành điều quen thuộc với tất cả khán giả.

Anh không chỉ mang lại cho mọi người những thông tin về đời sống mà còn mang lại cho nhiều người niềm hy vọng trong tim về một cuộc sống tốt đẹp.

Sau 3 tháng thử việc, Chang Hun đã trở thành nhân viên hợp đồng chính thức của đài truyền hình. KBS cũng tạo điều kiện rất nhiều cho anh công tác như các vấn đề đi lại, ăn uống… đều có người giúp đỡ ban đầu cho tới khi anh quen thuộc tất cả.

Một người bình thường phải chuẩn bị vài tiếng cho 5 phút lên hình, đối với Chang Hun cần nhiều hơn thế nữa. Nhưng anh bày tỏ niềm vui khi được làm một công việc đáng mơ ước của nhiều người khác, đặc biệt của nhiều người có hoàn cảnh như anh.

“Tôi phải làm tốt thì mới góp phần tạo ra được những cơ hội khác đến cho người khuyết tật như mình”. Những gì Chang Hun đang cố gắng không chỉ có thể mang lại cơ hội mà còn hy vọng cho những người đang theo đuổi ước mơ của mình và mang lại những ước mơ cho người chưa có nó.

Lượt xem : 16491 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo