Trang chủ --> Gương sáng --> Những người có ‘mắt’ trên đôi tay
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Những người có ‘mắt’ trên đôi tay

 

 

Lớp học massage này không có sách vở hay giáo trình. Chỉ nghe thấy tiếng giảng bài của giáo viên, và học viên lưu lại kiến thức bằng chức năng ghi âm của những chiếc điện thoại - đôi lúc được treo hẳn trên tai cho tiện.

Lớp học massage - bấm huyệt dành cho người mù được tổ chức ở chùa Kỳ Quang II, quận Gò Vấp, TP HCM đã 12 năm nay.

Vốn là nơi nuôi dưỡng nhiều trẻ em mồ côi, khuyết tật, ban lãnh đạo chùa rất quan tâm đến việc hướng nghiệp cho các em. Nhận thấy nghề massage là một công việc thích hợp đối với người mù, chùa Kỳ Quang quyết định kết hợp với Viện Y Dược học dân tộc TP HCM mở lớp dạy miễn phí.

1.	Các học viên đặc biệt chăm chú thực hành trong lớp học massage. Ảnh: Xuân Hường
Các học viên đặc biệt chăm chú thực hành trong lớp học massage. Ảnh: Xuân Hường.

Thầy Võ Quang Hai, phụ trách giáo dục tại chùa cho biết, lớp học năm nay quy tụ gần 60 người mù từ khắp nơi. Họ được các giáo viên của Viện Y Dược học dân tộc hướng dẫn trong 2 tháng, sau đó, các học viên sẽ thi kết khóa, nếu đạt yêu cầu sẽ được Viện cấp chứng chỉ hành nghề massage.

Ông Nguyễn Văn Minh (Quận 12, TP HCM) là một trong 58 học viên của khóa học năm nay. Mỗi tuần, cứ vào ngày thứ 3, thứ 5, ông lại đón xe buýt đến chùa học massage. Mong muốn của người đàn ông ngoài 40 tuổi này là sớm lấy được chứng chỉ hành nghề để có thể làm việc kiếm tiền.

Giống như ông Minh, chị Thu Sương và mấy người bạn ở Vũng Tàu nghe tiếng lớp học cũng quyết tâm khăn gói xuống Sài Gòn học massage để về quê tìm việc.

Các học viên đến đây được lo ăn bữa trưa và nghỉ trưa tại chùa. Những người từ xa đến như chị Sương còn được chùa cho tạm trú cho đến khi học xong.

Một ngày học 2 buổi, sáng học massage, chiều học Đông y. Giờ lý thuyết, 60 học viên ngồi thành hàng ngay ngắn giữa “lớp học” - là sảnh cầu nguyện của các Phật tử - và thầy giáo bắt đầu giảng về các huyệt và công dụng của huyệt trên cơ thể.

Không sách vở, không bút thước, dụng cụ để ghi nhớ của các học viên đặc biệt này là những chiếc điện thoại có thể ghi âm, máy ghi âm và bảng ký hiệu chữ nổi. Mỗi lần giáo viên ngừng giảng, lại có gần 10 cánh tay mạnh dạn giơ lên với cùng một yêu cầu “Nhờ thầy nói lại một lần nữa cho rõ”.

Một học viên treo điện thoại lên tai để tiện ghi âm bài giảng. Ảnh: Xuân Hường

Một học viên treo điện thoại lên tai để tiện ghi âm bài giảng. Ảnh:Xuân Hường.

Bà Nguyễn Việt Ngà, giáo viên massage của Viện Y dược học dân tộc cho biết, dạy massage cho người bình thường đã không đơn giản, đối với người mù lại khó gấp đôi, vì họ mất hẳn một kênh tiếp nhận qua hình ảnh/chữ viết.

“Giảng bài cho người mù phải chú ý dùng từ thật cụ thể, đơn giản, kết hợp với việc hướng dẫn tận tay từng động tác. Lúc đầu sẽ rất mất thời gian, nhưng khi đã nhớ, họ sẽ nhớ rất lâu. Hơn nữa, người khiếm thị khi massage sẽ tạo cảm giác gấp đôi người bình thường, vì họ hoàn toàn tập trung vào công việc của mình, và đôi mắt của họ nằm ở chính các ngón tay”, bà Ngà cho biết.

Cầm tay hướng dẫn trực tiếp để các học viên dễ tiếp thu. Ảnh: Xuân Hường

Cầm tay hướng dẫn trực tiếp để các học viên dễ tiếp thu. Ảnh: Xuân Hường.

Giờ thực hành, lớp chia thành từng cặp để thực hành với nhau. Một người nằm trên chiếu đóng vai khách, người kia làm nhân viên massage. Khi giáo viên nói đến đâu, học viên sẽ làm theo đến đó. Thường thì vào những giờ này lớp học sinh động hẳn lên, ngoài giáo viên cần thêm 4 - 5 tình nguyện viên để hướng dẫn tận tay từng người.

Vì thực hành không dùng mắt, nên đôi khi các học viên nhầm lẫn khiến cho người đóng vai được massage la lên vì đau. Theo các giáo viên, để học viên nhớ lâu, một động tác phải thực hiện ít nhất là 10 lần, tiếng la hét cũng bớt dần khi các học viên đã thuộc bài và làm thuần thục.

Chùa Kỳ Quang cũng là địa chỉ giới thiệu lao động uy tín cho các cơ sở massage tại khu vực lân cận. Theo quy định của chùa, những chủ cơ sở muốn tuyển nhân viên sẽ đến trực tiếp lớp và giới thiệu công khai về yêu cầu, điều kiện làm việc tại cơ sở mình.

“Tôi yêu cầu việc này là vì khi về làm việc, các em sẽ sống luôn tại đó. Vì vậy, các em rất cần được biết rõ về người chủ và nơi mình sẽ sống sau này. Việc này sẽ bảo đảm an toàn và quyền lợi của các em”, thầy Quang Hai, phụ trách lớp cho biết.

Trần Thanh Sang (21 tuổi, Đồng Tháp) vừa tốt nghiệp khóa học năm ngoái, giờ đã trở thành nhân viên massage tại quận Bình Thạnh. “Ở đó, tôi sống chung với gia đình người chủ và được trả 20.000 đồng mỗi lần massage. Cảm giác có thể tự làm ra tiền, thấy thích lắm!”, Sang chia sẻ.

Cũng như Sang, từ lớp học miễn phí này, hàng trăm người khiếm thị đã đường hoàng trở thành những nhân viên massage, tự làm việc nuôi sống bản thân mình một cách đầy tự hào.

 
Lượt xem : 18647 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo