Trang chủ --> Gương sáng --> Đám cưới cổ tích
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Đám cưới cổ tích

Ngày 23.4, lần đầu tiên trong lịch sử, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.Hồ Chí Minh tổ chức một lễ cưới đặc biệt như trong truyện cổ tích: Cô dâu là một nạn nhân da cam, chú rể là một bệnh nhân bị ung thư xương đã phải cắt bỏ một chân.

Đôi bạn Duyên - Bình hạnh phúc rạng ngời trong ngày cưới. Ảnh: Nghĩa Phạm

Kết cục hoàn hảo của hai nửa bất hạnh

Sau ngày cưới, tôi tìm đến thăm tổ ấm của Bình và Duyên. Đó là một góc nhỏ chưa đến 4m2, quây lại bằng màn vải, dưới gầm cầu thang trong cơ sở dành cho người khuyết tật An Phúc (118/90/52E Phan Huy Ích, Tân Bình). Trong cái góc nhỏ đó chỉ đủ để kê một chiếc giường đơn. Tấm ảnh cưới của hai vợ chồng để bên ngoài vì không đủ chỗ treo. Ngoài Duyên và Bình, cơ sở An Phúc còn có 20 người không lành lặn khác đang sinh sống. Duyên kể, chi phí cho đám cưới nho nhỏ nhưng ngập tràn niềm vui đó đến từ sự trợ giúp của mái ấm An Phúc, Ban giám đốc Bảo tàng... “Bọn em chỉ có 4 triệu để dành, đủ để thuê váy cưới và chụp hình thôi”, Duyên khoe.

Sinh năm 1988 tại Đồng Tháp, Lê Văn Bình đã phát hiện mình mắc ung thư xương từ 5 năm trước. Lúc đó chỉ cần cắt một đoạn xương có khối u chứ chẳng đến nỗi phải cưa chân, nhưng do không có tiền, Bình bỏ về quê 2 tháng. Lúc quay lại bệnh viện, tế bào ung thư di căn, vậy là phải cưa mất một chân rồi phải hóa trị. Đã gần 5 năm Bình sống với chiếc chân giả. “Từ đó đến nay, em chẳng chữa trị gì nữa vì chẳng có tiền, mỗi lần chụp phim mất 3 triệu đồng, rồi lại phải lấy mẫu xương đi xét nghiệm, tốn thêm vài triệu nữa”. Bình nói: “Thỉnh thoảng đi nhiều, cái chân giả cũng làm em đau, nhưng giờ quen rồi nên có khi cũng quên mất mình mang chân giả”.

Bình gặp “cô dâu mới” của mình gần 1 năm trước. Khi cả hai đang theo đuổi một khóa học dành cho người khuyết tật tại Đại học Văn Lang (TPHCM), Bình học họa viên kiến trúc còn Duyên học kỹ thuật viên đồ họa. 

Trịnh Thị Duyên năm nay 21 tuổi, nhưng từ khi 13 tuổi, tay chân Duyên đã bắt đầu teo tóp rồi không thể đi được nữa. Gia đình có 4 anh chị em, thì 3 người bị những triệu chứng có dấu hiệu ảnh hưởng của chất độc da cam. Địa phương nơi Duyên sinh sống (xã Nghi Long, tỉnh Nghệ An), cho đến nay vẫn không xác nhận Duyên và 2 chị em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Chính quyền cho rằng, cha của Duyên chiến đấu ngoài vùng bị rải chất khai quang. Sau đó, một phái đoàn của Mỹ đi điều tra về hậu quả của chất dioxin, khi đến khám cho Duyên đã kết luận cô bị ảnh hưởng của chất da cam. Bà Nguyễn Thị Phượng - mẹ Duyên - nói rằng, ông nội và ông ngoại của Duyên đều chiến đấu ở các chiến trường từng bị rải chất dioxin. 

Tuy vậy, chính quyền địa phương vẫn không công nhận những nạn nhân này. Cho đến nay, Duyên và anh chị em của mình chỉ nhận được tiền hỗ trợ cho đối tượng người già và khuyết tật, chứ không phải dành cho nạn nhân của chất da cam. “Em đã xin được việc ở công ty, nhưng đành bỏ” - Duyên  buồn bã.  “Các tòa nhà không có lối cho xe lăn, nên em không thể leo cầu thang để đến nơi làm việc”

Sống với từng phút giây

Cũng như 20 người khuyết tật khác ở cơ sở An Phúc, hàng ngày Duyên và Bình đan hạt cườm để làm những món đồ thủ công mỹ nghệ bán ở cửa hàng trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM. Ông Trần Hữu Quang - Giám đốc cơ sở An Phúc - cho biết: “Thu nhập của mọi người trong cơ sở hoàn toàn dựa vào tiền bán các món đồ lưu niệm, khoảng 50 - 60 triệu đồng/tháng. Trung bình một người khuyết tật ở đây thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Các chi phí ăn ở, đi lại đều do trung tâm lo”. Bình tâm sự: “Tụi em trân trọng và tận hưởng mỗi phút giây được ở bên nhau, vì không biết ngày mai sẽ như thế nào”. Duyên thì mơ ước sẽ có một cửa hàng bán đồ lưu niệm nhỏ cho riêng mình, nhưng "chỉ dám mơ ước vậy thôi... ”.   

Bình và Duyên mới vào trung tâm này khoảng 6 tháng, họ gần như là “em út” trong số 20 anh chị em. Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, các anh chị em khuyết tật khác cứ vây quanh trêu ghẹo cặp vợ chồng mới cưới này, khiến “cô dâu mới” mặt luôn ửng đỏ. Chia tay hai vợ chồng mới cưới, theo thói quen, tôi nói: “Chúc hai vợ chồng hạnh phúc”. Nói xong, bỗng thấy hình như lời của mình... hơi thừa. Họ đang rất hạnh phúc rồi. Hạnh phúc của hai nửa bất hạnh, có khi còn gấp đôi hạnh phúc của những người lành lặn. Chắc chắn là như vậy!
Lượt xem : 14613 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo