Trang chủ --> Tin học --> Người mù lướt web
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người mù lướt web

Không cần màn hình, chỉ với một bàn phím, một chiếc CPU máy tính và đôi tai nghe là người mù có thể gia nhập thế giới online mà nhiều người “sáng” vẫn chưa được tiếp cận.

 

Với người mù, internet giống như một đôi mắt mà số phận tặng cho họ. Internet - bước ngoặt lớn của cuộc đời

Đeo tai nghe để không ảnh hưởng đến người khác.

Ông Trương Công Định - Quyền giám đốc Trung tâm đào tạo và Phục hồi chức năng cho người mù tâm sự: “Internet nếu giúp người sáng được mười phần thì với người mù là trăm phần. Trước đây, khi còn đi học phổ thông, tôi chỉ ước ao mình có được một chiếc máy chữ. Rồi tôi cũng dành dụm và mua mua được một chiếc máy ấy. Tôi nghĩ mình sẽ gắn bó với nó suốt cuộc đời vì cho rằng đó là công cụ hữu ích và hiện đại nhất cho người mù. Trước đây, cần làm việc gì thì hầu như chúng tôi đều phải nhờ người “sáng” rất nhiều. Thế nhưng khi có internet thì mọi thứ khác hẳn. Nó giống như một bước ngoặt lớn trong đời của người mù và không khác gì một đôi mắt để giúp mình nhìn ra thế giới rộng lớn bên ngoài”.

Đúng như lời ông Định nói, internet đã giúp nhiều người mù thay đổi hẳn cuộc đời. Được tiếp cận với phương tiện này, người mù hoàn toàn có thể chủ động trong việc giao lưu, học hỏi và tiếp nhận các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Đây là những việc mà trước đây họ khó có thể tự mình thực hiện. Theo một số nghiên cứu thì lượng thông tin mà người mù tiếp nhận trước đây thì cao nhất cũng chỉ chiếm khoảng 10% so với ngày nay.

Anh Hoàng Xuân Hạnh - một thầy giáo dạy tin học ở Trung tâm Đào tạo và phục hồi chức năng cho người mù cho biết, nhờ internet mà đã có những mối tình của người mù đơm hoa kết trái. Theo thầy Hạnh, trước kia, việc giao lưu giữa những người mù rất khó khăn. Thông qua dịch vụ mail, chat hay các diễn đàn khác, nhiều người mù đã có thể làm quen với nhau và việc giao lưu được mở rộng.

Làm thế nào người mù có thể lướt web?

Có màn hình máy tính chỉ để các cô giáo kiểm tra.

Chắc hẳn đây là điều gây nhiều tò mò nhất cho nhiều người. Theo thầy Hoàng Xuân Hạnh thì một người mù muốn vào internet thì trước đó họ phải học sơ qua về tin học cơ bản. Ban đầu, người mù sẽ được học sơ qua về cấu trúc của máy tính, sau đó học các phần mềm hỗ trợ tiếng nói cho người mù, rồi học về windows... Thời gian ban đầu này mất khoảng 2 tháng. Sau đó họ sẽ mất thêm khoảng 1 tháng để học cách vào internet.

Điều quan trọng nhất để người mù “vào” mạng là cần một chiếc CPU máy tính có chất lượng khá, một bàn phím và loa hoặc tai nghe để không làm ảnh hưởng đến người khác. Ngoài ra, để có thể trò chuyện được thì cần trang bị thêm micro. Và cái quan trọng hơn là máy tính đó phải cài đặt một phần mềm dành riêng cho người mù sử dụng. Phần mềm được sử dụng phổ biến nhất hiện nay có tên là JAWS. Phần mềm này có chức năng đọc các thông tin trên màn hình, chủ yếu bằng tiếng Anh. Ngoài ra, chương trình này còn có những chức năng cài đặt “mở” cho phép người dùng có thể tự viết thêm tiếng của nhiều nước khác nhau. JAWS cũng cho phép sử dụng một số phím tắt nên việc vào mạng với người mù cũng không quá khó khăn. Ban đầu, người học phải làm quen với việc nghe cách phát âm của JAWS và biết được các phím di chuyển. Những người biết tiếng Anh là một lợi thế lớn khi tiếp cận với chương trình này vì phiên bản tiếng Anh trong JAWS là hoàn hảo hơn cả. Đây là một điểm khó khăn cho những người truyền đạt kiến thức về internet cho người mù vì ngoài dạy tin học cho họ thì những người là thầy giáo, cô giáo lại phải truyền dạy thêm cả tiếng Anh để người mù có đủ khả năng tiếp cận với chương trình.

Tại Việt Nam, JAWS cũng đã được cài đặt bổ sung phần tiếng Việt. Tuy nhiên, phần tiếng Việt này chưa hoàn chỉnh. Một trung tâm tin học tại TP HCM cũng đã kích hoạt phần mềm tiếng Việt có tên là Sao Mai để hỗ trợ cho người mù.

Tuy nhiên theo cả ông Định và thầy giáo Hạnh thì phần mềm tiếng Việt nói trên vẫn còn rất nhiều hạn chế. Trong JAWS, phần tiếng Anh được đọc khá chuẩn. JAWS còn có khả năng phát âm được âm vị, ngữ điệu của từng trường hợp cụ thể. Trong Sao Mai không làm được điều này nên người nghe luôn có cảm giác khô khan, thiếu tình cảm nên không thực sự được ưa thích. Sao Mai cũng không đọc được các từ địa phương, từ lóng hay từ mới... Trung tâm đang nghiên cứu để kết hợp khắc phục các hạn chế này của Sao Mai và cố gắng cho ra mắt phần mềm hoàn hảo hơn trong tương lai.

Số người mù tiếp cận internet quá ít

Hiện tại, hầu như các chương trình đào tạo tin học cho người mù đều phụ thuộc vào các dự án mà chủ yếu là các dự án nước ngoài. Chính vì thế, có rất nhiều người mù khao khát được tiếp cận với lĩnh vực mới mẻ ấy nhưng vẫn chưa có điều kiện và cơ hội để mở mang kiến thức của bản thân. Đây cũng là những thiệt thòi mà đa phần những người mù vẫn còn đang phải đối mặt!

Do người mù thường có nhiều hạn chế về mặt kiến thức và các cơ hội phát triển nên con số người mù tiếp cận được với internet còn rất thấp. Trong số khoảng 600.000 người mù của cả nước có lẽ chỉ có không đến 1% số người mù có thể sử dụng internet. Ngay ở Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người mù cũng mới chỉ đào tạo được cho hơn 100 người mù trong lĩnh vực này.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có phần từ chính những người mù, vì việc học phụ thuộc vào sức khỏe, vào trình độ cơ bản của mỗi học viên. Trên thực tế thì đa số người mù ở nước ta có trình độ thấp, khả năng sử dụng tiếng Anh yếu, sức khỏe kém.... Theo kinh nghiệm của nhiều giáo viên, có rất nhiều người mù không thể theo học được hết khóa học vì nhiều lý do khác nhau và mỗi khóa học, thông thường chỉ có khoảng 1/3 số học viên có thể đạt đến trình độ sử dụng internet thành thạo.

Trong khi đó, kinh phí dành cho người mù ở các địa phương không nhiều, bản thân những người mù cũng đa phần là nghèo khổ, có một số rất ít ỏi có khả năng về kinh tế nên việc đầu tư mua máy tính rất khó khăn. Các máy tính cho người mù sử dụng thường phải có chất lượng cao hơn bình thường nhiều, vì người mù sử dụng thường gây hỏng hóc do không thành thạo và không nhìn thấy để điều chỉnh. Đa số học viên khi gặp các sự cố thường điều khiển lung tung nên dễ gây ra các vấn đề khác cho máy tính. Theo ông Trương Công Định thì nếu đào tạo tin học cho một người bình thường mất 1 thì người mù sẽ mất gấp 5 lần, thậm chí lớn hơn vì khả năng xử lý các tình huống của người mù khi tiếp cận với máy tính kém hơn người bình thường nhiều lần. Việc đào tạo cũng cần nhiều giáo viên hơn các lớp học bình thường. Thông thường, 1 lớp học tin học của người mù từ 10 - 15 người cần khoảng 3 giáo viên. Máy tính cho người mù cũng phải cài đặt các phần mềm riêng. Như vậy, tất cả các chi phí cho lớp học đều bị “đội” lên nhiều. Lý do này cũng khiến cho các lớp tin học đào tạo cho người mù xuất hiện rất ít ỏi.

 

Hoàng Kim (Theo Giadinh)Hoàng Phương 

Lượt xem : 7861 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo