Trang chủ --> PHCN --> Người khiếm thị và vấn đề tiếp cận giao thông
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người khiếm thị và vấn đề tiếp cận giao thông

trong những năm gần đây, sự phát triển về mọi mặt kinh tế, xã hội đã tác động sâu sắc đến đời sống những người khuyết tật nói chung trong đó có cộng đồng người khiếm thị.
tại các tỉnh thành phố phát triển, hầu hết người khiếm thị trẻcó sức khỏe tốt đều có cơ hội tham gia học tập và lao động. theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng trên 400 người khiếm thị đang học tại các trường và hành nghề tại các cơ sở sản xuất thủ công, dịch vụ xoa bóp tẩm quất. Bên cạnh đó, các cấp hội người mù với những hoạt động đa dạng nhằm mục đích cải thiện đời sống tinh thần, nâng cao dân trí cho người khiếm thị như các câu lạc bộ tri thức đời sống, các buổi hội họp sinh hoạt văn hóa văn nghệ thường xuyên thu hút hàng ngàn người khiếm thị ở mọi lứa tuổi tham gia. đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy người khiếm thị đang có cơ hội rất lớn vươn lên hòa nhập cùng cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Những kết quả trong thực tế như sinh viên khiếm thị đạt thủ khoa, nhiều lao động khiếm thị có thu nhập vài triệu đồng trên tháng đã chứng minh một điều nếu được xã hội tạo điều kiện, gỡ bỏ những rào cản thì người khiếm thị hoàn toàn có thể trở thành những người có ích, đóng góp thành quả lao động và trí tuệ cho xã hội.
trong giới hạn của bài viết này, tôi chỉ xin bàn đến những rào cản đang cản trở người khiếm thị được tham gia giao thông một cách bình đẳng.
Trong cuộc sống thường nhật, để có thể học tập, lao động, sinh hoạt cùng cộng đồng, lẽ tất nhiên người khiếm thị cũng phải di chuyển, tham gia giao thông như mọi người bình thường. Hạn chế cũng là thiệt thòi rất lớn của người khiếm thị là không thể điều khiển các phương tiện cá nhân do đó tính chủ động khi tham gia giao thông là rất thấp,, chi phí dành cho việc di chuyển lại rất cao.
với những lộ trình ngắn, quen thuộc quanh nơi ở, làm việc, thường người khiếm thị sẽ chọn giải pháp chủ động tự mình đi bộ với cây gậy rò đường. Tuy nhiên kỹ năng dùng gậy vẫn chưa thực sự phổ biến, chưa tạo thành thói quen với số đông và đây cũng là trở ngại mang tính chủ quan mà người khiếm thị cần chủ động khắc phục. những yếu tố khách quan cản trở việc đi bộ của người khiếm thị thì muôn hình vạn trạng. Không khó để bạn hình dung tình hình lộn xộn tại các vỉa hè, lòng đường : xe cộ dựng đỗ bừa bãi, quán xá bầy hàng lấn chiếm, khiến người sáng mắt đi lại cũng vô cùng khó khăn. Và còn phải kể đến những tai họa rình rập như bếp than tổ ong hay hố ga mất nắp Thực trạng lộn xộn kể trên ảnh hưởng xấu tới cảnh quan, giao thông của cả cộng đồng không riêng người khiếm thị đã được công luận nhiều lần lên tiếng nhưng gần như rất ít thấy những biến chuyển tích cực. do đó người khiếm thị còn phải đối mặt dài dài với những trở ngại và nguy hiểm khi phải đi bộ trên đường.
Với những lộ trình xa hơn không thể đi bộ, phương tiện được người khiếm thị ưa thích lựa chọn đó là xe ôm bởi đây là loại hình dễ điều động, thuận tiện vào các ngõ ngách lại tiết kiệm so với taxi. Tuy nhiên , xe ôm không hề rẻ với những ai thường xuyên phải di chuyển. Bên cạnh đó còn là những nguy cơ mất an toàn về thân thể và tài sản đặc biệt với chị em phụ nữ khi phải đi với người lạ. Trong thực tế cũng đã có vài vụ việc đáng tiếc sảy ra. Nhiều khi để phần nào yên tâm và tiết kiệm, anh chị em chọn giải pháp đi 3 người thì lại đụng luật an toàn giao thông. Có một giải pháp an toàn hơn, tiết kiệm hơn nhưng cũng đòi hỏi người khiếm thị phải vượt khó rất nhiều đó là đi xe buýt.
Trong vòng 5-6 năm trở lại đây, mạng lưới xe buýt đã phủ hầu khắp các tuyến giao thông chính của các thành phố lớn. Các cấp Chính quyền đã rất kịp thời quan tâm cấp thẻ đi xe buýt miễn phí cho người khuyết tật. Nhờ thuận lợi đó mà ngày càng nhiều người khiếm thị đã coi xe buýt là lựa chọn số 1, là phương tiện để hàng ngày đi học, đi làm. Tuy nhiên, tính tiếp cận của xe buýt với người khiếm thị là rất thấp. Để sử dụng được xe buýt, người khiếm thị đang phải tự nỗ lực vượt cản , phụ thuộc nhiều vào may rủi, vào sự nhiệt tình, lòng tốt của các lái, phụ xe và những người đồng hành. Xin nêu những trở ngại chính khi người khiếm thị sử dụng xe buýt.
thứ nhất, tại các điểm chờ xe buýt chưa có dấu hiệu giúp người khiếm thị có thể dễ dàng nhận biết ví dụ như các gờ đắp nổi hay loại gạch lát riêng có thể cảm nhận bằng chân. Các điểm chờ chưa được xây dựng thống nhất theo một quy chuẩn, bậc lên xuống chỗ thấp chỗ cao khó tiếp cận với người già, trẻ em và đặc biệt là người khuyết tật do đó người khiếm thị thường gặp khó khăn và nguy cơ mất an toàn khi di chuyển từ điểm chờ đến xe buýt.
thứ hai, khi người khiếm thị đứng đón xe không hề có tín hiệu giúp họ nhận biết xe nào vào điểm để lên, phải hỏi người xung quanh mà không phải lúc nào cũng gặp được người giúp đỡ. Chính tôi và nhiều người khiếm thị đã từng phải thấp thỏm đứng chờ xe buýt cả giờ đồng hồ dưới cái nắng gắt hay một cơn mưa rào mà không tìm nổi người nhìn số xe giúp mình. ở các nước, người ta đã gắn hệ thống thông báo, mỗi khi xe vào điểm mở cửa, hệ thống này sẽ giúp người khiếm thị nhận biết tuyến xe. Tôi nghĩ để làm việc này không quá khó và tốn kém nếu thực sự dành sự quan tâm cho những hành khách kém may mắn.
Thứ ba, khi đã lên được xe, người khiếm thị lại rơi vào trạng thái luôn lo lắng không biết khi nào tới điểm cần xuống. Một vài tuyến xe đã trang bị hệ thống thông báo điểm dừng nhưng hoạt động rất thất thường. Nhiều lái phụ xe đã tắt hệ thống đó hoặc mở nhạc quá to. lẽ dĩ nhiên là có thể nhờ phụ xe hoặc hành khách nhưng sẽ là rất phiền và không phải lúc nào cũng gặp may mắn. Thái độ phục vụ của một số lái phụ xe là rất đáng phàn nàn với mọi hành khách nói chi đến người khuyết tật. Thời gian đi xe buýt vốn đã khá dài và mệt nhọc lại thêm những lo lắng căng thẳng ảnh hưởng không ít đến hiệu suất làm việc và học tập của người khiếm thị. xét về tính tiện lợi và kinh tế, xe buýt là phương tiện rất phù hợp, nên cộng đồng người khiếm thị rất mong ngành xe buýt cùng các ngành liên quan sẽ sớm có những quan tâm đầu tư đúng mức nhằm kịp thời cải thiện tính tiếp cận của xe buýt dành cho người khuyết tật nói chung đặc biệt là người khiếm thị.
với các dịch vụ giao thông đường dài như xe khách, đường sắt, hàng không thì chưa có chính sách trợ giá cho người khuyết tật, các dịch vụ hỗ trợ còn rất thiếu và yếu, cá biệt có hãng hàng không còn từ chối phục vụ người khuyết tật đi một mình.
một vấn đề rất nhức nhối nữa phải kể đến đó là thái độ ứng sử của một số người dân khi gặp người khuyết tật tham gia giao thông. Bên cạnh rất nhiều người luôn sẵn lòng giúp đỡ thì có không ít người do thiếu hiểu biết đã tỏ thái độ hay buông lời miệt thị đại loại như đã khuyết tật còn ra đường làm gì
Những trở ngại Giao thông chỉ là một trong nhiều những rào cản mà người khuyết tật đang phải đối mặt và vượt qua trên con đường khẳng định chính mình. Rào cản của mọi rào cản nằm chính trong suy nghĩ của mỗi người.
luật người khuyết tật đã ra đời và có hiệu lực trong đó quy định rất rõ mọi người cần tôn trọng; các quyền bình đẳng của người khuyết tật, các công trình xây dựng, các phương tiện giao thông phải đảm bảo tính tiếp cận cho người khuyết tật. Mong sao luật sẽ sớm đi vào cuộc sống từ những quan tâm, đồng cảm và chia sẻ của cộng đồng thông qua những hành động cụ thể dành cho những người khuyết tật kém may mắn, cũng là một trong những giá trị chân, thiện, mỹ rất căn bản mà bất kỳ xã hội văn minh, bình đẳng nào cũng cần hướng tới. Tôi tin sự tiến bộ của người khuyết tật góp phần không nhỏ vào sự tiến bộ chung của xã hội.

Nguyễn Hùng 

Lượt xem : 20524 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo