Trang chủ --> PHCN --> Thông điệp từ cây gậy trắng
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Thông điệp từ cây gậy trắng

“Cây gậy trắng là biểu tượng của người khiếm thị trên khắp thế giới. Hãy nhường đường cho người mang cây gậy trắng”. Đó là thông điệp của một nhóm truyền thông tình nguyện hỗ trợ người khiếm thị tại TP.HCM được đưa ra trong Ngày quốc tế cây gậy trắng 15-10.

 
Em học sinh khiếm thị này phải đi dưới lòng đường vì vỉa hè không còn chỗ

Nguyễn Thị Loan (25 tuổi) là sinh viên khoa giáo dục đặc biệt Trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM. Bị mù từ nhỏ, hằng ngày Loan đến trường bằng xe buýt với tấm thẻ ưu tiên dành cho người khiếm thị khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Lịch sử Cây gậy trắngNăm 1921, một người khiếm thị ở Anh phát hiện nếu sơn trắng cây gậy sẽ gây chú ý và dễ nhìn thấy hơn đối với những người lái xe, qua đó gia tăng độ an toàn cho người sử dụng gậy trên đường phố. Từ đó cây gậy trắng được xem như biểu tượng nhận dạng người khiếm thị, đồng thời là công cụ di chuyển hữu hiệu của họ. Kể từ năm 1964, ngày 15-10 hằng năm chính thức trở thành Ngày an toàn của cây gậy trắng của nước Mỹ, sau này trở thành Ngày quốc tế cây gậy trắng được nhiều quốc gia công nhận.



Chị đã quen với quãng đường từ cầu Thị Nghè đến trường ở Q.5, lúc trời nắng ráo cũng như khi mưa gió và ngập đường. Chị đứng ở trạm xe buýt, nhờ người bên cạnh xem giùm xe số mấy đang tới, nếu đúng thì chị vẫy tay để được đón. Thế nhưng không phải lúc nào xe buýt cũng dừng hẳn để chị dễ dàng bước lên. Cũng có lúc xe không đón, chị đành đi bộ tới trạm tiếp theo hoặc đứng chờ.

Đường phố không dành cho người khiếm thị?

Khi qua đường, chị Loan thường nhờ một bạn mắt còn nhìn thấy mờ mờ đi cùng. Nếu không, chị phải trông cậy vào người đi đường. Nếu có ai tốt bụng thì dắt chị qua đường, không thì chị cứ từ từ, lần lần để qua đường. Nhưng lại vẫn khó vì dáng vẻ của chị, với đôi mắt như người bình thường, khiến người ta không biết chị bị khiếm thị.

Chị Loan kể: “Người chạy xe trên đường không biết mình là người mù nên họ cứ lao xe tới và nghĩ mình sẽ tránh đường. Có hôm mình bị xe quẹt vào người, chưa kịp nói gì thì đã nghe chửi: không có mắt à?”.

Đó là một trong số rất nhiều câu chuyện của người khiếm thị khi ra đường. Trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có những đoạn vừa được làm lại theo tiêu chuẩn quốc tế với những hàng gạch lát có gờ gồ lên, bề ngang khoảng 40cm để người khiếm thị có thể dùng chân hay gậy dò đường. Tuy nhiên trong thực tế khó có người khiếm thị nào có thể đi suôn sẻ trên lối dành riêng này.

Nhiều xe máy, bảng hiệu, quầy thuốc lá, gánh hàng rong... chắn ngang lối đi. Có khi một trụ điện thoại công cộng mọc ngay trên lối đi này, có những tòa nhà xây tam cấp chiếm hết toàn bộ lối đi. “Có khi lối đi được xây... quẹo thẳng vào tường, chứng tỏ người làm đường không biết những viên gạch có gờ đó dùng để làm gì” - một thành viên nhóm truyền thông “Cây gậy trắng cho người khiếm thị” nói.

Dù Bộ Xây dựng đã ban hành “Quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật tiếp cận sử dụng tại Việt Nam” từ năm 2002, nhưng thực tế cho thấy rất hiếm công trình giao thông, khu vực công cộng áp dụng quy chuẩn này trong xây dựng. Nhiều học sinh, sinh viên khiếm thị cho biết đi bộ quá nguy hiểm, vì lề đường bị chiếm dụng để kinh doanh, giữ xe... nên phải đi dưới lòng đường. Ngay cả khi đi được trên lề cũng bị người đi xe máy nhảy lên lề lấn đường và tông cả vào gậy.

Đi xe buýt cũng đáng sợ không kém vì xe thường không dừng hẳn mỗi khi đón và trả khách, rất nguy hiểm cho người khiếm thị. Các em còn cho biết xe buýt thường không dừng lại đón khi thấy các em cầm gậy, vì biết đó là người khiếm thị có thẻ đi xe buýt miễn phí... Vì vậy người khiếm thị chỉ còn cách đi xe ôm nếu cần ra đường, mà không phải ai cũng có tiền để đi.

Do đó, họ bị cản trở rất nhiều trong mọi nỗ lực học tập và mưu sinh một cách độc lập.Ở các nước tiên tiến, từ lâu người khiếm thị đã được hỗ trợ nhiều điều kiện để đi lại thuận tiện, giúp họ dễ dàng hòa nhập với cuộc sống. Hệ thống giao thông và các công trình công cộng luôn có lối đi cho người khiếm thị, nút bấm thang máy có chữ nổi, có âm thanh báo khi thang máy dừng ở tầng nào, đèn giao thông có âm thanh báo hiệu khi có thể băng qua đường... Ngoài ra còn có những sắc luật về bảo vệ và nhường đường cho người khiếm thị (cầm gậy trắng) và huấn luyện chó dẫn đường.

Slogan kêu gọi cộng đồng nhận biết người khiếm thị thông qua cây gậy trắng - Ảnh: B.V.

Kêu gọi nhường đường

Truyền thông kêu gọi công chúng nhường đường cho người khiếm thị bắt nguồn từ ý tưởng của anh Lê Dân Bạch Việt - thầy giáo khiếm thị dạy nhạc của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) với một mắt chỉ phân biệt được sáng - tối, mắt còn lại có thị lực chưa đến 1/10.

Một lần, một học trò của anh Việt đi thăm thầy cô nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 đã bị xe tải tông chết chỉ vì em không mang gậy, lái xe không biết đó là người khiếm thị. Từ đó, anh quyết tâm học ngành định hướng di chuyển để có thể giúp hướng dẫn các em di chuyển an toàn và độc lập.

Năm 2004, anh Việt được nhận học bổng của Quỹ Ford học thạc sĩ ngành liệu pháp định hướng di chuyển cho người khiếm thị tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) trong hai năm. Trở về nước, anh cùng các đồng nghiệp tâm huyết xúc tiến nhiều hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, hội thảo, dịch tài liệu... nhằm phát triển ngành dạy và học định hướng di chuyển.

Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên lấy bằng thạc sĩ về định hướng di chuyển tại Mỹ. Tuy nhiên, khi công việc và mơ ước còn dang dở, anh Việt đã qua đời vào đầu năm 2011 vì bệnh ung thư. Những dự định của anh đã được nhiều bạn bè, học sinh, đồng nghiệp có cùng chí hướng từ các trường, các tổ chức giáo dục, xã hội và cộng đồng tiếp nối. Trong đó có hoạt động truyền thông kêu gọi người khiếm thị sử dụng gậy như một công cụ hỗ trợ di chuyển ngày càng phổ biến và kêu gọi công chúng nhường đường cho người khiếm thị nhân Ngày quốc tế cây gậy trắng 15-10.

Tại Việt Nam, rất hiếm khi người khiếm thị đi lại trên đường phố một cách độc lập vì nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là họ không được đảm bảo an toàn khi di chuyển. Ngoài ra, người khiếm thị cũng rất ít khi sử dụng gậy, hoặc không có gậy (do không đủ tiền mua), hoặc chưa biết cách sử dụng gậy, hoặc do mặc cảm không muốn người khác biết mình là người khiếm thị.

Trong khi đó, cộng đồng chưa có ý thức về việc nhường đường cho người khiếm thị đi bộ, kể cả khi họ đang cầm cây gậy trắng. Chính những điều này làm hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng của người khiếm thị, cản trở họ vươn tới một cuộc sống độc lập và hạnh phúc hơn. Với những trăn trở ấy, dự án truyền thông kêu gọi cộng đồng nhường đường cho người sử dụng cây gậy trắng được nhóm những người tình nguyện tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 14-10 này.

Chương trình do nhóm bạn bè của anh Lê Dân Bạch Việt gồm những giáo viên, học viên khiếm thị và các tình nguyện viên tổ chức tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, với sự tham gia của các tình nguyện viên và người khiếm thị đến từ Trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM, mái ấm Thiên Ân, mái ấm Nhật Hồng, Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, với nhiều hoạt động như tặng gậy cho người khiếm thị, trình chiếu về lịch sử cây gậy trắng, kêu gọi truyền thông...

Theo LƯU TRANG - THANH Ý (TTO)
Lượt xem : 21623 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo