Trang chủ --> Gương sáng --> Vận động viên Đào Văn Cường: Vượt lên số phận
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Vận động viên Đào Văn Cường: Vượt lên số phận

Từng giành nhiều thành tích cá nhân, mang về vinh quang cho thể thao người khuyết tật Việt Nam, nhưng với Đào Văn Cường, niềm vui sống, hạnh phúc có được nhờ thể thao còn quan trọng hơn những tấm huy chương.

“Người khiếm thị chơi được thể thao, khó lắm”

Khi tôi tìm đến Trung tâm thể dục thể thao Khúc Hạo, thầy trò anh Cường đang đứng trong một căn phòng mới được sang sửa lại nhưng bộn bề đồ đạc. Huấn luyện viên Ngô Anh Tuấn, người đã có đến 20 năm gắn bó với thể thao người khuyết tật và là huấn luyện viên trực tiếp cho Đào Văn Cường, tâm sự chân thành: “Thấy em nó vất vả quá, tôi xin với trung tâm tạo điều kiện để em có thể mở một phòng mát-xa, tẩm quất, chăm sóc sức khỏe ở đây. Nói thực, vận động viên khuyết tật dù có có thành tích cao, thì cuộc sống thường nhật cũng vẫn trăm bề khó khăn, chẳng dễ để theo đuổi thể thao đâu…”

Vẫn biết là khó khăn, nhưng mở đầu câu chuyện, Đào Văn Cường vẫn cười tươi: “Giờ kinh tế khó khăn mà, ai cũng bị ảnh hưởng, cả

người khuyết tật bọn mình cũng vậy, và lại càng khó khăn hơn ấy. Trước cũng cùng anh em mở một phòng tẩm quất, nhưng công việc khó quá, thuê mặt bằng đắt đỏ. Chẳng riêng gì luyện tập thể thao, cả trong cuộc sống mưu sinh thường nhật, nếu không có các thầy giúp đỡ, anh em bạn bè cũng chia sẻ động viên nhau, thì chẳng thể theo tập được đâu. Người khiếm thị, chơi được thể thao, khó lắm…”

VĐV Đào Văn Cường: Vượt lên số phận, Các môn thể thao khác, Thể thao, dao van cuong, vdv khuyet tat, the thao khuyet tat, the thao viet nam, ngan thuong, duong thi viet anh, tran le quoc toan, the duc nhip dieu, cu ta, dien kinh, sea games, the thao, the thao 24h, tin the thao

HLV Ngô Anh Tuấn đã cùng các VĐV mang lại nhiều thành công cho thể thao người khuyết tật Việt Nam

 

Ấy vậy mà Văn Cường tập được, chơi được, gắn bó với điền kinh đã 10 năm, mà còn giành được rất nhiều thành tích, nhất là tấm huy chương vàng châu Á năm 2006. Ở giải đấu Fespic Games năm ấy, Đào Văn Cường là một trong tám vận động viên xuất sắc nhất châu Á được vinh danh. Từng đại diện Việt Nam tham dự Paralympic, nhưng Đào Văn Cường vẫn cứ phải ngày ngày mưu sinh với nghề đấm bóp. Khó khăn vất vả vậy, nhưng nụ cười vẫn cứ luôn nở trên môi người đàn ông nhỏ bé mà đầy nghị lực này.

Đào Văn Cường sinh năm 1980, người xã Minh Phúc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Năm 2002, biết được thông tin qua bạn bè, Văn Cường tìm đến Trung tâm Khúc Hạo xin tập luyện. Anh bảo khi ấy thể thao cho người khuyết tật rất hạn chế, ít người tham gia, và anh cùng với một người bạn khác là hai người khiếm thị đầu tiên tập thể thao, đến với những bước chạy đầu tiên.

Đến năm 2003, Đào Văn Cường tham dự giải đấu đầu tiên là giải tiền ParaGames tại Hà Nội. Có một huy chương vàng cự ly 800m, một bạc cự ly 400m, Đào Văn Cường được tuyển chọn vào đội tuyển điền kinh Việt Nam tham dự ParaGames 2, và anh có một huy chương vàng cự ly 400m, một cự ly 800m. Từ đó, trong tất cả các kỳ ParaGames tiếp sau, anh đều được chọn vào đội tuyển điền kinh Việt Nam và giành những thành tích cao.

Năm 2006, Đào Văn Cường có hai huy chương vàng châu Á tại Fespic Games. Năm 2008, anh tham dự Paralympic và năm 2010 giành huy chương đồng tại Asian ParaGames ở Quảng Châu. Đào Văn Cường từng sang Mỹ tham dự vào một cuộc chạy marathon từ thiện, và với sự nỗ lực, anh đã hoàn thành 42 km đường chạy sau sáu tiếng đồng hồ.

Tấm gương vượt lên số phận

Bất kể thời tiết, nắng đổ lửa hay những ngày trời Hà Nội rét căm căm, cứ buổi sáng là anh ra sân Hàng Đẫy tập chạy, sau đó sang Khúc Hạo tập thể lực, rồi chiều lại tiếp tục tập bổ trợ thêm. Suốt 10 năm tập luyện như vậy, khó khăn là không kể xiết, mà cũng khó diễn đạt hết bằng lời, một vận động viên khuyết tật thực sự phải có những nghị lực phi thường. Đào Văn Cường nói rằng, anh rất cảm ơn những người bạn tập luyện, những người dẫn đường cho anh trên đường chạy. Rất nhiều những vận động viên điền kinh Việt Nam đã tình nguyện giúp đỡ cho những đồng nghiệp khuyết tật trong quá trình luyện tập và thi đấu.

Những tấm huy chương, những thành tích là rất quý giá, nhưng với Đào ăn Cương, cũng như với nhiều vận động viên khuyết tật khác, đôi khi niềm vui sống mới là quan trọng. Thể thao mang đến cho người khuyết tật sức khỏe, niềm vui, tình bạn, và mang đến cho họ những phút giây thiêng liêng được tự hào vì mình đã mang về vinh quang cho tổ quốc, mang lại sự động viên tinh thần cho cộng đồng những người khuyết tật.

Đào Văn Cường tâm sự rằng dù là người khiếm thị, nhưng anh cảm thấy may mắn hơn những người khác. Một người phụ nữ hoàn toàn mạnh khỏe đã đem lòng yêu thương anh, và họ thành vợ chồng, dù ban đầu gia đình vợ cũng có đôi chút ý kiến phản đối. Hai cô con gái đã ra đời, bé lớn đang học lớp 2, và cả hai đều khỏe mạnh bình thường, gia đình chính là điểm tựa hạnh phúc cho Đào Văn Cường.

Biết được những khó khăn, để tiện cho việc tập luyện, Sở Thể dục thể thao Hà Nội đã tạo điều kiện để Đào Văn Cường cùng các vận động viên khuyết tật khác được ở trong khu nhà dành cho vận động viên ngay sân Trịnh Hoài Đức. Hỏi cụ thể về chế độ cho vận động viên khuyết tật, Đào Văn Cường có tiền ăn 100.000 đồng/ngày, cùng tiền công tập luyện. Vẫn còn rất nhiều hạn chế, nhưng Đào Văn Cường bảo, như vậy là cũng đã rất tốt rồi, thêm tiền thưởng mỗi khi có thành tích, anh có thể tạm đảm bảo cuộc sống.

Chia tay nhau, rời Trung tâm Khúc Hạo, tôi ngỏ ý đèo Đào Văn Cường về khu nhà ở bên Trịnh Hoài Đức. Ngồi sau tôi, anh vẫn nói chuyện, vẫn cười rất vui vẻ. Giữa dòng người đông đúc, tôi cảm nhận được Đào Văn Cường vẫn đang lắng nghe những thanh âm của cuộc sống, để tìm niềm vui cho chính mình. Ngày hôm sau, anh lại dậy sớm trong một buổi sáng lạnh giá của Hà Nội, và tiếp tục những bước chân, đổ những giọt mồ hôi trên đường chạy.

HLV Ngô Anh Tuấn: Tâm lý là vấn đề lớn nhất

“Tôi gắn bó với thể thao người khuyết tật, gắn bó với Trung tâm Khúc Hạo đã 20 năm. Chế độ đãi ngộ cho vận động viên còn nhiều hạn chế, nhưng tôi thấy đó chưa hẳn là điều lớn nhất. Vấn đề, đôi khi lại nằm ở tâm lý. Chúng tôi vẫn cứ phải luôn động viên họ tiếp tục theo tập thể thao, nhưng cái chính là chúng ta phải có sự đối xử thật công bằng với vận động viên. Đôi khi công tác tuyển chọn vận động viên tham dự một giải đấu nào đó có một vài khúc mắc. Chúng ta cần công bằng, cứ vận động viên nào có thành tích tốt nhất thì lấy, vận động viên đã đạt chuẩn thì cần được tạo điều kiện để thi đấu. Nếu không, rất dễ dẫn đến chuyện vận động viên khuyết tật cảm thấy tổn thương, và từ đó, suy giảm nhiệt huyết với thể thao”.

 

Nguồn 24H 


 

Lượt xem : 33375 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo