Trang chủ --> PHCN --> Nhu cầu thông tin và đáp ứng thông tin cho người khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Nhu cầu thông tin và đáp ứng thông tin cho người khiếm thị

Thông qua việc thu nhận ý kiến phản hồi từ các hoạt động mở rộng trong phạm vi cả nước như Hội thảo, tập huấn, hợp tác chia sẻ nguồn lực và nhất là việc tìm hiểu bạn đọc khiếm thị tại Thư viện KHTH Tp HCM trong nhiều năm và gần đây là một số thư viện Tỉnh, thành, Hội người mù, Trường cho người mù, các Trung tâm và mái ấm nhà mở cho người khiếm thị… có thể tóm tắt nhu cầu đọc sách của người khiếm thị như sau:

 

Về nội dung: Cũng đa dạng như các thành phần độc giả khác, tuy vậy yêu cầu nhiều nhất vẫn là sách giáo khoa phổ thông và sách học ngoại ngữ, rồi đến sách Văn học, sách về Xã hội – Chính trị, Âm nhạc, Y học cổ truyền, Tài liệu tham khảo như Từ điển, Bách khoa toàn thư, Sách giáo khoa chương trình đại học, các ngành nghề thủ công, khoa học ứng dụng như Tin học cho người mù, Tin tức nói chung.

 

Về loại hình: Tài liệu in thông thường như sách, báo, tranh ảnh, bản đồ, biểu đồ cho những người mắt kém nhưng cố gắng vẫn có thể tiếp cận được.

 

Sách chữ nổi thường là dành cho Người khiếm thbẩm sinh, còn trẻ, rất cần thiết cho các em học sinh khiếm thị học đọc và học viết. Nhìn chung số người sử dụng chữ nổi không nhiều. Muốn đọc được chữ nổi thì phải học. Trong khi đó những người hoàn toàn khiếm thị chủ yếu là do tuổi tác, họ không học chữ nổi nữa. Người nhược thị - chiếm đa số - vẫn còn nhìn thấy được nên không cần đến chữ nổi và người mắc chứng khó đọc thì hoàn toàn không cần. Sách nói (CD, cassettes) phù hợp cho mọi người có vấn đề về mắt. Trình duyệt Web để người mù có thể đọc thông tin trên Website.

 

Phương tiện hỗ trợ đọc: Máy tính và các Phần mềm chuyên dụng đọc tiếng Việt như NDC, VCL, Mata, đọc tiếng nước ngoài như Jaws, Máy đọc sách nói kỹ thuật số Victor Reader, Máy cassettes, Máy trợ thị SmartView.

 

Cơ hội: - Hiện nay có rất nhiều lựa chọn để Người khiếm thịcó thể truy cập được thông tin. Bên cạnh chữ Braille truyền thống đã có chữ Braille được máy tính hoá (Computerised Braille) Bên cạnh sách nói dạng analog là băng cassettes đã có sách nói kỹ thuật số (Digital Talking books) và rất nhiều hỗ trợ công nghệ khác.

 

Trở ngại: - Tình hình đã được cải thiện rất nhiều nhưng người khiếm thị trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng còn gặp nhiều trở ngại trong việc truy cập tài liệu, chủ yếu là:

 

- Một tỉ lệ rất nhỏ tài liệu trên toàn thế giới (khoảng 2%-5%) được chuyển sang các dạng khác nhau cho người khiếm thị. Ở Việt nam, tỉ lệ này là không đáng kể.

 

- Sách chữ nổi ít người sử dụng vì những lí do đã nêu trên, chiếm nhiều diện tích và khó chia sẻ.

 

- Sách chữ lớn, chữ đại chưa được các nhà xuất bản ở nước ta quan tâm, trong khi đó máy trợ thị CCTV lại rất đắt, cá nhân không thể trang bị được.

 

- Sách nói là băng cassetes khó tìm các đoạn cần nghe.

 

- Máy tính và các ứng dụng của nó tương đối phức tạp. Cần một số mức độ tập huấn nhất định. Đọc Web hiện nay cũng còn nhiều điểm cần khắc phục. Hầu hết các Website đều thiết kế cho người sáng mắt.

 

- Cơ hội sử dụng công nghệ cho người nghèo còn rất hạn chế

 

Đáp ứng thông tin 

 

Tài liệu chữ Braille

 

Hệ thống chữ Braille được đưa vào Việt Nam từ cuối thế kỉ thứ XIX. Mẫu kí hiệu Braille cho người mù ở nước ta sử dụng từ trước đến nay có sự không thống nhất giữa các miền và các trường. Nguyên nhân là do mẫu chữ Braille vào Việt Nam nguyên bản là tiếng La-tinh. Vì thế có những chữ có trong bảng chữ cái tiếng Việt mà tiếng La-tinh không có như chữ Â, Đ, Ê, Ô cho nên các trường khiếm thị ở các địa phương tự nghĩ ra cách kí hiệu theo đặc thù riêng để dùng cho trường mình. Điều đó dẫn đến việc người khiếm thị của miền Bắc thì không đọc được chữ trong sách của miền Trung, miền Nam và ngược lại gây nhiều khó khăn cho người khiếm thị ̀ trong việc giao lưu, hội nhập

 

Cho đến nay, sách braille chỉ được xuất bản và lưu hành “nội bộ”! Lý do thì có nhiều. Nước ta chưa có một nhà xuất bản chính thống nào xuất bản và in ấn sách braille cho người khiếm thị. Những cuốn sách chữ nổi hiếm hoi có được là do các cơ sở có nhu cầu tự “xuất bản”, tất nhiên được sự cho phép của Nhà nước. Đó là Hội Người mù Việt Nam và hệ thống các trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Hội Người mù Việt Nam khi có nguồn kinh phí, Hội có chủ trương ra sách Braille để gửi về các địa phương miễn phí với số lượng rất hạn chế.

 

Trên thực tế, sách braille chủ yếu là sách giáo khoa phục vụ cho học sinh khiếm thị. Các sách tham khảo, sách văn hóa, giải trí thông thường rất ít và hầu như không có. Hình thức xuất bản thực chất là dịch từ sách giáo khoa thông thường sang chữ braille. Theo chủ trương của Bộ GDĐT, các em khiếm thị học hòa nhập cùng các em sáng mắt chung một chương trình phổ thông, nhưng do chưa có một chương trình học biên soạn riêng cho đối tượng đặc biệt này nên các trường đã tự tổ chức dịch từ sách giao khoa thường thành sách chữ nổi. Hiện, trường Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội đã có sách braille các môn cơ bản như Toán, Văn, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, Sử, Địa, Lý, Hóa… từ lớp 1-9. Số lượng bản in không nhiều và thực tế cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu học của các em trong trường. Sách braille cho các bậc học cao hơn hầu như không có.

 

Việc dịch sách này không hề đơn giản, nhất là đối với các môn tự nhiên và thậm chí vất vả hơn nhiều so với việc dịch sách ngoại ngữ. Dịch các công thức, thuật ngữ chuyên biệt trong các môn tự nhiên là rất khó: ví dụ như sin, cos, tang… do không có sự thống nhất cụ thể về cách dịch các công thức nên mỗi trường lại có một cách dịch khác nhau. Điều đó dẫn đến tình trạng, sách Toán chữ nổi của trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội không thể đọc được ở trường Nguyễn Đình Chiểu TP HCM. Thêm vào đó, xu hướng cải cách trong giảng dạy tiểu học là tăng phần quan sát hình họa, giảm lời diễn đạt nên đòi hỏi người dịch phải có trình độ, có kỹ năng mô tả, diễn giải cụ thể từ hình họa sang lời văn thật dễ hiểu để các em khiếm thị hình dung được. Chi phí cho việc dịch sách vì thế rất tốn kém. Còn việc đóng sách thành từng quyển chữ nổi thì nguyên liệu giấy sử dụng rất đắt tiền. Giấy phải cứng, dày, dai và giá thành cao. Trung bình, 5 trang chữ braille mới bằng một trang chữ thường. Máy in chữ Braille cũng thuộc dạng đặc biệt với giá thành khá đắt. Theo ông Phạm Anh Dũng - Hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, chi phí cho bộ sách braille lớp 1 khoảng hơn 2 triệu đồng, gấp hơn 20 so với giá thành một bộ sách lớp 1 chữ thường! Mặt khác, sách braille không bền như sách thường và phải được bảo quản cẩn thận, không được để nằm gây bẹp các điểm nổi, tay sờ có mồ hôi sẽ dễ làm nhòe chữ.

 

Viện Nghiên cứu chiến lược giáo dục đã trình duyệt dự án thống nhất ký hiệu chữ braille cho các lớp có cải tiến. Tuy nhiên, những cố gắng to lớn đó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu khổng lồ về sách của người khiếm thị. Thiết nghĩ, nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn cho việc xuất bản loại sách này đi vào quy cũ và nhất quán giữa các miền Nam, Trung, Bắc. Trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật thuộc Viện khoa học giáo dục với sự hỗ trợ của tổ chức CRS (Tổ chức cứu trợ và phát triển) đã tổ chức hội thảo lần thứ 3 về đề tài " Xây dựng và thống nhất hệ thống kí hiệu Braille cho người mù Việt Nam" để thống nhất xây dựng hệ thống kí hiệu Braille tiếng Việt cho cả ba miền và thống nhất các nguyên tắc xây dựng kí hiệu, trong đó có 68 quy tắc cho các môn như Tiếng Việt, Toán học, Vật Lý, Hoá học, Sinh học. Tiến tới thay thế cái bảng và dùi viết của người mù bằng một phần mềm để người mù Việt Nam có điều kiện học tốt hơn. Bên cạnh đó các lĩnh vực như tin học, âm nhạc, ngoại ngữ... cũng cần có một hệ thống kí hiệu hoàn chỉnh, thống nhất để người mù có thể dễ dàng sử dụng, tiếp cận được với khoa học kĩ thuật, với các phương tiện hiện đại phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Người mù ở Việt Nam ít có cơ hội để có thể học cao hơn do thiếu kí hiệu trong hệ thống các môn học. Hiện nay nhu cầu học lên các bậc cao hơn như Đại học của người mù ngày càng nhiều hơn. Đề tài "Xây dựng và thống nhất kí hiệu Braille cho người mù Việt Nam" qua 3 lần hội thảo. Song ở các bộ môn hoá học và toán học có nhiều ý kiến cho rằng các kí hiệu còn dài và khó đối với người học. Bản thân các môn học này cũng có quá nhiều các kí hiệu rất phức tạp nên việc học các môn này đối với người khiếm thị khi học các môn này lại càng khó khăn hơn.

 

Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã tiếp nhận và khai trương Thư viện chữ nổi cho người mù với vốn đầu tư 10 triệu yên do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam tài trợ, đặt tại Trung tâm đào tạo, phục hồi chức năng cho người mù (Hà Nội). Dự án thư viện chữ nổi cho người mù Việt Nam ngoài việc cung cấp sách báo cho độc giả mượn và đọc tại chỗ, còn có nhiệm vụ biên soạn, in sách bằng chữ nổi. Qua gần 1 năm triển khai, thư viện đã biên soạn và in 500 cuốn sách, với 40.000 trang in bằng chữ nổi, phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ văn hóa của người khiếm thị như sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 tập một và hai, sách phục hồi chức năng, sách dạy xoa bóp, bấm huyệt, tập sách "Những tấm gương phụ nữ mù" tập một và giáo trình tiếng Anh Headway.

Trung tâm Sao Mai tại Thành phố Hồ Chí Minh được tài trợ xây dựng Dự Án Thiết Lập Phòng In Chữ Nổi được tài trợ với số tiền 4,000 đô la. Dự án này sẽ giúp cho các học viên khiếm thị những kỹ năng cơ bản về in ấn tài liệu chữ nổi.

Ngoài một số tài liệu chữ nổi, Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh cũng có dịch vụ chuyển dạng tài liệu sang chữ Braille theo yêu cầu của bạn đọc

Báo chữ nổi

Từ trước đến này, người mù chỉ có một tờ báo chuyên dụng có tên là "Đời mới". Tờ báo được phát đến tận tỉnh hội, phường hội, tới tay từng hội viên và những người mù, giúp họ hoà nhập hơn với đời sống cộng đồng, tạo cho họ một... cuộc sống mới". Báo ra đời đã được 33 năm. Ban đầu chỉ là tờ nội san lưu hành nội bộ với số lượng rất nhỏ do kinh phí hạn hẹp. Đến năm 1988, "Đời mới" chính thức được đăng ký như một tờ tạp chí trong hệ thống báo chí. Năm 1992 ra thêm bản in chữ thường và "tờ" "Đời mới" truyền thanh (được in sao ra băng cát-sét). Có những dịp kỷ niệm quan trọng cần tuyên truyền và cần có tiếng nói ủng hộ của các cấp ngành, tờ bản in chữ thường mới được xuất bản. Còn định kỳ, tháng chẵn các hội viên có "tờ" chữ nổi, tháng lẻ có "tờ" truyền thanh.

Băng sách nói

Có nhiều tổ chức nhà nước hay cơ quan từ thiện trên cả nước tổ chức phát hành sách nói nhằm giải quyết phần nào nhu cầu học tập và giải trí cho người mù và khiếm thị trong cộng đồng như các thư viện tỉnh thành, mái ấm, nhà mở, trung tâm đặc biệt. Nổi bật nhất là Hội Người mù Việt Nam đã liên hệ với Hội Phụ nữ phối hợp với Đài Tiếng nói  Việt Nam xây dựng phòng băng sách nói, sản xuất băng (sách nói). Hội Phụ nữ từ thiện TP Hồ Chí Minh đã khắc phục bằng cách “xuất bản” sách nói: đọc SGK thường thu vào băng casset và sao nhiều bản đối với bộ sách từ lớp 1 đến lớp 11. Các loại tài liệu khác thì có một số nhà kinh doanh băng đĩa phát hành, đa số là sách giải trí cho trẻ em như chuyện cổ tích.

Tin tức trên đài phát thanh, truyền hình

Đa số người mù và khiếm thị theo dõi tin tức trên đài phát thanh truyền hình để cập nhật thông tin hàng ngày.

Có thể nói, sách báo cho người khiếm thị là một vấn đề nan giải không chỉ của riêng ngành giáo dục. Trong khó khăn chung, do điều kiện kinh tế xã hội, các cơ sở đã chủ động khắc phục theo cách riêng. Ngành tài chính và giáo dục nên có thêm sự hỗ trợ về nguồn kinh phí cho các cơ sở dịch sách braille hiện nay bởi với người khiếm thị, “không được đọc sách chẳng khác nào lại thêm một lần bị mù”.

Một vài năm gần đây với xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ và sản phẩm phục vụ cuộc sống; Đã có những gương điển hình hiệp sĩ công nghệ thông tin thiết kế những chương trình ứng dụng mới để hỗ trợ cho người mù và khiếm thị. Có nhiều dự án đem công nghệ kỹ thuật mới để cải thiện chương trình phục vụ người mù và khiếm thị

Ứng dụng công nghệ phục vụ nhu cầu thông tin của người khiếm thị

Sách nói kỹ thuật số

Từ tháng 10 năm 2003, Thư viện KHTH Thành phố đã phát hành và phân phối sản phẩm sách nói dạng DAISY – dạng sách nói giúp người mù sử dụng như cách đọc của người sáng, có thể dừng, chọn lại, định vị bất cứ câu, dòng, đoạn hay phần chương nào của nột cuốn sách. Tính đến nay đã có 75 nhan đề và xuất ra dưới hai dạng sản phẩm, là băng cassette và đĩa CD, chia sẻ phân phối 3524 CD và 413 băng cassette cho 200 đơn vị với 20 lượt. Chủ đề tài liệu về khoa học thường thức, khoa học xã hội, sách thiếu nhi, văn học hiện đại, văn học dân gian, y học, tâm lý, giáo dục, nông nghiệp, văn hóa xã hội. Sản phẩm được phân phối cho toàn bộ hệ thống thư viện tỉnh thành trên toàn quốc, hội người mù. Sắp tới, một studio mới được thành lập hướng vào mục tiêu sản xuất chuyển dạng sách giáo khoa và giáo trình cho học sinh, sinh viên.

 

Mục lục truy cập được

Thư viện Thành phố cũng đã thiết kế trình tra cứu VIOPAC để người mù và khiếm thị có thể truy cập cơ sở dữ liệu nguồn lực chung của thư viện và mục lục điện tử này có phân hệ hỗ trợ Người khiếm thịdễ dàng tiếp cận thông tin thư mục để tự chọn bất kỳ tài liệu nào họ quan tâm và cần sử dụng.

Các phần mềm chuyển dạng tài liệu hay từ điển điện tử, trình duyệt web dành cho người mù

Đã có những ứng dụng khác như bộ từ điển điện tử Matta Anh Việt – Việt Anh, phần mềm Jaws, Duxbury giúp xử lý thông tin tiếng Anh; phần mềm NDC, VCL… giúp xử lý thông tin tiếng Việt đã được thiết kế và ứng dụng phổ biến trong các trung tâm tin học phục vụ người mù và khiếm thị.

Gần đây, phần mềm Vì người mù Việt Nam (VMV) được trình làng. Phần mềm này có một số chương trình ứng dụng dành cho người khiếm thị như: Máy tính điện tử, Đồng hồ điện tử, Lịch âm dương, Xplayer (giúp nghe nhạc), Thông tin hệ thống, Quản lý tập tin... và một số tài liệu hướng dẫn việc học tin học, sử dụng máy tính, sách, truyện... VMV cũng là phần mềm miễn phí, bổ sung thêm nhiều ứng dụng vào danh sách các ứng dụng công nghệ thông tin dành cho người khiếm thị.

Năm 2003, Dự án "Thiết kế Trình Duyệt Web cho Người Mù Việt Nam" của Trung Tâm Sao Mai được tài trợ $10.000 USD của Ngân Hàng Thế Giới  và $1.750 USD từ tổ chức Enfant Du Vietnam và của  Hội Cứu Trợ Trẻ em tàn tật Tp. HCM hơn $2.200. Công ty Scitec chịu trách nhiệm thiết kế kỹ thuật cho phần mềm này. Toàn bộ chi phí cho dự án là $14000 USD. Vào tháng 10/2003 các phiên bản đầu tiên của trình duyệt đã hoàn tất, kỷ nguyên tiếp cận web đã mở ra cho người mù Việt Nam. Hiện nay các chức năng bao gồm: Đọc các trang html tiếng Việt, đọc phần nội dung và cả một số chi tiết về cấu trúc trang như thông báo các thành phần liên kết (link), bảng (table), biểu mẫu (form), danh sách (list), tiêu đề (heading). Trình duyệt Sao Mai có thể đọc đủ các phần tử (item) của một biểu mẫu. Tuy nhiên việc điền thông tin vào biểu mẫu vẫn còn hạn chế. Người dùng có thể tiện lợi khi điền các biểu mẫu có ít phần tử. Với các biểu mẫu có nhiều phần tử hiện thời trình duyệt hỗ trợ chưa thuận tiện lắm; Thứ hai là Nhận dạng mã chữ: trình duyệt hỗ trợ các trang viết bằng mã VNI và Unicode dựng sẵn, hiện chưa hỗ trợ mã unicode tổ hợp.

Dự Án Đào Tạo Tin Học Từ Xa Cho Người Khiếm Thị của Trung âm Sao Mai đã tham dự trong cuộc thi với chủ đề "Hãy Sống Với Ước Mơ Của Bạn" do SamSung tổ chức và đã đạt được giải thưởng trị giá 40,475 đô la. với ba giai đoạn thực hiện, bao gồm công tác đào tạo giáo viên trợ giảng; xây dựng giáo trình, các trang web, lắp đặt thiết bị sao cho phù hợp với khả năng sử dụng của người khiếm thị và giai đoạn cuối cùng là tổ chức các khoá đào tạo.

Dự án đào tạo "Thiết lập mạng lưới đào tạo tin học từ xa" của Trung tâm Sao Mai đạt giải nhất chương trình "Samsung - niềm hy vọng kỹ thuật số". Sau một năm triển khai với tổng số tiền tài trợ hơn 40.000 USD, dự án đã mở rộng mạng lưới đào tạo tin học cho người mù tại các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bến Tre và An Giang. Ngay trong lượt đào tạo đầu tiên, dự án đã xây dựng được đội ngũ cán bộ nguồn và chính họ đang trở thành cầu nối, giúp nhân rộng số người khiếm thị biết sử dụng tin học.

Một số thông tin dạng khác

Nhạc nổi, Sách có hình nổi (tactile), đồ họa nổi (Tactile graphic),… và một số dạng sản phẩm khác nữa đã được đưa vào sản xuất thử nghiệm tại Thư viện TP.Hồ Chí Minh và trông chờ vào các dự án để có thể sản xuất đại trà phục vụ được tính đa dạng của việc đọc và nhu cầu thông tin của các đối tượng có nhu cầu đặc biệt này

Trang web truy cập được Đã có một vài trang web được chú ý thiết kế theo tiêu chuẩn của W3C và WAI theo ý tưởng “dành cho mọi người”, như

Trang web của Diễn đàn Người khuyết tật Việt Nam (www.forum.wso.net). Diễn đàn người khuyết tật của Trung tâm dữ liệu các tổ chức phi chính phủ - Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam bao gồm tất cả các tổ chức liệt kê trong website này. Hoạt động này nhằm thúc đẩy việc hợp tác cùng làm việc và hiểu biết hơn nữa giữa các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức của người khuyết tật và các cơ quan bộ trực thuộc chính phủ, những vấn đề như các dịch vụ phục hồi chức năng và chăm sóc sức khoẻ, lao động việc làm, giáo dục hội nhập, nâng cao nhận thức và tiếp cận những địa điểm công cộng không rào cản. Khoảng 6 tháng một lần tổ chức các hội thảo mang tính toàn quốc và chương trình hoạt động hàng tháng được cung cấp tới các thành viên của Diễn đàn và những đơn vị, cá nhân quan tâm qua đường thư điện tử. Nguồn dữ liệu được phát triển theo các mục đa dạng khác nhau dựa vào các mối quan tâm chung, bao gồm nguồn nhân lực sẵn có để đào tạo và thảo luận, danh sách. Đây là trang web khá chuẩn và có bộ sưu tập thông tin chuyên biệt dành cho người khuyết tật khá đầy đủ từ luật pháp, tin tức hoạt động, việc làm và cơ hội giáo dục đào tạo…

Diễn đàn Người khuyết tật khuyến khích mọi người chia sẻ thông tin. Diễn đàn là một trung tâm thông tin phi lợi nhuận và xin lưu ý là chúng tôi chỉ nhận thông tin do mọi người cung cấp và không chịu trách nhiệm về bản quyền hoặc thẩm định thông tin.

 

Nguyễn Hồng Hà, Điều phối viên chương trình

Khách sạn ATS, 33B Phạm Ngũ Lão, Hà Nội, Việt Nam

Tel/ fax: (84 4) 9333 -1239

E-mail: forum@hn.vnn.vn

Website: Forum.wso.net © 2001

 

Thiết kế và cập nhật website:

Lê Nguyên Bình

42A, Lê Hồng Phong, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam

Tel: (84) 510-862460

E-Mail: tienbo_ha@yahoo.com

Trang web của Trung tâm tin học Sao Mai giới thiệu về hoạt động cơ quan tổ chức của trung tâm cùng với các dự án (www.saomaicenter.org)

Trung Tâm Tin Học Vì Người Mù Sao Mai (viết tắt là SMCC) được ra đời với ý nghĩa là một Trung tâm đào tạo học và hỗ trợ tin học dành cho người khiếm thị tại Việt Nam. Trung Tâm được thành lập vào năm 2001 (dựa trên sự thỏa thuận ký kết giữa Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tàn Tật Thành Phố Hồ Chí Minh và Hiệp Hội Mantovan Ý) như là một thành qủa mang tính xã hội của dự án đào tạo tin học với sự tài trợ của Hội Liên Hiệp Châu Âu trong suốt hai năm. Hiện tại, Trung Tâm hoạt động như là một chi nhánh của Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tàn Tật Thành Phố Hồ Chí Minh. (viết tắt là HSDCA). Trung Tâm Tin Học Vì Người Mù - Sao Mai vừa thành lập diễn đàn Khả Năng Tiếp Cận Web tại địa chỉ Diễn Đàn. Diễn đàn này nhằm tạo ra một nơi cho các người thiết kế và phát triển web trao đổi các vấn đề liên quan đến việc tạo ra các trang web mang tính tiếp cận cho người khuyết tật. Các chủ đề chính của diễn đàn sẽ là các chuẩn tiếp cận của W3 và điều khỏan 508 của Mỹ. Nếu các bạn gặp vấn đề khi đăng ký tham gia diễn đàn, bạn có thể gửi email cho webmaster@saomaicenter.org để được giúp đỡ thêm.

 

Trang web của Hội Internet Việt NamISOC Viêt Nam (www.isoc-vn.org)

 

Society - "ISOC" là một tổ chức quốc tế hoạt động phi lợi nhuận, phi chính phủ và bao gồm các thành viên có trình độ chuyên ngành. Tổ chức này chú trọng đến: tiêu chuẩn, giáo dục và các vấn đề về chính sách. Với trên 150 tổ chức thành viên và 8.600 thành viên cá nhân, ISOC bao gồm những con người cụ thể trong cộng đồng Internet.

 

"Nhằm đảm bảo sự phát triển và sử dụng Internet rộng rãi vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước Việt Nam". Các thành viên ISOC tại Việt Nam đã bắt đầu gặp gỡ và thảo luận những vấn đề liên quan đến Internet nói chung. Cùng với UNDP tại Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo bàn tròn về nhiều vấn đề. Đây là một hoạt động thường xuyên. Chúng tôi có ý định liên kết hợp tác với văn phòng UNESCO tại đây để có thể tạo được hiệu quả cao hơn cho cả 2 bên và đồng thời sử dụng ví thê vốn có của ISOC là một tổ chức phi chính phủ toàn cầu được UNESCO công nhận. Một số các đặc tính của trang web như:

 

-  Độ phân giải màn hình thấp

Màn hình 14 inch với độ phân giải 640x480 có thể xem được website này.

-  Tốc độ tải về chậm:

Chúng tôi sử dụng các file đồ hoạ đơn giản để việc tải các trang về đạt tốc độ nhanh nhất.

-  Các trang không để khung:

Các trang chia thành khung thường rất khó lưu lại, đồng thời cũng sẽ gây nhiều trở ngại cho những người dùng chương trình chuyển văn bản sang giọng nói.

 

Dịch vụ Thư viện

 

Trước năm 1998, hầu như không có dịch vụ thư viện cho nguời khiếm thị do nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kể đến sự thiếu nhận thức và và hiểu biết của cán bộ và nhân viên thư viện về những khó khăn và nhu cầu của người khiếm thị, thiếu trang thiết bị và vật tư cần thiết.

 

Tình hình này được cải thiện sau khi Thư viện Hà nội và Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (TV KHTH TP HCM) thành lập phòng đọc cho Người khiếm thịdưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ VH-TT và chính quyền địa phương. Tiếp theo là các thư viện tỉnh thành Phía Nam và Tây nguyên. Sau Hội thảo “Hỗ trợ các thư viện công cộng mở rộng khả năng phục vụ cho người khiếm thị” do Vụ Thư viện, TV KHTH TP HCM phối hợp với Quĩ FORCE tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ 15 đến 17 tháng 11 năm 2004, hàng loạt các thư viện công cộng ở miền Trung và Phía Bắc đã bắt đầu hoạt động này. Đặc biệt là Pháp lệnh thư viện (2001), Khoản 4 điều 6 qui định rõ việc phục vụ độc giả khiếm thị buộc các thư viện phải thực thi nhiệm vụ của mình. Các dịch vụ thư viện cho người khiếm thị tại các thư viện công cộng hiện nay bao gồm:

 

-          Hướng dẫn bạn đọc sử dụng máy tính

-          Phục vụ bạn đọc tại chỗ và mượn về

-          Scan tài liệu để đưa ra các dạng thay thế

-          Đọc sách báo theo yêu cầu

-          Truy cập Internet

-          In tài liệu chữ nổi

-          Đồ hoạ nổi

-          Website truy cập được

-          Sách nói (băng cassette, CD)

 

Từ năm 2000, Thư viện KHTH TP HCM bắt đầu hợp tác với Quĩ Force, một tổ chức phi lợi nhuận của Hà lan có nhiệm vụ hỗ trợ các hoat động phục vụ Người khiếm thịở các nước đang phát triển và Liên xô cũ. Hội thảo đầu tiên về DAISY ở Việt nam được tổ chức vào tháng 12 cùng năm. Như thành quả của Hội thảo này, TV KHTH đã đề xuất với Quĩ Force hỗ trợ thành lập Studio sản xuất sách nói kỹ thuật số. Đề xuất được chấp thuận và việc sản xuất bắt đầu từ tháng 10/2004. Ý thức được việc hợp tác để quản lí và chia sẻ nguồn lực tốt hơn hay ít nhất cũng tránh được những nỗ lực lặp lại, TV KHTH TP HCM đã mở rộng hoạt động này và trở thành nơi cung cấp sách nói kĩ thuật số cho các TVCC trong cả nước, Hội người mù và các trường Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài tài liệu tiếng Việt, Thư viện đã sản xuất tài liệu tiếng Khmer, Êđê và Xơ-đăng cho các thư viện phục vụ đối tượng này. Từ tháng 10 năm 2004, Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh đã phát hành và phân phối sản phẩm sách nói dạng DAISY – giúp người mù sử dụng như cách đọc của người sáng, có thể dừng, chọn lại, định vị bất cứ câu, dòng, đọan hay phần chương nào của một cuốn sách. Tính đến nay đã có 75 nhan đề và xuất ra dưới hai sản phẩm là băng cassette và đĩa CD, chia sẻ phân phối 3698 CD và 503 băng cassette cho hơn 100 đơn vị thuộc hệ thống thư viện công cộng và các cơ quan tổ chức khác hoạt động vì người mù. Để có thể “đọc” được các CD sách nói, cần có thiết bị đặc biệt gọi là Victor Reader.Tính đến tháng 1 năm 2005, Quỹ FORCE đã trang bị cho thư viện tỉnh thành và quận huyện 109 máy Vioctor Reader, 74 máy CCTV, bàn phím soạn nhạc nổi, bút bảng vẽ đặc biệt, 05 máy Heater để tạo đồ họa nổi. Cuối năm 2005, 14 thư viện tỉnh thành còn lại sẽ được cung cấp thêm máy CCTV.

 

Hợp tác giữa các cơ quan trong và ngoài nước còn là để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, trong việc ứng dụng công nghệ trên qui mô lớn. Từ năm 2000 đến 2004, một loạt các cuộc tập huấn quốc tế về các chuyên đề khác nhau như Sản xuất sách nói kỹ thuật số DAISY, phần mềm in chữ nổi WinBraille, sản xuất nhạc nổi, sản xuất sách có hình nổi, xây dựng cơ sở dữ liệu đồ họa nổi được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, TV KHTH TPHCM, tại Malaysia và Philippines. Nội dung của các lớp tập huấn này đã được các thư viện, đặc biệt là TV KHTH TP HCM đưa vào hoạt động thực tế và tập huấn tiếp tục cho các thư viện khác.

 

Là cơ quan phục vụ, thư viện tồn tại là để giúp cho mọi người tìm được thông tin mà họ cần, quan tâm đến việc truy cập thông tin, coi đó là một tiêu chuẩn quan trọng của cuộc sống. Điều đó buộc thư viện phải quan tâm đến việc làm cho nguồn lực có trong thư viện trở nên truy cập được đối với những người bị hạn chế về thị lực. Phải tổ chức được việc sử dụng dịch vụ chung và dịch vụ đặc biệt, nghĩa là nơi nào khả thi thì liên kết người mù và người nhược thị với các chương trình và dịch vụ có sẵn cho toàn thể cộng đồng người sử dụng thư viện và cho phép việc sử dụng hiệu quả nhất các dịch vụ đặc biệt khi nào và ở đâu cần thiết.

 

Do điều kiện thực tế của chúng ta còn nhiều khó khăn, cần một số giải pháp thiết thực trong thời gian tới như: 1/ Tiếp tục tìm hiểu các vấn đề liên quan như: các khuyết tật và nhu cầu của đối tượng phục vụ, khả năng và cơ hội đang có; 2/ Cải thiện môi trường vật chất và truy cập thông tin; 3/ Hợp tác 

 Theo gslhcm 

Lượt xem : 26513 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo