Trang chủ --> PHCN --> Định hướng không gian và đi lại cho người mù
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Định hướng không gian và đi lại cho người mù

(Hoàng kim) - Đặc trưng nhất của người mù là bị suy giảm hay mất khả năng định hướng. Vì vậy, quá trình phục hồi chức năng cho người mù phải bắt đầu từ dạy định hướng. 

 Hình minh họa (tẩm quất - người mù - Hoàng Kim)

 

Định hướng là môn khoa học về phương pháp nhận thức sự vật, sự việc và môi trường (Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội), làm chủ được chúng; Từ đó quyết định phương hướng đúng cho hành động và hành động có hiệu quả.

 

Đối với Người mù, môn Định hướng được ứng dụng trong 3 lĩnh vực chính:

 

Định hướng không gian và đi lại

Định hướng không gian và đi lại (Orientation and Mobility hay O&M) là môn học chuyên biệt và rất quan trọng cho người khiếm thị từ khi sinh ra đến cao tuổi. Nó vừa là giáo dục vừa là phục hồi chức năng và cũng là một trong những ngành học và nghiên cứu trong bộ môn Giáo dục đặc biệt cho người khiếm thị. Nó giúp người khiếm thịbiết mình từ đâu đến, đang ở đâu trong không gian, sắp đi đến đâu. Ở lứa tuổi nhỏ, Định hướng không gian và đi lại giúp các em trong các động tác sinh hoạt hằng ngày như xác định vị trí một đồ vật, các khác niệm không gian cơ bản như định hướng trái phải, sau trước để mang giầy dép, mắc quần áo, phân biệt vật chất cứng, mềm, kim lọai, gỗ…vv. Sau đó là di chuyển đến và cầm nắm chúng. Xa hơn là giúp người mù di chuyển độc lập, an toàn và có hiệu quả trong môi trường trong nhà (nơi quen thuộc nhà cửa) và ngoài đường phục vụ cho sinh hoạt, học tập và lao động.  

 

 Định hướng trong lao động sản xuất

Định hướng trong lao động sản xuất là ngành học bổ ích cho những người khiếm thị trong độ tuổi lao động. Bao gồm những kiến thức, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, tác phong làm việc, an toàn lao động  và kỹ năng làm việc năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Cũng như những quy định hiện hành dành cho các cá nhân, đơn vị sử dụng người lao động và tổ chức sản xuất kinh doanh có người mù, người khuyết tật làm việc.

 

 Định hướng trong hoạt động chung

Là định hướng trong các hoạt động công tác, hoạt động xã hội, giao lưu hợp tác, hòa nhập cộng đồng và phát triển.

 

Vậy môn định hướng không gian và đi lại được ra đời từ khi nào và nó được diễn ra như thế nào trong lịch sử:

Môn học định hướng không gian và đi lại(gọi tắt là định hướng đi lại) ra đời từ rất sớm trong lịch sử, hình thành bởi nhiều phương pháp. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Quan điểm của xã hội cũng như người mù đối với môn học này cũng không giống nhau.

 Có người cho rằng: Cần gì phải học  môn học này cho rườm rà khó nhọc, không có nó chúng tôi  cũng có thể đi lại được.

Quan điểm này là phiến diện và không có cơ sở khoa học.

Trước đây, ở nước ngoài  khi đi ngoài đường có thấy người ta dùng còi thổi, dùng bảng stop, cầm mũ, nón, áo, khăn phất phơ qua lại báo hiệu điều khiển giao thông. Có người khi đi lại có dùng gậy nhưng không đúng kỹ thuật. Ví dụ: đưa gậy thẳng trước mặt, hoặc quay tít như chong chóng ở trên đầu.

Phương pháp này vừa không đẹp mắt,  vừa lại gây phiền phức  đến người khác.

Năm 1929, ở Mỹ người ta huấn luyện chó để đưa người mù đi lại. Nhưng nuôi chó chóng già, mất nhiều thời gian, công việc huấn luyện lại cầu kỳ khó khăn, thực phẩm cho chó ăn phải đầy đủ, ngon; vệ sinh hàng ngày cho chó nhiều phiền phức. Hơn nữa nhiều người mù không thích chó.

     Ngày nay, theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, các nước tiên tiến đã phát minh ra những gậy điện tử, máy điện tử cho người mù đi lại rất tiện dụng tương đối an toàn. Nhưng giá cả quá đắt, không phải người mù nào cũng có điều kiện kinh tế để mua được.

Việc dùng gậy tre trúc để di chuyển đã được người mù ở Hy Lạp, người Hebrew và người Trung Hoa kể cả Việt Nam sử dụng từ lâu.

Năm 1945, ông Ha – Vớp đã nghĩ ra  cách sử dụng gậy để định hướng (thời gian nghiên cứu chỉ trong 15 ngày tại bệnh viện. Gọi là phương pháp Ha-vop .

Phương pháp này đã được đưa vào trong các trường đại học ở Mỹ, Canada và khắp thế giới.

Tuy nhiên phải đến năm 1960, chương trình Thạc sỹ về định hướng di chuyển cho người mù mới được Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ cho mở tại trường Đại học Western Michigan University (WMU) và đại học Boston mà (chương trình ở đại học Boston đã ngưng dạy) từ đó mới mở rộng ra trên ở Hoa Kỳ. Đến giữa những năm 1960 thì được giới thiệu sang châu Âu và châu Á (Blacsh và Wienver trong quyển Cơ sở của Định hướng và di chuyển chương 21, 22 xuất bản lần thứ 2 năm 1997) và đây là chương trình đào tạo Thạc sỹ O&M đầu tiên trên thế giới. Từ đó, O&M là môn học không thể thiếu đối với người khiếm thị và chỉ có một số ít trường đại học tại Hoa Kỳ có ngành học này. 

Theo ông Rodney Kossick, trên tạp chí của những người làm việc vì người mù hàng năm (Annual American Workers for the Blind, trang 25-54, xuất bản năm 1970) môn định hướng di chuyển đã được giới thiệu tại miền Nam Việt Nam. Từ năm 1967 đến giữa năm 1968 do Ông Rodney Kossick một người vừa tốt nghiệp thạc sĩ trường đại học Western Michigan University sang tài trợ của Quỹ phục hồi chức năng thế giới (World Rihabilitatation Fund). Ông đã đào tạo 2 khóa huấn luyện viên O&M với 8 học viên và 25 tình nguyện viên mù là học sinh.. Nhưng qua thực tế nó không hề được cập nhật gì trong suốt 40 năm qua. Chương trình đang được các trường khiếm thị và Hội người mù hướng dẫn cho học sinh chỉ nhằm giúp hướng dẫn cho học sinh mù hoàn toàn mà không có phần phát triển phần thị giác còn lại của học sinh nhìn kém (low vision) và chưa chú trọng đến việc phát triển đồng đều khả năng nghe của 2 bên tai người mù mà chủ yếu là bên phải (khi băng qua đường theo chiều kim đồng hồ). Sau năm 1975, 2 trong số những người do ông đào tạo đã vẫn tiếp tục dạy học sinh khiếm thị tại trường NĐC thành phố Hồ Chí Minh và huấn luyện cho nhiều người khác, nhưng kinh nghiệm của ông Kossick trong việc dạy và đào tạo huấn luyện viên dạy định hướng và di chuyển cho người khiếm thị tại Việt Nam vẫn còn bổ ích đến nay.

Đến năm 1970, ở Sài Gòn, Định hướng di chuyển đã được dạy tại các Trung tâm phục hồi chức năng ở Đà Nẳng, Quy Nhơn, và Cần Thơ bởi những học viên của 2 khóa đào tạo với 180 người mù được học (Thạch 1970). Sau năm 1975 còn lại 3 người tiếp tục công việc nhưng chỉ có hai người vẫn liên tục công việc tại Trường Phổ thông Đặc Biệt Nguyễn Đình Chiểu thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi về hưu. 

Năm 1986, hai giáo viên của trường Nguyễn Đình Chiểu thành phố Hồ Chí Minh là Hoàng Văn Tuấn và Đào Kim Phụng cũng là 2 học viên Được Kossick huấn luyện đã hướng dẫn lại cho một số anh chị em Hội Viên của Trung ương hội người mù Việt Nam tại Hà Nội, và đó là lần đầu tiên O&M được giới thiệu ra phía bắc.

Năm 1990 – 1991, kế thừa những kiến thức định hướng trước đó và qua nhiều lần đi tập huấn về kỹ thuật định hướng ở các nước Thái Lan, Nhật Bản, Thầy Lê tiếp là một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành học định hướng đi lại đã nghiên cứu và viết thành tài liệu “định hướng đi lại” rồi tham gia giảng dạy học định hướng cho người mù thông qua các lớp tập huấn giáo viên dạy người mù ở một số tỉnh thành.

 Năm 1994, Hội người mù vùng Haland Thụy Điển đã giúp đào tạo chương trình phục hồi chức năng trong 3 tháng cho các nhân viên nòng cốt 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa.

Cho đến năm 1997, Khi Trung tâm Đào tạo – phục hồi chức năng cho người mù – Hội người mù Việt Nam thành lập thì môn học định hướng đi lại được đưa vào giảng dạy cho người mù trong cả nước. Trong đó các học viên của 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Khánh Hòa cũng được đến trung tâm của Trung ương hội để tập huấn nâng cao môn học này.

Liên tiếp trong 3 mùa hè từ năm 2006 đến 2008 (mỗi năm 2 tuần), CBM một tổ chức phi chính phủ của Đức đã cử một huấn luyện viên Shi Lanka sang để giúp đào tạo giáo viên O&M ngắn hạn cho các trường mù ở Việt Nam.

Tuy nhiên, với nhiều năm nghiên cứu và vận dụng trong thực tiễn và giảng dạy  chúng tôi thấy nhiều kỹ thuật định hướng đi lại của nước ngoài khi áp dụng vào Việt Nam không phù hợp bởi điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất, hạ tầng ở Việt nam khác xa so với ở nước ngoài. Vì vậy tài liệu Định hướng đi lại của thầy Lê Tiếp cho đến nay vẫn là tài liệu khá phù hợp với người mù Việt Nam.

Những nội dung định hướng không gian và đi lại trong quyển sách này là kết quả của sự nghiên cứu, tổng hợp của nhiều tài liệu trong và ngoài nước,  sự trải nghiệm qua các lớp đào tạo ở Trung tâm đào tạo – Phục hồi chức nănghơn 15 năm, nó sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

 

Hoàng Xuân Hạnh biên soạn 

Lượt xem : 35055 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo