Trang chủ --> Gương sáng --> Cổ tích của chàng trai mù không sợ HIV
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Cổ tích của chàng trai mù không sợ HIV

 Sống trong bóng tối ngót nghét 30 năm, Đỗ Minh Tuấn luôn lạc quan yêu đời vượt qua số phận. Suốt 6 năm trời ròng rã, anh tình nguyện gắn bó và mang ánh sáng tình thương đến với những bệnh nhân có HIV/AIDS ở Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội.

Chàng mù đi thăm bệnh nhân có “H”

Một buổi chiều mùa đông, trời hửng nắng. Tôi đến gặp Tuấn ở nhà thờ Thái Hà. Chàng mù có nước da đen nhẻm, bận một chiếc áo phông màu xanh sờn vai. Anh chống gậy đưa tôi vào thăm những người có H trong bệnh viện Đống Đa – Hà Nội.

Con đường từ nhà thờ vào bệnh viện đã trở nên quen thuộc với Tuấn. Anh thuộc từng chỗ đỗ ô tô và dắt cả tôi đi mỗi khi cần phải rẽ.

Khoa Truyền nhiễm nằm mãi ở phía trong. Hành lang vắng tanh, mùi thuốc tẩy xộc ngay lên cánh mũi. Phòng bệnh sơn màu trắng. Trên những bức tường bị tróc, từng mảng vữa bong ra, tôi bất chợt bắt gặp những câu thơ bi thương, ai oán: “Một phút sa chân muôn đời hận. Quay đầu nhìn lại đã trăm năm”; “Tôi muốn xây lán ân ái dài muôn trượng, bằng những đầu lâu và xác người”…

Tuấn dẫn tôi đến căn phòng thứ hai bên tay trái và nói: “Đây là phòng anh Dương, người Yên Bái”.

Dương cũng đã từng có một thời trác táng, ăn chơi, và lao vào chích hút. Một lần do dùng chung bơm kim tiêm với bạn mà nhiễm HIV lúc nào không hay. Dương nằm viện đã được một tháng nay, chỉ thỉnh thoảng mới có con gái đến thăm nom, chăm sóc. Đã ngoại tứ tuần, người anh gầy rộc, trên nền da trắng nổi chằng chịt những gân xanh.

Tuấn xoa bóp cho anh Dương

Tuấn xoa bóp cho anh Dương

Vừa bước vào phòng Tuấn đã mau miệng hỏi thăm, ân cần ngồi xuống góc giường và trò chuyện. Chàng mù nói cười vui vẻ, nắm lấy bàn tay gân guốc đang tê rần mà xoa bóp, hỏi han khiến tôi ngỡ ngàng và cảm động.

Nhắc về Tuấn anh Dương chỉ nói đúng một câu: “Tuấn là một người quá tốt”. Từ ngày anh vào đây nằm bệnh, nhờ có Tuấn hàng ngày sang hỏi thăm trò chuyện, nỗi buồn bực đã vơi bớt đi nhiều.

Dương rất hay cười. Anh toát ra vẻ thân thiện, tự nhiên. Biết bệnh anh hay bị mỏi bàn tay bên phải, Tuấn chủ động đề nghị xoa bóp bấm huyệt cho anh. Lạ một cái là mỗi khi anh đòi trả tiền công, chàng mù xua tay nhất quyết không đồng ý.

Tôi nhác thấy ở dãy phía bên kia, có một chị đi chăm chồng đeo khẩu trang che kín mặt. Bất giác tôi hỏi đùa Tuấn: “Anh có sợ bị lây không?”.

Không do dự, Tuấn hỏi lại ngay: “Bạn bè thì có gì đâu mà sợ?”

Nhân duyên với những người có H

Những người dân sống ở đây thường đùa và bảo: chiều nào mà không thấy Tuấn chống gậy đi thăm bệnh nhân thì quả là chuyện lạ. Tất cả có lẽ cũng vì một chữ “duyên”.

Quê Tuấn ở xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Anh bị liệt dây thần kinh giác mạc khi chưa đầy 2 tuổi. Sau bao nhiêu công sức miệt mài chữa chạy, Tuấn vĩnh viễn làm bạn với bóng đêm.

Năm 6 tuổi, nhờ một mối thân quen, Tuấn được bố mẹ gửi lên học trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu tại Hà Nội. Hết lớp 12, Tuấn tiếp tục đi thi và đỗ vào học tại Học viện Y dược cổ truyền dân tộc. Sau 2 năm học, Tuấn tốt nghiệp và bắt đầu mưu sinh bằng việc bán tăm dạo như bao người bạn khác của mình.

_nh_1

Một lần rong ruổi trên đường mưu sinh, Tuấn bị lạc, may thay có một cụ bà tốt bụng đã dắt tay anh đưa về nhà cho ăn uống, lại cẩn thận dọn cho một phòng để ở.

Câu chuyện khổ đau về những cảnh đời leo lét, lỡ mang trên mình thứ virus đáng sợ bị xã hội xa lánh kia đã đi sâu và ám ảnh tâm trí Tuấn. Anh luôn trăn trở: “Phải làm gì để giúp đỡ được họ đây?”

Vượt qua nỗi sợ

Phải mất một khoảng thời gian Tuấn phải tự trấn an động viên mình cố gắng. Bởi nếu không cẩn thận, anh sẽ rất dễ bị lây căn bệnh thế kỉ này. Tuấn đã tham khảo nhiều nguồn tin, hỏi nhiều người và luôn tự nhủ: “phải đến với họ bằng trái tim yêu thương”.

Những ngày đầu tiên đi thăm bệnh, không một ai muốn tiếp chuyện anh. Kẻ nhẹ nhàng thì lặng im, người nóng tính sập mạnh cửa, đuổi anh ra khỏi phòng, quát với: “Tôi không cần ai thương hại!”.

Chàng mù đứng lặng đó hồi lâu, chống gậy đi về rồi hôm sau lại tới. Tuấn chia sẻ: “Tôi biết đó chỉ là cái vỏ bọc của họ. Nên ngày nào cũng đến đều đặn, thường xuyên. Cuối cùng họ cũng hiểu ra, trò chuyện với tôi và dần trở nên thân thiết”.

Thấy bệnh nhân hay mệt mỏi, cơ thể nhiều chỗ đau nhức, Tuấn quyết định đi học một khóa xoa bóp miễn phí kéo dài 3 tháng ở Trung Kính, Hà Nội.

Những ngày đầu vất vả, anh chưa quen, cầm bát cơm mà tay run run không đỡ nổi. Tranh thủ mỗi thứ 7, chủ nhật được nghỉ Tuấn lại bắt xe bus về thăm hỏi bệnh nhân. Ba tháng học cũng mau chóng qua đi, anh lại trở về bên những người bạn có H.

Hiện tại Tuấn đang làm xoa bóp bấm huyệt tự do. Anh không muốn ổn định ở một trung tâm nào đó vì còn muốn có nhiều thời gian cho người bệnh. Không chỉ vào phòng thăm bệnh thường xuyên, mỗi khi có thời gian, Tuấn còn bắt xe bus tìm đến tận nhà thăm những người đã ra viện.

Tâm nguyện lớn nhất cuộc đời Tuấn là sẽ dành cả cuộc đời mình để gắn bó với bệnh nhân, mang yêu thương đến sưởi ấm trái tim họ. Anh cũng hi vọng sẽ sớm tìm được một người con gái có trái tim thiện nguyện, người sẽ thấu hiểu và thông cảm cho anh thực hiện lí tưởng của mình.

Lương Lý

 

Hoàng Kim (theo Đồng Hành)

Lượt xem : 18125 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo