Trang chủ --> Gương sáng --> Dị nhân mù trên phá Tam Giang
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Dị nhân mù trên phá Tam Giang

Khi một người bình thường không nhìn thấy thứ gì nữa, có lúc phải đối diện với cô đơn. Hồi đó, đúng là một thời gian dài tui nghĩ, làm như người khuyết tật. Buồn lắm! Nhưng sau đó tui ngộ ra mình chỉ là người mang khiếm khuyết, còn nhiều thứ khác để bù cho đôi mắt. Đó là đôi tay, đôi tai và đầu óc.

 

Gọi ông Nguyễn Văn Dê (66 tuổi,  xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là dị nhân, hay kỳ nhân đều đúng cả.

 

Nửa thế kỷ là người mù, nhưng bằng đôi tai cực thính, trí nhớ đến lạ, ông bước ra ánh sáng, vẫy vùng trên đầm phá Tam Giang, làm những điều mà nhiều người bình thường tưởng chừng rất khó.

Ngư phủ khiếm thị

Trong ánh sáng nhạt nhòa cuối chiều, bà Dưỡng ngồi phân loại mớ cá làm thức ăn cho lũ cua nuôi, quay sang hối chồng: "Ông xuống nổ máy đưa chú đi chơi một vòng trên phá, tiện thể cho cua ăn rồi quăng lừ (dụng cụ đánh cá) kẻo tối". Ông Dê nhanh tay tìm lấy cây sào bước trước, tôi và bà Dưỡng theo chân xuống phá. Tôi hỏi: "Đò ông đâu?".

Ông Dê nhanh miệng: "Trước mặt. Chú cứ lội theo tui". Bà Dưỡng thay lời: "Chừ đò có nằm lẫn trong chục chiếc, ông tui chỉ cần rờ lên mạn là biết trúng trật liền, chú khỏi lo". Quả thật đúng, ông Dê lội ào một mạch đến đúng vị trí đò nhà mình. Tôi vừa yên vị, ông Dê lục túi lôi ra chiếc tay quay máy, trong chốc lát, đò rời bến. Đọc chút đa nghi còn lại trong mắt tôi, bà Dưỡng nhìn chồng âu yếm: "Những việc ông làm khiến nhiều người ngỡ ông giả mù. Hồi lấy tui mắt ông đã không thấy chi rồi chú ạ".

"Hồi tui 7 tuổi bị mắc bệnh đậu mùa. Đôi mắt kém dần, rồi đóng sầm lại, tối mịt. Cha tui bán ruộng, trâu theo chữa bằng thuốc bắc, thuốc tây mấy tháng ròng không được. Rứa là làm người mù"- ông Dê kể, rồi im lặng lắng nghe tiếng sóng vọng mạn đò.

Hồi lâu tôi gợi chuyện: "Ông có bao giờ nghĩ mình là người khuyết tật?". Ông Dê lắng giọng: "Khi một người bình thường không nhìn thấy thứ gì nữa, có lúc phải đối diện với cô đơn. Hồi đó, đúng là một thời gian dài tui nghĩ, làm như người khuyết tật. Buồn lắm! Nhưng sau đó tui ngộ ra mình chỉ là người mang khiếm khuyết, còn nhiều thứ khác để bù cho đôi mắt. Đó là đôi tay, đôi tai và đầu óc".

Thế là ông Dê leo đò cùng cha bủa lưới, đóng nò. Những tháng ngày phiêu bạt vẫy vùng trên vùng đầm phá huấn luyện cho đôi chân ông bước chuẩn xác, đôi tay khỏe, cái mũi, đôi tai ông thính hơn người thường. Đặc biệt là trí nhớ tài tình đến lạ. Ông nhớ và thuộc mọi ngóc ngách trên đầm phá Tam Giang như lòng bàn tay. Giữa sóng nước mênh mông, ông Dê một mình chèo ghe về đúng vị trí bến nước nhà mình.

Ông còn có biệt tài đi đêm rất giỏi. "Trai trẻ. Mắt không thấy đường nhưng cứ tối đến tui đi chơi khắp làng. Có lúc gặp o mô ưng ưng cũng ghẹo cái chơi. Cha thấy đi đêm dữ, đánh tiếng mai mối vợ cho tui. Nghe rứa cũng thích. Có điều..."-giọng ông nhỏ lại. Năm 24 tuổi, ông cưới bà Dưỡng. Bà Dưỡng cười: "Thiệt tình với chú là ban đầu nghe lấy ông Dê tui mô có ưng. Nhưng rút cục cũng cắp nón về làm vợ mà không dám hé môi phản đối".

Tật và tài

"Thế làm sao được như bây giờ?" - tôi hỏi. Bà Dưỡng kể: "Cưới về, nằm chung giường nhưng "cái ấy" thì tui không cho. Ngoảnh mặt suốt 2 năm, đến lúc hiểu hết con người ông, tui chủ động quay mặt về phía chồng, lấy tay chọt chọt vào lưng ra hiệu. Rứa là 7 đứa con, 5 gái, 2 trai như bây giờ".

Tôi suýt bật cười, lại hỏi: "Ông thấy vợ đẹp không?". Ông Dê thật thà: "Bữa đầu tiên bà quay lại, sờ tay lên má là tui tưởng tượng ra rồi". "Như thế nào?". "Cũng được", ông Dê gãi đầu cười thẹn. Ông bảo vợ chồng hiểu, hợp nhau thì: "Chuyện to mấy đi nữa cũng chỉ 1-2 ngày là hòa, rứa mà bền được đến chừ đó".

Ngày xưa, con đông, vợ chồng ông nghèo lắm. Để cơm không đứt bữa, suốt ngày đêm, thuyền ông theo đuôi con tôm, con cá. Ông ngồi lặng yên hàng giờ nghe tiếng cá, tôm vẫy vùng, biệt tài này giúp ông thắng được nhiều người sáng mắt. Ai hỏi bí quyết, ông cười bảo làm nghề lâu năm thành quen chứ chẳng có gì lạ.

Nghe vậy, ông Tỳ - bạn đánh cá với ông dò học cách luyện nghe nhưng mãi chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng gió thổi. Vậy là, ông Tỳ đành đi theo ông Dê đánh cá để khỏi... lỗ tiền dầu. Ngư phủ thôn Trung Hưng đặt cho ông biệt danh "ông Dê tìm cá... bằng tai".

Bà Dưỡng tự hào: "Ở xã Vinh Hưng ni, tài lặn trên sông nước thì ông Dê nhà tui chưa người qua mặt. Lặn cát sạn, lặn đất đắp hồ tôm, tiền công lúc mô ông cũng được trả cao hơn người khác. Rảnh rang, ông xuống phá lặn một ngày bắt được hơn nửa tạ trìa...". Ông Dê tiếp lời vợ: "Khi bắt tay vào làm bất kể việc gì, tui thường hay hỏi để vợ tả cho nghe, hình dung trong đầu về nó chứ không làm ẩu, làm liều".

Ông bảo rằng số trời cho mình sự may mắn là được làm việc của người bình thường. Năm 2009, "lão ngư mù" đưa ra quyết định táo bạo: Vay vốn nuôi tôm. 1 ha hồ nuôi trên phá Tam Giang một tay ông gây dựng. Những vụ đầu, tôm trúng, ông Dê trả hết nợ ngân hàng, giúp con gái vốn làm ăn. Khi hàng ngàn người đổ nợ vì tôm dịch bệnh, ông Dê vẫn đều đều thu lãi từ cua thịt, cá. "May nhanh chân chạy thoát tôm chớ không chừ đổ nợ to. Con cua có vẻ phù hợp với nước Tam Giang, lời ít nhưng bền. Hôm kia lội một vòng quanh hồ thấy cua có con to bằng bàn tay rồi" - ông Dê mừng rỡ.   

Trời nổi gió, mây kéo giăng mù, bà Dưỡng khuyên chồng xếp lừ nghỉ xả hơi một bữa nhưng ông "lệnh" phải ngược phá Tam Giang. Vì "hình như ông nghe được điều chi đó..."- bà Dưỡng cười cười. Và tôi cũng sẽ cứ tin một điều rằng ông Nguyễn Văn Dê đã bước ra ánh sáng với niềm tin, nghị lực lạ thường.

 

 

 

 

 
 
 
 
Lượt xem : 23921 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo