Trang chủ --> PHCN --> Giáo dục trẻ khuyết tật gắn với nhu cầu thực tiễn
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Giáo dục trẻ khuyết tật gắn với nhu cầu thực tiễn

Hiện cả nước có khoảng hơn bốn triệu người khuyết tật, trong đó có hơn một triệu trẻ em. Vì vậy, làm tốt công tác giáo dục cho trẻ khuyết tật không chỉ bảo đảm sự công bằng trong học tập, nâng cao trình độ dân trí mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong phát triển giáo dục và đào tạo.

 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), trong tổng số trẻ khuyết tật của cả nước có khoảng 15% số trẻ khiếm thính, 12% số trẻ khiếm thị, 27% số trẻ chậm phát triển trí tuệ... Đáng chú ý, trong số trẻ khuyết tật có 28,36% khó khăn về học tập. Vì vậy, hàng loạt các chương trình hành động quốc gia, các đề án giáo dục và đào tạo đều đề cập, định hướng cho công tác phát triển giáo dục trẻ khuyết tật như: Kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người, chiến lược và kế hoạch giáo dục trẻ khuyết tật; chiến lược và kế hoạch hành động giáo dục hòa nhập cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn... Các cơ sở giáo dục tích cực thực hiện tiếp nhận trẻ khuyết tật và tổ chức sắp xếp vào các lớp học hòa nhập, lựa chọn môn học, nội dung học tập phù hợp đối với mỗi trẻ khuyết tật. Giáo dục hòa nhập được đẩy mạnh trên phạm vi toàn quốc giúp cho số lượng trẻ khuyết tật đi học tăng nhanh; không chỉ tập trung ở mầm non, tiểu học mà còn tập trung ở cả bậc trung học và cao hơn. Mặt khác, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho giáo dục trẻ khuyết tật ngày càng có quy mô lớn. Trung mình mỗi năm có gần 800 giáo viên được đào tạo chính quy về giáo dục hòa nhập cho trẻ tại các trường sư phạm và hơn mười nghìn giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của 63 tỉnh, thành phố được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng dạy học cho trẻ khuyết tật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục trẻ khuyết tật cũng được tăng cường. Nhiều nghiên cứu mô hình phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính, khiếm thị, khó khăn về học và nhiều mô hình giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật cấp huyện, xã cũng được triển khai. Xây dựng các loại trang thiết bị dạy học cho người khuyết tật cũng như hệ thống các chương trình, nội dung và sách giáo khoa cho trẻ khuyết tật học hòa nhập...

Điều đáng nói, trong giáo dục trẻ khuyết tật, nhận thức của các địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ, giáo viên có sự chuyển biến rõ rệt, giúp cho nhiều trẻ em khuyết tật được tiếp nhận, chăm sóc và giáo dục tại hệ thống các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhiều thầy giáo, cô giáo không quản ngại khó khăn, vất vả dành tâm huyết, tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm của mình cho các em học sinh bị thiệt thòi. Điển hình như cô giáo Đinh Thị Lan, Trường tiểu học Cao Xanh (Hạ Long, Quảng Ninh) dày công chăm sóc, dạy dỗ học sinh khuyết tật Phạm Thị Hoài Thương, dị tật toàn thân, vận động nặng nề do di chứng chất độc da cam học tập hòa nhập đạt kết quả tốt, đoạt giải đặc biệt trong hội thi "Viết chữ và trình bày đẹp" cấp thành phố. Cô giáo Lê Thị Tuyến, Trường tiểu học Đông Hòa (Đông Sơn, Thanh Hóa) từ năm 2006 đến 2009 huy động hơn 20 trẻ khuyết tật học tập hòa nhập... Số trẻ khuyết tật đi học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục trên cả nước ngày một tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm học 2003-2004 cả nước có hơn 107 nghìn trẻ khuyết tật đi học hòa nhập tại các trường phổ thông và hơn 100 cơ sở giáo dục chuyên biệt thì năm học 2008-2009 có gần 390 nghìn trẻ khuyết tật học hòa nhập và 7.500 trẻ học trong 106 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Tỷ lệ trẻ khuyết tật trong độ tuổi tiểu học đi học đạt 67%, kết quả học tập của học sinh khuyết tật ngày càng tiến bộ, hạnh kiểm đạt khá, tốt chiếm hơn 90%.

Mặc dù đạt được một số kết quả, nhưng thực tế tại các địa phương cho thấy, vẫn còn tình trạng trẻ khuyết tật chưa có cơ hội tới trường hoặc thiếu cơ hội lựa chọn trường, lớp phù hợp. Việc xác định tiêu chí người khuyết tật, chế độ chính sách cho các đối tượng là học sinh khuyết tật, giáo viên dạy hòa nhập khuyết tật và các lĩnh vực giáo dục trẻ khuyết tật như: can thiệp sớm, đào tạo sử dụng nguồn nhân lực khuyết tật còn bất cập. Công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trẻ khuyết tật chưa bảo đảm đủ nhu cầu. Nhất là đội ngũ cán bộ quản lý các cấp chưa được bồi dưỡng thường xuyên và cập nhật kiến thức về giáo dục khuyết tật. Cả nước mới chỉ có mười cơ sở giáo dục có khoa, tổ giáo dục đặc biệt. Theo đánh giá của các chuyên gia tâm lý và giáo dục: hình thức đào tạo nhân lực cho giáo dục trẻ khuyết tật hiện nay còn thiếu đa dạng, chưa phù hợp thực tiễn. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chưa được thiết kế theo các cấp độ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực. Chương trình đào tạo còn nặng tính hàn lâm, chắp vá, chưa bảo đảm sự liên thông giữa yêu cầu về năng lực dạy học phổ thông và dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt. Hệ thống tài liệu hiện có chủ yếu là dành cho giáo dục trẻ khuyết tật cấp tiểu học. Vẫn còn tư tưởng cho rằng trẻ khuyết tật chỉ nên học ở các trường lớp chuyên biệt, không thể hòa nhập hệ thống giáo dục phổ thông. Điều kiện giáo dục trẻ khuyết tật giữa các vùng miền không đồng đều, nhất là kinh phí cho giáo dục trẻ khuyết tật trong thời gian qua chủ yếu dựa vào sự tài trợ, không bền vững dẫn đến thiểu ổn định và chưa đồng bộ trong duy trì, phát triển giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập.

Theo các chuyên gia giáo dục, để giáo dục trẻ khuyết tật thật sự hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, cần có những giải pháp cụ thể, gắn với khả năng và nhu cầu thực tiễn của trẻ khuyết tật. Hệ thống các tài liệu, sách, trang thiết bị phục vụ cho giáo dục trẻ khuyết tật cần được xây dựng, thẩm định và ban hành thống nhất, cải tiến và có bổ sung gắn với thực tiễn người học. Mặt khác, cần có những quy định cụ thể về chính sách, chế độ cho giáo dục hòa nhập và đào tạo giáo viên nòng cốt trực tiếp dạy trẻ khuyết tật theo nhiều hình thức; đồng thời bồi dưỡng chuyên môn về can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập cho cán bộ, giáo viên cốt cán để thực hiện bồi dưỡng giáo viên trực tiếp dạy trẻ ở mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Cần xây dựng rõ tiêu chí phân loại khuyết tật, hạng tật để có thể xếp những trẻ khuyết tật có cùng sở thích loại tật và trình độ học hòa nhập cùng một lớp. Xây dựng khung nội dung, chương trình giáo dục đặc biệt cho các đối tượng khác nhau, bảo đảm yêu cầu kiến thức, kỹ năng cơ bản cho từng cấp học. Quy định rõ về tiếp nhận, chăm sóc trẻ khuyết tật tại các trường học và mở rộng hệ thống các trường, khoa đào tạo giáo viên dạy hòa nhập, giáo viên khuyết tật cũng như xây dựng chính sách khuyến khích giáo viên dạy trẻ khuyết tật, hỗ trợ trẻ khuyết tật học tập hòa nhập đạt kết quả cao...

Mạnh Xuân 

Nhân dân

Lượt xem : 14746 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo