Trang chủ --> PHCN --> Trẻ khuyết tật trí tuệ tham gia học hòa nhập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Trẻ khuyết tật trí tuệ tham gia học hòa nhập

Trong nhà trường tiểu học hiện nay, một trong những nhóm trẻ em có khó khăn trong học tập là nhóm những trẻ khuyết tật. Trẻ khuyết tật trí tuệ lại là một trong năm dạng trẻ khuyết tật, hiện đang theo học đại trà, hòa nhập cạnh những trẻ bình thường khác.

 

Đặc điểm nổi bật ở trẻ khuyết tật trí tuệ là bị hạn chế đáng kể trong việc tiếp thu, hạn chế về khả năng thực hiện chức năng trí tuệ một cá nhân so với các thành viên khác trong xã hội, khó khăn trong các hành vi thích nghi thực tế. Điều này làm cho cá nhân có khuyết tật trí tuệ khó khăn trong việc hoàn thành các công việc trí óc và các hoạt động khác tương ứng với lứa tuổi hoặc gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong thích nghi xã hội.

            So với các nhóm trẻ khuyết tật khác, nhóm trẻ khuyết tật trí tuệ tham gia học tập hòa nhập không có những khó khăn, thiệt thòi, bất lợi tường minh. Chúng có thể lực phát triển bình thường; có thể tham gia các hoạt động (ngoại trừ hoạt động học tập) hòa nhập với các trẻ bình thường. Bằng những quan sát thông thường, chúng ta đều nhận thấy, những trẻ này dường như không hề có khuyết tật và không cần bất cứ một sự trợ giúp đặc biệt nào cả. Tuy nhiên, mọi khó khăn chỉ xuất hiện khi thực hiện các nhiệm vụ học tập. Những khó khăn này được Gordon Serfontein (1990) xem như một "khuyết tật ẩn tàng" (a hidden handcap). Hiện nay, người ta khuyến cáo rằng nhóm trẻ này chiếm từ 15 - 25% số trẻ đi học và là một trong những nguồn gốc chính của hiện tượng lưu ban, bỏ học trong học sinh tiểu học, nhất là lớp 1 [2].

            Đa số các nhà nghiên cứu dựa vào điểm trí tuệ được thực hiện qua các trắc nghiệm để xác định mức độ mức độ khuyết tật trí tuệ của một trẻ cụ thể. Theo đó (tính theo trắc nghiệm của Stanforrd - Benet và theo Wechsler),  những trẻ có chỉ số IQ dưới 70 được coi là khuyết tật trí tuệ [1]. Được bàn đến trong bài viết này là những trẻ nằm ở trạng thái ranh giới giữa bình thường và không bình thường về mặt trí tuệ, nhưng không phải là thiểu năng trí tuệ (oligophrennia), (chúng có thể và hiện nay đang học tập hòa nhập với những trẻ bình thường khác). Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) những trẻ này được xếp vào loại chậm phát triển trí tuệ ranh giới [3]. Chính những khó khăn trẻ gặp phải trong học tập do sự khuyết tật về mặt trí tuệ (hay còn gọi là chậm phát triển trí tuệ - Trần Trọng Thủy, 1992) mà những đứa trẻ này được gọi là "thiểu năng học tập", "rối loạn trong học tập" hay "khó học" (chidren with learning difficulties/ disablities). Những trẻ chậm phát triển trí tuệ ranh giới thường gặp khó khăn trong việc tiếp thu các kĩ năng học tập đặc trưng như đọc, viết, làm tính, mặc dù chúng thường có trí tuệ chung ở mức trung bình hoặc cao hơn một chút, nhưng chúng gặp rắc rối trong việc xử lý các thông tin đi qua các giác quan của chúng, như một em đã nói: "Tôi hiểu nó trong đầu tôi, nhưng tôi không thể đưa nó đến bàn tay tôi" (Diane E. Papalia và Sally Wendkos Olds.1995) [2]. Từ đó, các em gặp khó khăn rất lớn trong tất cả các môn học ở trường, đặc biệt là môn Toán và Tiếng Việt. Trong các nhà trường tiểu học hiện nay, những học sinh này được xếp vào diện "ngồi nhầm lớp".

            Giải thích theo thuyết định khu linh hoạt, có hệ thống của các chức năng tâm lý cấp cao trên vỏ não người của A.R Luria, vỏ não người được phân chia thành các vùng chức năng chuyên biệt. Trong tiến trình phát sinh cá thể, các vùng chức năng được hoàn thiện dần theo giới hạn độ tuổi [4]. Ở trẻ chậm phát triển trí tuệ ranh giới, có một hoặc hai vùng chức năng nào đó  chậm phát triển hơn so với giới hạn độ tuổi, còn lại các vùng chức năng khác phát triển trong giới hạn bình thường. Trong khi đó, ở trẻ thiểu năng trí tuệ, các vùng vỏ não mới của chúng đều ở trong trạng thái chậm phát triển. Vì đảm nhận các chức năng chuyên biệt khác nhau, nên việc chậm phát triển các vùng chức năng của các phần tương ứng dẫn đến việc cản trở học tập của học sinh theo các đặc trưng khác nhau.

            Như đã nói ở trên, những khuyết tật của trẻ ở dạng này không có biểu hiện rối loạn về bệnh lý. Tuy nhiên trong hoạt động của trẻ, có thể cho thấy các dấu hiệu khác với những trẻ bình thường khác.

            - Về hành vi: Trẻ có các biểu hiện không bình thường về mặt hành vi của trẻ chỉ quan sát thấy trong những trường hợp nhất định. Chẳng hạn, trẻ thường khó khăn để ngồi yên, chăm chú nghe giảng; ngược lại, chúng cử động luôn chân luôn tay. Ngồi học, trẻ làm hết việc này đến việc khác, gây ảnh hưởng đến các bạn ngồi cạnh. Nếu cô giáo nhắc nhở thì trẻ chỉ có thể ngồi ngay ngắn trong vài phút rồi lại quay trở lại trạng thái trên.

            - Về khả năng nhận thức, trẻ chậm phát triển ranh giới tiếp thu bài kém. Nghiên cứu của các nhà tâm lí học Việt Nam (Trần Trọng Thủy, Võ Thị Minh Chí) cho thấy, cùng một khối lượng kiến thức, trẻ bình thường học trong 1 tiết thì trẻ chậm phát triển trí tuệ ranh giới phải học và củng cố trong 4 tiết mới hi vọng kiến thức được biến thành vốn liếng riêng của trẻ. Hơn nữa, những trẻ này còn kém cả về khả năng chuyển tải kiến thức bằng con đường huy động những tri thức đã biết, những thao tác trí tuệ đã nắm được để áp dụng giải quyết các tình huống nhận thức tương tự. Do vậy, mặc dù trẻ thông thông thạo công việc theo chiều thuận của dãy thao tác và nắm được ý nghĩa của từng thao tác nhưng khi tình huống phải giải quyết theo chiều thay đổi khác của dãy thao tác thì trẻ lại lúng túng và nhiều khi bất lực.

            - Lực học của trẻ chậm phát triển trí tuệ ranh giới có thể chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất, có biểu hiện chung về kết quả học tập là học kém môn Toán, đặc biệt là với các bài tập trí tuệ. Ở những trẻ này, trong cấu trúc hành động, khâu yếu nhất là cơ sở định hướng hành động, biểu hiện : chú ý kém bền vững, mất tập trung; Khả năng luân chuyển thao tác hành động kém; quá trình xây dựng kế hoạch hành động trên cơ sở hoạt động định hướng bị rối loạn, mất khả năng kiểm tra, kiểm soạt hành động đang diễn ra. Nhóm thứ hai, có đặc điểm nổi bật là học rất kém môn viết và đọc. Với các thao tác toán đơn lẻ những học sinh này thực hiện một cách nhanh, gọn, đúng nhưng lại gặp khó khăn với dạng toán có lời văn do phải đánh vật với việc đọc đề bài. Nếu bài toán không yêu cầu tóm tắt và viết lời giải thì các em có thể đạt điểm trung bình khá trở lên. Nhóm thứ ba, là những học sinh có biểu hiện "điếc từ" mặc dù khả năng nghe (thính lực) không giảm vì thế các âm thanh không phải ngôn ngữ vẫn tiếp nhận bình thường với ngưỡng tri giác không thua kém các bạn cùng tuổi. Nguyên nhân của hiện tượng này là các em không nắm được thành phần âm của từ nghe nói, hệ thống âm thanh cấu tạo từ trở nên không ổn định, từ và âm tiếp thu rời rạc, vì thế việc hiểu nghĩa của các âm thanh ngôn ngữ rất khó khăn.

            Có thể thấy lí do trẻ học kém thì nhiều nhưng có một lý do thường gặp nhất nhưng lại ít được biết đến đó là có sự khiếm khuyết về khả năng học tập  có nguồn gốc sinh học. Chính vì không biết đến nguyên nhân này mà nhiều bậc cha mẹ đã làm trầm trọng thêm tình trạng của trẻ bằng những biện pháp không thích hợp. Những phân tích trên cho thấy sự thiếu khả năng học tập là do có vấn đề ở hệ thần kinh trung ương, khu vực chi phối sự tiếp nhận, xử lý và truyền đạt thông tin. Theo khuyến cáo của WHO và các kết quả nghiên cứu  của các nhà tâm lý học nhiều nước trên thế giới, những học sinh này - trẻ chậm phát triển trí tuệ ranh giới - khác với trẻ thiểu năng trí tuệ, chúng hoàn toàn có thể theo học chương trình phổ thông bình thường nếu như được phát hiện sớm và được giúp đỡ kịp thời, phù hợp với mức độ phát triển của các em về mặt sư phạm [3]. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và phục hồi sớm thì có thể phát triển một cách bi đát. Ví dụ trẻ không làm nổi tính cộng ở cấp 1 thì sau này không thể hiểu nổi đại số ở những lớp trên. Khi trẻ đã cố gắng rất nhiều mà vẫn không tiến bộ hơn trẻ sẽ trở nên chán nản và nảy sinh tâm lý tiêu cực như giảm lòng tự tin.

            Các bậc cha mẹ cần để ý tới những biểu hiện thường thấy ở trẻ có khiếm khuyết về khả năng học tập như: chậm hiểu và chậm làm theo những chỉ dẫn của cha mẹ, ai dặn gì cũng khó nhớ lại dù vừa nói, kém cả đọc, đánh vần, viết, làm toán và do đó không đạt kết quả học tập khá ở trường, phân biệt phải trái cũng khó, nhận biết lẫn lộn các từ hoặc có khi đảo ngược từ hoặc các con số, ví dụ lẫn lộn 25 với 52, l với n…, vụng về khi đi lại, khi chơi thể thao hoặc cả khi buộc dây giầy hay khi cầm bút, dễ quên dễ mất, không có khái niệm về thời gian và thường lẫn lộn “ngày mai”, “hôm qua”, “hôm nay”. Với những biểu hiện như thế trẻ cần được các chuyên gia tâm bệnh học đánh giá toàn diện và làm rõ mức độ khiếm khuyết. Trẻ cũng cần nhận được những liệu pháp tâm lý để cải thiện tình trạng. Điều quan trọng là cần giúp trẻ tự tin hơn để trẻ có thể phát triển lành mạnh.

            Tóm lại, không nên coi thường những biểu hiện khác thường cũng như thành tích học tập kém của trẻ. Ở nước ta, việc tư vấn tâm lý về các hành vi không bình thường của trẻ và chuyên khoa bệnh học tâm thần trẻ em có lẽ chưa phát triển được sự hiểu biết rộng rãi trong cộng đồng, cho nên trước những biểu hiện của hành vi đó, nhiều người có xu hướng chỉ gọi một cách đơn giản là “trẻ hư”, “trẻ quậy phá” hay “trẻ học kém” mà không biết rằng trẻ chỉ là nạn nhân của một trạng thái sức khoẻ tinh thần không bình thường cần được cha mẹ, thầy cô giáo và các chuyên gia về tâm thần học quan tâm giúp đỡ.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thị Lệ Thu. Đại cương giáo dục đặc biệt cho trẻ em chậm phát triển trí tuệ. NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2003.

2. Trần Trọng Thủy - Võ Thị Minh Chí. Dạy học chính trị cho trẻ khó học. Tóm tắt báo cáo đề tài cấp Bộ. Hà Nội, 1995.

3. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Chí, Đề tài cấp bộ trọng điểm mã số B2009-17-172TD, Ứng dụng tâm lí học học đường vào các trường phổ thông, 2009.

4. Võ Thị Minh Chí. Tâm lí học thần kinh. NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2004.

 

                                                                                            ThS. Lê Thục Anh

                                                  Trường Đại học Vinh

Lượt xem : 12713 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo