Trang chủ --> Gương sáng --> Mối tình của Chủ tịch Hội người mù Việt Nam
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Mối tình của Chủ tịch Hội người mù Việt Nam

Thời còn yêu nhau, trong lá thư viết cho người yêu ở chiến trường, bà đã viết: “Em đã xác định rõ ràng: dù anh mất chân, mất tay hay mất gì đi nữa, thì em vẫn một lòng với anh”. Và bà đã dùng cả cuộc đời mình để chứng minh rằng câu nói đó không phải là sự bồng bột, nông nổi của một cô gái trẻ đang yêu.
 

Những lá thư tình thời chiến

Đến giờ, người thương binh Cao Văn Thành đã là Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam được 14 năm. Bố vợ ông khi còn sống, trong những lần ngồi uống rượu với mấy người con rể, thường vỗ vai người con rể mù lòa của mình, nói với giọng đầy trìu mến:

“Tôi chỉ phục nhất anh con rể này. Đích thực là người lính. Dù tàn nhưng không phế”. “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, khi gả con gái cho một người lính vừa trở về từ chiến trường với đôi mắt bị hỏng, bố vợ ông đã không tránh khỏi những lo lắng. Nhưng nhiều năm sau này, cụ đã nhận ra rằng con gái mình đã hoàn toàn đúng đắn khi chọn người đàn ông để chia sẻ cả cuộc đời sau này.

Quê ông Cao Văn Thành ở Thanh Hóa. Quê bà Phan Thị Kim Song ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), nhưng bà đã theo cả gia đình lên sống ở Sơn La từ sau khi Điện Biên Phủ giải phóng. Tuy sống ở hai vùng đất xa xôi, nhưng số phận đã đưa ông bà đến với nhau khi xếp đặt họ cùng học chung một lớp ở trường Đại học Bách khoa.

Ngày đó vì hoàn cảnh chiến tranh, sinh viên trường Đại học Bách khoa phải sơ tán lên Phú Thọ. Vì cùng một lớp, lại ở chung một tổ học tập, nên hai ông bà được xếp ở gần nhau trong hai ngôi nhà cách nhau không xa trên cùng một khu đồi. 

    Ông Cao Văn Thành kể: “Những năm tháng ấy, chúng tôi cùng giúp đỡ nhau học tập, cùng chia sẻ với nhau từng củ sắn, củ khoai. Vì bằng tuổi nhau, nên suốt thời học chung ở trường Bách khoa, chúng tôi chỉ xưng “mày” – “tao” với nhau.

Ngày đó tôi và vợ tôi đều được phân công đi lấy thư ngoài trung tâm. Cứ đến ngày, tôi lại sang đón bà ấy rồi chở bà ấy đi ra trung tâm lấy thư. Con đường ra trung tâm phải đi qua không biết bao nhiêu quả đồi ở vùng đất trung du. Chính những lần đạp xe qua những con đường thơ mộng vắt ngang những đồi chè, rừng cọ xanh mướt đã khiến chúng tôi yêu nhau lúc nào không hay”.

Thời đó, việc nam nữ yêu nhau chưa cởi mở như bây giờ. Suốt quãng thời gian yêu nhau ở trường đại học, ông bà chỉ dám nhìn nhau, chỉ dám nắm tay nhau chứ không dám công khai như những đôi nam nữ bây giờ, vừa vì ngượng với mọi người, vừa vì sợ bị phê bình là “tiểu tư sản”.

Không thể xưng hô “mày” – “tao” như những bạn học khác được nữa, họ chuyển sang xưng hô trống không. “Vào ăn cơm đi”, “này, làm giúp nhau cái này cái” – những câu nói không đầu không đũa thế là “dấu hiệu” tình yêu của họ trong suốt những ngày tháng sinh viên thơ mộng.

Chỉ đến khi ông có quyết định lên đường nhập ngũ, bà mới chịu gọi tiếng “anh” đầu tiên, kèm theo lời dặn dò: “Anh cứ yên tâm chiến đấu. Em sẽ đợi anh về”. Cũng chỉ đến những ngày cuối cùng trước khi vào chiến trường, ông mới đủ can đảm để chính thức nói với bà hai tiếng “yêu thương”.

Năm 1971 – 1972 là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ nước sôi lửa bỏng nhất. Cùng với sinh viên, giảng viên ở các trường đại học, ông Cao Văn Thành cũng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Gia đình ông có 6 người con, ông là con trai thứ 2. Người anh đầu đã hi sinh ở chiến trường, nên ông thuộc diện được miễn nhập ngũ:

“Thế hệ chúng tôi ngày đó đều thấm nhuần một câu nói: “con đường duy nhất của một người thanh niên là trên trận chiến chống quân thù”. Biết là nếu ở lại thì tương lai sẽ êm ấm, sung sướng, sẽ không phải đối mặt với bom đạn, với chết chóc, nhưng tôi vẫn về Thanh Hóa xin phép bố mẹ rồi lên đường chiến đấu” – ông Thành nhớ lại.

Trước ngày ông đi, ông gửi lại cho bà bộ quần áo bộ đội của người anh trai đã hi sinh ở chiến trường và dặn bà giữ làm kỉ niệm khi xa nhau; bà cắt chiếc áo hoa cộc tay của mình, may thành một chiếc túi đựng tuýp kem đánh răng và một chiếc quần đùi để tặng ông khi vào chiến trường.

Vào bộ đội phải mặc quân phục, ông hầu như không có cơ hội mặc chiếc quần đùi may bằng thứ vải hoa con gái ấy, cũng không dám mặc vì sợ đồng đội trêu chọc, nhưng ông luôn giữ gìn nó như một món quà quý báu trong hành trang trên mỗi bước đường hành quân.

Trong suốt quãng thời gian đầu khi xa nhau, họ xóa đi cảm giác xa xôi, cách trở bằng những bức thư nối dài nỗi nhớ. Cứ sau mỗi giờ lên lớp, bà lại về nhà viết thư kể chuyện trường lớp, kể về cuộc sống đời thường cho ông nghe. Còn ông, trên đường hành quân, cứ dừng chân ở đâu, ông lại kê gối viết thư kể chuyện chiến đấu cho bà.

Những lá thư như những trang nhật ký, khiến cả hai ông bà – người này luôn cảm nhận được sự có mặt của người kia ở bên cạnh, để ở hậu phương bà cảm thấy bớt cô đơn, còn ở chiến trường, ông vẫn luôn ấm lòng khi nhìn nét chữ người yêu trước mỗi trận chiến.

Ngày đó mỗi lá thư từ hậu phương gửi ra, với những người lính ở chiến trường đều là một món quà quý giá. Ông vẫn thường cùng đồng đội đọc thư bà, cùng chia sẻ với những người đồng chí, đồng đội những câu chuyện ở quê nhà.

Có quãng thời gian ông đóng quân ở trên chốt, ngay cạnh vùng giao tranh giữa ta với địch, chẳng có cơ hội viết thư cho bà, cũng không được nhận trực tiếp thư bà gửi từ miền Bắc, nhưng những người đồng đội tinh nghịch của ông vẫn thường đọc thư của bà cho ông nghe qua máy vô tuyến điện, vừa đọc vừa cười húc hắc khi đến những đoạn “tình cảm lâm ly”.

Ở trên chốt, nơi mà quân địch có thể bất ngờ tấn công và đánh úp bất cứ lúc nào, nơi sự sống luôn là gang tấc, ông vẫn không thể không mỉm cười khi được nghe thư của người yêu qua máy vô tuyến điện. Giữa chiến trường bom đạn khốc liệt và chết chóc, đó có lẽ là những khoảnh khắc ngọt ngào và bình yên nhất của một người lính

Lời hứa của tình yêu

Khi viết thư về cho bà, trong mỗi bức thư, ông không bao giờ quên kèm thêm vài câu thơ lãng mạn: “Em ơi, đợi anh về/ đợi anh hoài em nhé”. Ông vẫn viết trong những bức thư của mình: “Sau này khi hòa bình lập lại, anh trở về và sẽ đưa em đi khắp chiều dài đất nước mình, đưa em đến những nơi anh đã đi qua, đến những vùng đất anh và những đồng đội của mình đã chiến đấu. Anh sẽ kể cho em nghe về những trận chiến ấy, để em cảm nhận được thực sự vẻ đẹp của đất nước mình”…

Trong những năm tháng xa cách, có một lần ở hậu phương, bà được một người bạn từ chiến trường trở về kể: “Song ơi, nghe bảo Thành bị thương ở chân nặng lắm”. Đinh ninh là sự thật, bà cứ giận ông mãi vì đã giấu bà, nên trong bức thư sau đó gửi ra mặt trận, bà viết cho ông những dòng chữ vừa hờn dỗi vừa yêu thương:

“Nghe tin anh bị thương ở chân mà sao không viết thư cho em biết.  Em biết là chiến tranh ác liệt. Nên em đã xác định rõ ràng: dù anh mất chân hay mất tay hay mất gì đi nữa, thì em vẫn một lòng với anh”. Khi nhận được thư bà, ông vừa xúc động, vừa buồn cười, cứ nhìn đi nhìn lại đôi chân đang hoàn toàn lành lặn của mình và bật cười không hiểu vì sao lại có một tin đồn vô căn cứ như thế đến tai bà.

Khi viết cho nhau những lá thư ấy, ông không hề ngờ rằng, ông sẽ không bao giờ có thể có cơ hội được đưa bà đến những vùng đất ấy và kể cho bà nghe những câu chuyện chiến trường; bà cũng không thể biết rằng, câu hờn trách trong lá thư mà bà gửi cho ông, sau này sẽ trở thành sự thật và làm thay đổi số phận của cuộc đời bà.

Tháng 3/1975, khi đang tiến vào giải phóng thành phố Huế, ông bị một quả đạn cối bắn vào người, bị vỡ bả vai, gãy chân và bị thương nặng ở con mắt bên phải. Ông được đồng đội đưa về tuyến sau chữa trị vết thương.

Trong chiến tranh, đã có không ít những người lính mãi mãi nằm lại ở chiến trường, nên việc bị thương, mất chân, mất tay hay hỏng mắt với một người lính vẫn có thể coi là may mắn. Khi được đưa về bệnh viện dã chiến điều trị, ông bị hỏng một con mắt bên phải.

Ông vẫn nhớ lúc ông nằm trên giường phẫu thuật, các bác sĩ đọc hồ sơ, biết ông là sinh viên Bách khoa, đã trêu đùa ông rằng: “Lý lịch thế này thì dù có mất một mắt sau này về nhà vẫn được đầy cô tình nguyện lấy làm chồng”.

Vì nghĩ vết thương ở mắt không nghiêm trọng, nên các bác sĩ ở bệnh viện chỉ chữa trị các vết thương trên người ông chứ không tiến hành khoét bỏ con mắt phải của ông. Một thời gian sau, con mắt phải bị viêm nhiễm, lây sang mắt trái.

Từ một mắt bị hỏng ban đầu, ông mất nốt con mắt còn lại. Đó cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ kết thúc với thắng lợi thuộc về ta. Ông – một chàng sinh viên Bách khoa tình nguyện xung phong ra mặt trận đã không có cơ hội tận mắt nhìn thấy niềm vui trên gương mặt mọi người vào ngày đất nước chiến thắng. Vì ngày hôm đó, đôi mắt ông đã vĩnh viễn mù lòa.
 

Sau khi bị thương, ông được đưa ra bệnh viện 109 ở Vĩnh Yên. Ông bảo: “Người ta nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Khi biết đôi mắt mình bị hỏng tôi buồn lắm. Giá mình mất chân, hay mất tay có khi còn đỡ, chứ đằng này lại mất đi đôi mắt. Tôi không muốn làm hỏng tương lai của Song. Nên khi điều trị ở Vĩnh Yên, tôi viết một bức thư nguệch ngoạc, nhờ người gửi về Việt Trì (Phú Thọ) cho bà ấy, coi như đó là lá thư cuối cùng”.

 

ng làm đồ án tốt nghiệp Đại học. Bà đã nhìn đi nhìn lại nét chữ nguệch ngoạc đó, và nhận ra đó chính là nét chứ của người yêu mình. Chỉ kịp đi mua vài chục quả trứng, bà vội vàng mượn xe đạp đến viện 109, nhưng đến nơi thì nhận được tin ông đã được đưa về viện 108.

 

Ngay ngày hôm đó, bà lại bắt tàu về Hà Nội, trên tay vẫn xách theo chiếc làn đựng mấy chục quả trứng. Trên suốt chuyến tàu về Hà Nội hôm đó, bà cứ vừa đi vừa ứa nước mắt vì thương người yêu, chẳng còn lòng dạ đâu để ý đến những quá trứng đã vỡ dập vì va chạm trên đường đi.

Bà đến Viện 108 lúc cuối giờ chiều, khi đã hết giờ thăm gặp, nhưng các bác sĩ bệnh viện thấy một cô sinh viên với gương mặt phờ phạc, hoảng hốt, nước mắt ngắn dài đi tìm người yêu bị thương, nên đã phá lệ cho bà vào khoa Mắt của Bệnh viện 108 để tìm người yêu. 

   Đến giờ nhớ lại giây phút gặp nhau sau mấy năm chiến tranh xa cách, hai ông bà vẫn không kìm được nỗi xúc động. Ông nói: “Những ngày tháng xa nhau, cả hai chúng tôi chỉ mong đến giây phút trùng phùng. Nhưng chẳng ngờ, chúng tôi lại gặp lại nhau trong hoàn cảnh trớ trêu như thế”.

Khi nhìn thấy ông trong tình trạng băng trắng cuốn đầy người, bà lặng người đi, không thể nói được tiếng nào trong suốt một lúc lâu. Đến lúc cất lên được tiếng gọi “anh ơi”, thì giọng bà đã lạc đi, như giọng nói của một người nào khác chứ không phải giọng nói của chính bà.

Trong tình trạng bị băng bó đầy người và với đôi mắt tối đen, ông luôn miệng nói: “Không, giọng nói này khác quá, không phải giọng nói của Song, không phải giọng nói của người yêu tôi. Làm sao Song biết tôi đang ở đây được” – ông bảo, khoảnh khắc đó, ông thực sự không dám tin lại có một điều kỳ diệu như thế đến với mình. Chỉ đến lúc bà nắm tay ông dịu dàng, ông mới thực sự tin bà đang ở bên ông.

Ngày đó, vì mặc cảm bệnh tật, vì thương bà còn trẻ, còn nhiều tương lai phía trước, ông đã hơn một lần đề nghị chia tay. Những lúc ngồi bên nhau, ông vẫn thường bảo bà: “Chúng mình chia tay và sẽ mãi là bạn tốt của nhau. Anh sẽ không bao giờ trách giận em bất cứ điều gì”.

Nhưng bà nói với tôi, bà không bao giờ nghĩ tới việc rời bỏ ông, vì dù ông nói cứng rắn như thế, nhưng trong một lần vô tình cầm cuốn nhật ký của ông, bà đã đọc được những dòng chữ nguệch ngoạc mà ông viết khi mới bị hỏng cả hai mắt: “Mình đã bị hỏng mất đôi mắt thế này, giờ chẳng còn gì cả nữa rồi. Nếu người yêu cũng bỏ mình thì mình chắc không sống nổi mất.

Bà nói: “Tôi cứ nghĩ thế này: người đàn ông tôi yêu đã có cơ hội ở lại, nhưng anh ấy đã tình nguyện ra chiến trường, hi sinh vì đất nước, để rồi bị mất đi đôi mắt. Nếu tôi rời bỏ anh ấy, tôi biết tôi sẽ không thể tha thứ được cho chính mình suốt cuộc đời còn lại, tôi cũng biết tôi sẽ không thể hạnh phúc bên bất cứ người đàn ông nào khác, nếu tôi đành lòng rời bỏ người đàn ông mà tôi thực sự yêu thương”.

Vì lý do đó, mà bà quyết tâm ở lại bên ông, gạt bỏ mọi lời khuyên can, mọi sự lo lắng của gia đình, bạn bè, người thân.

Những ngày người thương binh Cao Văn Thành nằm trong viện 108, người ta thường thấy một cô sinh viên cứ tất bật đi đi lại lại giữa Việt Trì và Hà Nội, vừa làm đồ án tốt nghiệp, vừa lo chăm sóc người yêu. Các bác sĩ ở bệnh viện 108 chứng kiến cảnh tượng đó đã vô cùng xúc động.

Họ tổ chức một buổi gặp gỡ ở hội trường bệnh viện và mời ông lên phát biểu cảm xúc và kể về câu chuyện tình yêu của mình. Ông bảo, chính ông cũng vô cùng xúc động khi cảm nhận được tình yêu chân thành của bà. Để động viên bà và động viên chính bản thân mình trong những ngày u ám đó, thỉnh thoảng ông vẫn nói chuyện với bà như thể đôi mắt ông vẫn bình thường như những ngày xưa cũ.

Có hôm chạm vào tóc bà, thấy bà tết tóc đuôi sam dài, ông khẽ khàng nói: “Anh thấy hôm nay em tết tóc hai bên rất xinh nhé”. Có hôm nghe ai đó nói bà mặc áo màu hồng, ông lại nói với bà đầy âu yếm: “Hôm nay em mặc áo màu hồng nhìn rất đẹp”. Họ đã cùng nhau đi qua nỗi buồn bằng những điều giản dị và nhỏ bé như thế.

Chia nhau đôi mắt, vun đầy tình yêu

Bà kể: “Những ngày ông ấy mới hỏng mắt, tôi luôn có một niềm tin ngây thơ rằng: ông ấy mất hai mắt, nhưng tôi thì vẫn còn cả hai con mắt. Khi nào sức khỏe ông ấy ổn định trở lại, tôi sẽ nhờ các bác sĩ giúp tôi tặng ông ấy một con mắt của tôi.

Như vậy mỗi chúng tôi đều còn lại một con mắt, đều được nhìn thấy ánh sáng và đều cảm thấy hạnh phúc”. Đến giờ, sau mấy chục năm vợ chồng, ước mơ của bà vẫn chưa thành hiện thực, nhưng điều đó chẳng hề gì, vì bà đã luôn là đôi mắt của ông, luôn dìu ông bước đi trong suốt chặng đường dài của cuộc đời mà ông bà đã lựa chọn đi cùng nhau.

Tháng 12/1975, khi sức khỏe của ông đã ổn định và bà đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa, ông bà quyết định làm đám cưới. Đến ngày đi đăng ký kết hôn, ông bà mới biết họ có cùng ngày sinh: 2/2/1951. Mọi thứ, với họ đều trùng hợp đến lạ kỳ, như thể đó là định mệnh của họ, như thể số phận của họ đương nhiên phải thế.

Trước ngày cưới, bà đạp xe  mấy chục cây từ khu điều dưỡng thương binh đưa ông ra ga Thường Tín để lên tàu về quê, phía sau lỉnh kỉnh chở không biết bao nhiều đồ đạc.

Trong đám cưới ông bà, cô dâu dẫn chú rể đi chào từng mâm khách, từng người họ hàng, làng xóm; trong đám cưới ấy, bà luôn nắm chặt tay ông, luôn chăm chút gắp cho ông từng miếng ăn, lấy cho ông từng cốc nước uống và kéo ghế cho ông ngồi khi cảm thấy ông mệt.

Cưới chồng xong, bà theo chồng về Thanh Hóa. Thời bao cấp khó khăn, cả hai vợ chồng ông bà và 3 người con ở trong một căn phòng chật chội chưa đầy chục mét vuông do cha ông nhường cho. Ngày đó, chế độ của thương bệnh binh chẳng đáng bao nhiêu, gánh nặng gia đình đều dồn lên vai bà.

Ban ngày bà đi làm ở Sở Lương thực, tối về bà nuôi lợn, nuôi gà. Con lợn thứ nhất bán được, bà mua bộ bàn ghế uống nước. Con lợn thứ hai bán được, bà mua chiếc xe đạp. Con lợn thứ ba bán được, bà sắm chiếc bàn học cho con.

Con lợn thứ tư, rồi con lợn thứ năm….cứ thế bà sắm từng thứ đồ vật nhỏ trong gia đình, từ nồi niêu xoong chảo, đến chăn màn, quần áo và lo miếng cơm manh áo cho cả gia đình. Cứ như thế, bà cùng ông xây dựng gia đình, tạo dựng mái ấm và vun đắp cho hạnh phúc nhỏ bé của mình.

Là một người lính, dù mù lòa, ông vẫn luôn giữ được khí chất của một người lính “tàn mà không phế”. Thời còn ở Thanh Hóa, ông đã đi đến từng Sở, Ban, Ngành để xin phép thành lập Hội Người mù thị xã Thanh Hóa, rồi sau này là thành lập Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa.

Chính bà là người đã đạp xe đưa ông đi đến khắp các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh, để cùng ông trình bày nguyện vọng thành lập hội người mù với các cấp lãnh đạo. Cũng chính bà là người đạp xe đưa ông đi đến khắp các gia đình có người mù quanh thị xã Thanh Hóa để vận động họ vào Hội người mù.

Với những cố gắng của cả hai vợ chồng ông bà, Hội người mù thị xã Thanh Hóa ra đời với 20 thành viên ban đầu, rồi sau này phát triển rộng lớn, trở thành Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa. Ông trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội người mù Thanh Hóa. Rồi được tín nhiệm bầu vào giữ vị trí Phó Chủ tịch Trung ương Hội người mù Việt Nam suốt 15 năm và nay đang là chủ tịch Hội người mù Việt Nam.

Ông bảo với tôi, mỗi nỗ lực, mỗi thành công của ông trong cuộc sống, đều có dáng dấp của bà, có sự hi sinh và chia sẻ tuyệt đối của bà.

Thời còn yêu nhau, ông thường đạp xe đưa bà đi trên những con đường nhỏ thơ mộng giữa đồi chè ở Phú Thọ. Kể từ ngày cưới nhau, bà luôn là người chở ông trên chiếc xe đạp cọc cạch. Bà đã luôn chở ông đi trong suốt quãng đời sau này, trên chiếc xe đạp đầu tiên, rồi sau này là chiếc Babetta, chiếc Cup 81.

Người phụ nữ nào cũng muốn có được một người chồng để được che chở. Còn bà, đã luôn phải giữ vai trò của một người chủ gánh vác gia đình. Nhưng bà chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi hay ân hận vì điều đó.

Bà nói nếu có điều gì bà ân hận nhất, thì đó chính là việc bà chưa thể thực hiện được ước mơ lớn nhất của mình: tặng cho ông một con mắt mà bà có, để cả ông và bà đều có cơ hội nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp xung quanh, cùng nhìn con cái lớn lên, dưng vợ gả chồng, cùng nhìn cháu nội, cháu ngoại chào đời.


 Hoàng Kim (theo Phụ nữ Today)

Lượt xem : 22141 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo