Trang chủ --> Gương sáng --> Cô gái xe lăn đi tìm vương miện
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Cô gái xe lăn đi tìm vương miện

Nghe chồng, Hiền tham dự cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2013”. Cô gái bị bại liệt đôi chân phải di chuyển trên xe lăn, đã trở thành một trong mười gương mặt tranh tài đêm chung kết.

Sáng chủ nhật, xóm trọ bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Một nhiếp ảnh gia tóc bạc trắng, bị mất một bên tay đi cùng hai người nữa đến chụp ảnh và phỏng vấn Nguyễn Thu Hiền. Cô gái ngồi trên xe lăn đến từ Sơn La, nhoẻn miệng cười một cách tự nhiên. Bức ảnh trông dịu dàng và sáng bừng vẻ tự tin, hạnh phúc.

Nguyen Thi Thu Hien_01

Thí sinh Nguyễn Thu Hiền

Một vầng trăng khuyết

Hiền sinh ra khỏe mạnh và kháu khỉnh. Nhưng năm một tuổi, cơn sốt bại liệt đã làm teo nhỏ đôi chân.  Bao nhiêu cố gắng chữa trị tiêu tan, đôi vợ chồng nghèo ngậm ngùi để con gái làm bạn với chiếc xe lăn trong cuộc sống. Đến tuổi đi học, Hiền tới trường trên lưng mẹ. Hàng xóm xung quanh ái ngại, ngỏ ý khuyên can: “Bị thế này học cao làm gì cháu?”, “Đi học rồi cũng chỉ ở nhà thôi, chắc không thể làm được gì đâu”. Mẹ Hiền bỏ ngoài tai, ròng rã bao nhiêu năm lặng lẽ cõng con gái trên lưng. Ngày nắng cũng như ngày mưa,  mẹ đưa con tới trường suốt từ cấp I cho đến khi Hiền học lên Cao đẳng.

Biết mình không may mắn như bao người khác, Hiền cố gắng nỗ lực vượt qua bản thân. Suốt những năm còn học phổ thông, năm nào Hiền cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Hiền còn được tặng Bằng khen của BCH TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về phong trào thanh thiếu nhi năm 2000,  giải thưởng “Nữ sinh Việt Nam” do áo Sinh viên – Hoa học trò tổ chức năm 2003; giải thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ thông tin” của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ KHoa học Công nghệ năm 2005; giải nhì cuộc thi “Tin học trẻ ở Sơn La” năm 2007.

Năm 2008,  Hiền tốt nghiệp cử nhân loại giỏi. Tình cờ biết được ở Hà Nội có dự án đào tạo Công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật, Hiền thuyết phục bố mẹ cho mình đi. Tại đây, lần đầu tiên Hiền được tiếp xúc với những người cùng cảnh ngộ. “Sao giống mình đến thế, nghị lực của họ thật phi thường” – Hiền ngẫm nghĩ. Hiền tham gia nhiều hội nhóm, giao lưu gặp gỡ với nhiều người, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Cũng tại đây, Hiền đã gặp người bạn đời hơn cô một tuổi. Sau khi tốt nghiệp, Hiền ở lại Hà Nội làm việc, xây dựng gia đình.

Những ánh sáng niềm tin

Tháng 10/2012, cuộc thi hoa hậu dành cho những cô gái khuyết tật bắt đầu được phát động. Ban tổ chức đã nhận được 70 hồ sơ của các thí sinh khắp mọi miền tổ quốc, đủ các dạng khuyết tật khác nhau.

Được chồng hết lòng cổ vũ và động viên, Hiền đăng kí tham dự cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”. Ngoài mong muốn giao lưu với những người khác, Hiền cũng khao khát được khẳng định bản thân. Hiền lọt vào top 10 gương mặt sáng giá nhất sẽ tham gia tranh tài đêm chung kết. “Tôi tin rằng ngoài sự khích lệ người khuyết tật, xã hội sẽ có một cách nhìn khác và hòa đồng hơn với những người như tôi” – Hiền chia sẻ.

Ngoài Hiền ra, 9 thí sinh còn lại cũng là những cô gái tràn đầy niềm tin và nghị lực. Trần Thị Ngọc Linh sinh ra và lớn lên tại Bố Trạch, Quảng Bình. Năm 17 tuổi, Linh đi làm thêm giúp mẹ, không may bị gặp tai nạn lao động và bị mất cánh tay bên trái. Bao đau đớn, mất mát dày vò tưởng như không chịu đựng nổi, cuối cùng, Linh đã vượt qua và nhận ra rằng cần phải biết yêu và trân trọng cuộc sống hôm nay. Linh yêu đời hơn và lúc nào cũng luôn tâm niệm: “Không gì là không thể – hãy tin ở chính bản thân mình”.

Còn cô gái 19 tuổi Đoàn Lê Thu, tám năm trước bất ngờ gặp tai nạn và phải phẫu thuật cắt bỏ ½ chân trái. Từ một cô bé hồn nhiên, vô tư, Thu đắm chìm trong cảm giác hụt hẫng và bất lực. Nhờ có sự săn sóc, động viên của những người thân thiết, Thu đã dần thích nghi và cân bằng hơn trong cuộc sống mới của mình. Thu nhận ra cuộc sống này vẫn thật đáng quý, còn tồn tại nghĩa là còn cơ hội để cống hiến và thể hiện bản thân. Thu tham gia cuộc thi này muốn gửi đến mọi người thông điệp trong cuộc sống: “Không ai có thể làm cho bạn cảm thấy mình thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn”. Đồng thời, cô cũng bày tỏ hi vọng sớm được sống trong một xã hội không còn sự kì thì, phân biệt đối xử, đặc biệt là với những người khuyết tật.

Cần chung tay chia sẻ

Một cuộc thi đặc biệt. Cả ban giám khảo – tổ chức cuộc thi lẫn thí sinh đều là người khuyết tật. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh bị cụt mất một cánh tay. Anh Trịnh Công Thanh (hội người khuyết tật Hà Nội) đang phải dùng chân giả. Để có thể lựa chọn ra 10 thí sinh xuất sắc nhất, ban giám khảo đã phải đến tận nhà từng thí sinh làm công tác chụp hình và phỏng vấn. Nửa tháng rong ruổi trên xe, vào Nam ra Bắc, về lại Quảng Ninh, ban giám khảo không nhận bất cứ một đồng thù lao, chỉ mong muốn làm được điều gì đó cho cộng đồng người khuyết tật.

Dự án được viết ra, anh Trịnh Công Thanh phải nhờ vả bạn bè, người quen, mỗi người giúp cho một việc. Điều khó khăn nhất là phải làm thế nào để khơi được nét đẹp trong tâm hồn các thí sinh, để họ không còn tự ti về khiếm khuyết của bản thân mình nữa. Cách tổ chức, bài trí sân khấu cũng phải thuận tiện, để thích hợp với các thí sinh nhiều dạng khuyết tật khác nhau.

Theo một kết quả điều tra gần đây, có đến 60% người khuyết tật bị trầm cảm từ nhẹ đến nặng. Lý do dẫn đến trầm cảm chủ yếu do cách nhìn nhận, thái độ đánh giá của cộng đồng. Nhiều người khuyết tật chưa kịp thể hiện bản thân đã bị từ chối ngay trong công việc vì bị coi thường năng lực. Ở nhiều cơ sở y tế, nhiều phụ nữ khuyết tật bị từ chối khi tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản… Việc tổ chức cuộc thi “vẻ đẹp vầng trăng khuyết” là một nỗ lực vượt bậc để người khuyết tật nói lên tiếng nói của mình, đem lại một cái nhìn mới của cộng đồng về những người khiếm khuyết.

Những bức ảnh của 10 thí sinh đã được công bố. Không còn bóng dáng của quá khứ mất mát đau thương, Linh, Thu…rạng ngời vẻ đẹp của sự tự tin hiếm có. Hiền cũng đang cố gắng luyện tập, để thể hiện tài năng ca hát của bản thân: “người khuyết tật cần nhận được sự khích lệ của xã hội nhiều hơn nữa”.

Lương Lý

 

Hoàng Kim (theo Đồng Hành)

Lượt xem : 13607 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo