Trang chủ --> Gương sáng --> Mẹ đòi từ mặt vẫn quyết lấy người khuyết tật làm vợ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Mẹ đòi từ mặt vẫn quyết lấy người khuyết tật làm vợ

Một người đàn ông khỏe mạnh, đẹp trai gắn cuộc đời với người vợ khuyết tật, đã khiến không ít người cảm phục.

Câu chuyện về tình yêu của cặp vợ chồng Vũ Văn Mừng và Nguyễn Thị Hương (ở thôn Đà Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai – Hà Nội) – một người đàn ông khỏe mạnh, đẹp trai – với người vợ khuyết tật, đã khiến không ít người cảm phục, trân trọng.

Khuyết tật thể xác nhưng không khuyết tật tâm hồn

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, kiên cố, chị Nguyễn Thị Hương vẫn không khỏi xúc động xen lẫn niềm tự hào khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình có nước mắt lẫn nụ cười của anh chị cách đây đã ngót nghét 20 năm.

Được sinh ra vốn lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng rồi di chứng sau một cơn sốt ác tính đã khiến đôi chân của chị không còn lành lặn. Cha mẹ chị đã nhiều lần ôm con lặn lội khắp nơi, gõ cửa khắp các bệnh viện với hy vọng cứu chữa đôi chân cho con, mong muốn con gái được tung tăng cắp sách tới trường như bao bạn bè, nhưng rồi đành nuốt nước mắt ôm con trở về.

Vợ chồng anh Mừng, chị Hương trong trại nuôi chim cút

Tuy thiệt thòi về đôi chân nhưng bù lại, càng lớn, cô gái Nguyễn Thị Hương càng xinh xắn, khéo tay, hay lam hay làm. Cách nhau “cái giậu mùng tơi” là gia đình anh Vũ Văn Mừng. Hơn chị một tuổi, anh thanh niên Vũ Văn Mừng khỏe mạnh, đẹp trai đã thầm yêu trộm nhớ cô hàng xóm. Trái tim của người con gái khuyết tật thực sự rung động, xốn xang khi anh ngỏ lời yêu chị.

Biết tin con trai mình yêu Hương, một cô gái khuyết tật, cha mẹ, anh em họ hàng anh Mừng kịch liệt phản đối, cho rằng một người như chị Hương thì sẽ làm được gì? Gắn kết cuộc đời với người khuyết tật khiến anh sẽ phải khổ. Rồi chuyện sinh nở sẽ như thế nào?... Mẹ anh thậm chí đòi từ mặt đứa con trai út của mình, nếu anh vẫn nhất quyết lấy cô hàng xóm.

“Lúc đó, mình cảm thấy tủi thân quá. Cũng là con người, nhưng tại sao người khuyết tật lại không được yêu và bị cấm đoán? Giá như đôi chân không bị tật nguyền, chắc chắn mình sẽ được yêu như bao người. Bị làng xóm bàn tán chuyện “chân què mà dám yêu một anh đẹp trai”, nên ra đường ai cũng nhìn mình chỉ trỏ. Khi đó mình chỉ biết cúi mặt, lê đôi chân tật nguyền đi thật nhanh”, chị Hương kể.

“Lấy em chứ có lấy họ hàng đâu…”

Cha mẹ chị lúc đó vừa mừng vì chị có người con trai đem lòng thương yêu, nhưng vẫn canh cánh trong lòng không biết con mình sẽ sống như thế nào khi chị bị kỳ thị, phân biệt.

Bị dèm pha, nhưng anh Mừng vẫn quyết tâm cưới chị làm vợ sau hơn 3 năm yêu nhau. Đoán bắt tâm lý của chị Hương vẫn còn e ngại, anh nói: “Anh lấy em, chúng mình lấy nhau chứ có lấy họ hàng, xóm làng đâu mà em sợ”. Đón nhận tình yêu, nhưng chị vẫn lo cho anh. Chị Hương bảo: “Nếu lấy nhau hai năm mà em không sinh con được cho anh thì anh nên đi lấy vợ khác”, nhưng anh Mừng gạt đi: “Anh sẽ không bao giờ bỏ em, nếu em không sinh con được chúng mình sẽ đi xin con nuôi”.

Lúc anh đèo chị lên xã làm đăng ký kết hôn, vị cán bộ xã nhìn anh trừng trừng, không tin anh lấy “cái Hương tật nguyền” làm vợ. Ngày cưới, anh nhờ xã đoàn Cao Viên đứng ra tổ chức. Chiếc rạp nhỏ được dựng ngay chân đê với vài đĩa bánh kẹo, chẳng có quan khách họ hàng, chỉ có mấy anh cán bộ đoàn xã đứng ra chứng giám cho tình yêu của anh chị. “Mẹ tôi lúc đó còn ra đám cưới của con la lối, mắng nhiếc, nhưng tôi mặc kệ” – anh Mừng kể.

Bị gia đình nội “cấm cửa” nên ông bà chẳng hồi môn con con trai thứ gì. Con cha mẹ chị Hương cắt cho mảnh đất nhỏ, dựng cho cái chòi, cho 1.000 con chim cút giống làm vốn.

Gia đình của anh Mừng, chị Hương luôn rộn rã tiếng cười của trẻ thơ

“Tự hào khi lấy người khuyết tật làm vợ”

Chị Hương hào hứng kể: “Ấy thế mà sau hai tháng lấy nhau, tất cả đâu vào đấy. Nhà chồng đã chấp nhận con dâu”. Nói về “bí quyết” lấy lòng nhà chồng, chị Hương cười: “Mình cứ sống thật, khuyết tật đôi chân nhưng tâm hồn không khuyết tật, bởi mình biết yêu thương, biết lo làm kinh tế, chăm sóc gia đình, nhất là khi cháu gái đầu lòng chào đời một năm sau đó”.

Sau 17 năm gắn bó với nhau, đến nay anh chị đã có cơ ngơi đàng hoàng cùng 3 đứa con – có nếp, có tẻ, xinh xắn, học giỏi. Còn ở xã Cao Viên và khu vực lân cận, ai cũng gọi chị là “Hương chim cút” bởi các đám cưới, nhà hàng ở đây đều đặt hàng chim cút, trứng chim cút của chị. Trại nuôi chim cút của anh chị lúc nào cũng có hơn 5.000 con, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng.

 

Tại hội nghị biểu dương những tấm gương khuyết tật thành phố Hà Nội năm 2012, khi trên diễn đàn, chị Hương kể lại câu chuyện tình của mình thì phía dưới, nhiều đại biểu đã không cầm được nước mắt.

Không những thế, do khéo tay và giỏi may vá từ bé, chị mở thêm xưởng may mặc tại nhà. Chị tự mày mò học hỏi qua sách báo các kiểu mẫu, rồi thiết kế, tìm khách hàng. tạo việc làm cho 13 lao động, trong đó có 6 người khuyết tật trong huyện.

Tiếng lành đồn xa, những người khuyết tật được Hội Người khuyết tật huyện Thanh Oai giới thiệu tìm đến học tập kinh nghiệm, nhiều người ở lại giúp chị nuôi chim cút, phụ may, giúp chị việc nhà để chị dành nhiều thời gian hơn làm công tác “ngoại giao”, tìm đầu ra cho sản phẩm.  

Nói về cảm nghĩ của mình sau gần 20 năm gắn bó với người khuyết tật, anh Vũ Văn Mừng chia sẻ: “Tôi cảm thấy không ân hận khi cưới Hương làm vợ. Từ cuộc sống của chúng tôi, tôi mong muốn xã hội hãy cởi mở hơn với người khuyết tật; thậm chí người khuyết tật có nhiều điểm mà người bình thường cần phải học tập. Cuộc sống của chúng tôi đã khẳng định điều đó”.

Ông Vũ Duy Thức, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Thanh Oai nói rằng tình yêu, hôn nhân, gia đình với người khỏe mạnh bình thường có thể trong tầm tay, song lại tưởng như xa vời với nhiều người khuyết tật và thường thì những người khuyết tật kết đôi với nhau, bởi họ có cùng chung hoàn cảnh. Thế nên, “câu chuyện cổ tích” về anh chồng khỏe mạnh, đẹp trai kết hôn với cô gái khuyết tật như đôi Mừng – Hương ở Thành hội chỉ có một. 

 

Lại Thìn/VOV online  

Lượt xem : 18873 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo