Trang chủ --> Gương sáng --> Người đàn ông mù và hành trình sang Thái Lan học làm giàu
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người đàn ông mù và hành trình sang Thái Lan học làm giàu

Sau lần cùng vợ lặn lội sang tận xứ sở Chùa Vàng, Thái Lan để học bí quyết, kinh nghiệm chăn nuôi, anh đã trở thành tấm gương vượt khó mà bao người mắt sáng phải khâm phục.

Từ nhỏ đã thiệt thòi vì đôi mắt không được tinh sáng như người bình thường, anh Hoàng Quốc Việt (thôn Chế Chì, xã Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên) luôn phải sống trong sự coi thường, xa lánh của mọi người. Tuy nhiên, không vì thế mà chàng trai "mù dở" này tuyệt vọng.

Cậu bé khiếm thị với con đường học vấn dang dở

Chúng tôi tới thăm anh Hoàng Quốc Việt, đúng lúc anh đang ngồi ôn lại những bài tin học mà năm ngoái anh được học ở lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn của Hội người mù tỉnh Hưng Yên để chuẩn bị "làm cán bộ" ở hội Người mù huyện. Anh hào hứng cho chúng tôi xem bài thi tin học anh được 8,8 điểm, rồi bật loa cho chúng tôi xem cách anh đánh chữ bằng chiếc máy tính mới tậu từ số tiền bán đàn bò, cho chúng tôi nghe lại đĩa anh đi thi hát chèo trong Liên hoan tiếng hát người khiếm thị toàn quốc.

Nhà Việt có 6 anh chị em nhưng có tới 4 người ở giữa là bị "mù dở" bẩm sinh, không nhìn được xa, không đọc được chữ; chỉ có người chị cả và người em út là may mắn thoát được cảnh "mù dở" bẩm sinh. Không có đôi mắt dẫn đường, nhưng vì nhà nghèo nên ngay từ nhỏ Việt đã không muốn là gánh nặng cho bố mẹ. Anh vẫn đi cấy, đi nhổ mạ rồi chăn trâu như bao đứa trẻ bình thường khác. Những năm tháng đầu đời ấy bắt cậu bé Việt phải làm quen với việc nghe, việc nhớ đường, nhớ cánh đồng nào được phép chăn trâu...

Anh Việt đang ôn lại những bài tin học để chuẩn bị lên công tác ở hội Người mù huyện Tiên Lữ

Việc đi học với Việt cũng khó khăn không kém. Ngày nhỏ anh không dám đến lớp vì bị bạn bè trong làng trêu chọc. Chính vì vậy mà khi quyết tâm đi học anh lại lớn hơn bạn học tới mấy tuổi. Việt phải kê một chiếc ghế ngay giữa cửa lớp để nghe cô giáo giảng; rồi đến các bài kiểm tra các giáo viên cũng phải tạo điều kiện cho anh kiểm tra bằng miệng.

Bù lại đôi mắt kém, Việt rất thông minh. Anh luôn được thầy cô giáo biểu dương vì thành tích nhất, nhì lớp. Nhắc lại tuổi thơ, anh Việt ngậm ngùi: "Vì không nhìn được chữ nên tôi dần học cho mình thói quen nghe và may mắn là tôi có trí nhớ khá tốt. Nhiều lúc đi học bị bạn bè gọi là thằng mù, bị giật tóc, véo tai mà không biết là ai... nghĩ tủi thân nên cũng mấy lần định ở nhà đi làm ruộng, chăn trâu cho xong. Nhưng rồi nghĩ lại, mình đã mù đôi mắt lại còn “mù chữ” nữa thì còn sống làm gì. Thế là tôi lại quyết tâm đến lớp".

Học xong lớp 9, Việt vẫn mong muốn được tiếp tục học lên nữa nhưng đường đến trường xa quá mà anh lại không thể đi được xe đạp.

Tình yêu từ sự đồng cảm

Cũng vì khiếm khuyết đôi mắt mà chuyện tình yêu của chàng trai Hoàng Quốc Việt ngày ấy cũng phải chịu bao thiệt thòi. Không có cơ hội đến với tình yêu, suốt ngày anh làm bạn với ruộng đồng, với con trâu, tối đến lại nằm cạnh chiếc đài... Vậy mà không ngờ, cuối cùng Việt lại lấy được một cô vợ xinh đẹp, đảm đang và rất ngoan hiền. Đơn giản là vì cô gái ấy cũng có một nỗi bất hạnh mà chỉ những người thiệt thòi như Việt mới có thể cảm thông.

Chị Trần Thị Thảnh, vợ Việt, khi ấy là một cô gái thôn quê vừa đến tuổi trăng tròn ở xã Phù Cừ. Chị đã có tình yêu với một chàng trai cùng làng và đang chuẩn bị những ngày cuối cùng cho đám cưới để về nhà chồng. Nhưng tai họa ập xuống đôi trai gái khi chàng trai đi mời cưới gặp tai nạn và qua đời một tháng sau đó.

Đám cưới không có chú rể, chị Thảnh về nhà chồng chưa tròn một tháng, chưa một ngày sống cuộc sống vợ chồng đã phải đội lên đầu vành khăn trắng. Đối với một cô gái thôn quê cách đây vài chục năm đây thực sự là một dấu chấm hết cho hai chữ tình duyên. Ai còn muốn lấy một người con gái đã mang tiếng sát chồng? Cô gái 16 tuổi ấy khóc ngày, khóc đêm, phần vì thương xót người chồng quá cố, phần vì tủi cho mình phận bạc.

Rồi họ đồng ý đến với nhau vì sự đồng cảm, người này lại thương cho nỗi bất hạnh của người kia. "Vợ tôi ngày ấy còn nhút nhát lắm. Tôi cũng chẳng biết nói gì vì đã biết yêu là gì đâu. Gặp nhau tôi nói luôn cho cô ấy về tình cảnh của mình, về những khó khăn mà cô ấy sẽ phải chấp nhận khi lấy tôi... Vậy mà cô ấy đồng ý. Sống với nhau mới thấy yêu thương và trân trọng cô ấy nhiều hơn. Chính nhờ có cô ấy mà tôi có động lực để phấn đấu, để cố gắng. Tôi luôn tự nhủ sẽ bù đắp cho cô ấy những bất hạnh trước đây", anh Việt tâm sự.

Ngày lấy nhau, hai bên nội ngoại cho anh chị vỏn vẹn đôi lợn giống cùng 150kg thóc. Nếu để ăn thì chẳng mấy mà hết nên hai vợ chồng đã nghĩ cách xoay xở để kiếm tiền từ số thóc ấy. Thế là cặp vợ chồng mới cưới đem số thóc hồi môn đi xát đem bán lấy tiền rồi lại đong thóc xát bán. Họ thành hàng xáo chuyên nghiệp lúc nào chẳng hay. Vào nghề, Việt "nhìn" bằng mắt vợ từ chuyện xem thóc tốt, thóc xấu, đường sá ổ gà, đi trái đi phải đến theo vợ thồ hàng ra chợ. Chị đong, anh đẩy, còng lưng hết làng nọ, làng kia, tối rải gạo ra nhà lọc ít tấm phần ăn, phần nuôi lợn còn gạo đem bán. Vợ chồng Việt lần hồi qua ngày với những bữa cơm thường trực rau lang chấm nước muối.

Nhờ những kiến thức học được từ Thái Lan mà anh Việt rất "mát tay" trong việc chăn nuôi

Chuyến "xuất ngoại" táo bạo với khao khát làm giàu

Rồi một bước ngoặt làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của vợ chồng Việt, giúp anh chị có của ăn của để như ngày nay. Đó là chuyến đi sang Thái Lan táo bạo mà có lẽ những người mắt sáng còn e ngại. Trước khi sang xứ sở Chùa Vàng, Việt đã tự trang bị cho mình vốn tiếng Thái qua radio. Cứ tối tối khi tới giờ dạy tiếng Thái trên đài là Việt lại bật lên nghe và miệt mài học. Anh học chủ yếu bằng trí nhớ, bằng cách bắt chước phát âm, câu chữ. Nhờ có trí nhớ tốt mà anh học tiếng Thái rất nhanh.

Năm 2000, khi bà chị họ chuyên buôn ba ba từ Thái Lan về Việt Nam thấy Việt nói được tiếng Thái đã gợi ý cho anh sang Thái Lan làm thuê. Vậy là hai vợ chồng khăn gói lên xe đi luôn. Họ tới làm thuê tại một trang trại nuôi ba ba, cá sấu ở tỉnh Ẳng Thoòng, cách thủ đô Bangkok 70km. Tại đây Việt học được cách ấp, nuôi cá sấu, ba ba. Rảnh rỗi thời gian, anh còn đi trèo dừa, hái me thuê kiếm thêm thu nhập.

Nói về quyết định táo bạo này, anh cho biết: "Thật ra ý định chính sang Thái Lan của tôi là học nghề nuôi ba ba, cá sấu của họ để về quê mình tự làm. Kỹ thuật chăn nuôi của họ rất tốt, mô hình cũng khoa học nên việc làm giàu rất dễ. Tôi còn học được nghề nuôi bò nữa. Khi về quê không có vốn nuôi cá sấu, ba ba nên chỉ nuôi được bò thôi".

Rời Thái Lan về nước năm 2003, Việt đã giắt lưng những kiến thức chăn nuôi từ nước bạn, nhưng anh lại không có vốn cũng không được ai giúp đỡ đầu tư cả. Cuối cùng vợ chồng anh đành phải đi đường vòng "tích tiểu thành đại". Anh đi chăn bò thuê cho một nhà giết mổ và tranh thủ chọn những con giống tốt với mơ ước gây dựng đàn bò.

Với số tiền 40 triệu đồng tích cóp được từ những ngày bên xứ người cùng những kiến thức chọn giống học được, anh chị đã gây dựng được đàn bò lên tới 7 con, con nào cũng đẹp, hay ăn chóng lớn. Những con bò được anh đặt cho những cái tên rất ngộ như: Nhỡ, Ỏe, Lau Chau, Bồm Bộp, Lúc Nhúc… việc "đặt tên là để phân biệt, để ghi sổ lấy giống, tiêm phòng. Lúc bò lạc, cầm nắm cỏ đi dọc đường gọi đúng tên là chúng chạy lại liếm tay chủ, đòi gãi tai, bắt ve, sờ rận. Nghe tiếng ợ cỏ nhai lại là tôi biết bò no, bò khỏe. Tiếng móng khua bồn chồn, vừa đi vừa kêu "khù khù" là bò ốm, bò đói. Tôi còn dạy chúng tập đi hàng đôi, đều tăm tắp như duyệt binh trên đường làng...", anh Việt cho biết.

Món quà ý nghĩa tặng vợ

Không chỉ nuôi bò, vợ chồng anh Việt còn nấu rượu, nuôi lợn, thả cá... Chỉ với việc chăn nuôi họ không chỉ nuôi hai con ăn học, mua sắm tiện nghi gia đình mà còn mua được một suất đất "để dành" khá rộng ở Quảng Ninh. Trong câu chuyện của anh, chúng tôi vô cùng thú vị với món quà mà anh tặng vợ nhân dịp 8/3/2007. Đó là chiếc xe Air Blade màu đỏ vẫn còn mới coóng dựng ở góc nhà. Chiếc xe được mua bằng số tiền bán lợn này được chị Thảnh rất trân trọng. Chị chỉ dùng nó để chở anh đi chơi, đi xa còn hàng ngày đi làm ở công ty may gần nhà chị vẫn lạch cạch đạp chiếc xe đạp cũ. Nói về cuộc sống hiện tại, anh Việt chia sẻ: "Vợ chồng tôi vẫn đang cố gắng để các con có cuộc sống tốt nhất; đời mình đã khổ như vậy rồi nên sẽ không để chúng nó khổ nữa. Chỉ mong ông trời thương, cho mình sức khỏe để tiếp tục làm việc và lo cho các con".

Đinh Nhung


 

Theo Nguoiduatin

Lượt xem : 40076 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo