Trang chủ --> Gương sáng --> Chuyện người phụ nữ khiếm thị đất Hà thành
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Chuyện người phụ nữ khiếm thị đất Hà thành

(Hoàng Kim) - Như đã thành thông lệ, vào mỗi buổi sáng ai cũng trông thấy một người đàn ông chở vợ đến làm việc tại 42 Phạm Hồng Thái (trụ sở của Hội người mù quận Ba Đình) và rồi tan tầm lại có mặt đón chị về… Đấy là một trong nhiều câu chuyện cảm động của chị Nguyễn Thị Kim Khanh – Chủ tịch Hội người mù quận Ba Đình, Hà Nội...

 

Người phụ nữ Hà Nội ấy, năm nay đã 55 tuổi. Từ khi mới lọt lòng chị đã mắc căn bệnh bẩm sinh là thoái hóa hắc võng mạc, mặc dù sinh ra trong một gia đình có 3 chị em, bố mẹ đều công tác trong ngành y cùng với việc chạy chữa ở nhiều nơi, áp dụng nhiều phác đồ điều trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Để rồi, không lâu sau,  một giáo sư đầu ngành của Viện mắt Trung ương chuẩn đoán: “Con  anh, chị  sẽ bị mù trong tương lai! Thời gian chính xác là bao lâu nữa thì không rõ, bởi nó còn tùy thuộc vào độ thoái  hóa ở cơ địa mỗi người...”.

Lúc ấy, chị vẫn hồn nhiên, vô tư chưa thấu hiểu được nỗi đau buồn của bố, mẹ và nỗi bất hạnh cho số phận mình. Cũng như bao đứa trẻ khác, đến tuổi chị được cắp sách tới trường song do khó khăn về thị giác, nên luôn phải tự mày mò học. Vốn thông minh lại chịu khó học hỏi nên chị tiếp thu bài giảng nhanh, trong 10 năm học phổ thông, lực học của chị không thua kém các bạn trong  lớp, lại có phần trội hơn về các môn tự nhiên. Để rồi mùa hè năm 1976, Nguyễn Thị Kim  Khanh vỡ òa trong niềm vui sướng đó là chính thức trở thành tân sinh viên Trường đại học Ngoại Thương - một trường đại học danh giá thời bấy giờ...

Lúc ấy mắt chị đã kém đi rất nhiều, gia đình và bạn bè lo chị không thể theo được nhưng với kinh nghiệm, phương pháp tiếp thu của người bị hạn chế về độ  nhìn mà chị đã đúc kết trong nhiều năm học phổ thông đã giúp chị tiếp tục vượt qua thử thách tại môi trường đại học. Năm 1981 chị tự hào nhận tấm bằng đại học trong niềm hân hoan, xúc động của  gia đình, bạn bè cũng như của thầy cô giáo và bản thân càng thấm thía câu  ngạn ngữ của Hi Lạp “Học vấn  có thể là những  chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào”.

Chị được nhận vào làm việc tại Công ty Bảo hộ Lao động thuộc  Tổng Công ty Bách hóa Tổng hợp năm 1988, rồi lập gia đình với anh Nguyễn Minh Dân thương binh hạng 2/4. Một năm sau, một báu vật mà cuộc đời đã ban tặng cho vợ chồng anh chị - một sinh linh kháu khỉnh  chào đời có tên Nguyễn Chí Trung ra đời... Hạnh phúc chẳng vẹn toàn vì cũng trong năm ấy, lời kết luận của vị giáo  sư năm xưa đã thành hiện thực, chị bị mù hẳn sau khi sinh con. Từ đây cuộc đời chị có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiêu cực... Song niềm vui của người mẹ như tiếp thêm nghị lực để chị lại tiếp tục vượt qua những thử thách mà theo như nhiều người nhận xét nó còn cam go, gian truân hơn những năm tháng trước đây...

Để hoàn thành thiên chức của một người mẹ, người vợ, chị phải học lại từ đầu, làm quen bóng tối, từ những việc làm đơn giản nhất như định hướng đi lại, làm quen với các vị  trí đồ vật trong nhà... rồi đến nội trợ, giặt, là quần áo, chăm sóc nuôi dạy con trẻ... với sự nỗ lực cộng sự trợ giúp đắc lực của chồng, dần dần chị cũng đã thích nghi với  hoàn cảnh sống mới và thuần thục với những công việc không tên của người phụ nữ bình thường trong gia đình.

Một lần tình cờ trên Đài Tiếng nói Việt Nam có tuyên truyền về Tổ chức của Hội người mù, thế là chị làm đơn xin gia nhập. Năm 2003 chị chính thức được kết nạp vào Hội Người mù quận Ba Đình và hàng ngày tham gia sinh hoạt với những người cùng cảnh ngộ. Ở đây, chị được dạy học chữ Braille, được trang bị về kỹ năng sử dụng vi tính văn phòng...

Tuy mới tham gia sinh hoạt Hội nhưng năng lực và những nỗ lực phấn đấu, tích cực tham gia công tác Hội đồng thời chị mạnh dạn mở lớp dạy toán miễn phí tại nhà cho con người mù nghèo có nhu cầu cùng với nhiều việc làm có ý nghĩa khác với tiêu chí là đem lại những gì tốt đẹp nhất cho người khiếm thị... Tất cả những việc làm đó đều được Hội cũng như các thành viên ghi nhận...

Tiếp đó, năm 2005 chị đã được BCH Thành hội Người mù Hà Nội tín nhiệm bầu giữ chức vụ trưởng Ban nữ công, năm 2007 là Phó Chủ tịch quận Hội và được phân công làm Trưởng Ban Công tác phụ nữ mù của Trung ương hội. Năm 2012 tại đại hội Khóa XII (nhiệm kỳ 2012-2017) chị được bầu làm chủ tịch quận Hội... Sau 10 năm tham gia sinh hoạt Hội cũng như trải qua nhiều cương vị khác nhau, chị luôn nỗ lực hết mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...

Về phía gia đình, chị luôn tâm niệm con cái là tài sản để dành của bố mẹ do vậy chị cùng ông xã dành mọi điều kiện để cháu phát huy khả năng cũng như sở trường của mình. Có lẽ vì vậy mà cháu Nguyễn Chí Trung ngay từ khi học phổ thông cũng như 4 năm học đại học đã có thành tích như danh hiệu sinh viên 5 tốt Đại Học Quốc Gia Hà Nội năm học 2009 – 2010, Sinh viên tiêu biểu giải thưởng Sao Tháng  giêng năm học 2010 – 2011 cùng nhiều bằng khen,  giấy khen  khác... Hiện Nguyễn Chí Trung đãtốt nghiệp trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn, được nhà trường giữ lại  làm công tác  tại phòng Chính trị và công tác sinh viên.Thật tự hào và vinh dự cho gia đình, năm 2011, Nguyễn Chí Trung đã chính thức là người Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam...

Nói về những thành tích của mình, chị Nguyễn Thị Kim Khanh khiêm tốn và xúc động chia sẻ: “Có được những kết quả của ngày hôm nay, trước hết là nhờ sự dìu dắt của lớp người đồng tật đi trước và nỗ lực của bản thân đã giúp mình  vượt qua mặc cảm để trở thành người có ích cho cộng đồng. Thật ra, cũng chẳng có một bí quyết gì, nhưng tôi may mắn sinh ra trong một gia đình được bố, mẹ yêu thương, chị em hòa thuận đùm bọc lẫn nhau, tạo mọi điều kiện cơ hội cho tôi có cơ hội như ngày hôm nay. Bên cạnh đó là người chồng rất mực yêu thương, luôn động viên chia sẻ mỗi khi khó khăn hay bản thân tỏ ra chán nản, bế tắc... Hơn 24 năm qua, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn người bạn đời đã dám hy sinh mở rộng vòng tay đón nhận tôi, dẫu biết rằng sẽ một ngày nào đó  không xa mắt tôi sẽ không còn cảm nhận được ánh sáng. Đấy cũng chính là động lực để bản thân mình luôn ý thức là trước tiên hãy hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ, bởi gia đình chính là nền tảng của sự hòa thuận và những đứa con mấu chốt của sự thành công...”.

Chia tay với chị, qua cái bắt tay thân thiện tôi hiểu được lời gửi gắm của chị rằng với cương vị hiện tại, chị đang và luôn ý thức mình cần phải cố gắng học tập, làm việc và cống hiến nhiều hơn nữa để xứng đáng  với những gì mà gia đình, xã hội đã tin tưởng dành cho mình...

 

NGUYỄN CHÂU SƠN

Hội người mù quận Hoàn Kiếm 

Lượt xem : 17323 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo