Trang chủ --> Gương sáng --> Chàng thanh niên khiếm thị mơ làm ông chủ công nghệ thông tin
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Chàng thanh niên khiếm thị mơ làm ông chủ công nghệ thông tin

Nhìn cách Đan đánh máy, sử dụng các chương trình phần mềm trong máy tính, nhắn tin và đọc tin nhắn qua điện thoại, có thể thấy lòng quyết tâm và nghị lực sống của chàng trai mù này. Những gì không thể nhìn thấy bằng mắt, Đan dùng đôi tai, hai bàn tay và cả trái tim để cảm nhận.

Tôi gọi điện cho Đan, hẹn sẽ xuống gặp cậu. Giọng nói vang, ấm của Đan khiến tôi thêm tò mò về chàng trai này. Tôi quyết định thử nhắn tin cho cậu. Tin nhắn gửi đi rồi, tôi cứ vân vi mãi vì sợ nếu cậu không đọc được tin nhắn, cái trò thử thách của mình sẽ làm Đan chạnh lòng. Không ngờ, chỉ 2 phút sau, tôi đã có một câu trả lời rất rõ ràng, không hề mắc một lỗi chính tả.

Gặp cậu trong căn phòng tập thể của Hội Người mù tỉnh Thái Bình, Đan lại khiến tôi ngạc nhiên khi biết, hiện cậu đang là thầy dạy máy tính cho hơn chục em khiếm thị khác của Trung tâm Hướng nghiệp và Dạy nghề (Hội Người mù tỉnh Thái Bình).

Khuôn mặt sáng với hàng lông mày rõ nét kiên nghị đã phần nào cho thấy sự thông minh của chàng trai trẻ này. Ngay cả cách trò chuyện hóm hỉnh của Đan cũng khiến người đối thoại cảm thấy sự lạc quan không lúc nào tắt cùng với nụ cười rạng rỡ của cậu.

Gia đình Đan có 3 chị em tại xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Là con trai duy nhất nhưng Đan lại là người chịu thiệt thòi nhất. Di chứng chất độc da cam từ người bố thương binh đã khiến Đan bị mù bẩm sinh. Thứ ánh sáng duy nhất khi còn bé Đan cảm nhận được chỉ là sự phân biệt ngày và đêm.

Ngoài việc học nói, học đi, Đan còn tự học cách cảm nhận cuộc sống bằng các giác quan khác. Để biết thế nào là mặt trời, cậu bé Đan mới 4 tuổi cứ ra giữa sân nắng đứng. Cậu đứng để cảm nhận sức nóng trên da mặt, trên cơ thể, tưởng tượng ra những tia nắng lấp lánh ánh sáng. Cứ thế, Đan lớn lên trong sự hy vọng của bố mẹ, biết đâu một ngày nào đó, vẫn còn có thể cứu chữa đôi mắt cho cậu.

Rồi đến tuổi đi học, Đan cũng được bố mẹ cho đến lớp cùng với các bạn sáng mắt khác. Cậu chỉ có cách tiếp thu duy nhất là lắng nghe lời thầy cô giảng và ghi lại bằng trí nhớ. Nhưng Đan vẫn không hề thua kém các bạn khác. Thậm chí, cậu còn vượt xa nhiều bạn trong lớp.

Bước ngoặt lớn đã đến với Đoàn Đức Đan khi Hội Người mù huyện Tiền Hải đến vận động bố mẹ cho cậu tham gia sinh hoạt. Rồi Đan được chuyển lên Hội Người mù tỉnh Thái Bình, bắt đầu đi học cùng các bạn trên thị xã (nay là thành phố Thái Bình).

Khi ấy Đan mới chỉ là một cậu bé 9 tuổi. Chỉ có một mình, cậu bé Đan phải làm hết mọi việc, không có bố mẹ hay chị giúp đỡ như trước đây. Cậu phải tự lần mò ra bể nước giặt giũ, tự tìm đường đến nhà ăn mà không có bàn tay dắt của bố mẹ. Đã nhiều lần, Đan ngã bổ chửng trên những bậc thềm, mặt mũi, tay chân xây xát.

Mới ở Hội Người mù tỉnh Thái Bình được một tháng, một lần bố mẹ Đan lên thăm con, thấy đứa con trai bé bỏng phải tự mình làm mọi việc trong sinh hoạt cá nhân, thương con, bố mẹ cậu đã cất dọn hành lý, đón cậu về nhà. Nhưng về được hai, ba ngày, nhớ trường, nhớ bạn, Đan lại đòi lên. Hội Người mù tỉnh Thái Bình trở thành ngôi nhà thứ hai của cậu từ đó.

Ngoài những nội dung sinh hoạt với Hội, Đan và các bạn vẫn được đến trường. Cứ một bạn kém mắt kèm một bạn mù hẳn. Hằng ngày, hình ảnh những đứa trẻ khiếm thị dắt tay nhau đi trên đường đã trở thành quen thuộc với mọi người.

Bắt đầu lên THPT, Đan học cách sử dụng máy đánh chữ để trả bài trên lớp. Cũng từ ấy, nhen nhóm trong lòng cậu một mơ ước được làm chủ một chiếc máy tính, có thể sử dụng thành thạo các chương trình và truy cập Internet. Nhưng cũng từ lúc này, đôi mắt em không còn phân biệt được đâu là ngày, đâu là đêm nữa. Các bác sỹ đã khuyên Đan và gia đình từ bỏ ý định chữa bệnh, chấp nhận sống với đôi mắt hỏng.

"Phân biệt ngày đêm và không nhìn thấy gì cũng chẳng khác nhau là mấy chị ạ. Em cũng không buồn lắm đâu", Đan cười hồn nhiên. Cậu kể, cậu đã sung sướng biết nhường nào khi biết có phần mềm cho người khiếm thị học máy tính. Điều cần thiết là phải học thật giỏi tiếng Anh mới có thể sử dụng phần mềm này. Đan quyết tâm tự mày mò học tiếng Anh. Các bạn sáng mắt học cùng lớp với Đan cũng phải khâm phục sự nỗ lực của cậu bạn học bé nhất lớp khi thấy cậu say sưa tìm tòi tài liệu, học ngoại ngữ.

Học hết cấp THPT, Đan được Hội Người mù tỉnh Thái Bình cử đi học khóa đào tạo 3 tháng tại lớp đào tạo máy tính dành cho người mù tại Hà Nội. Vừa chạm tay vào bàn phím, Đan đã cảm nhận được sự thân thiết. Rất tự nhiên, cậu tiếp thu chương trình rất nhanh, nghe và dịch tiếng Anh thoăn thoắt. Học xong, Đan tự tiết kiệm tiền mua một bộ máy tính. Cậu cười và chỉ cho tôi xem bộ máy tính của cậu. Không có màn hình, không có con chuột, chỉ có chiếc CPU và bàn phím cùng đôi loa.

Và Đan trở thành giáo viên dạy tin học cho người mù đầu tiên của tỉnh Thái Bình. Với phần mềm hỗ trợ JAWS, Đan có thể sử dụng máy tính và truy cập Internet như những người bình thường khác.

Đan mời tôi dự một buổi giảng của cậu cho các em học sinh. Nhìn Đan vừa đánh máy vừa hướng dẫn các em bằng cách dịch và làm theo âm báo tiếng Anh mới thấy hết sự vất vả của những người khiếm thị khi tiếp cận công nghệ thông tin. Đan đi đến từng bàn, kiểm tra lại từng bước xem học trò có làm đúng không, rồi lại chỉnh, cân sửa văn bản cho các em.

Không chỉ dạy cho các em ở Trung tâm của Hội, Đan còn giúp Hội Người mù các tỉnh bạn. Không chỉ sử dụng máy tính, Đan còn dùng điện thoại di động, nhắn tin chẳng khác gì người bình thường. Hằng ngày, ngoài việc dạy máy tính cho các em, Đan vẫn tham gia công việc của Hội là dịch vụ tẩm quất cổ truyền. Công việc mang lại cho Đan niềm vui và niềm tin yêu cuộc sống.

Đan luôn cho người đối thoại với mình cảm giác vui vẻ vì tính hóm hỉnh của cậu. Cậu khoe: "Em sắp có người yêu rồi đấy, cuối năm nhé". Tôi chưa kịp chúc mừng thì cậu lại tiếp lời: "Nhưng chưa biết năm nào chị ạ". Mỗi ngày trôi qua với Đan là một ngày có ý nghĩa, một ngày được sống và được học tập, được cống hiến hết mình.

Đoàn Đức Đan mới chỉ 23 tuổi, cậu còn cả quãng đường dài phía trước để phấn đấu. Ước mơ giản dị nhất của Đan hiện nay là có đầy đủ tài liệu học tiếng Anh để nâng cao trình độ ngoại ngữ.  Cậu tâm sự, chưa bao giờ em nghĩ mình là người tàn phế bởi xung quanh em là những tấm lòng biết cảm thông, chia sẻ.

Chú thích ảnh:Đoàn Đức Đan (áo trắng) hướng dẫn học sinh cách đánh văn bản trên máy tính.

Ngọc Yến (Theo: cand.com.vn) 

Lượt xem : 17399 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo