Trang chủ --> Gương sáng --> Yêu cuộc đời vượt qua số phận
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Yêu cuộc đời vượt qua số phận

 

          Đôi bàn tay của Bé Năm quặp lại, cứng quèo, cố cầm sợi giấy nhỏ tí xíu, dùng chiếc kim “sào” cuộn sợi giấy lại thành bông hoa giấy tròn xoe. Hỏi chuyện, tôi mới biết rằng, ngoài đôi bàn tay tật nguyền, tư duy của Bé Năm cũng không bình thường. Ở tuổi gần 40, chị vẫn chỉ là Bé Năm. Thế nhưng, cũng giống như nhiều người khuyết tật trong trung tâm này, Bé Năm đã làm được những việc tưởng chừng không thể.

Những trái tim tràn nhựa sống

Trong không gian thoáng đãng của Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa ở thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội, Bé Năm ngồi lặng lẽ làm việc, mặc kệ những người khác đang trò chuyện ríu rít. Thấy tôi đến gần, chị tỏ vẻ e ngại, ngượng ngùng. Dù vậy, nét mặt vẫn tươi roi rói. Tôi hỏi: “Nhà chị ở đâu?” – “Xóm Chùa giữa”. “Từ nhà đến đây lâu không?” – “Lâu” - chị trả lời bằng thứ giọng không tròn từ. “Chị sinh năm bao nhiêu?” – Bé Năm ngơ ngác rồi cười mủm mỉm: “Ờ, ờ…”. Những người xung quanh nhắc chị: “1975”. Rồi tôi hỏi chị có biết chữ không, Bé Năm trả lời: “Biết ít thôi”. Thế nhưng, đến cả cái tên của mình, chị cũng chẳng viết được. Bàn tay run rẩy cầm bút di từng nét trên mảnh giấy, cuối cùng, chữ “Năm” chị viết thành “Măm”.

Bé Năm tên khai sinh là Nguyễn Thị Năm, nhà ở thôn bên cạnh. Hằng sáng, Bé Năm đi bộ qua quãng đường khoảng hơn 1 cây số đến trung tâm rồi chiều lại đi bộ về. Từ khi sinh ra, ông trời đã lấy đi của chị trí khôn và đôi tay lành lặn. Tưởng chừng, mãi mãi chị vẫn chỉ là một cô bé ngớ ngẩn, tật nguyền. Thế mà, chẳng ai ngờ, trong thời gian vài năm qua, chị không chỉ biết làm nghề - công việc cần sự khéo léo của đôi bàn tay – mà còn kiếm được tiền từ chính nghề thủ công làm giấy cuộn ấy.

Cô gái Lê Thị Xuân, 23 tuổi có vẻ khá thông minh. 23 tuổi, 25 cân, trông Xuân chỉ nhỏ như em bé chưa lên 10, bày tay co quắp, thân hình gầy guộc, cong veo như hình chữ S. Cơ thể không trọn vẹn ấy là hậu quả của chiến tranh mà những người lính chiến như bố em và em đã phải gánh chịu. Xuân làm tranh giấy cuộn thoăn thoắt, vừa làm vừa trò chuyện rôm rả, tếu táo.

Bà Đoàn Thị Hoa, Giám đốc trung tâm nói đùa: “Em nó đang muốn lấy chồng đấy!”, Xuân trách lại: “Thế mà u chẳng giới thiệu”. Sau tiếng cười giòn tan của họ là phút giây lắng lại. Ai chẳng mong có một gia đình êm ấm như bao người bình thường, nhưng với những con người ở đây, điều đó thật khó khăn, thậm chí mãi mãi chỉ là ước mong. Như Xuân, sức khỏe em không ổn định, vẹo cột sống, có đi lại được nhưng rất khó khăn.

 

Người khuyết tật làm nghề thủ công ở Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa.

 

Xuân ngậm ngùi kể: “Quê em ở xóm 12, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Gia đình em có 5 chị em gái. Em là thứ 3. Một chị kế em cũng mắc bệnh giống em nhưng mất rồi. Mẹ kể, khi sinh ra em chưa đầy một cân. 7 tuổi em mới biết đi. Học hết lớp 9 em thi lên lớp 10. Thi đỗ nhưng nhà xa, không ai đưa đón được nên đành bỏ học. Từ khi nghỉ học, em cứ tìm kiếm xem có nơi nào dành cho người khuyết tật như em sống và làm việc không. Chứ cứ ở nhà thì buồn lắm. Một lần em xem vô tuyến thấy nói đến trung tâm này. Em ghi lại rồi gọi điện ra Hà Nội. U Hoa bảo làm hồ sơ rồi nhận ngay. Em mừng quá. Ngày 28/4 này là tròn 1 năm em ra ở trung tâm. Ở đây em được sống vui vẻ cùng mọi người, được học nghề, làm việc và kiếm được tiền. Năm ngoái em về nhà hai lần, có tiền đưa bố mẹ nhưng bố mẹ không lấy, bảo em cứ cầm mà chi tiêu”. 

Mái ấm của người tật nguyền

Chị Phan Thị Bé, 38 tuổi, ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngồi trên ghế với đôi chân teo nhỏ, quặp ra phía sau. Chị Bé là người có thâm niên ở trung tâm lâu nhất, từ khi thành lập (năm 2007) đến nay. Chị may mắn khi có một đứa con trai 3 tuổi làm chỗ dựa tinh thần. Hai mẹ con được bố trí một phòng “VIP”, cậu con trai đi học tại trường làng. Chị Bé được coi là lao động có kết quả “vô địch” ở trung tâm, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, đủ nuôi bản thân và nuôi con.

Ngồi lặng lẽ một góc, Nguyễn Thị Kiều, 27 tuổi, lại có thân hình như bị người ta ấn xuống. Kiều bị đau cột sống, chỉ cao được khoảng 1 mét, quê ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Mỗi người khuyết tật đều đến đây từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng đều coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Cuộc sống đã gắn kết những con người khiếm khuyết với nhau, cho họ một nơi để chia sẻ buồn vui, để tự tin sống với nhau. Có được điều đó phải kể đến công của người lập ra trung tâm – bà Đoàn Thị Hoa.

Bà Hoa vốn là một nông dân thực thụ với một trang trại lợn. Năm 2005 bà đi giúp một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật rồi chợt nghĩ, tại sao không trực tiếp giúp họ ngay tại nhà mình. Vậy là năm 2007, bà Hoa xin phép thành lập cơ sở dạy nghề nhân đạo. Chồng bà, ông Nguyễn Hữu Tấn là người ủng hộ và giúp đỡ bà khi bắt đầu công việc đầy khó khăn.

Một xưởng may, một dãy nhà ở, một phòng làm thủ công được xây dựng ngay trên nền đất của bà Hoa. Tháng 8/2007, 15 người khuyết tật được đón về trung tâm. Bà Hoa nhìn bàn tay họ và nhận tất cả những ai có khả năng tự chăm sóc bản thân, dù họ bị khuyết tật vận động, câm điếc hay thiểu năng trí tuệ. Những người ở gần thì được gia đình sáng đưa đến, tối đón về. Còn người ở xa thì được bố trí chỗ ăn ở tại chỗ. Họ lao động ra sản phẩm thì được trả lương.

Nói về khó khăn buổi đầu thành lập, bà Hoa tâm sự: “Các em đến đây đều bị khuyết tật, khó khăn về điều khiển, vận động tay, chân. Bởi vậy chúng tôi phải tìm công việc phù hợp cho các em. Ban đầu tôi cho các em học máy khâu nhưng nhiều em không học được. Tôi nhận làm móc thảm chùi chân. Làm được 45 chiếc thì bị lỗi tới 25 chiếc. Người đặt hàng thương tình không bắt đền nhưng họ không ký hợp đồng nữa. Vậy là tôi xoay sang làm hàng mã. Nhưng làm mã cũng không ổn, các em lại phải tiếp xúc nhiều với hóa chất, phẩm màu. Cuối cùng thì mặt hàng thủ công tranh giấy cuộn và con giống làm bằng giấy cuộn là phù hợp với các em hơn cả. Để có được những sản phẩm như hôm nay, chúng tôi đã phải mày mò rất nhiều, các em cũng mất nhiều thời gian học hỏi”.

Cả thế giới đang chăm chú dõi theo người tật nguyền có nghị lực phi thường Nick Vujicic. Tôi nghĩ rằng, những người đang sống và làm việc ở trung tâm này không biết đến anh. Và sẽ là khập khiễng nếu ví họ với người được đàn ông khuyết tật đặc biệt này. Nhưng họ, những người đã và đang học nghề, làm nghề tại Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa cũng đang nỗ lực vượt lên khiếm khuyết về thể xác để sống có ích như anh

 

Việt Hà

 

 
 
 

Hoàng Kim (theo CAND)  

Lượt xem : 22792 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo