Trang chủ --> Gương sáng --> “Một chân” tiến tới cổng trường Đại học
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

“Một chân” tiến tới cổng trường Đại học

Tai nạn hồi lớp 5 đã khiến Lệ Thu bị mất một bên chân. Gia đình còn nặng gánh khó khăn, nhưng Thu vẫn lạc quan và luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

526467_161154114046091_260233114_n

Cô gái nhỏ vui vẻ lạc quan Nguyễn Thị Lệ Thu

Nỗi đau quá khứ

Nguyễn Thị Lệ Thu (xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) không thể nào quên được ngày đó, cái ngày mà Thu cùng mấy đứa bạn hàng xóm rủ nhau trèo lên một bãi đất cao xem máy xúc. Không may, một sự cố đã xảy ra, chiếc máy xúc lật nhào. Mấy đứa khác nhanh chân chạy xuống. Tay bế em nhỏ, Thu không chạy được. Hoảng loạn, em chỉ biết cố hết sức dâng tay đỡ em gái lên cao, thất thanh hét to: “Mọi người cứu em cháu với”.

Phải mất hai tiếng sau người ta mới lôi được chiếc máy xúc ra khỏi người Thu. Bác Nguyễn Văn Lượng, bố Thu ngậm ngùi nhớ lại: “Họ nói con tôi chết chắc, vì nó vẫn tỉnh táo mà không hề ngất đi. Vợ chồng tôi đứng bất lực nhìn con, tim đau không gì tả nổi”. Bệnh viện Bắc Giang nói phải cưa hai chân Thu mới có thể giữ được mạng sống của mình. Nhưng bố Thu không nghe, kiên quyết đưa con lên tuyến trên chữa trị. Cuối cùng, Thu vẫn phải cưa mất một bên chân. Em đòi được đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Để có thể cho con gái đến trường một cách thuận tiện nhất, bố mẹ quyết định lắp chân giả cho Thu. Ngày đầu tiên đeo chân giả, Thu được bố mua cho một chiếc quần mới. “Lúc đó, em cảm thấy hanh phúc lắm, đến trường cũng cảm thấy có chút gì khác lạ hơn” – Thu cười bảo. Chỉ khổ những lúc trời mưa, đường trơn, người bình thường đi còn bị ngã. Cái chân giả quấn bông sẽ ướt, nặng vô cùng. Lắm hôm mưa không có chân giả dùng, Thu vẫn quyết tâm không nghỉ học. Em cũng đã cố gắng luyện tập, để có thể tự đạp xe đến trường.

Bước tới giảng đường

Thu học khá, năm nào cũng xếp nhất nhì lớp. Nhà nghèo, mỗi lần xin bố mẹ tiền học thêm, Thu đều ứa nước mắt. “Nó cũng không dám xin cả cục, chỉ xin nhỏ lẻ vài chục một lần” – bố Thu bảo.

Thu nuôi ước mơ trở thành cô giáo. Bọn trẻ con trong xóm hay mang sách sang nhờ em dạy học, giảng bài.  Nhưng bố mẹ, người thân khuyên can, không nên chọn ngành này vì nó sẽ vất vả. Tốt nghiệp lớp 12, Thu nộp hồ sơ dự thi Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành kế toán.

“Nhà em không có mạng, muốn xem điểm phải đi ra quán cách nhà rất xa. Trường có điểm rồi em cũng không biết gì. Mãi cho đến khi các anh chị trong đội sinh viên tình nguyện Bắc Giang gọi điện báo về nhà, em mới hay tin mình đã đỗ. Lúc đấy em vô cùng hạnh phúc, bố mẹ và gia đình cũng vui lây” – Thu chia sẻ.

Em đã được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chân ướt chân ráo lên thủ đô, Thu dần dần làm quen với cuộc sống mới.

Mong muốn được góp sức mình cống hiến cho xã hội, Lệ Thu đã tham gia tình nguyện, khoác trên mình màu áo xanh thân thương giúp đỡ mọi người.

“Em cũng muốn tìm một công việc làm thêm, để có thể đỡ đần bố mẹ” – Thu chia sẻ. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị gái Thu đã phải nghỉ học đi làm từ lâu. Bố ở nhà đi xây, còn mẹ em bóc lạc thuê kiếm sống. Những đồng tiền ít ỏi đó không đủ nuôi Thu và em gái ăn học. Em luôn cố gắng giúp đỡ gia đình, không làm bố mẹ phải nặng gánh lo toan.

Luôn gấy ấn tượng cho người khác bằng nụ cười vui vẻ lạc quan, sau tất cả những nỗi đau thể xác, tinh thần, Thu vẫn gượng dậy, bước đi trên đường đời bằng một chân còn lại.

Lương Lý

Lượt xem : 20461 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo