Trang chủ --> Gương sáng --> “Ðồ Chiểu” của học trò bất hạnh
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

“Ðồ Chiểu” của học trò bất hạnh

Người dân thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) gọi thầy giáo Ðặng Ngọc Duy (37 tuổi) là “Ðồ Chiểu”, bởi đã tình nguyện dạy dỗ, cưu mang những đứa trẻ bất hạnh. Ðể thành lập mái ấm tình thương mang tên Hướng Dương, “anh hiệu trưởng” đã phải vượt qua vô vàn gian nan.

Từ đi tìm ánh sáng…

Năm học lớp sáu, Ðặng Ngọc Duy vì tò mò muốn vặn một vật sắt có hình thù rất lạ nằm dọc bên đường đến trường nhưng không biết đó là kíp nổ. Thình lình, một tiếng nổ vang xé ngang không gian, mắt mũi tối xầm, cậu học trò chìm vào mê man. Khi tỉnh dậy mới biết mình không thể nhìn thấy ánh sáng nữa…

Thầy và trò cùng hướng về phía trước.

Thầy và trò cùng hướng về phía trước.

 

Không đến được trường như bao bạn bè cùng trang lứa, hằng ngày nghe lũ trẻ hàng xóm đạp xe cóc cách đến trường mà nước mắt Duy ứa ra, đã có lúc nghĩ đến cái chết. Ban đầu mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người khác giúp đỡ, Duy chẳng khác một đứa trẻ là mấy. Nhưng rồi Duy tự nhủ mình không thể làm gánh nặng cho bố mẹ. Anh xin đi học nghề nhưng đi đến đâu cũng bị từ chối. Thế nhưng đối với Duy “ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy”.

Năm 1992, Duy xin ba mẹ cho ra Ðà Nẵng học tại trường khiếm thị Nguyễn Ðình Chiểu và bắt đầu tập làm quen với chữ nổi Braille. Ðược thầy cô truyền ánh sáng tri thức, Duy dần hòa nhập được với thế giới bên ngoài bằng ngôn ngữ dành cho người khiếm thị. Sau 5 năm (năm 1997) Duy hoàn thành chương trình tiểu học. Cũng trong thời gian này Duy bắt đầu cuộc hành trình vào TP Hồ Chí Minh, đến các trường dạy trẻ khuyết tật để học hỏi những mô hình và cách tổ chức lớp học của họ. “Thì ra trên đời vẫn còn có nhiều người còn bất hạnh hơn mình, tôi bị mù đôi mắt nhưng bên tôi lúc nào cũng có chỗ dựa vững chắc là gia đình, người thân, thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh thì hãy tự đi tìm lấy hạnh phúc cho riêng mình”, Duy tâm sự. Với những nỗi đau của người cùng cảnh ngộ, hơn ai hết Duy thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà họ phải vượt qua trong cuộc sống. Cũng từ những trải nghiệm thực tế ấy đã nhen nhóm trong Duy ước mơ xây dựng một mái ấm dành riêng cho người khuyết tật ngay trên mảnh đất quê hương mình. Sau nửa năm “đi bụi”, năm 1998, Duy quyết định quay về quê tiếp tục học lại lớp bảy. Năm 2003, Duy tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2006, tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Nam (nay là Ðại học Quảng Nam).

... đến mở trường dạy học

Năm 2009, một mái ấm tình thương mang tên Hướng Dương, dành cho những trẻ mồ côi, khuyết tật ra đời, có trụ sở tại số 79, đường Tiểu La, TP Tam Kỳ. Ðể có tiền xây dựng được cơ ngơi này ít ai biết được thầy đã phải bỏ công đến các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam rao bán những tập thơ của mình. Thơ của Duy có thể không hay nhưng chính nghị lực của thầy đã khiến nhiều người không ngần ngại bỏ tiền túi ra mua, thậm chí còn có một số mạnh thường quân nhận phát hành giúp. Bao nhiêu tiền chắt chiu, anh dồn hết cho trung tâm.

Một lần nữa thử thách lại đến, trường mở ra nhưng chỉ có vài em theo học. “Hiệu trưởng” lại mò mẫm đến các trung tâm bảo trợ xã hội, các trại trẻ mồ côi… “xin” những mảnh đời bất hạnh về nuôi dạy. Ban đầu mái nhà tình thương Hướng Dương chỉ có năm em, nay con số đó đã lên đến 22. Nhiều em thuộc diện đặc biệt như hai chị em song sinh khiếm thị Nguyễn Thị Sinh và Nguyễn Thị Bình (10 tuổi), dân tộc Ca Dong, cha mẹ lại khuyết tật, không có khả năng nuôi dưỡng. Một hoàn cảnh éo le không kém là em Nguyễn Thị Vũ (12 tuổi), ở Tiên Phước, thiểu năng trí tuệ, mẹ mất sớm, ba bỏ theo người đàn bà khác, Vũ được một bác xe ôm đưa về mái ấm của Duy.

Ðến cơ sở Hướng Dương những ngày này, chúng tôi gặp những học trò đang miệt mài, say sưa với con chữ, một không khí học tập vui tươi, tràn đầy niềm vui. Em Trần Văn Nhật, người vừa được thầy Duy nhận về nuôi dạy cách đây hai tháng, chia sẻ: “Từ khi đến đây, cảm giác không có ba đã vơi dần bởi về nhà em có mẹ, đến nhà tình thương em lại được thầy săn sóc, em thấy hạnh phúc lắm”.

Nói về lớp học của mình, anh Duy cho biết: “Do độ tuổi của các em nằm trong khoảng từ sáu đến 16 tuổi nên rất khó xếp lớp. Vì vậy lớp không chia theo độ tuổi mà chia theo khả năng học của các em. Thêm nữa tất cả sinh hoạt và học tập đều diễn ra trong căn nhà không lấy gì làm rộng nên phải tổ chức lớp ghép, các em đều ngồi chung, chỉ khác nhau chương trình học”.

Hiện tại để nuôi dạy các em nhỏ, thầy Duy phải chạy ăn từng bữa. Mọi sinh hoạt hằng ngày của thầy và trò từ ăn uống đến quần áo, sách vở, đồ dùng sinh hoạt gần như phụ thuộc vào số tiền trợ cấp tật nguyền ít ỏi hằng tháng cho mỗi em là 180 nghìn đồng. Khó khăn, thiếu thốn mọi bề nhưng với trái tim nhân hậu, nghị lực phi thường, tôi tin rằng người thầy sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường sự nghiệp trồng người.

Ngọc Viên (Theo Nhân dân) 

Lượt xem : 23966 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo