Trang chủ --> Gương sáng --> Thầy giáo bại liệt mở lớp học tại gia cho học trò nghèo
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Thầy giáo bại liệt mở lớp học tại gia cho học trò nghèo

Suốt những năm học cấp 1 và cấp 2, sáng nào, Tường cũng được mẹ cõng đến trường, chiều muộn lại đón về.

Ngôi nhà nhỏ nơi vùng cao Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã từng chứng kiến sự miệt mài, khổ học và ước mơ trở thành thầy giáo của một cậu bé tật nguyền. Cũng ngôi nhà ấy đã chứng kiến nỗi bất hạnh cũng như ý chí vượt lên số phận nghiệt ngã của cậu bé năm xưa. Bằng ý chí, nghị lực phi thường, Phạm Văn Tường (SN 1984) đã “viết cuộc đời” mình bằng những cống hiến không mệt mỏi cho học trò nghèo vùng cao…

Đến trường trên lưng mẹ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 anh chị em, nhưng Tường phải chịu nhiều thiệt thòi hơn. Khi chưa tròn 7 tháng tuổi, Tường sốt cao, toàn thân nổi mẩn ngứa, gia đình đã đưa Tường đi chữa trị khắp nơi nhưng đều không hiệu quả. Hậu quả của trận sốt này là Tường không thể đi lại bằng đôi chân.

Thầy giáo Phạm Văn Tường trong giờ lên bục giảng tại lớp học tại gia

Thầy giáo Phạm Văn Tường trong giờ lên bục giảng tại lớp học tại gia

 

Trong khoảng 6 năm ở nhà điều trị bệnh, Tường được mẹ dạy chữ và được bạn bè hàng xóm đem sách, truyện cho mượn đọc giải trí. Dần thành quen, Tường ngày càng mê đọc sách, hầu hết sách truyện bạn bè mang sang cậu đều đọc hết và nài nỉ bạn mượn thêm các loại sách.

Sau đó Tường đòi mẹ được đến trường học với các bạn. Sợ con tổn thương nên bà đành chiều ý Tường mặc dù bà biết, để đến lớp học không phải là điều đơn giản đối với Tường. Rồi bà lo không biết nhà trường có dám nhận Tường vào lớp không, rồi không biết bạn bè có trêu chọc, chế giễu Tường không? Tất cả mọi câu hỏi khiến bà Nhiễu ăn ngủ không yên.

Không được đến trường Tường buồn tủi, hàng ngày cậu thường vùi chăn ôm gối khóc hậm hực. “Nếu được đến lớp, con sẽ học không thua kém bất kỳ ai, miễn là mẹ cho con được đi học”, chính câu nói cương quyết, như đinh đóng cột ấy khiến bà Nhiễu đến gặp lãnh đạo trường tiểu học ở địa phương xin cho con mình đến lớp, mặc dù khi ấy kinh tế gia đình hết sức túng quẫn.

Hôm đầu tiên bà Nhiễu cõng con đến gặp thầy xin được đi học, tất thảy thầy cô đều lo ngại tình trạng sức khỏe của Tường, họ sợ cậu bé sẽ không học nổi. Nhìn ánh mắt khát khao của cậu bé và sự kiên nhẫn của người mẹ, cuối cùng, nhà trường và các thầy cô giáo đã chấp nhận cho Tường đến lớp.

Ngay ngày đầu đến lớp, thầy giáo đã kiểm tra kiến thức của Tường, cả thầy giáo lẫn các bạn trong lớp đều ngạc nhiên bởi khả năng tư duy và trí nhớ của Tường, dù cậu chưa học qua bất kỳ trường lớp nào.

Hàng ngày, bà Nhiễu dậy từ tinh mơ chuẩn bị đồ dùng rồi cõng con đi học, sau đó bà lại vội về làm nương rẫy. Chiều muộn, bà lại tất tả đến trường cõng con về nhà. Có hôm làm nương xong, chưa kịp rửa chân tay, bà sợ con phải chờ nên đến thẳng trường học đón con về, trên người cả hai mẹ con đều lấm lem bùn đất. Cứ thế, suốt 9 năm học cấp 1 và cấp 2, ngày nào bà cũng cõng con đi học suốt quãng đường gần 5km đến trường. Mãi đến khi Tường thi đỗ vào cấp 3, bà Nhiễu mới đỡ vất vả hơn vì có bạn bè cùng xóm cho Tường đi học nhờ bằng xe đạp.

Bà Nhiễu tâm sự: “Trong suốt quãng thời gian Tường đi học từ cấp 1 đến cấp hai, bản thân bà cũng không thể nhớ nổi bao nhiêu lần Tường phải nhập viện do bệnh cũ tái phát. Nhiều hôm Tường phải nghỉ học để nằm viện điều trị. Nhưng ra viện hôm trước là sáng hôm sau Tường đòi mẹ cõng đến lớp học. Mùa đông, chân tay Tường tê cứng, không cử động được, thế nhưng cả hai mẹ con chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc…”.

Hạnh phúc nở hoa

Suốt 3 năm trung học, Tường luôn là học sinh giỏi nhất nhì trường. Tốt nghiệp cấp 3, Tường tiếp tục thi đỗ vào khoa Toán tin của đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) với số điểm khá cao. Ngày nhập học, Tường thuê trọ cùng một người bạn trong làng nên hàng ngày được bạn cõng lên xuống cầu thang. Những năm tháng sinh viên, nơi Tường ở trọ lúc nào cũng tấp nập bạn bè. Mỗi ngày, cứ trước giờ đi học, mấy người bạn cùng lớp lại đến phòng trọ đưa Tường đến lớp, các bạn nữ thì thay nhau đến nấu cơm. Tường hóm hỉnh: “Mình là người đàn ông đào hoa nhất đấy!”.

Vợ chồng Phạm Văn Tường và cậu con trai kháu khỉnh của mình

Vợ chồng Phạm Văn Tường và cậu con trai kháu khỉnh của mình

 

Hướng ánh mắt xa xăm, Tường nhớ lại: “Hồi ấy, được đến trường là khát khao cháy bỏng đối với mình. Những hôm chân tay đau nhức không đi học được thấy bạn bè đến trường mà tủi phận muốn khóc. Lúc ấy mình chỉ có suy nghĩ, mình phải quyết tâm thi đỗ đại học Sư phạm để sau này làm giáo viên và dạy học cho các em học sinh nghèo vùng cao này”.

Ông Phạm Hùng Thư, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc chia sẻ: “Phạm Văn Tường là một chàng trai trẻ nhưng tấm gương vượt khó và trở thành người có ích cho xã hội khiến nhiều người khâm phục. Không chỉ dạy kiến thức sách vở mà chính tấm gương vượt khó của anh còn giúp những em học sinh địa phương học cách giao tiếp xã hội, giúp các em học đạo lý làm người, biết yêu thương chia sẻ. Đó là điều rất đáng trân trọng ở một người tật nguyền vượt khó như anh”.

Năm 2008, Tường bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp. Cậu cũng nằm trong danh sách những sinh viên xuất sắc của khoa Toán – Tin. Đây là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực không mệt mỏi của Tường.

Sau khi ra trường, Tường lại đối mặt với căn bệnh quái ác hành hạ, thêm lần nữa cậu phải nhờ đến bàn tay của các bác sỹ. Tường kể: “Đôi chân mình phát bệnh, phải mổ tới 4 lần. Mỗi lần mổ, tài sản trong gia đình lại đội nón ra đi. Con trâu đực hàng ngày bố thường đem đi cày thuê kiếm tiền nuôi cả nhà cũng phải đem bán để có tiền chữa trị cho mình. Thương hoàn cảnh khó khăn của mình, một bác sĩ tên là Hồng Anh đã tài trợ cho ca phẫu thuật cuối cùng, giờ chân mình đã cử động được. Mình và gia đình mang ơn bác sĩ Hồng Anh nhiều lắm”.

Năm 2009, sau khi khỏi bệnh, do đôi chân không thể tự đi lại được nên Tường không thể xin đi dạy học. Ở nhà, Tường nhờ bố mẹ và bà con hàng xóm giúp đỡ dựng cho căn nhà tạm bợ cạnh nhà ở và nhờ bố mẹ Tường đến trường tiểu học trong xã xin lại những bộ bàn ghế cũ về mở lớp tự dạy học.

Ngay buổi “khai giảng” đầu tiên đã có hàng chục em nhỏ từ khắp các thôn xóm trong xã đến xin làm học trò của thầy Tường. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn không cho trẻ đến trường, Tường nhờ bạn bè cõng đến tận gia đình ấy để động viên cho các cháu đến lớp học tại gia của thầy. Cứ thế, học trò của Tường ngày càng đông, có những em học sinh ở các xã lân cận nghe tiếng thầy giáo Tường cũng đến xin học.

Điều đặc biệt nhất trong cuộc đời Tường là sự quan tâm, chia sẻ của một cô gái khác huyện. Cô gái ấy tên Bùi Thu Ngọc, một người trân trọng và cảm động nghị lực phi thường của chàng trai trẻ này. Kết quả của mối tình đẹp ấy là đám cưới với sự chúc phúc của rất đông bạn bè, làng xóm và ngay cả phụ huynh của các em học sinh. Đến nay vợ chồng thầy Tường đã có một bé trai kháu khỉnh.

Trở thành giáo viên dạy Toán – Lý – Tin học, Tường luôn mong muốn mình đem kiến thức truyền đạt cho các em học sinh. Hiện tại, được người thân giúp đỡ anh đã trang bị được sách giáo khoa và sách nâng cao để học sinh tham khảo. Học trò của thầy Tường đa số là con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, nên các em không phải đóng học phí và Tường cũng không có một chế độ nào khác ngoài vài trăm ngàn đồng tiền trợ cấp cho người tàn tật.

Kết thúc những khóa học, món quà thầy Tường nhận được chính là những bơ gạo, nắm cơm nếp mà phụ huynh kính tặng nhưng trong thâm tâm thầy giáo tuổi 8X, món quà lớn nhất của mình chính là những lứa học trò được truyền dạy đã thi đỗ ở những trường đại học danh tiếng.

Em Phạm Thị Hằng, sinh viên năm thứ hai trường đại học Thương mại, một học sinh cũ của thầy Tường bày tỏ: “Gia đình em khó khăn, nhưng nhờ thầy Tường kèm cặp, động viên mà em đã học tốt lên và thi đậu đại học. Ngày ấy, nếu không được thầy giúp đỡ chắc em không có được như ngày hôm nay. Cả em và các bạn học trò cũ đều rất biết ơn thầy Tường”.

Nhật Tân (Theo Dân trí) 

Lượt xem : 16283 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo