Trang chủ --> Gương sáng --> Thương binh mù tẩm quất và lòng tự phụ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Thương binh mù tẩm quất và lòng tự phụ

1.

Giữa tháng tư 1975 mặt trận Tây Nam trở nên khốc liệt, giao tranh suốt ngày đêm để rồi đưa tới nhiều tử vong cho cả hai bên, có lẽ; hao tổn nhiều nhất trong lịch sử chiến tranh từ xưa cho tới nay. Không có cuộc chiến nào là thắng lợi cả và cũng chẳng có gì là vinh quang. Bởi họ là những giác đấu của thời cuộc mà trên bệ cao là những tiếng cười hân hoan, cổ vũ. Vỡ phòng tuyến như rắn đứt đầu, để lại những dấu tích thê lương, ê chề.

Đau khổ nhất chỉ còn lại đổ nát với tan thương mà quê hương, con người là kẻ gánh chịu.

Lịch không nhận ra giữa lúc nầy đêm hay ngày, Lịch nằm mê man, bất động và cũng chẳng còn nghe tiếng súng hay tiếng người. –sao lạ thế; thắng hay bại mà cảnh vật trở nên chìm đắm vào cõi vô cùng? Lịch suy nghĩ. Giờ đây thị giác Lịch không còn nhận ra sự vật, đưa tay sờ lên đầu mới hay mình băng bó hết nửa khuôn mặt. –và đây là nơi đâu? của phần ai? Lịch muốn khóc để được biết nhưng không còn nước mắt để Lịch khóc. Lịch đau đớn vô cùng. Lịch kêu cứu nhưng chẳng ai đoái hoài; bụng cào, lưỡi khô, nỗi tuyệt vọng ngập tràn lên cơ thể và tinh thần Lịch. Khi ở hoàn cảnh nầy Lịch mới nhận ra được giá trị của sự sống, giá trị làm người. Lịch rùng mình; chờ cái chết đến phán quyết.

Ngọn nắng bên ngoài âm thầm quất lên mình, gió tát vào người, Lịch không biết đây bệnh viện hay đồn trú, nhưng chắc chắn đây là một chỗ lạ; bởi không khí đượm mùi thuốc súng. Lịch có cảm giác rờn rợn ngay từ lúc nầy, những tiếng cười nói ở đằng xa vọng lại Lịch biết không phải ’phe ta’. Cứ nằm thế mấy ngày qua, bữa nay Lịch nghe giọng nữ sờ mó vào vết thương đầu. Nói khẽ bên tai như che giấu điều gì; Lịch muốn hỏi tự sự, nhưng nghĩ không tiện, bởi nàng im lặng để cân bằng cuộc sống rối ren giữa một xã hội đổi thay bất ngờ. Nữ y tá trong y phục trắng với phù hiệu trên vai, trên ngực áo bị xé bỏ, không còn là màu trắng trinh nguyên của ’y sĩ là hiền mẫu’. Gương mặt phụ nữ của buổi đó trông đau khổ và tuyệt vọng, họ là những đào thương của phim câm, đen trắng thời ’Sạt-lô’ được diễn lại trên mảnh đất vừa tắt ngọn lửa. Thoạt đầu người ta hồ hởi chào đón tợ như ruộng khô nước gặp phải mưa, cá gặp nước, rồng gặp mây, nhưng không lâu mọi thứ không còn bình thường mà xa lạ. Cảnh đời được bỏ lên sàn, lọc đi lọc lại xem vàng hay thau. Từ đó kẻ chiến thắng cũng như kẻ chiến bại đâm ra nghi ngờ. Nghi ngờ là chuyện thường tình bởi vốn sinh ra trong cái không thật cho nên nghi ngờ. Lịch nghi ngờ ngay cả chính mình; hơn nữa Lịch đâu có thấy ất giáp gì mà định nghĩa trắng đen, xấu đẹp, ma hay Phật, Lịch có cảm giác như chết chưa chôn chờ quyết định. Nghe tiếng sột soạt trên người làm cho Lịch khớp, không kịp trấn an tinh thần, ngay cả tiếng động nhẹ cũng làm Lịch mất hồn. Lịch cần lắng nghe để cảm nhận qua một giác quan mới.

- Tôi chích thuốc cho anh và để nắm cơm cháy trên đầu giường và lon nước. Y tá nữ nói.

Lịch hiểu được đôi phần thế sự đổi thay, Lịch chỉ nghe tiếng thở dài của nữ y, nghe những âm thanh rì rào gần xa dội vào ’thính thị’ cũng đủ cho Lịch định nghĩa được hoàn cảnh; chính cái tiếng thở dài, tiếng nói dịu dàng như an ủi, tiếng đũa muỗng đặc bên cạnh với thức ăn, Lịch không nghĩ mình là thương binh. Giờ đây Lịch trở thành người tù trong ngục thất đời đời không có bản án, không có hy vọng, không có mơ ước mà chỉ còn sống với hoài niệm về một phương trời đã khuất...Lịch mò mẫm trong ký ức, mò đường như kẻ chụp mũ đen bước lên máy chém. Lịch muốn khóc mà đâu có nước mắt cho Lịch khóc. Không phải muốn khóc vì không thấy đường, mà ức đời đã gieo cho Lịch trở thành u minh –Rõ khốn! Cả một cảnh hỗn chiến. Chỉ có la với hét chả làm được gì ích quốc lợi dân. Lịch chấp nhận thương đau như kẻ thất sủng của một thời, một đời, một chứng nhân của lịch sử tương tàn.


2.

Liễu Cốc Hạ quê hương của Lịch. Nay trở về sau mấy năm đi làm Kinh Kha, vượt qua bao chặng đường, bao sông núi thử thách của vận mệnh, Lịch tủi cho cái thân phận làm người; qui cố hương mà không thấy cố hương trong ánh bình minh, của bé chăn trâu, của đồng ruộng pha tiếng hò, của mái tranh khô cuộn khói lam chiều... Ôi đau đớn thay cho một thương binh! - về đây nghe lại ’tiếng nôi’ hay về đây để mà than với thở ’xa quê nhớ mẹ già’ như đã xâm lên cánh tay cầm súng của thuở nào trên tiền đồn heo hút ở biên giới xa xăm. Những suy tư đó là nhát chém vào hồn Lịch. Lịch tự nhủ lòng. Mỗi khi cầm tay mẹ; Lịch xót xa vô cùng. Lịch cảm thấy xấu hổ chí nam nhi hồ thỉ!

Lịch lần mò xuống bếp, nghe mùi khói của rơm rạ là biết mẹ già đang thổi cơm chiều. Ngồi cạnh mẹ Lịch không nói một câu chỉ nghe lời thì thầm của mẹ mà lệ rơi trong lòng.

- Bữa ni có một nắm gạo dì Thương gởi qua cho. Thay mấy hôm rồi phải ăn bắp với sắn. Mẹ già nói.

Cảnh chiều ở nông thôn đìu hiu, quạnh vắng, thường nghe tiếng chó sủa để biết đêm khuya, nay không còn nghe chó tru mà nghe tiếng mõ ở đầu xã. Đời sống dân sinh trong thôn nghèo nay nghèo hơn. Dân điạ phương bỏ thôn xóm đi kiếm cơm xa, để lại đó những ông bà già và đám trẻ lóc nhóc, trong đám đó có Lịch ngồi như kẻ giữ nhà ’nghe gió kiếm’ với mẹ già. Lịch không thấy mảng đời tang thương nhưng Lịch cảm nhận được đâu là thực đâu là giả. May cho Lịch; nhờ mù lòa mà người ta không chiếu cố đến, thí cô hồn cho Lịch sống mòn với thời gian, Lịch biết đó cũng là hình phạt chớ đâu có may mắn gì mà người trong thôn rỉ tai cho Lịch biết. Cũng may cho Lịch không thấy cảnh đời đổi trắng, thay đen, không nói có, có nói không. Lịch không cho đó là may. Lịch cho đó là đúng. Lịch có một giác quan thứ sáu trong người cho nên Lịch đau còn hơn cả người có mắt. Cái đau của Lịch là để mẹ thổi cơm cho mình ăn. Nhiều lúc Lịch khổ lắm, muốn tìm cái gì để làm cho mẹ vui. –làm gì? mầy biết là mầy mù ai mà chứa chấp, ai mà dám giao việc cho mầy làm; giữa lúc thế sự còn ngổn ngang, ai mà thừa tiền giúp cho mầy. Mầy là thằng ăn hại. Thà chết mà để lại tiếng thơm. Hai con mắt là sự sống, nay chột cả hai thì đâu còn lý tưởng để vương lên.Mầy là thằng thương binh mù thế kỷ.Tim Lịch rướm máu!

Lịch biết phận mình nhưng còn trái tim, Lịch phải đứng dậy và ra đi kiếm ăn để có hạt gạo cho mẹ. Đem cái ngón nghề ’hầu hạ’ thuở xưa trong cung cấm như phép gia truyền; không cần phải đào tạo, mà qua kinh nghiệm đời dạy đời, nghề dạy nghề; một cái nghề cần làm bằng đôi tay điêu luyện không cần thấy qua đôi mắt và cần tới một cảm nhận của giác quan thứ sáu là kiếm ra tiền. Lịch tin ở mình; dù là mù lòa nhưng trí không mù.


3.

Đời người thì ai cũng có một lần đổi đời. Lịch cũng đổi đời từ cũ sang mới, từ sáng sang mù, từ quan sang dân. Cuộc đời còn lại Lịch đổi hẳn bằng nghề tẩm quất. Nhưng trong cảnh mù lòa đã cho Lịch thấy trong đầu những gì vật đổi, sao dời, những gì ngọt đắng, chua cay; chẳng qua cũng là cái vận. May cho Lịch chưa có vợ để làm khổ vợ. Nhưng luật thừa trừ: trong cái bất hạnh có cái may mắn và trong cái hay có cái dở; cho nên an ủi Lịch được đôi phần và nhận cái nghiệp dĩ nầy để nuôi thân, nuôi mẹ già là nghĩa cử cao đẹp của người con đối với mẹ. Để mẹ khỏi phải thổi cơm cho mình ăn. Ray rứt lắm!

Lịch không cho cái nghề tẩm quất là nghề hạ tiện, một cái nghề ’chó chê’, một cái nghề chả ma nào nghĩ đến. Nhầm! thanh cao vô cùng, bởi theo suy tư Lịch -dẫu gì cũng giữ được nếp xưa: Lịch trong trắng, thẳng bưng không bao giờ cướp ai một xu, ra tay hại người, cũng chẳng bao giờ giựt chén cơm trên tay người khác để mà sống, Lịch sợ cái thủ đoạn đó. Lịch không dự mưu, toan tính để kiếm đồng tiền ’bất hợp pháp’ nuôi thân mà chủ động trong bước đi lần mò để hành nghề đích thực với chức năng. Và; từ đó Lịch không nghĩ chuyện lập gia đình, hơn thế nữa; cuộc đời luôn luôn là chọn lựa để đi tới mục đích. Vì thế Lịch đoạn tuyệt cái tư duy vị kỷ đó. Lê bước như đá nghe kinh, như đất uốn mình và trong cái thế giới mù tăm Lịch tìm thấy chân lý và lẽ sống giữa cái thời lố nhố, lăng nhăng giữa thực và giả, thiên hình vạn trạng ở cõi đời này. Lịch trở nên vô ngôn. Đó là tuyệt chiêu trong nghề đấm bóp, bầu hơi làm cho đời thêm sản khoái, cho đời có một tinh thần, thể xác tráng kiện. Lịch hóa ra vô tư trước nghề nghiệp. Lịch đón nhận lời khen tặng, tợ như tiền thưởng công. Lịch cũng chẳng bao giờ nghe một từ ngữ nào thẩm mỹ dành cho cái nghề mạt vận nầy. Có lần tẩm quất cho một khách nhân nước ngoài gọi Lịch là –bác sĩ vật lý trị liệu. Ôi! sao đời lắm ngôn ngữ chế biến, đẻ chữ để mị dân? Rõ khổ! Lịch không tin từ mấy chục năm qua, từ cái thời bo-bo thay gạo trắng, từ cái thời bao cấp đến cái thời đổi mới, từ cái thời kinh tế thị trường đến cái thời văn minh hiện đại phương Tây. Lịch đâu có thấy để mà nhận định. Cho nên Lịch không tin vì Lịch đâu có thấy để mà tin. Nghe thì coi như bỏ. Từ đó đến giờ Lịch chỉ biết mình là thằng tẩm quất. Lịch chỉ nhận hai chữ ’tẩm quất’ nghĩa là lằn roi quất vào người để chuộc tội.

Làm cái nghề nầy Lịch ít khi tẩm quất người nghèo thường là những đấng quyền cao, chức trọng và các phu nhân mập ù trên lầu son gác tiá, má phấn môi son – Anh mù mà thấy rõ hơn chúng tôi. Anh bấm trúng huyệt đấy! Khá khen! khá khen! Vợ cấp cao nói.

Lịch đau khổ lắm. Bởi; họ chỉ nằm ngả mà hái ra tiền, không đổ mồ hôi sôi nước mắt như đám dân lành, mỗi khi Lịch quờ quạng đi ngang qua nghe lời than ấy. Một đôi khi Lịch lại nhận đồng tiền trên tay của du khách nước ngoài. Lịch cũng chẳng phải nói bằng ngôn ngữ gì để tỏ bày, nhưng trong cảm thức thứ sáu cho Lịch biết đó là một trợ giúp thừa thải dính lại trên tay. Hay đây là của bố thí tàn tật, thương hại cho người mù không thấy đường mà đi. Bị bỏ rơi bên lề xã hội. Lịch nghĩ họ nhìn mình như thế là đúng. Nhưng họ đâu có thấy tan thương trong lòng Lịch. Lịch hết nước mắt để khóc phận mình ...


Người ta thường thấy một ông lão, tuổi chừng thất thập, ngồi ủ rũ trên ghế đá công viên, tay cầm gậy trúc lên nước bóng màu vàng nghệ, đầu đội mũ lệch, đeo kiến râm hướng ra ngoài sông chỉ thấy sông là màu đen trong đôi lủng mắt; nghe nước, gió rì rào gợn tiếng sóng tợ sông đang khóc. Gương mặt lão buồn như thiếu nợ.

- Trời chiều rồi. Về đi! ngồi mà than thở với ai đây? Đưa tay đây. Người vợ nhà quê nói.

Cảnh hoàng hôn ở Liễu Cốc Hạ đẹp nhưng không tươi so với những nơi khác ./.

(ca.ab.cuối 3/2013)
Nguồn Newvietart 

Lượt xem : 12018 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo