Trang chủ --> PHCN --> Thừa và thiếu trong ứng xử với người khuyết tật
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Thừa và thiếu trong ứng xử với người khuyết tật

Hôm nay (22/5), chàng trai không tay chân Nick Vujicic sẽ đặt chân đến Việt Nam trong niềm háo hức của hàng ngàn bạn trẻ.

Nick được coi như một phép mầu, từ một chàng trai không tay không chân trở thành một diễn giả nổi tiếng trên thế giới, truyền cảm hứng và động lực sống cho triệu triệu người bằng câu chuyện bình dị vượt qua những trở ngại khốn cùng của cuộc sống để đi đến thành công của mình.

Điều để tạo nên những thành công cho Nick là sự hội tụ của điều kiện sống, cơ hội học tập và cách ứng xử phù hợp của gia đình, xã hội. Tại Việt Nam, cũng có những tấm gương sáng như hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, thầy giáo viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký, …Tuy nhiên, mức độ thành công chưa được như Nick, bởi còn quá nhiều bất cấp và rào cản trong cách ứng xử với NKT ở Việt Nam.

Nick Vujicic - biểu tượng đẹp của người khuyết tật

Nick Vujicic – biểu tượng đẹp của người khuyết tật

Chưa hiểu đúng về NKT

Hãy tưởng tượng, nếu Nick sinh ra ở Việt Nam, anh sẽ làm được những gì? Nick chỉ tới Việt Nam trong vài ngày để “truyền lửa”, nhưng nếu ở lâu hơn, anh sẽ có những gì?

Về giao thông, chị Nguyễn Thị Lan (TP.HCM) chia sẻ: “Trong qui hoạch chung về hệ thống xe buýt của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, hình như vẫn còn một khoảng trống rất lớn đối với NKT, đặc biệt là khuyết tật vận động.

Chúng tôi vẫn phải tham gia tất cả mọi hoạt động xã hội, thế nhưng gần như số đông NKT đều không thể sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, phà, tàu…”

Đúng vậy, ở Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống đồng bộ về giao thông, công trình xây dựng, vệ sinh, … để NKT hòa nhập cộng đồng dễ dàng. Đường tiếp cận cho người dùng xe lăn, thiết bị hỗ trợ hướng dẫn bằng âm thanh cho người khiếm thị ở các hè phố, tòa nhà, bến xe, xe buýt là không có hoặc chỉ tính trên đầu ngón tay. Rất nhiều công trình xây dựng trong nước đều xây dựng các bậc tam cấp cao hoành tráng mà quên đi trách nhiệm đối với NKT.
Về chăm sóc y tế, giáo dục,…cho NKT cũng gặp phải những trở ngại tương tự. Ngay tại thủ đô Hà Nội, trường học cho trẻ khuyết tật vừa khó tìm, điều kiện hòa nhập cũng đầy khó khăn khi thiếu đủ thứ, từ giáo viên đến công cụ hỗ trợ, … Những hoạt động văn hóa, giải trí dành cho NKT còn nhiều hạn chế.

Anh Thanh Sơn (du học sinh Anh) cho biết: “Một điều ấn tượng khi xem bóng đá Anh là nhìn vào hàng ghế dưới cùng, hàng ghế gần sân cỏ và dễ tiếp xúc với cầu thủ nhất, luôn có một khu vực riêng trong sân dành cho các CĐV ngồi xe lăn cổ vũ thần tượng của họ.
NKT (không thể đi lại bình thường) tại Anh có thể tự lái xe đến sân, vào sân bằng xe lăn ở khu riêng cho họ để xem bóng đá. Việc bố trí khu riêng không phải vì cách ly mà là ưu tiên cho họ được theo dõi trận đấu một cách thuận tiện nhất. Nhưng tại Việt Nam, việc đến sân xem bóng đá với NKT đi xe lăn không phải là điều đơn giản.”.

“Với những người thiệt thòi của NKT, họ rất cần sự cảm thông sẻ chia, sự giúp đỡ của cộng đồng để có thể hòa nhập với cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng trong xã hội, đôi khi người giúp rất có thiện chí nhưng lại vô tình hoặc chưa hiểu về NKT nên khi giúp đỡ lại làm cho NKT cảm thấy mặc cảm hoặc thậm chí là thấy bị xúc phạm.

Và không phải NKT nào cũng cần đến sự giúp đỡ về vật chất, họ có thể tự mình vươn lên, sống, học tập và làm việc như những người khác và thậm chí hơn những người không khuyết tật. Nhưng đôi khi trong cuộc sống họ rất cần đến sự giúp đỡ của mọi người, nhất là về mặt tinh thần”, tâm sự của Lan Anh (Hà Nội).

Ứng xử đúng mực với NKT

Nói về cách ứng xử của xã hội với NKT, nhà thơ Phan Huyền Thư chia sẻ: “Chưa nói đến chuyện giúp đỡ, hỗ trợ họ về mọi mặt… Chúng ta chỉ cần tránh gây ra những tổn thương về tinh thần cho họ thôi cũng đã quý lắm rồi.

Việc đầu tiên là chúng ta phải quên ngay suy nghĩ rằng họ là NKT. Chẳng hạn như trong phim ” Cuộc đời sau trang sách” của tôi, đối với tôi không có ai là NKT cả, họ có thể bị bại liệt như thầy Ký và em Hồng, có thể là nạn nhân di chứng dioxin như em Lâm và Trà My, Minh Trí… nhưng họ trước hết là những người thầy, người bạn của tôi.

NKT cần tình thương, không phải sự thương hại

NKT cần tình thương, không phải sự thương hại

Tôi gắn kết cuộc đời của mình với họ không phải vì thấy họ thiệt thòi về thể chất mà đem lòng thương cảm hay loay hoay với một ” lòng nhân ái mơ hồ” nào đó…Nhiều khi, chúng ta thường nghĩ về những người kém may mắn sống xung quanh chúng ta bằng một tình thương rất “thắng lợi tinh thần”. Đối với những người bạn không may mắn của mình, tôi chơi với họ bằng sự ngưỡng mộ, tôn trọng và bình đẳng thực sự”.

Trong văn hóa ứng xử của phương Tây với NKT, không có hai khái niệm “coi thường” và “thương hại”. Trong trường hợp một người đi xe lăn tại Mỹ bị ngã, tất cả mọi người đều không quan tâm nếu người đó có khả năng tự đứng dậy. Nếu bạn muốn giúp đỡ thì cần phải hỏi anh ta có cần giúp đỡ không. Nếu tự động chạy ra giúp thì bạn có thể không những không được cảm ơn mà nhiều khi còn bị từ chối vì NKT không muốn nhận lòng “thương hại”.

Chúng ta cần ứng xử với NKT một cách công bằng hơn, tạo điều kiện cho họ hòa nhập thực sự chứ không phải chỉ là lòng thương hại hoặc xa lánh. Đó cũng là một trong những thước đo về mức độ văn minh của một xã hội.

Tại các nước văn minh ở châu Âu, châu Úc hoặc Bắc Mỹ, NKT được xã hội dành mọi ưu tiên cho họ. Ở bãi đậu xe của siêu thị, nhà hát, công sở… đều có một số chỗ nhất định chỉ dành riêng cho NKT. Trên các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt người ta bố trí một số ghế ngồi gần cửa lên xuống chỉ dành cho NKT.
Ngay cả nhà vệ sinh, người ta cũng thiết kế phòng riêng cho NKT. Trong nhà, NKT sẽ được các thành viên khác của gia đình dành cho mọi sự ưu ái nhằm giúp vơi đi sự bất hạnh ngoài ý muốn.

Đó là một trong những phương pháp ứng xử “chuẩn mực” mà chúng ta cần học hỏi và áp dụng để mang tới một cuộc sống hoàn nhập dành cho NKT.

Xã hội cần tạo cơ hội bình đẳng cho NKT tham gia nhiều hoạt động trong cộng đồng, cần tôn trọng các tiềm năng của NKT, xây dựng một xã hội có sự đóng góp của NKT và có sự tồn tại của NKT. Bởi, họ cũng là công dân và có đầy đủ quyền của mình, đừng nhìn họ bằng cặp mắt của một nhà từ thiện.

Như Quỳnh 

                    

Lượt xem : 30261 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo