Trang chủ --> Gương sáng --> “Nên mù” vượt khó
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

“Nên mù” vượt khó

 

          Từ lúc mới chào đời đôi mắt anh đã không nhìn thấy ánh sáng, nhưng anh có một ý chí tự lực bản thân vượt qua nghịch cảnh. Anh Sáu Hiền, ngụ ấp 3, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, nói về anh “Nên mù” (Trần Văn Nên) người hàng xóm của mình như vậy.

 

Gặp anh Nên nơi phố chợ với dáng vóc liêu xiêu thấp bé, tay ôm chiếc đàn guitare gỗ cũ, chân lần dò từng bước cùng những tờ vé số dầy cộm trên tay, anh cất cao tiếng hát: “Ai mua giùm, ai mua giùm, khổ thân tôi tăm tối tật nguyền…”. Tuy chất giọng và ngón đàn của anh không điêu luyện nhưng nghe cũng trầm lắng ưu tư. Có người nói với tôi: “Tội nghiệp, trời đã ban cho anh đôi mắt, sao không cho anh luôn ánh sáng để đời anh bớt khổ”.

 

Bà Mai Thị Phấn, 80 tuổi, mẹ anh Nên ngậm ngùi kể: Bà có tất cả 12 người con, Nên là út, nhưng lại kém phần may mắn hơn các anh chị vì bị mù cả hai mắt từ thuở mới chào đời. Gia cảnh khó khăn không khả năng chữa trị, Nên lớn lên không được học hành, nhưng lại có năng khiếu và đam mê âm nhạc. Chiếc radio nhỏ của gia đình là “thầy” dạy nhạc đầu tiên của Nên. Anh tự học ca, học đàn qua sóng phát thanh, rồi ghi nhớ trong lòng, khổ công luyện tập. Anh đàn bằng miệng, thực hành bằng tay, nhờ kiên trì, không bao lâu anh lướt phím thành thạo được nhiều bài bản. Năm lên 13-14 tuổi, hàng xóm phát hiện năng khiếu của anh, nên thường mời anh tham gia phục vụ giúp vui cho những buổi tiệc tùng cưới hỏi, giỗ chạp, thôi nôi, đầy tháng… Không muốn là gánh nặng của gia đình, năm 15 tuổi, anh Nên quyết định đi hát phục vụ khán giả ở những gánh lô tô. Tại đây, anh đã quen và phải lòng cô gái Cao Thị Hồng Đào, người con gái cũng mang trên mình nỗi đau bất hạnh với đôi chân dị tật. Họ tự nguyện đến với nhau và đã có hai mặt con.

 

Gánh nặng cơm áo gạo tiền ngày thêm đè nặng đôi vai anh chị, khi nhiều gánh lô tô dần dần tan rã. Cả hai dắt dìu nhau phiêu bạt hết miền Trung, lại về Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… Ngày anh đi bán vé số dạo, chị ở nhà vừa chăm sóc con, vừa phụ việc nhà cho người hàng xóm để kiếm thêm thu nhập. Hơn 4 năm (2005-2009) xuôi ngược nơi đất khách quê người, cuộc sống càng thêm khó. Anh cùng vợ con về ở tạm nhờ nhà cha mẹ vợ tại ấp 2 A, xã Vị Tân, TP.Vị Thanh. Anh tiếp tục nghề bán vé số. Những tưởng với khoản thu nhập 70.000-80.000đ tiền lời mỗi ngày sẽ giúp anh Nên trang trải khó khăn. Nhưng gần đây anh Nên bị kẻ xấu liên tục giật lấy hết vé số. “Đối với người khác họ còn đủ ánh sáng, mạnh tay khỏe chân sớm làm ra tiền trả nợ, còn vợ chồng tui…”. Anh Nên nghẹn ngào im lặng.

 

Thương anh chị, cha mẹ, họ hàng đôi bên cũng thường hay giúp đỡ, nhưng ai cũng nghèo còn phải chạy lo cái ăn từng bữa, muốn giúp anh nhiều biết lấy đâu ra. Ngay cả các cấp chính quyền địa phương muốn giúp anh cũng khó, vì anh chị không ổn định được nơi ăn chốn ở của mình cố định. Anh Nên thừa nhận do điều kiện gia đình còn quá khó khăn, nên phải rày đây mai đó để mưu sinh, dự định trong thời gian tới anh chị cố gắng làm có tiền trả dứt số nợ mà anh chị đã vay của bà con xung quanh và chủ đại lý vé số. Anh chị cho biết sẽ về sống gần mẹ, cùng anh em mình tại ấp 3, xã Vị Thanh, vừa làm thủ tục đăng ký kết hôn cho anh chị, vừa làm giấy khai sinh cho con, để lũ nhỏ được cắp sách đến trường.

 

Nhưng đó cũng chỉ là dự tính, vì cuộc sống của gia đình anh còn nhiều khó khăn. Rất mong sự thương cảm, sẻ chia của cộng đồng xã hội giúp anh Nên vượt qua khốn khó.  


Bài, ảnh: QUANG HẢI
 

 

Lượt xem : 49129 Người đăng :
Tags :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo