Trang chủ --> Gương sáng --> Những người khiếm thị vượt khó
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Những người khiếm thị vượt khó

Mặc dù không nhìn thấy nhưng nhiều người khiếm thị vẫn vượt lên chính mình, làm nhiều việc hữu ích, giúp đỡ gia đình và người thân giảm bớt khó khăn...

 

Những người khiếm thị vượt khó

Chị Đặng Thị Huế (bên trái) vẫn cùng gia đình chăm sóc ruộng cà rốtNhìn anh Vũ Đình Long ở thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) thoăn thoắt hái cà chua có lẽ không ai biết anh bị khiếm thị. Anh Long là hội viên tích cực của Hội Người mù huyện Nam Sách. May mắn hơn các hội viên khác, đôi mắt anh vẫn phân biệt được sáng tối. Nhớ lại quãng thời gian trước đây, anh Long cho biết: Thấy đôi mắt mình bị kém, anh rất bi quan, nghĩ rằng mình sẽ không làm được việc gì để nuôi sống bản thân. Được sự động viên của gia đình, anh tự mày mò làm lụng từ những việc nhỏ. Khi quen dần, anh làm đủ mọi nghề, từ đóng gạch thuê đến buôn bán...”. Khi có gia đình riêng, anh lại càng chăm chỉ làm việc, quyết tâm vượt khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Được biết Trung ương Hội Người mù Việt Nam có chủ trương cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, anh lập hồ sơ vay 4 triệu đồng và vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được 15 triệu đồng. Anh Long xoay xở nuôi lợn, nuôi gà, vịt, đào ao, thả cá đến trồng cà chua, dưa bao tử, mỗi năm, thu nhập từ 50- 70 triệu đồng. Anh cho biết: “Tuy mắt kém nhưng cứ làm dần rồi quen, việc gì không làm được lại nhờ vợ giúp. Nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hơn nữa”. Đến nay, gia đình anh đã có cuộc sống ấm no trong ngôi nhà hai tầng, khang trang.

Cùng là hội viên Hội Người mù huyện Nam Sách, chị Đặng Thị Huế ở thôn Mỹ Xá, xã Minh Tân, cũng có nghị lực vươn lên khiến nhiều người khâm phục. Chị Huế bị khiếm thị sau khi bị bệnh u não năm 31 tuổi. Bệnh tật cùng với việc mất đi ánh sáng khiến chị nằm liệt giường gần 1 năm. Gia đình, hàng xóm thường xuyên động viên chị kiên trì chữa bệnh. Từ chỗ dò dẫm đi lại trong nhà, chị bắt đầu làm những việc quen thuộc trước kia. Dưới bàn tay đảm đang của chị, nhà cửa lại gọn gàng, sạch sẽ, việc nấu cơm chị cũng tự mày mò làm. Năm 2006, chị tham gia Hội Người mù huyện, được gặp gỡ, giao lưu với những người cùng hoàn cảnh tạo cho chị động lực tiếp tục cố gắng. Chị vay vốn của hội, xây hai gian chuồng nuôi lợn, đấu thầu hơn 2 ha ao thả cá, trồng cà rốt, mỗi năm cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng. Chị Huế cho biết: “Vượt qua hoàn cảnh để thích nghi với cuộc sống mới không còn ánh sáng rất khó khăn. Tôi may mắn có gia đình, khích lệ rất nhiều".

Mặc dù hơn 30 năm nay chỉ nhìn thấy lờ mờ nhưng ông Đỗ Văn Khánh ở xã Tân Dân (Chí Linh) luôn nỗ lực vượt lên phát triển kinh tế, là lao động chính trong gia đình. Năm 1982, sau khi đi học hỏi kinh nghiệm thực tế ở Từ Sơn (Bắc Ninh), ông về nhà tiến hành trồng ớt xuất khẩu. Thế nhưng, khi đó giá ớt hạ khiến gia đình ông lỗ mất 280 triệu đồng. Không bỏ cuộc, nhận thấy thị trường có nhu cầu về hoa, cây ăn quả, cây cảnh, ông Khánh tiếp tục vay mượn anh em, họ hàng để đầu tư. Hiện nay, nhà vườn của ông Khánh rộng 1,3 mẫu, chuyên sản xuất con giống và bán các loại hoa, cây ăn quả, cây cảnh. Hằng năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Ông Khánh cũng tự mày mò, nghiên cứu tạo được giống bưởi Bo trắng thơm, ngon được người dân trong huyện tìm mua. Để có được thành quả như hiện nay, đối với người bình thường đã khó, đối với một người khuyết tật như ông Khánh còn khó khăn hơn rất nhiều. Ông cho biết: “Mắt kém, nhiều lần đi trên bờ mà lội cả xuống ruộng. Chỉ hôm nào trời nắng thì mới dò dẫm làm được chứ trời mưa hay âm u là tôi chịu, không nhìn thấy gì cả. Giữa trưa, trời nắng là lúc tôi làm việc. Với tôi, việc đi sang đường còn khó khăn, nhưng đi trên bờ ruộng nhà mình, hay vun gốc, tỉa cây cảnh thực sự dễ dàng vì nó đã quá quen thuộc”.

Hội Người mù tỉnh có hơn 2.500 hội viên, sinh hoạt tại 232 chi hội phường, xã, thị trấn thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố. Hội thường xuyên khảo sát hội viên trong độ tuổi lao động, ưu tiên giúp hội viên nghèo và phụ nữ khiếm thị có nhu cầu vay vốn để làm kinh tế gia đình; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác vay vốn theo kênh của hội. Đến nay, hội cùng ngân hàng đã hướng dẫn các đơn vị lập dự án cho 374 hội viên vay với tổng dư nợ gần 2 tỷ đồng. 100% số cán bộ, hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong số 270 hội viên nghèo vay vốn, có hơn 50% thoát nghèo.MINH HẠNH-HOÀNG BIÊN

Theo Báo Hải Dương 

Lượt xem : 34609 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo