Trang chủ --> Gương sáng --> Người mù có bàn tay kỳ diệu
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người mù có bàn tay kỳ diệu

Bàn tay xù xì, già nua của ông lướt thoăn thoắt trên từng nan tre mềm mại như một nghệ sĩ có nghề. Hình ảnh ấy gây ấn tượng mãi trong lòng tôi khi đến thăm gia đình ông vào một ngày đầu xuân.

 

Ngoài trời những chồi non đua nhau vươn lên để đón  mùa xuân mới, ông ngồi điềm tĩnh nở một nụ cười mãn nguyện.  Trên khuôn mặt đã hằn lên nhiều nếp nhăn và mái tóc điểm bạc nhưng trông ông vẫn còn đẹp lão lắm.   

 

           Người đàn ông ấy là ông Phạm Tịnh, 71 tuổi, ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nhìn vào cuộc sống của ông hiện nay ít ai có thể tưởng tượng ra đó là một cuộc đời đầy gian khổ. Lọt lòng mẹ ông phải chịu đựng nỗi bất hạnh to lớn là mất đi nguồn sáng của cuộc đời. Cũng như bao đứa trẻ khiếm thị và những cuộc đời bất hạnh cuộc sống của ông thuở ấu thơ là những chuỗi ngày dài vật lộn đấu tranh với sự mặc cảm tự ti, tự trách cho số phận mình.  Ngày lại ngày ông nhận ra một điều rằng có trách số phận hay ông trời thì hiện thực cũng không thay đổi mà chỉ làm cho nỗi đau càng thêm hằn sâu. Ông quyết định phải thay đổi cách sống, cách nghĩ của mình. Ông bắt đầu học làm những công việc trong gia đình. Thay vì ngồi một chỗ ông tập dọn dẹp nhà cửa cho lợn gà ăn. Nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn không phải một việc giản đơn, những lần té xuống bậc thềm trầy da, chảy máu hay làm đổ nước lênh láng cả sàn nhà thường xuyên diễn ra. Ông không nản chí vẫn cố gắng làm và dần dần mọi viêc trong nhà đã được bàn tay ông làm một cách thuần thục.Tảng đá mặc cảm tự ti cũng theo đó mà giảm nhẹ đi. Ông nghiệm ra một điều chỉ có quyết tâm và cố gắng ông mới làm được những gì mình muốn.

 

   Lớn lên ông được bà con họ hàng mai mối cho một người vợ mắt sáng. Cuộc sống mới của ông thực sự bắt đầu với vai trò là trụ cột gia đình. Những lo toan và gánh nặng ngày càng đè lên đôi vai của ông khi đứa con thứ nhất rồi thứ 2, thứ 3, thứ 4 cứ lần lượt ra đời. Hai vợ chồng đầu tắt mặt tối làm ăn, quanh năm vợ làm ngoài đồng chồng lo việc  nhà mà vẫn không đủ nuôi sáu miệng ăn chưa kể tới lo cho cái học hành nữa. Một lần nữa ông phải đối chọi với thử thách. Ông nghĩ không thể chỉ bám vào mấy sào ruộng được, đủ ăn còn khó sau này con cái học cao hơn thì lấy đâu ra lo cho chúng. Nghĩ là làm ông tìm một nghề phụ để làm tranh thủ những lúc nông nhàn, rảnh rỗi. Tính lên, tính xuống cuối cùng ông chọn nghề đan lát. Đây là nghề có thể làm quanh năm lại phù hợp với người mù.  Mới đầu ông gặp không ít khó khăn, mắt không thấy gì lại chưa bao giờ chẻ nan tre  nên hay bị đứt tay. Chẻ nan thì cái dày cái mỏng không dùng được nên rất lãng phí, hơn nữa những sản phẩm đầu tay của ông chưa đẹp nên chỉ bán được với giá rẻ. Dù vậy ông vẫn không nản lòng. Làm nhiều, làm lâu rồi quen dần đôi tay ông chẻ nan đã đều hơn, đan cũng nhanh và sản phẩm ngày càng đa dạng.    

 

Một chiếc rổ, rá thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn như mua tre, chẻ nan, đan mê, tát nấc. Ông nhận thấy nếu tự làm tất cả công đoạn trên thì sẽ mất rất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao nên vào lúc nông nhàn ông bắt đầu dạy vợ cách chẻ nan, dạy con cách đan mê các công đoạn còn lại sẽ do ông đảm nhiệm. Vì thế ngày nào ông cũng có sản phẩm đem ra chợ bán khi thì rổ rá, khi thì thúng quạt, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

 

Không chỉ chú ý đến kĩ thuật đan lát ông còn học hỏi và dần rút kinh kinh nghiệm cẩn thận trong việc chọn và chế biến nguyên liệu. Như chỉ khai thác tre nứa vào những ngày cuối tháng, không có trăng vì “tre đầu tháng thân chứa nhiều nước nên dễ bị mọt. Mây thì chỉ lấy dây già, leo trên cây cao, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo và không bị mọt. Với tre, nứa thì luôn chẻ từ ngọn xuống gốc còn với mây thì ngược lại từ gốc lên ngọn”. Trung bình mỗi tháng ông thu nhập được khoảng 2 triệu từ nghề đan lát. Do biết tính toán và chi tiêu hợp lí nên hiện nay ngoài chi tiêu hằng ngày ông đã gửi tiết kiệm được 50 triệu đồng từ nghề đan lát.

 

   Ngoài đan lát giỏi, ông còn là một người cố vấn, người chỉ đạo tài tình cho vợ con trong làm ăn kinh tế. Không trực tiếp làm việc đồng áng nhưng ông luôn theo dõi sát sao công việc ngoài đồng của vợ con. Nhờ kiến thức thu được từ  những lớp khuyến nông do Hội tổ chức và học hỏi từ bà con hàng xóm mà ông có thể hướng dẫn cho vợ con mảnh ruộng nào thì cấy giống gì cho phù hợp nên bón phân gì và bón lúc nào thì hợp lí. Kĩ thuật của chồng cộng với sự siêng năng chăm chỉ của vợ đã mang lại những vụ mùa tươi tốt cho gia đình ông. Như muốn bù đắp cho những bất hạnh của ông, cuộc sống đã mang đến cho ông một người vợ khỏe mạnh, chịu thương chịu khó, quanh năm tần tảo một nắng hai sương. hết đi chợ bán rổ rá lại làm ruộng làm vườn mà không hề biết mệt, không  một câu than phiền. Các con ông cũng đã khôn lớn và có gia đình riêng, người con út đang học lớp12. Hiện nay gia đình ông làm 5 sào ruộng và 3 sào đất, ước tính hàng năm gia đình ông thu được 2,5 tấn  lúa và 7 đến 8 tạ hoa màu các loại.  Ngoài ra gia đình  ông còn nuôi thêm 2 con bò, 2 con bê và lợn gà. Năm 2012, nhận thấy nuôi hươu là một mô hình chăn nuôi mang lại lợi nhuận cao và lâu dài ông đã bàn bạc với vợ con vay vốn của Hội làm chuồng nuôi thêm 1 con hươu. Hứa hẹn số hươu sẽ tăng lên trong thời gian tới.

 

Trời không phụ lòng người, hiện nay gia đình ông đã xây được một ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi tivi, xe máy … có của ăn của để.  Giờ đây mặc dù đã 71 tuổi ông vẫn không ngừng lao động , bàn tay chai sạm đầy vết sẹo do tre, nứa cứa vào da thịt ấy vẫn thoăn thoắt lướt trên những  nan tre không chỉ để mưu sinh mà theo ông tâm sự “công việc này là niềm vui cũng là bài học để ông dạy cháu con rằng chỉ có lao động và làm việc bằng đôi tay của chính mình thì những thành công, hạnh phúc đạt được mới bền vững”

 

Hoàng Kim (theo HNM) 

Lượt xem : 23185 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo