Trang chủ --> Gương sáng --> Từ Nick tới chàng trai có số phận nghiệt ngã nhưng tài hoa ở Nam Định
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Từ Nick tới chàng trai có số phận nghiệt ngã nhưng tài hoa ở Nam Định

Những ngày qua, thanh niên Việt Nam phát cuồng vì sự xuất hiện của Nick Vujicic - chàng trai không tay, không chân có nghị lực phi thường và câu chuyện của anh có thể chạm đến trái tim nhân loại.

Ở một vùng quê nghèo miền biển tỉnh Nam Định cũng có một chàng trai đang ngày đêm cần mẫn kết nối với cả thế giới qua trang web do anh tự mày mò thiết kế, xây dựng và điều hành chỉ trên chiếc giường. Hẳn không nhiều người biết về anh...

Đó là Trần Hồng Giang, sinh năm 1974, là con út trong một gia đình có 6 anh chị em ở thôn Đồng Gồ, xã Nghĩa Hùng, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Giang sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học mà cha là nhà giáo (thương binh trong kháng chiến chống Mỹ, mất một cánh tay), còn mẹ làm ở cửa hàng hợp tác xã. Cũng như bao đứa trẻ khác ở cái làng quê vùng biển yên bình hẻo lánh này, những năm tháng đầu đời của Giang hết sức hồn nhiên, đẹp đẽ.

Tai họa quá hy hữu và nặng nề

Vào một ngày hè năm 1980, cái ngày định mệnh ấy đã đến gieo tai họa xuống cuộc đời Giang cùng gia đình, đúng lúc Giang 5 tuổi. Hôm đó, sau khi bắn lũ chim trong vườn, bố Giang đã cẩn thận khoá nòng súng và cất vào góc nhà. Hai anh em Giang vốn tính hiếu động đã mang súng ra chơi trận giả. Chẳng biết bằng cách nào đó, người anh đã mở được khóa súng và đưa lên cổ em trai mình bóp cò. Một tiếng “đoàng” đanh gọn, mọi người hốt hoảng chạy vào thì đã thấy Giang nằm trên vũng máu.

Viên đạn xuyên qua cổ từ trước ra sau, đi qua đốt sống. Thương con, cha mẹ Giang đã bán đi tất cả những thứ gì có thể bán được, rồi vay mượn thêm tiền của anh em, họ hàng, bà con làng xóm cố đưa cậu bé đi chạy chữa ở rất nhiều bệnh viện gần xa... Nhưng vì vết thương quá hiểm, các bác sĩ đành chịu bó tay. Và từ đó đến nay, đã hơn một phần ba thế kỷ Giang phải nằm liệt trên giường bệnh. Toàn thân Giang không cử động được. Từ ngực trở xuống, các cơ cứ teo dần, mất cảm giác. Chỉ còn đôi mắt mở to nhìn xa xăm chất chứa một nỗi buồn.

Ông Trần Hồng Sâm (bố Giang) cho biết: “Lúc đó, gia đình tôi rơi vào hoàn cảnh rất bi đát, vợ yếu, con đau, thường xuyên đi bệnh viện, tiền thuốc nhiều hơn tiền cơm, cuộc sống gia đình quá khó khăn”. Năm 1981, mặc dù đang làm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Hùng, lại chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng bác Sâm đã xin về mất sức sớm, để có điều kiện và thời gian chăm sóc đứa con tật nguyền.

Dù phải nằm bất động một chỗ, nhưng Giang không chịu chấp nhận, buông xuôi theo số phận. Anh chị Giang cứ đi học về là lại đến giường để kể cho cậu em trai những chuyện học hành ở trường, ở lớp, rồi bày lại cho Giang các bài học. Cậu bé Giang cứ lặng lẽ tiếp thu rồi biết đọc, biết nhẩm những phép tính đơn giản lúc nào không biết. Khi đã đọc được rồi, Giang lại muốn viết. Với niềm say mê, sự kiên trì luyện tập, Giang kẹp chiếc bút vào giữa hai ngón tay tật nguyền rồi tì cán bút vào má tập viết.

Khi viết, cái đầu của cậu cứ ngoẹo về một bên và cúi sát trang vở, đưa đi đưa lại theo từng nét chữ rất khó nhọc. Những con chữ đầu tiên hiện ra trên trang giấy, mặc cho các khớp xương của cậu cứ mỏi nhừ và tê buốt. Bố Giang là nhà giáo, thấy con có niềm say mê học tập như vậy, dù nghĩ chỉ là động viên con, nhưng ông cũng lập kế hoạch giảng dạy cho con theo từng chương trình cấp học. 20 năm trôi đi cũng là lúc Giang học xong chương trình phổ thông trung học trên giường, cùng với sự động viên giúp đỡ của cả gia đình và sự cố gắng vươn lên của bản thân.

Tác giả cùng Trần Hồng Giang.

Kỳ nhân tự mày mò xây dựng và quản lý 2 website

Ngoài việc cha dạy theo chương trình văn hóa, Giang còn tự học bằng tất cả những cách thức, trong điều kiện có thể. Từ học qua đài phát thanh, tivi, Giang còn học qua sách báo. Trên chiếc giường của Giang toàn sách là sách. Giang tự học tiếng Anh và vi tính, tự học chữa điện tử, nhằm kiếm cho mình một công việc có thu nhập, phụ giúp cha mẹ đỡ phần khó khăn, vất vả.

Chính điều này mà có lần Giang bị điện giật suýt chết. Hiện nay trên má Giang vẫn còn một vết sẹo dài - hậu quả của vụ điện giật đó. Bù lại là Giang cũng đã chữa được một số hư hỏng của tivi, đài, máy vi tính cho mọi người trong thôn, trong xã. Có tiền, Giang mua máy vi tính, nối mạng Internet, rồi mày mò tự học, tự lên mạng tìm việc.

Năm 2006, Giang trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định và làm cộng tác viên dịch thuật cho một số tờ báo trong nước. Giang nảy ra ý định lập riêng một website để giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về quê hương Thành Nam - với truyền thống đất học, đất văn. Từ ý tưởng đó, Giang lại tiếp tục mày mò các kiến thức về thiết kế website, đặt tên và xây dựng các chuyên mục… Sau 2 tháng miệt mài, cuối cùng website vannghenamdinh.com.vn (Văn nghệ Nam Định) cũng được ra đời, với mạng lưới công tác viên lên đến hàng chục người. Giang lại biên tập, rồi đưa lên mạng. Hiện nay, Giang còn quản lý thêm website lucbat.com.

Với một người bình thường sử dụng vi tính đôi lúc còn gặp khó, thế nhưng chứng kiến việc Giang gõ phím máy tính bằng chỉ bằng một… chiếc đũa cắn trong miệng và các thao tác bằng má để chuyển động chuột mới thấu hiểu được nỗi gian truân của Giang như thế nào. Với những động tác rất thuần thục, update, chỉnh sửa bài vở của công tác viên, cộng với cây đũa trong miệng, chỉ thoắt cái Giang đã đưa thông tin của công tác viên đi khắp thế giới.

Tôi ơi, đừng khóc

Những hồn ma bóng quỷ
Nơi âm phủ tối tăm
Đang hiện hình ám ảnh
Làm thân tôi nhọc nhằn
Tôi ơi, xin đừng khóc!
Hãy cứ toét miệng cười
Sống vui cùng năm tháng
Không uổng một kiếp người
Rồi một ngày hạnh phúc
Khi số phận mỉm cười
Tôi sẽ bắt ma quỷ
Nhốt vào lồng ngắm chơi...”.


(Trích trong tập thơ “Chuồn chuồn phố” của Trần Hồng Giang)

Nghiệp văn chương

Trần Hồng Giang còn được biết tới với việc sáng tác rất nhiều thơ văn, viết bài, dịch thuật cho hàng chục tờ báo. Năm 2003, Giang đã in tập thơ đầu tay “Nỗi nhớ mùa Hè” do Hội Văn học Việt Nam xuất bản. Ngoài ra, Trần Hồng Giang đã được tặng một số giải thưởng: Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi viết về chủ đề “Những kỷ niệm sâu sắc với Đài Tiếng nói Việt Nam”, năm 2005; giải Khuyến khích cuộc thi viết về “Những người phụ nữ vượt lên số phận” của Báo Lao Động, năm 2007.

Gần đây, Trần Hồng Giang là một trong số 50 gương mặt tiêu biểu nhất, của những người khuyết tật Việt Nam, góp mặt trong cuộc triển lãm ảnh “Họ đã sống như thế”, của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Giang tâm sự: “Tôi muốn được sống có ích cho cuộc đời này! Không cam tâm đầu hàng số phận nghiệt ngã của mình”. Với tinh thần tự học, năm 26 tuổi, Giang đã học xong chương trình bằng C tiếng Anh của VTV2.

Ở ta, cũng không hiếm người đã vượt lên số phận như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký viết bằng chân, nhà văn Trần Văn Thước (Thái Bình) phải bó chân mình vào nẹp sắt để đứng viết, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi thì nằm ngửa hoặc nằm nghiêng mà viết, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng (Quảng Ngãi) viết nửa nằm nửa ngồi..., nhưng chưa thấy ai viết cực nhọc vất vả như Giang vì phải nằm nghiêng, tì bút vào má và khi viết thì cái đầu cũng phải chuyển động theo nét chữ... Vậy mà đã bao năm nay, những con chữ nhọc nhằn của Giang vẫn hiện lên trang giấy.

Nhà văn Lê Hoài Nam - thời gian còn làm Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định - có lần xuống thăm Giang đã phải thốt lên rằng: “Nếu viết mãi kiểu này thì đôi mắt Giang sẽ bị cận thị rồi hỏng sớm”. Vì khi viết, từ mắt Giang đến trang giấy chỉ cách... mười xăngtimét. “Còn bây giờ có máy tính nên công việc viết lách cũng đỡ vất vả hơn” - Giang tâm sự.

Tự hào về cậu con trai của mình, bác Sâm vui vẻ nói: “Các cụ ta có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Có lẽ đã đúng với hoàn cảnh của con tôi, không chỉ vượt lên số phận nghiệt ngã mà em nó đã trở thành tấm gương cho các cháu trong gia đình học tập, noi theo. Tính đến thời điểm này gia đình tôi đã có trên 10 con cháu đỗ đại học”.

Anh Lâm Văn Biên là con rể trưởng trong gia đình, cũng là người được cả gia đình giao nhiệm vụ đặc biệt: Tháp tùng Giang khi đi hội họp, gặp gỡ, giao lưu với các độc giả, đồng nghiệp ở khắp mọi miền đất nước. Anh Biên nói: “Dù biết đi mỗi lần là Giang rất mệt và bất tiện trong sinh hoạt, nhưng anh em tôi đều cố gắng có mặt đầy đủ, đi đâu anh em tôi cũng phải thuê xe riêng. Đầu năm 2010, anh em tôi đã có chuyến vào thăm Sài Gòn theo lời mời của anh Nguyễn Á. Sau đó thì Công ty Nhã Nam đã mời Giang làm biên tập, rồi đi giao lưu với các nhà văn, nhà báo… Đến cuối năm do điều kiện sức khỏe, Giang phải trở về quê. Bây giờ, thi thoảng anh em tôi mới lên Hà Nội, thành phố Nam Định thôi”.

Trong lúc trò chuyện, Giang cũng đã không ngần ngại bày tỏ: “Trước đây, tôi đã gom góp từng viên thuốc ngủ lại, chờ cho đủ 100 viên, làm “vé thông hành” đi vào cõi vĩnh hằng. Nhất là những lúc rơi xuống đáy nỗi buồn, nên dường như không còn có thể buồn thêm được nữa”. Thế nhưng từ đáy nỗi buồn, Giang đã gượng dậy, đứng lên và vững vàng sống giữa cuộc đời, đã cho tôi hiểu sâu hơn về giá trị cuộc sống và hạnh phúc làm người. Có bạn đọc nữ mơ mộng, yêu thơ đã gửi thư, gọi điện xin được làm quen, kết bạn và ngỏ lời yêu thương, Giang đã phải từ chối khéo: “Những lúc như vậy mình cũng cảm thấy chạnh lòng lắm, nhưng biết làm sao được. Có những trường hợp mình phải nói thẳng hoàn cảnh của mình mà các cô ấy vẫn không tin”. 

Nằm trên giường tự mình mày mò, thiết kế, xây dựng và điều hành website, sau 2 tháng thì hoàn thành, Giang bỏ tiền túi ra thuê server, đăng ký tên miền, đến nay website vannghenamdinh.com.vn đã có hàng nghìn người truy cập. Để có được website như hiện nay Giang đã phải nỗ lực làm việc 20 tiếng mỗi ngày. Có những độc giả trong và ngoài nước gọi điện thoại tới cảm ơn Giang, nhưng không một ai biết Giang là người tàn tật, mọi sinh hoạt chỉ ở trên chiếc giường.

 Hoàng Kim (theo Báo Lao Động Điện Tử)  

Lượt xem : 20449 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo