Trang chủ --> Gương sáng --> Cậu học sinh khiếm thị giành giải Nhất thi Văn thành phố
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Cậu học sinh khiếm thị giành giải Nhất thi Văn thành phố

 

Họ tên: Nguyễn Công Cường

Ngày sinh: 5/9/1998
Học sinh lớp 9/5 – THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đà Nẵng (trường hòa nhập) và là học sinh trường phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (trường chuyên biệt).
Thành tích:
-Giải Ba HSG lớp 5 cấp thành phố 2 môn Toán và Tiếng Việt.
-Giải Nhì cuộc thi kể chuyện do Hội người mù tổ chức.
-Giải Đặc biệt cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
-Giải Nhất viết thư UPU cấp thành phố. Giải khuyến khích viết thư UPU cấp Quốc gia dành cho người khuyết tật.
-Giải Nhất môn Văn quận Liên Chiểu.
-Giải Ba độc tấu đàn bầu cuộc thi Những nốt nhạc xanh.
-Giải Nhất môn Văn cấp thành phố.
-9 năm liền là Học sinh Giỏi toàn diện.

Chúng tôi gặp Nguyễn Công Cường và mẹ tại nhà riêng ở quận Hải Châu – Đà Nẵng trong một buổi chiều nắng gắt. Mẹ Cường vui vẻ tiếp chuyện và tự hào kể về cậu con trai khiếm thị nhưng đầy tài năng của mình.
Cường là con trai đầu lòng, khi sinh ra em kháu khỉnh, bụ bẫm, niềm vui của người làm cha làm mẹ chưa dài thì tai họa ập đến. Năm Cường 14 tháng tuổi, em bị phát hiện u mắt phải, căn bệnh này không thể chữa khỏi, chỉ có thể mổ mắt để tránh trường hợp xấu nhất là nổ mắt. Đến 2 tuổi thì mắt còn lại cũng không nhìn thấy gì.

Quốc Cường (4 tuổi) và bố. 
Cô Trương Thị Thanh Thủy – mẹ Cường kể, em là một đứa trẻ thông minh. Từ năm 4 tuổi đến 11 tuổi, em theo học tại trường dành cho trẻ em khuyết tật. Năm 12 tuổi, tức là lớp 6, em chuyển sang học trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm để học cùng các bạn bình thường khác. Mặc dù so với bạn bè trong lớp em có phần thua thiệt, nhưng thành tích học tập của em luôn đứng trong top đầu của lớp. Từ lớp 1 đến lớp 9, Cường đạt học sinh giỏi toàn diện và có nhiều giải học sinh giỏi. Trong tất cả các môn học thì môn học khó khăn nhất đối với em là môn Toán, phần Hình học, bởi em không thấy hình. Với môn Văn, Cường học tất cả bằng niềm đam mê và cảm xúc. Ngoài học văn hóa một buổi ở trường bình thường, buổi còn lại Cường học ở trường dành cho trẻ khuyết tật. Mỗi cuối tuần, em còn học đàn bầu, đàn ooc – gan.
Ở trường, Cường nghe giảng cẩn thận rồi ghi chép bằng chữ nổi. Đối với những lần kiểm tra 15 phút, thì thầy cô sẽ đặc cách cho Cường trả lời bằng miệng thay vì làm bài trong giấy. Còn với những bài kiểm tra một tiết, kiểm tra giữa kỳ hay học kỳ thì em ghi chép bằng chữ nổi, rồi đem về nhà đọc lại bài cho mẹ viết, hôm sau đem lên lớp nộp lại. Để cho công bằng, trước khi đem bài làm về nhà, thầy cô sẽ kí lên bài, đếm số chữ và số dòng rồi mới cho em đem về. Trong các đợt thi học sinh giỏi, một mình Cường ngồi một phòng, một giám thị; thầy/cô giám thị đọc đề cho em chép và làm bài. Cường làm bài cũng bằng chữ nổi rồi nộp lại, bài thi của em sẽ được một người viết từ chữ nổi sang chữ thường rồi cắt phách, giám khảo vẫn chấm thi bình thường, không có bất kỳ sự châm chước nào. Thi cử công bằng, nên những thành tích của Nguyễn Công Cường chính là thành quả học tập chân chính của em.
Mẹ đọc bài, Cường chép lại trong một cuốn vở rồi tự học.
Cường học và đọc bằng sách chữ nổi. Tuy nhiên, môn Văn cần phải đọc nhiều tài liệu tham khảo thì mẹ và một chị gia sư nữa sẽ giúp em đọc những đoạn văn mẫu để em tìm ý viết bài. Cường say mê đọc sách, truyện. Bố mẹ và người thân đọc sách rồi thu âm lại để em nghe, học. Bố em làm ở một công ty điện tử, mẹ là giáo viên, bố mẹ đã hỗ trợ Cường rất nhiều từ sinh hoạt đến học tập. Hằng đêm, mẹ đọc bài, đồng thời thu âm vào băng để em chép rồi tự học. Thời gian Cường ôn thi học sinh Giỏi, cả nhà thức đêm ôn bài cùng em. Tuy bị mù nhưng em có thể giúp mẹ phơi áo quần, dọn dẹp đồ đạc và cả luộc trứng. Mẹ Cường bảo, phải tập cho Cường làm việc để sau này em còn tự lập. 
Cường và hai em trai, ba anh em rất hợp nhau.
Cô Thanh Thủy tâm sự thêm: “Năm Cường 2 tuổi, mắt trái của cháu vẫn nhìn được nhưng có một hôm, Cường sang nhà bà nội nói với bà: “TV chi mà đen thui rứa bà?” Hôm sau Cường gọi: “Mẹ! Mẹ ơi!” mà chân bước sang hướng khác, không phải về hướng cô. Cô biết mắt trái của cháu cũng không thấy gì rồi. Cảm giác của cô lúc đó khó diễn tả lắm, vừa xúc động, vừa thương con. Hai vợ chồng khóc hết nước mắt vì con. Đến sau này sinh hai em Cường, cô vẫn còn sợ. May là Cường học giỏi, ngoan ngoãn, nhiều báo đài đến phỏng vấn. Cô tự hào vì con lắm!” 
Cường hào hứng “vẽ” tương lai của mình: “Em muốn làm nhà báo, luật sư hoặc những công việc liên quan đến Văn học. Em thích chơi đàn bầu nữa, sau này em sẽ học Học viện Âm nhạc Huế.” Mẹ Cường ngồi một bên nhìn em ánh mắt tự hào: “Cường ráng học giỏi rồi sau này đi làm nghe.”Theo Kênh 14

 
 

 

Lượt xem : 22669 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo