Hai con người cùng chung số phận mù lòa, họ cùng ra khơi bám biển để kiếm sống hằng ngày. Thế nhưng hạnh phúc gia đình của họ lại không giống nhau.
Ông Dương Văn Khư.
Nếu như ông Dương Văn Khư không tìm được cho mình một mái ấm nhỏ thì ông Lê Hận lại được sống đầm ấm cùng người vợ biết hy sinh và những đứa con yêu nghề chài lưới cho dù cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn.
Không đầu hàng số phận
Dương Văn Khư sinh ra trên mảnh đất đầy nắng và gió ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu bám biển trên những chuyến tàu ngoài khơi. Từ nhỏ cậu bé Khư luôn là niềm tự hào của gia đình và dân làng vì là cậu bé khỏe mạnh, cao lớn, sẽ trở thành một ngư dân cường tráng để chiến đấu với biển khơi. Vậy nhưng, ở đời ai biết trước được chữ "ngờ" và Khư cũng nằm trong số phận đó. "Khi mới 9 tuổi, đang học lớp 3, bỗng nhiên tôi bị đau mắt đỏ. Nhà nghèo, không có tiền chạy chữa, do vậy tôi bị nổ cả hai mắt, mù hẳn từ đó. Thương tôi, bố mẹ buồn bã, khóc lóc suốt, đến lúc đó thì không thể cứu chữa được nữa", ông Khư nhớ lại.
Do đặc trưng của miền biển nên thanh niên trai tráng trong nhà cứ lớn lên khỏe mạnh là lại theo nhau ra biển đánh cá. Do vậy, ở quê chỉ còn lại đàn bà và trẻ con. Trong cái xóm nghèo ấy, Khư không biết bầu bạn với ai, ở nhà quanh quẩn mãi cũng buồn chán, rồi ông mò mẫm tìm đường ra biển. Ngồi trước biển lớn bao la, mặc dù không thấy được nhưng ông vẫn cảm nhận được sự bao la của biển lớn từ những làn gió và những tiếng sóng vỗ.
Những lúc biển động Khư lại nghĩ về cuộc đời, số phận mình trong nỗi ấm ức. Rồi nhiều lúc thấy thuyền đánh cá về, ông ghé lại nói chuyện. Miệng nói, tay cứ lần mò gỡ những con cá mắc lưới giúp người ta, lâu dần thành quen tay. Từ đó mỗi buổi sáng ông lại thích ra biển để ngửi mùi tanh, mùi mặn chát của biển, nhưng hơn hết là ông muốn được thỏa mãn sự đam mê công việc của mình. Cũng từ đó, ông càng yêu biển, yêu quê hương và yêu chính bản thân mình hơn.
Khi được hỏi về cái duyên đưa ông đến với nghề biển, ông cười hiền mà nói: "Những lần ra biển, nghe người ta kháo nhau, tàu này được chục tấn cá, tàu kia được chục tấn mực tôi thích lắm liền xin mấy người cho đi theo chơi một chuyến". Khi vừa nghe ông ngỏ ý vậy, ai cũng lắc đầu nguầy nguậy từ chối, có người còn nói: "Mù lòa thế thì làm được gì, không khéo chúng tôi lại rước họa vào thân, vì lỡ may ông sa chân xuống biển". Nhưng khi thấy sự khẩn khoản, ao ước của Khư, một chiếc thuyền của người quen đành tặc lưỡi cho đi theo một chuyến.
“Trên thuyền, tôi đã giúp họ những việc nhẹ nhàng như kéo lưới, gỡ cá, nấu cơm... Thấy tôi làm việc cũng không tồi nên họ nhận tôi phụ giúp cho họ lâu dài. Mỗi chuyến đi biển về nếu họ được năm phần thì tôi được hai phần. Như rứa là tôi mừng lắm rồi. Cũng từ đó, tôi theo nghề đi biển cho đến bây giờ", ông Khư nhớ lại quá khứ huy hoàng của mình.
Cùng chung số phận với ông Khư là ông Lê Hận (66 tuổi), ở thôn Xuân Hòa nằm cách đó không xa. Cũng giống như người bạn của mình, đến năm khoảng 6 tuổi ông bị đau mắt hột rồi bị mù lòa, thế nhưng tính đến nay đã 42 năm ông đồng hành trên những chiếc thuyền đánh cá ngoài biển khơi. "Lúc đó ngồi trong bốn bức tường tôi thấy bức bối lắm, liền xin đám bạn trong xóm cho đi cùng để biết thế nào là đi đánh cá", ông nhớ lại.
Nghe bạn nói mủi lòng họ đành chấp nhận cho ông tham gia một chuyến đi với tư cách là khách du lịch. Vậy nhưng, Hận đã khiến mọi người bất ngờ về những thao tác của mình trên biển. Lần đi đó, Hận được chủ thuyền cho ít chục tiền công. Cầm số tiền đó, Hận chạy về nhà đưa cho bố mẹ mình, nhưng khác hẳn với suy nghĩ của mình gia đình tuyệt nhiên cấm ngặt không cho Hận ra khơi lần hai.
Vậy nhưng, lòng yêu biển, yêu nghề khiến Hận thường xuyên trốn gia đình theo đám bạn ra khơi. Ban đầu họ cũng e dè lắm. Nhưng thân nhau, nên bạn bè chiếu cố cho đi. Rồi dần dần ông cũng quen việc, có thể làm được mọi việc như người bình thường khác. "Thạo nghề, không đi theo bạn bè nữa mà tôi về đi cùng cha. Từ đó, hai cha con chinh chiến ngoài khơi không thua kém gì bạn bè, thuyền về khi mô cũng đầy ắp tôm, cá", ông Hận nói.
Vì mang thân phận mù nên trong những chuyến ra khơi đó không ít lần hai ông phải đối mặt với tử thần nhưng tình yêu biển của hai ông không vơi đi chút nào. “Năm 1991, trong một lần tôi đang thả lưới thì trời bỗng nổi sóng cao, thấy vậy anh em trong thuyền vội gom lưới để vào bờ, thế nhưng đi được một đoạn thì chiếc thuyền bỗng lật, không thấy đường, nên tôi chỉ bơi theo quán tính, lúc tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong nhà. Trong lòng tự hứa sẽ không bao giờ ra khơi nữa, nhưng khoảng vài tháng sau nỗi nhớ biển, nhớ bạn chài, nhớ những những con cá tươi trong chén rượu nồng lại rạo rực trong ông, và ông lại tiếp tục bám biển”, ông Hận cho biết thêm. Đối với những ngư dân, tai nạn là chuyện khó có thể tránh khỏi trong những chuyến đi, nhưng tình yêu biển, lòng đam mê nghề của họ không vơi đi chút nào.
Ông Lê Hận.
Niềm hạnh phúc cuối đời
Cùng chung phận mù lòa nhưng cuộc sống của hai ông lại hoàn toàn khác nhau. Đối với ông Lê Hận, vì là con một trong gia đình nên từ khi ông bị mù, bố mẹ khóc than cạn kiệt nước mắt. Đến lúc trưởng thành niềm khao khát có mái ấm nhỏ trong ông càng rạo rực, không những vậy, vì bố mẹ muốn có đứa cháu nối dõi tông đường nên cả nhà lại bắt đầu hành trình tìm người vợ cho Hận.
Nhiều người ngưỡng mộ sự tài giỏi của Hận nhưng khi đề cập đến chuyện vợ chồng họ đều từ chối khéo: "Mình chơi với nhau thì được chứ lấy nhau thì không thể", ông Hận nhớ lại. Không bằng lòng với số phận, ông vẫn tiếp tục khẳng định mình, khẳng định một người đàn ông mạnh mẽ, vượt lên số phận. Sau nhiều lần trầy trượt nhiều cô gái, ông sinh ra chán nản, muốn bỏ cuộc giữa chừng nhưng chính sự động viên của bố mẹ, ông lại phải gượng dậy, và hạnh phúc đã mỉm cười đối với chàng trai mù lòa.
Đó không ai khác là cô gái hàng xóm Nguyễn Thị Long, lúc đó đang là nhân viên chế biến hải sản của sở Thủy sản Quảng Bình. Chị Long quyết định đến bên chàng trai mù vì lòng cảm phục trước ý chí. Đồ lễ mà hai cha con Lê Hận đem đến cho nhà gái lúc đó chỉ là vài chai nước mắm nguyên chất mà gia đình mình làm được và vài cân cá tươi mới đi tàu về.
"Tình yêu nó ở ngay cạnh mình chứ không cần đi tìm đâu xa xôi", ông nói về tình yêu của mình. Cũng từ khi có vợ không những ông mà chính bố mẹ cũng thấy yêu đời hẳn. Đó là niềm vui lớn nhất đối với ông. Chung sống với nhau mấy chục năm, hiện vợ chồng ông đã có 5 người con. Tất cả đã lớn, nối nghiệp cha, trở thành những chàng trai đi biển giỏi giang, sắm thuyền lớn, chinh phục biển cả. "Giờ tuổi nhiều, sức khỏe giảm, con cái đã lớn, chúng đi biển cũng đủ nuôi sống cả nhà. Rứa mà tui vẫn thích đi biển, có lẽ biển đã ăn sâu vào máu thịt tui, lâu ngày mà không ra biển là trong người thấy ủ rũ, thiếu cái gì đó rất khó hiểu", ông Hận nói.
Với ông Khư thì khác, ông không tìm hạnh phúc cho mình, không phải vì ông không có ai thương: "Nhưng tôi không muốn người ta phải khổ vì mình, mù lòa thế này lúc trai tráng thì đỡ chứ lúc già đi thì khổ lắm, lương tâm tôi không cho phép mình trở thành gánh nặng cho người khác". Hiện nay ông sống độc thân trong ngôi nhà tình thương nhỏ mà chính quyền mới xây cho.
"Cuộc sống như tôi là quá mãn nguyện rồi, trai trẻ chinh chiến trên những con thuyền, về nhà được sống trong ngôi nhà ý nghĩa, mỗi lúc buồn tôi lại men theo con đường biển phía sau nhà để ra biển hóng gió, có khi là ra làm giúp họ để kiếm mớ cá, con tôm về ăn. Cuộc sống ẩn dật nhưng tôi thấy hạnh phúc lắm", ông Khư nói. Con người ông lầm lũi, ít nói, một người mang nhiều tâm trạng. Dù bước chân đã không còn vững chắc, nhưng ông Khư vẫn đều đặn ra biển mỗi ngày. Ông tâm sự: "Ở nhà thấy buồn lắm, cứ muốn ra biển thôi. Ra đó, mỗi lúc thuyền về, nhộn nhịp người qua lại, có tiếng nói, tiếng cười, vui lắm!".