Trang chủ --> Gương sáng --> Những đứa trẻ không nhìn đời bằng đôi mắt
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Những đứa trẻ không nhìn đời bằng đôi mắt

Với người bình thường, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đẹp như lời ca trong bài hát Đôi mắt của cố nhạc sĩ Xuân Hồng: “Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời/ Để nhìn đời và để làm duyên…”.  

 

Còn với những đứa trẻ khiếm thị, đời được “nhìn” bằng cách lắng nghe, cảm nhận, tưởng tượng và duyên được thể hiện qua sự lạc quan cùng cách lan tỏa niềm yêu đời cho những người xung quanh.

Ngôi nhà cho những đứa trẻ không nơi nào nhận

 

 

Các em lớp mẫu giáo đa tật đang xếp hàng đi ăn cơm

Tôi từng hình dung học sinh trong Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (tọa lạc trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5) là những đứa trẻ bị mù hoặc nhìn không rõ.

 

Có thể các em không nhìn thấy được thế giới xung quanh, nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, suy nghĩ vẫn nhanh nhạy và có khả năng nhận biết tốt các sự vật qua bốn giác quan còn lại như những chi tiết trong tác phẩm Đêm dài một đời của nhà văn Lê Tất Điều mà tôi từng đọc.

Vậy mà thực tế lại là một bức tranh hoàn toàn khác. Chỉ một số ít trẻ em ở đây bị khiếm thị đơn thuần, còn phần lớn trong số hơn 300 học sinh đang theo học là trẻ khiếm thị đa tật, nghĩa là bị mù hay nhìn kém kèm theo nhiều tật khác như chậm phát triển, khuyết tật vận động (do bại não, bị liệt một bên, gặp khó khăn trong vận động…), điếc, rối loạn về tâm lý, khó khăn trong giao tiếp, không thể kết hợp các giác quan, thậm chí bị tự kỷ.

Cô Hiệu trưởng Hà Thanh Vân giới thiệu với tôi: “Đây là ngôi nhà dành cho tất cả những đứa trẻ không nơi nào nhận”. Thì ra hầu hết các trường khuyết tật chỉ nhận trẻ khiếm thị đơn thuần, không nhận trẻ khiếm thị đa tật.

Cách đây ba năm, nhân một lần cô Thanh Vân dự hội nghịở Hà Nội, phụ huynh của bé Quang Anh (lớp 1) tìm cách gặp bằng được cô để thử xin cho con vào trường. Cha mẹ Quang Anh cho biết em bị khiếm thị đa tật, không thích nói chuyện dù biết nói, lại chỉ thích ngồi lì một chỗ dù không gặp vấn đề trong vận động. Em đã được đưa đến khắp các trường ở Hà Nội nhưng tiếc là không nơi nào nhận.

Đến nay, Quang Anh đang học lớp 1 do cô Phương chủ nhiệm, có thể tự sinh hoạt và nói chuyện rất nhiều. Biết em không thích trở về Hà Nội, các cô giáo hay trêu: “Phải nói giọng Sài Gòn thì cô mới cho ở lại đây”. Thế là em cố nói một tràng theo giọng Sài Gòn khiến mọi người không khỏi bật cười.

Ngoài ra, Trường Nguyễn Đình Chiều còn nhận cả trẻ khiếm thị vừa tròn bốn, năm tháng tuổi. Trong những trường hợp đặc biệt đó, cha hoặc mẹ bé ở lại trường cả ngày để vừa được hỗ trợ về mặt tinh thần, vừa được hướng dẫn cách chăm sóc con đúng phương pháp.

 

 

Trẻ khiếm thị học theo bảng hệ thống chữ Braille

Có dịp quan sát các lớp học, nhất là các lớp mẫu giáo và tiểu học, mới thấy được sự kiên nhẫn hiếm có của các cô giáo nơi đây. Thanh Hiếu (học sinh lớp 1) bị khiếm thị, bại não, chân tay co cứng, nói ngọng đến nỗi em lặp lại đến ba, bốn lần mà tôi vẫn không thể hiểu nổi điều em muốn nói.

 

Trọng Tấn, năm nay 11 tuổi, não kém phát triển nên đã học lớp 1 đến… ba năm! Các cô giáo ở trường cho biết với trẻ chậm phát triển về não thì không kỳ vọng có thể dạy đọc, viết, tính toán thành thạo, mà chỉ cố gắng để các em có thể tự làm được những việc thuộc về sinh hoạt cá nhân cơ bản.

Những trẻ không gặp vấn đề về nhận thức sẽ được các cô giúp nhận biết về thế giới, phân biệt cái tốt, cái xấu, thể hiện tình cảm, hành động có suy nghĩ và thậm chí có thể kiếm tiền để nuôi sống bản thân sau khi tốt nghiệp cấp III và biết nghề massage hoặc làm bánh flan, làm vòng tay bằng hạt cườm, làm nghề gốm, nhạc công…

Nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng khi người ta bị khiếm khuyết thị giác, các giác quan khác sẽ phát triển hơn như để bù lại sự mất mát, nhưng các cô giáo cho rằng đó không hoàn toàn là một quá trình bù đắp chức năng tự nhiên, mà phải trải qua cả một quá trình luyện tập vất vả và tốn thời gian.

Khác với người lớn hay mặc cảm vì khuyết tật, trẻ em dễ tìm thấy niềm yêu đời khi các em nhận thấy sự yêu thương và tin tưởng của người lớn. Cô Hòa, giáo viên lớp mẫu giáo đa tật lý giải:

“Những trẻ khiếm thị này rất đặc biệt ở chỗ có cách bày tỏ tình cảm mà không cần đến ánh mắt hay lời nói. Đặc biệt hơn, nụ cười của các em có thể lan tỏa niềm vui đến mọi người xung quanh. Đó là lý do các cô giáo chúng tôi có thể gắn bó nhiều năm với nghề”. Tình cảm đó được thể hiện qua sự cố gắng nghe lời, lặp lại lời nói hay hành động của cô giáo, dù rất khó khăn đối với các em.

Âm nhạc – một phương pháp trị liệu

Phương pháp trị liệu bằng âm nhạc đối với trẻ khuyết tật tuy còn khá mới mẻở Việt Nam nhưng được đánh giá là khá hữu hiệu đối với việc đưa trẻ khuyết tật hòa nhập được với cuộc sống bình thường.

Theo TS Trần Thu Hương – giảng viên khoa Tâm lý, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, trị liệu âm nhạc sẽ giúp trẻ khuyết tật về trí tuệ và có khuyết tật ở các cơ quan giác quan cảm nhận và bộc lộ được những cảm xúc bị dồn nén trong cơ thể, giúp trẻ phát triển tốt hơn khả năng diễn đạt và giao tiếp, mở rộng sự tiếp xúc với người khác và với thế giới bên ngoài, nhờ vậy trẻ khuyết tật có một cuộc sống khá gần với cuộc sống của những người bình thường.

 

 

Tập vở trẻ khiếm thị hiếm khi sạch sẽ nhưng các em không bao giờ mất đi niềm đam mê học tập

Còn theo nhà tâm lý học nổi tiếng người Anh Donald Woods Winnicott, âm nhạc trị liệu có thể dẫn dắt trẻ khuyết tật nói chung tham gia tích cực và sáng tạo vào các mối quan hệ xã hội, nhờ vậy trẻ sống hòa đồng và cởi mở hơn.

 

Hiểu rõ tác dụng của âm nhạc đối với trẻ khiếm thị, Trường Nguyễn Đình Chiểu đã đưa âm nhạc vào giảng dạy như một trong những môn học chính trong nhiều năm qua.

Lớp thanh nhạc do thầy Thanh, cũng là một người khiếm thị, phụ trách chính. Thầy truyền niềm yêu đời, nghị lực sống cho các học trò bằng giọng nói trầm ấm và nụ cười giòn tan. Hiện thầy đang phụ trách chín lớp nhạc, mỗi lớp có khoảng tám, chín học sinh.

Cũng như nhiều giáo viên khác ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, thầy không chỉ đơn thuần dạy về âm nhạc, mà còn là người giúp gỡ rối trong đời sống tâm tư, tình cảm và định hướng tương lai cho học trò của mình, nhất là các em lớp 8, lớp 9.

Các thầy cô với kinh nghiệm sống thường phân tích cho các em thấy những nghề phù hợp với người khiếm thị. Bản thân thầy Thanh vốn mê môn Lịch sử nên cố gắng theo học môn này.

Tiếc rằng sau khi ra trường, thầy không tìm được công việc phù hợp với sở thích. Cũng may là thầy còn niềm đam mê âm nhạc và con đường giảng dạy âm nhạc có vẻ đã bén duyên với thầy.

Thầy Thanh nhìn nhận: “Những em khiếm thị tìm đến với âm nhạc như một thế giới mới để thư giãn, tạo niềm vui, tạm quên nỗi buồn, mặc cảm để có cuộc sống cân bằng hơn”. Nhiều em khi vào lớp chỉ muốn quậy phá, la hét, đến khi được nghe những giai điệu âm nhạc yêu thích thì mới dần bình tâm trở lại.

 

 

Buổi học nhạc của lớp thầy Thanh bao giờ cũng rôm rả. Thầy vừa cất giọng hỏi: “Bài tập nhạc số sáu trang mấy?”, lập tức Nhật Hào nhanh nhảu trả lời: “Dạ, trang 67”. Nhật Hào bị mù bẩm sinh, nhanh nhẹn, hay nói nhưng học nhạc không tốt lắm vì tiếp thu kém.

 

Trong lúc các bạn khác đang hí húi lần từng nốt, Việt Hoa phát âm các nốt nhạc khá chuẩn rồi khe khẽ hát từ bài Trái đất này là của chúng mình đến Hòa bình cho bé rất hay khiến tôi nghĩ có lẽ bé chỉ bị khuyết tật về mắt.

Thật bất ngờ khi qua thầy Thanh, tôi mới hay em bị bệnh về não, chậm phát triển, chỉ có năng khiếu về âm nhạc, còn những việc khác đều gặp khó khăn.

Cùng hoàn cảnh như Việt Hoa là Hạo Nhiên, 7 tuổi, học lớp mẫu giáo đa tật. Nhìn dáng em ngồi trước cây đàn organ, những ngón tay trắng tròn lướt trên phím đàn thật điệu nghệ để đệm cho các bạn trong lớp hát bài Em là bông hồng nhỏ, Ba bà đi bán lợn con, ít ai ngờ rằng em bị khiếm thị và có vấn đề cả về não lẫn ngôn ngữ.

Trước khi chia tay tôi, thầy Thanh chia sẻ:

“Không phải trẻ khiếm thị nào cũng dễ cảm thụ và học tốt âm nhạc. Quan trọng nhất là các em phải đam mê và chú tâm học tập thì mới tiến bộ được.

Một số học sinh của trường nhờ tiếp thu tốt chương trình giáo dục thẩm mỹ, âm nhạc mà sau khi ra trường đã tham gia biểu diễn ở các quán cà phê trong thành phố để kiếm sống, điển hình là Mạnh organ, Tú guitar, An đàn cổ…

Hy vọng rằng với âm nhạc trị liệu, các học sinh của Trường Nguyễn Đình Chiểu sẽ dễ dàng hòa nhập với xã hội, sẽ tìm thấy một thế giới nhiều màu sắc cho riêng mình và có một cuộc sống ổn định trong tương lai”.

Mong chờ những cái nắm chặt tay và sự yêu thương

Một buổi trưa cuối tuần, tôi nhìn thấy Quang Anh đang ngồi ở ghế đá gần căn-tin, chờ người nhà đến đón. Biết tôi đến ngồi bên, em liền quay sang, đưa hai bàn nắm lấy tay tôi, nắn nhẹ từ bàn tay lên bắp tay, khuỷu tay như để tìm những nét thân quen.

- Cô có về nhà với Quang Anh không? – Em hỏi.

- Cô không về nhà với Quang Anh được. Cô có nhiều việc phải làm. Quang Anh về nhà ngoan nhé.

- Ngoan thì sao? Bây giờ cô đi đâu? Cô có về với Quang Anh không? Quang Anh ngoan thì cô yêu Quang Anh như cô Phương nhé!…

Trong suốt buổi nói chuyện, bàn tay em cứ nắm chặt tay tôi, một chân em giẫm lên bàn chân trái của tôi như muốn giữ tôi cho riêng mình. Quang Anh có vấn đề về ngôn ngữ nên cuộc đối thoại của chúng tôi không liền mạch, cứ phải nhắc đi nhắc lại…

Cái nắm tay dường như là một hành động nhận thức và truyền lực ghê gớm với trẻ khiếm thị. Lần đầu tiên gặp Dũng (học sinh lớp 6) khi em đang ngồi ở ghế đá sân trường, tôi đã không thể bắt chuyện với em vì em chỉ muốn ngồi một mình. Tôi hỏi gì, em cũng nghiêng đầu lắng nghe và cười: “Dạ!”.

 

 

Trẻ khiếm thị “nhìn” bằng cách lắng nghe, cảm nhận, tưởng tượng

Đến khi tôi đưa tay nắm lấy tay em, bàn tay em run lên khe khẽ. Sau một lúc cảm nhận được tình cảm từ người đối diện, em mới mở lời nhiều hơn. Em nói tên tuổi của mình, nói lý do vì sao em chỉ thích ngồi một mình. Em còn cho biết rằng em thích ở trường hơn ở nhà vì khi ở nhà, em cảm thấy mình làm cho gia đình buồn nhiều hơn vui.

 

Dường như những đứa trẻ đáng thương ở ngôi trường này đều rất sợ bị ghét bỏ và làm cho người khác buồn phiền hoặc không hài lòng. Đang ngồi thực hành gõ văn bản bằng phần mềm MDC (phần mềm tiếng Việt dành cho người khiếm thị), nghe tiếng cô Thanh Vân bước vào, Việt Hoa nhanh nhảu thưa:

“Cô ơi, con ngoan rồi, con hết bốc đồ ăn rồi”. Hỏi ra mới hay trước đây em bị cô giáo nhắc nhở nhiều lần vì hiếu động quá mức và hay dùng tay bốc thức ăn. Được cô hiệu trưởng xoa đầu khen: “Thế thì ngoan lắm!”, Việt Hoa vừa nhún nhảy trên ghế, vừa cười hết cỡ, khoe đủ mấy chiếc răng sún.

Viết về cảm giác của một đứa trẻ khiếm thị khi cảm nhận được sự yêu thương, nhà văn Lê Tất Điều đã viết: “Cổ tay tôi nằm gọn gàng yên ổn trong bàn tay mềm của chị. Bỗng dưng tôi cảm thấy nôn nao muốn khóc. Tôi nhớ đến những lần được đi giữa hai bàn tay dẫn dắt của cha mẹ ngày xưa…

Tôi cảm thấy mình nhỏ bé lắm, nhỏ bé đến nỗi có thể nằm tròn trong sự che chở của chị, như một hài nhi nằm gọn trong nôi… Đêm hôm ấy tôi đã thức cho thật khuya cho ngày dài thêm, để tận hưởng một ngày hoàn toàn sung sướng” (trích tác phẩm Đêm dài một đời).

Hiểu được điều này nên nhiều người dù không phải là người thân nhưng vẫn không quản khó nhọc, vất vả để chăm sóc những đứa trẻ khiếm thị. Cô Hòa ngoài việc làm chủ nhiệm lớp mầm non đa tật còn nhận chăm sóc hai trẻ khiếm thị tại nhà. Cô cho biết:

“Cha mẹ của hai em này ở dưới quê, phải đi làm suốt ngày mà không nơi nào nhận giữ con giùm. Các em ở với tôi đã hai năm nay để có điều kiện được đi học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu”.

Trong số nhiều phụ huynh đến đón con mỗi chiều, tôi còn gặp ông Hai – bác của em Phúc (học lớp 1, năm thứ hai). Cha mẹ của Phúc ở xa nên ông Hai nhận đưa đón, chăm sóc Phúc hằng ngày.

Ông tâm sự: “Những đứa trẻ khiếm thị và chậm phát triển như Phúc rất khó nhận thức nên việc dạy dỗ, chăm sóc không dễ dàng gì. Nhưng vì đó là những đứa trẻ bị thiệt thòi, mình phải chịu khó tiếp xúc, trò chuyện, gần gũi các cháu càng nhiều càng tốt. Không nên bỏ bê chúng, tội nghiệp lắm!”.

Hiện tại, khá nhiều gia đình có con theo học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu thuộc diện khó khăn về kinh tế. Để hỗ trợ chi phí cho gia đình, trường miễn phí chỗ ở nội trú và dụng cụ học tập, học nghề, chỉ thu mỗi em 35.000 đồng tiền ăn mỗi ngày.

Vậy mà nhiều gia đình cảm thấy khó khăn với tổng chi phí 1.350.000 đồng mỗi tháng cho con mình. Một số gia đình có đến ba, bốn con bị khiếm thị càng không thể kham nổi khoản chi phí năm, bảy triệu đồng.

Vì thế, khi một em nào đó được cấp học bổng hoặc được nhận đỡ đầu trong một hay nhiều năm thì đó là niềm vui không chỉ cho bản thân em, mà còn cho cả gia đình lẫn nhà trường.

Trong năm qua, việc học tập của các em Trường Nguyễn Đình Chiểu thuận lợi hơn rất nhiều nhờ sự hỗ trợ về các dụng cụ học tập như máy vi tính, máy chiếu, lò gốm điện tử, dụng cụ làm gốm thủ công… cùng nhiều suất học bổng giá trị.

Nhưng sự hỗ trợ này chủ yếu là từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và Loreto Australia Vietnam – một tổ chức phi chính phủ quốc tế tích cực tham gia phát triển giáo dục, xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam. Hiện chưa có nhiều nhà hảo tâm trong nước biết đến sự khó khăn của các em khiếm thị nơi đây.

Cô Thanh Vân chia sẻ: “Tôi luôn chờ đón sự hỗ trợ vật chất như gạo, mắm, muối, bột ngọt… của các mạnh thường quân để bữa ăn của các em thêm đầy đủ, nhất là mì gói – món ăn khoái khẩu của các em nội trú mỗi tối trước khi đi ngủ. Không gì cảm động hơn những chiếc áo sơmi trắng mà một nhà hảo tâm đã tặng các em trong ngày khai giảng. Trong chiếc áo mới tinh, các em trông tinh tươm và đáng yêu hơn”.

Nhìn những đứa trẻ khiếm thị ngây thơ của lớp mẫu giáo đa tật đang tập đếm que tính một cách khó nhọc, trong tôi có niềm tin mãnh liệt rằng với sự quan tâm chu đáo hơn của toàn xã hội, tương lai tươi sáng sẽ đến với các em để bù đắp cho những thiệt thòi mà các em đã phải gánh chịu từ lúc còn thơ.


 

XUÂN LỘC/DNSGCT
 


 

 

 

Lượt xem : 19541 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo