Trang chủ --> Gương sáng --> Xua bóng tối bằng đôi tay
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Xua bóng tối bằng đôi tay

Bị mù từ khi lên 8, cuộc sống của Quân bị bóng tối vây bủa. Ngôi nhà mình ở như thế nào, hình ảnh cha mẹ, những người thân và ngay cả con đường về nhà, Quân cũng không thể nhớ. Song,ý chí vượt qua tật nguyền bằng sự ham học, ham làm của Quân vẫn không hề mất đi.

 

Lũ lụt. Nước tràn vào thềm cơ sở xoa bóp - massage Niềm Tin của người khiếm thị (02/19 Nguyễn Công Trứ, phường 4, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).  Nhóm 5 anh em người mù bỗng thấy buồn tẻ vì vắng khách. Bởi, mỗi ngày trôi qua là một thử thách, khi họ đang cố gắng mưu sinh bằng sức lao động của chính mình nơi đất khách quê người. Trăn trở nhất vẫn là Võ Văn Quân, người phụ trách cơ sở Niềm Tin. Cuộc sống của Quân là những chuỗi ngày dài với khát vọng tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.

 

 

 

 

kt101113.jpg

Anh Võ Văn Quân (bìa phải) cùng các nhân viên cơ sở xoa bóp -massage Niềm Tin trong phút thư giãn - Ảnh:M.NGUYỆT

 

 

NHỮNG BƯỚC NGOẶT

 

 

 

“Số người mù tại các địa phương là rất lớn, trong khi không phải nơi nào cũng có Hội Người mù để giải quyết việc làm, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Mình phải mở rộng mô hình, vay thêm vốn để có thể nâng cấp cơ sở massge, đồng thời nhận thêm nhiều bạn khuyết tật vào làm. Giá như có người thông cảm, có điều kiện mà hỗ trợ vốn cho cơ sở thì tốt biết mấy!” - Quân trăn trở.

Đôi mắt Quân không còn nhìn thấy rõ mọi vật sau đợt bệnh sởi kéo dài lúc 8 tuổi. Khi đó, gia đình Quân đang sống tại vùng quê nghèo ở Tiền Giang. Trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, khó khăn thiếu thốn trăm bề, chỉ có tình người là trọn vẹn. Song, điều đó vẫn không thể nào làm cho đôi mắt của cậu bé Quân sáng lại. Ước mơ được cắp sách đến trường chỉ là mơ ước, mọi cánh cửa như sập lại trước mặt Quân. Hàng ngày, Quân chỉ còn biết ngồi ở nhà, lòng buồn tủi khi chỉ nghe tiếng gọi của bạn bè, người thân mà không sao nhìn thấy họ.

 

 

Năm 20 tuổi, cái tuổi thanh niên đầy khát vọng đã vực dậy trong Quân ý nghĩ: “Mình phải sống sao cho thật ý nghĩa, không thể suốt đời nhờ vả vào người thân”. Trong lòng Quân nhen nhóm hy vọng về một cuộc sống tự lập. Và rồi, một bước ngoặt đã làm thay đổi cuộc đời khi cha mẹ đưa Quân lên Sài Gòn để học chữ Brai ở trường Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường dành cho người khiếm thị.

 

5 năm, ngoài học chữ, Quân còn học và làm các nghề thông dụng dành cho người mù như bó chổi, chẻ tăm tre, làm dụng cụ vệ sinh… Vất vả nhất là khi rời trường, đi tìm kế mưu sinh. Lạc lõng nơi đất khách quê người, Quân tuy lanh lợi song đâu thể chủ động mọi sinh hoạt của mình. Cuộc sống nay đây mai đó, vất vưởng trên từng góc phố để bán vé số, đánh giày... đôi lúc làm Quân hoang mang, nhưng vẫn không có ý định bỏ cuộc mưu sinh.

 

Rồi anh về Hội Người mù tỉnh Tiền Giang làm việc suốt 10 năm. Ở đó, anh giúp người mù được học và làm các nghề thông dụng. Đó cũng là những tháng ngày anh có thể kiếm được tiền riêng cho mình. Hạnh phúc và hãnh diện lắm khi anh có thể tự nuôi sống bản thân. Nhưng Quân không quên được những người bạn cùng chung cảnh ngộ. Mong muốn tìm một hướng đi, một công việc ổn định, phù hợp với người mù, Quân nảy ra ý tưởng thành lập cơ sở massage. Sau khi “rủ rê”, bàn bạc với một số bạn bè có điều kiện, anh “đánh liều” mở cơ sở. Quân bộc bạch: “Sống kiếp đui mù khổ lắm! Cả đời không được thấy đường thấy sá, không thấy ánh mặt trời. Mặc cảm nhất là phải sống lệ thuộc vào người khác”. Bởi thế, anh cùng nhóm bạn bảo nhau cố gắng “mở lối” cho lớp đàn em có điều kiện được đi làm, không phải vất vả bán vé số, làm thuê như anh trước kia.

 

Thật không dễ dàng gì khi một người mù tìm huyệt đạo để xoa bóp cho người khác, nhưng khó khăn đó không thể ngăn anh học và đến với nghề. Quân nhớ lại: “Lúc đầu chưa quen, không dễ gì làm được. Ban ngày học ở lớp, ban đêm tôi về phòng, nhờ bạn mình “nằm mẫu” để tự học thêm”.

 

 

 

Khiem-thi2101113.jpg

Nhân viên cơ sở Niềm Tin massage cho khách hàng - Ảnh: M.NGUYỆT

 

 

VƯỢT QUA BÓNG TỐI

 

Vào phòng massage, ánh sáng dìu dịu khá dễ chịu. Ở đây có những chiếc giường vừa đủ một người nằm, được thiết kế khá chuyên dụng cho massage. Có bốn nhân viên thay nhau phục vụ. Những người đến với cơ sở này chủ yếu là khách hàng quen. Họ tín nhiệm và giới thiệu cho bạn bè mình.

 

Trò chuyện mới biết nhân viên phục vụ ở đây phải học và thực hành gần một năm trước khi ra nghề. Thế mới thấy công việc này không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai bàn tay điêu luyện, lành nghề của các nhân viên, vừa bấm huyệt vừa massage sống lưng, cổ, vai, gáy, bàn chân, đầu…, nhanh chóng làm giảm hẳn các cơn đau nhức của khách. Một ngày làm việc của những người khiếm thị ở cơ sở massage Niềm Tin thường bắt đầu từ 8g sáng đến 10g tối. Họ gồng mình truyền lực xuống đôi bàn tay để giúp khách hàng có những giây phút thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng. Nhìn những đôi mắt mờ đục ấy, khó đoán biết được họ đang nghĩ gì, buồn hay vui...

 

Mỗi ngày được làm việc là một ngày hạnh phúc đối với Nguyễn Quốc Tuấn, một người khiếm thị ở cơ sở này. Tuấn nói: “Rất cảm ơn cơ sở đã cho tôi một nơi để làm việc. Nơi đây không chỉ là chỗ làm mà còn là chỗ dựa đúng nghĩa về vật chất lẫn tinh thần. Mọi người cư xử với nhau như anh em ruột thịt. Mỗi khi vắng khách, anh em quây quần tâm sự chuyện gia đình, đàn hát cho nhau nghe”. Với cô gái Phạm Thu Thủy, công việc còn khá mới mẻ. Từ tỉnh Đắk Lắk, Thủy đến làm việc ở cơ sở Niềm Tin chỉ mới 5 ngày, thì đã có 4 ngày Tuy Hòa chìm trong mưa lũ. Thủy bày tỏ: “Không phải ai cũng thích làm nghề này, nhưng khi đã học xong thì không thể bỏ. Em mong sao sẽ có nhiều khách đến để cơ sở phát triển, giúp được nhiều người mù hơn. Nghề massage đem lại sức khỏe cho mọi người, em cảm thấy rất vui”.

 

Điều đáng nói là cơ sở massage đúng nghĩa này dần dần được nhiều người biết đến và có sức lan tỏa bởi giá trị nhân đạo, tình thương. Anh Trần Thanh Tùng, một công chức ở TP Tuy Hòa, bộc bạch: “Tôi hay đến cơ sở massage Niềm Tin những khi mỏi mệt. Tôi nghĩ, thay vì hoang phí tiền vào những trò vô bổ, các bạn hãy đến đây thư giãn, đồng thời mang lại niềm vui cho người khiếm thị. Họ massage khá chuyên nghiệp, mang lại sức khỏe đúng nghĩa”.

 

 

 

Khiem-thi-101113.jpg

Nhân viên cơ sở xoa bóp -massage Niềm Tin  massage cho khách hàng - Ảnh:M.NGUYỆT

 

 

TIN Ở NGÀY MAI

 

 

 

“Vé massage chỉ 40.000 đồng. Bán được nhiều vé cũng có nghĩa là những người khiếm thị ở đây có việc làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống. Trong hoàn cảnh như vậy mà họ tự nuôi sống mình là rất đáng khâm phục”.

 

(Bà Lê Thị Hồng ở phường 4, TP Tuy Hòa, khách hàng thường xuyên của cơ sở xoa bóp - massage

Quân tâm sự: “Khi quyết định mở cơ sở massage, tôi biết sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng thực tế còn khó khăn hơn tôi tưởng. Ai cũng nghĩ tôi “khùng”, mù mà bày đặt đòi làm massage. Nhưng tôi quyết tâm duy trì và đã thành công”.

 

 

Năm 2007, có được chút ít vốn, Quân mượn thêm tiền từ bạn bè và gia đình để hùn hạp với các bạn mở tiệm massage ở Nha Trang (Khánh Hòa). Song, ở đó có rất nhiều cơ sở làm dịch vụ này nên khách đến ít, anh lỗ hơn 30 triệu đồng. Không nản, Quân lại bôn ba đi tìm kiếm “đất lành” để một mình lập cơ sở mới. TP Tuy Hòa (Phú Yên) là nơi thích hợp mà anh chọn. Quân kể: “Ban đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu xin giấy phép. Dịch vụ mình đăng ký là massage, một nghề “nhạy cảm” nên rất khó được duyệt. Hơn nữa, người ta cũng e ngại toàn là người mù mà tính chuyện làm ăn nỗi gì, nên cứ dây dưa”. Quân kiên nhẫn đi đi về về không biết bao nhiêu lượt để giải thích, và cơ sở massage Niềm Tin được cấp phép hoạt động sau 45 ngày chờ đợi.

 

Đầu tư vốn mua giường, máy lạnh và các vật dụng khác, Quân xoay xở được. Nhưng cái khó là tìm được địa điểm thuê thuận lợi với giá cả phù hợp. Mở tiệm massage, một dịch vụ “nhạy cảm”, nên dù là cơ sở của người khuyết tật, nhưng Quân cũng gặp phải những chuyện không hay. Anh thổ lộ: “Đi thuê nhà cũng khó lắm. Hễ tới đâu mà nói mở dịch vụ massage là người ta đều dị ứng. Mình làm chuyện có ích mà họ cứ tưởng có gì mờ ám nên từ chối thẳng thừng”.

 

Những khó khăn không làm Quân nản chí, khi chính nơi đây anh đã gặp được tình yêu của mình ở tuổi 45. Ngày ngày, tổ ấm Niềm Tin có một “cô Tấm” xuất hiện, lo từng bữa ăn cho Quân và cho những người mù. Chị H.T.D như ánh mặt trời sưởi ấm tâm hồn Quân, giúp anh có thêm động lực để tiếp tục duy trì ước mơ.

 

Không thấy được mặt người yêu song Quân biết, D là một cô gái có tâm hồn rất đẹp. Còn D yêu anh không hề tính toán. Yêu anh, chị thương cả những người trong hội, tận tình giúp đỡ những lúc họ gặp khó khăn.

 

Để cơ sở massage thực sự phát triển, là điểm tựa của những số phận bất hạnh, Quân đang cố gắng truyền nghề và tổ chức phục vụ tận tình, chu đáo để khách hàng đến đây không chỉ vì cảm kích, còn vì chất lượng phục vụ.     

 

Thật trân trọng những gì mà anh Võ Văn Quân đã và đang làm để cùng những người mù vượt lên số phận, vững bước vào đời, bỏ lại phía sau sự mặc cảm, tự ti.  

 

DƯƠNG THU THỦY 

 

Hoàng Kim (theo Phú Yên Online)  

Lượt xem : 20881 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo