Trang chủ --> Gương sáng --> Gian nan kế mưu sinh của một gia đình khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Gian nan kế mưu sinh của một gia đình khiếm thị

“Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, vậy mà ngay lúc sinh ra, ông Phạm Hữu Bằng (41 tuổi), ở Nam Sơn, Kiến An, đã phải sống trong bóng tối bởi mù lòa trong khi gia đình lại thuộc diện nghèo khó. Nhờ ăn ở hiền lành, chất phác và may mắn, ông Bằng lấy được một người vợ mắt sáng. Nhưng con đường mưu sinh kiếm “bát cơm manh áo” để duy trì, xây đắp tổ ấm đối với gia đình ông thật chật vật,  gặp nhiều lắm nỗi gian truân, vất vả.
Hai bố con ông Bằng trong lán trại trông cá
Vợ ông là bà Bùi Thị Hùy, người Tràng Cát (Hải An), hơn ông 11 tuổi, cũng sinh ra trong một gia đình đông con (8 anh chị em) nghèo khó. Lấy nhau không đồng vốn làm ăn, đã thế cả hai vợ chồng ông Bằng lại đều không có lấy một tấc ruộng mặc dù đều xuất thân từ nhà nông. 4 miệng ăn trong gia đình (cha mẹ già và 2 vợ chồng ông) sống cầm cự “bữa đói bữa no” qua ngày nhờ vào gần 2 sào ruộng của cha mẹ ông được cấp. 

Giai đoạn túng quẫn, tủi cực nhất trong cuộc mưu sinh của gia đình hằn sâu trong tâm trí ông là năm vợ ông sinh con đầu lòng. Năm đó, có sức khỏe và dựa vào khả năng nhận biết đặc biệt của người khiếm thị, ông tham gia phụ giúp người anh trai phá tường nhà đất cũ để đào móng xây nhà mới. Ai ngờ tai nạn lại ập đến, bất ngờ bờ tường đổ đã cướp đi sinh mạng anh trai ông, bản thân ông thì bị gãy 2 chân. Lúc đó vợ ông lại gần đến ngày chuyển dạ, cha mẹ thì già yếu, thương con nhưng không giúp được gì. Đội tang anh chồng xong, vợ ông ôm bụng vào viện nuôi chồng được 5 hôm thì cũng chuẩn bị trở dạ, phải về nhà khăn gói vào viện sinh con.

“Bản thân tôi đã mù lòa, lúc đó lại què quặt; gia đình có 5 anh em, thì ba người anh lần lượt qua đời, còn người chị gái lấy chồng xa, đông con túng bấn hơn cả em nên chẳng giúp được gì. Đằng ngoại anh em cũng toàn người nghèo, mọi người cưu mang gia đình tôi từng lẻ gạo... Cảnh tượng cuộc sống lúc đó thật “cười ra nước mắt”! Vợ đẻ, đến cơm rau không có ăn; đứa con gái đầu lòng nhiều bữa đói lả. 8 năm sau, đứa con gái thứ hai của tôi ra đời vẫn còi cọc, nheo nhóc giống như chị nó trước kia…” - ông Bằng kể lại.

Cái đói nghèo đeo đẳng gia đình người khuyết tật mãi không chịu buông - dù ông Bằng đã rất nỗ lực phụ giúp vợ, chăm sóc gia đình con cái; cần mẫn lao động bằng mọi khả năng có thể của mình. Ông cùng vợ ra đồng mò mẫm cuốc ruộng, đắp bờ, tát nước... Trong làng biết ai có ruộng cho thầu là vợ chồng ông xin nhận cấy rẽ. Ông còn động viên vợ nhận thầu 5 sào đầm giữ cánh đồng, rồi 2 vợ chồng ông cùng nhau đắp vùng, quây lưới thả cá… Tưởng đã xuôi chèo mát mái, gạo tạm đủ ăn được 3 vụ, thì lụt lội, mất mùa xảy ra, “vài đồng vốn cũng đội nón ra đi”, đói lại hoàn đói. Không có tiền lo cho 2 con ăn học (mặc dù nhà trường có hỗ trợ nhiều), con gái lớn của ông bà đang học dở bậc THCS phải nghỉ, ở nhà phụ cha mẹ việc đồng áng, nuôi cá.

Phải đến năm 2009, được sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của người cháu vợ, gia đình ông Bằng lại mạnh dạn thầu 2 mẫu đầm thực hiện mô hình nuôi cá cảnh theo thế liên hoàn. Với hệ thống bể kính, máy sủi, máy lọc, mấy ngàn thùng xốp…, gia đình ông nuôi hơn 1.000 đôi cá cảnh bố mẹ đủ loại: thiên thần, mắt ngọc, hồng cam, hồng quế… để tự nhân giống. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên mô hình nuôi cá cảnh của gia đình ông cho năng suất cao. 1 đôi cá bố mẹ chăm sóc tốt cho từ: 500-700 đôi cá con/1 lứa. Chỉ sau 20 ngày tuổi là cá con đã được bán ra thị trường. Trung bình giá bán buôn của các loại cá cảnh từ 5.000-40.000 đồng/1 đôi. 1 năm cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng, trừ chi phí đi cũng được 50-80 triệu/năm. Nhờ đó cuộc sống của gia đình ông đã tạm đủ ăn.

Thế nhưng gia đình vừa tạm ổn được năm trước, năm sau vợ ông Bằng lại quay ra đổ bệnh. Do lao động quá sức, bà Hùy bị thoái hóa khớp xương cổ tay và xương sống. Và năm 2011, bà Hùy đã phải vào viện làm phẫu thuật, may không bị liệt, nhưng sức khỏe của bà rất yếu, chỉ có thể làm được những việc nhẹ nhàng… Bố khiếm thị, mẹ ốm yếu, gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” giờ đây đè nặng lên đôi vai cô con gái lớn 21 tuổi Phạm Hằng.

Một mình Hằng, dưới sự hướng dẫn của người anh họ, phải đảm nhiệm tất cả các khâu kỹ thuật chăm sóc cá cảnh, theo dõi thời gian sinh sản; vận chuyển cá bố mẹ từ bể kính trong làng ra thùng xốp ngoài đầm khi đến ngày sinh sản, giao bán cá và quán xuyến luôn cả việc ruộng đồng thay mẹ… Cô con gái út 13 tuổi - Phạm Năng, ngoài thời gian đi học, hàng ngày cũng phải kết hợp với chị gái và bố mẹ vận chuyển cá, nấu bột cho cá ăn, dọn vệ sinh ao đầm, kéo lưới bắt cá bán…

“Giàu hai đôi mắt, có hai bàn tay”, mặc dù đôi mắt của ông Bằng bẩm sinh đã không nhìn thấy gì, song với sự nỗ lực lao động, khát khao vượt lên số phận của từng thành viên trong gia đình ông, cùng với mô hình nuôi cá cảnh mới đạt hiệu quả, hy vọng rằng, tương lai tươi sáng sẽ đến với gia đình ông trong một ngày không xa.
KC  
Lượt xem : 12262 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo