Trang chủ --> Gương sáng --> Cậu học trò khiếm thị Lê Minh Tâm phấn đấu trở thành sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Cậu học trò khiếm thị Lê Minh Tâm phấn đấu trở thành sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

Từ khi lọt lòng mẹ, đôi mắt của Lê Minh Tâm (ngụ ấp Trường Phước, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành) đã không nhìn thấy ánh sáng. Tuy khiếm thị, nhưng Tâm vẫn luôn vượt khó vươn lên mà không hề mặc cảm. Không những vậy, Tâm còn có thể tự đi làm kiếm tiền nuôi thân. Hiện nay, chàng trai khiếm thị này đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Tâm sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Gia đình Tâm có đến 11 anh chị em, nhưng trong đó có 5 người bị khiếm thị. Cha của Tâm nay đã 65 tuổi và mưu sinh bằng cách chụp ảnh dạo. Còn mẹ của Tâm cũng đã 63 tuổi và mất sức lao động từ nhiều năm nay. Toàn bộ gánh nặng gia đình bao năm nay đều đặt lên đôi vai gầy gò của cha. Lúc nhỏ, Tâm được gia đình đưa đến học ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh. Ở đây, ngoài việc học văn hóa, Tâm còn được học đàn organ. Cậu học trò này đã tỏ ra có năng khiếu âm nhạc. Kết quả là Tâm từng được sang Na Uy biểu diễn loại nhạc cụ này. Sau đó do Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh chỉ dạy văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5 nên khi học xong cấp 1 thì Tâm phải chuyển xuống TP. Hồ Chí Minh để học ở Trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Trong những năm học cấp 2, cấp 3 ở đất “Sài thành”, cậu học trò Lê Minh Tâm đã từng đoạt huy chương bạc Hội thi Văn nghệ và Thể thao toàn quốc, huy chương vàng Hội thi Cờ vua và cờ tướng TP. Hồ Chí Minh, giải nhì cuộc thi học sinh giỏi môn văn TP. Hồ Chí Minh.

LM-TAM1

Tâm đang biểu diễn văn nghệ tại buổi họp mặt sinh viên Tây Ninh năm 2013

 

 

Sau nhiều năm miệt mài đèn sách, cuối cùng Tâm đã tốt nghiệp cấp 3 và nộp đơn thi vào khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Bằng sự phấn đấu không biết mệt mỏi, cuối cùng thì ước mơ của Tâm đã thành sự thật. Năm 2012, tin vui đã đến với cậu học trò nghèo khiếm thị này. Tâm nhớ lại: “Lúc đó cầm giấy báo trúng tuyển vào đại học, mình vừa mừng, vừa lo. Mừng vì ước mơ làm thầy giáo của mình đã thành hiện thực. Còn lo vì không biết bản thân mình có đủ điều kiện để đi hết con đường dài đầy chông gai này không?”. Thế rồi khó khăn càng tăng lên gấp bội khi môi trường đại học không có trường dành riêng cho người khiếm thị. Tất cả mọi thứ Tâm đều phải học chung với những sinh viên sáng mắt khác. Ở đại học, Tâm mới thấy chương trình học rất khó và không đơn giản như hồi phổ thông. Để khắc phục yếu điểm này, Tâm đã ghi âm bài giảng rồi về nhà mở nghe lại. Song song đó, Tâm cũng phải mài mò lên mạng để tìm thêm tài liệu. Nhờ cách học này mà Tâm mới có thể theo kịp các bạn học cùng lớp.

Ngoài những khó khăn ở giảng đường, cậu học trò khiếm thị này còn phải đương đầu với nhiều thách thức khác. Ngày mới nhập học Tâm định xin vào ký túc xá ở, nhưng lại không tiện cho việc đi làm thêm nên đành phải ra ngoài thuê phòng trọ. Nơi Tâm ở trọ cách trường khoảng 3 km. Thời gian đầu, do chưa quen đường nên Tâm thuê xe ôm chở đến trường và rước về. Nhưng cách đi này tốn nhiều chi phí quá. Gần đây, Tâm tập đi học bằng xe buýt. Để có tiền đóng học phí, ăn uống, đi lại và trả tiền phòng trọ, vào chủ nhật hằng tuần dù là trời mưa hay nắng, Tâm đều tranh thủ đi bán vé số dạo. Với cây đàn ghi ta và sấp vé số trên tay, Tâm dò dẫm đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của đất Sài Gòn để bán. Mỗi ngày Tâm bán được 200 tờ vé số, kiếm lời được 200.000 đồng. Một tháng có 4 ngày chủ nhật, cũng chỉ kiếm được 800.000 đồng. Nhưng số tiền kiếm được từ việc bán vé số cũng chỉ trả được phân nửa tiền thuê phòng trọ. Thế là Tâm dành thêm thời gian buổi tối để dạy đàn cho trẻ em. Hiện nay, Tâm đang dạy đàn cho 2 học trò với thu nhập 2 triệu đồng/tháng. 

LM-TAM2

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Minh Trọng tặng hoa cho Tâm (bìa trái) trong buổi họp mặt sinh viên Tây Ninh

 

 

Điều mà cậu học trò kém may mắn này lo nhất hiện nay là tuổi tác của cha đã cao, không biết còn trụ với nghề chụp ảnh được bao lâu nữa. Nếu cha của Tâm giải nghệ thì cũng đồng nghĩa với nguồn viện trợ duy nhất (mặc dù ít ỏi) bị cắt đứt. Về lâu về dài, Tâm lo lắng là sau khi tốt nghiệp thì có nơi nào chịu nhận người khiếm thị về dạy học không? Nỗi lo lắng của Tâm cũng là trăn trở chính đáng của nhiều học trò khiếm thị. Mong rằng lãnh đạo tỉnh nên quan tâm, tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh đặc biệt như Tâm được học tập, vươn lên và có thể đóng góp công sức, trí tuệ cho xã hội.

Trương Dương


 
Lượt xem : 18607 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo