Trang chủ --> Gương sáng --> Lão mù buôn bò… xuyên biên giới
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Lão mù buôn bò… xuyên biên giới

Cũng như bao người bỗng dưng gặp nạn khác, Năm Khổng kể những ngày tháng sau khi ra viện, đôi mắt không còn nhìn thấy gì, đối với ông thật khủng khiếp. “Rồi ông có tuyệt vọng đến mức muốn chết không?” - ai đó tò mò. Ông cười: “Tui chưa bao giờ nghĩ tới chuyện chết. Tui chấp nhận số phận. Tui nhớ lúc đó, khỏe lại cái là mò mẫm làm quen với vật dụng trong nhà và đường đi, phương hướng ngoài ngõ bằng tay, bằng mũi, rồi tập làm công việc trong nhà...”.  

 

Lang thang vùng biên giới Tịnh Biên (An Giang) cốt để ngóng chuyện xe ngựa, run rủi thế nào lại nghe được chuyện một lão mù tên Năm Khổng, có biệt tài buôn bán và dắt mối bò giỏi hơn khối người sáng.

 


 

Lại còn nghe, lão Khổng mù không chỉ là con buôn trong ấp, trong xã, mà còn sang tận Campuchia. Ở vùng biên Bảy Núi này, chuyện về lão Khổng mù qua miệng người dân thấp thoáng huyền thoại...

Ngửi mùi tránh… người lạ

Nhà ông Khổng nép bên vệ đường, khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Chúng tôi đến gặp lúc Năm Khổng đang mang kính đen rút rơm cho bò ăn ở cây rơm bên kia đường. Thật ra với một người mù lâu năm, việc rút rơm không có gì khó.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là Năm Khổng ôm một đống rơm cao quá đầu, rồi tránh xe qua đường, tránh cả một đống bàn ghế, cọc cột như mắc võng trong sân nhà, và cả mấy chúng tôi đang cố tình đứng chắn trước mặt mà không chạm vào ai và bất cứ vật gì. Nghe chúng tôi trầm trồ, Năm Khổng tay vấn thuốc rê, miệng cười đắc ý: “Chuyện vặt thôi. Xe cộ, bàn ghế... ở đây thì tui thuộc rồi, còn mấy chú thì tui tránh bằng cách... ngửi mùi”.

Tên thật là Trần Văn Khổng, năm nay 55 tuổi. Ông kể, mình là con trai thứ năm trong gia đình nghèo có tới 6 anh em. Năm ông lên 10 thì cha mất. Mẹ buôn gánh bán bưng, làm mướn nuôi 6 người con đang tuổi ăn tuổi lớn. “Lúc đó nhà nghèo quá, tất cả mấy anh em tui phải nghỉ học giữa chừng để đi giăng câu, lưới cá kiếm tiền giúp mẹ” - ông nhớ lại. Và tai ương cũng ập xuống đầu ông trong những năm tháng gian khó này.

“Tui vẫn nhớ như in  buổi chiều hôm đó. Trong lúc tui đào trùn làm mồi câu cá lóc ở cặp bờ sông Cây Mít, bất ngờ cuốc của tui bổ trúng một đầu đạn M79. Một tiếng nổ vang lên và tui không còn nhớ gì nữa...” - ông kể. “Sau vụ nổ, trong ấp ai cũng nghĩ Năm Khổng rứa là xong. Nhưng hắn mạng lớn, từ bệnh viện trở về, hắn chỉ bị mù hai mắt, còn thân thể có bị thương, nhưng không có gì nghiêm trọng” - Chao Chiên - bạn nối khố của Năm Khổng - nồng nặc mùi rượu, ngả nghiêng góp chuyện.

“Thật ra sau vụ nổ, ổng chỉ bị múc một mắt trái, mắt phải vẫn còn tròng. Mấy năm trước, ổng ra sau vườn bắt con ngỗng, do không thấy đường nên bị cái cây đâm vô mắt, rứa là bay luôn tròng mắt phải” - bà Nguyễn Thị Lệ - vợ ông - cười lớn xen chuyện, lời nhẹ như không.    

Cũng như bao người bỗng dưng gặp nạn khác, Năm Khổng kể những ngày tháng sau khi ra viện, đôi mắt không còn nhìn thấy gì, đối với ông thật khủng khiếp. “Rồi ông có tuyệt vọng đến mức muốn chết không?” - ai đó tò mò. Ông cười: “Tui chưa bao giờ nghĩ tới chuyện chết. Tui chấp nhận số phận. Tui nhớ lúc đó, khỏe lại cái là mò mẫm làm quen với vật dụng trong nhà và đường đi, phương hướng ngoài ngõ bằng tay, bằng mũi, rồi tập làm công việc trong nhà...”. Và “mất khoảng 3 năm, mọi ngõ ngách trong nhà, ngoài sân, hắn đều thuộc lòng và đi lại tự nhiên như người sáng mắt. Thậm chí hắn còn nấu được cơm, giặt được quần áo, rồi đi gánh nước...” - Chao Chiên tự hào khoe bạn mình với chúng tôi.  

Lấy được vợ “sáng” nhờ ca hay

Lại kể về bà Nguyễn Thị Lệ, và chuyện Năm Khổng lấy vợ. Những năm 1977 - 1978, khi Pol Pot tấn công biên giới Tây Nam, Năm Khổng theo gia đình chạy về kênh xáng Vịnh Tre ở cù lao Phú Tân bên cạnh, ở nhờ nhà người dì út. Tại đây ông gặp bà Lệ - một phụ nữ không nổi bật về nhan sắc. Nhưng bà con nhà gia giáo, cha bà là một chức sắc của Phật giáo Hòa Hảo, nhà lại có hơn 100 công ruộng, nên việc bà lấy ông Năm Khổng làm chồng cũng là một “sự kiện” gây ngạc nhiên cho cả vùng.

“Lúc đó mấy chú, mấy cô của tui la dữ lắm. Ai cũng nói tui khùng, rồi ngăn cản không cho tui lấy Năm Khổng. Nhưng cha tui đồng ý, ổng nói tui thương ai thì kệ tui, chừ không cho nó lấy Năm Khổng, biết đâu sau tui lại lấy phải thằng cùi, thằng hủi còn tệ hơn cả Năm Khổng thì sao?” - bà Lệ kể. Cưới xong, Năm Khổng đưa vợ về quê mình, che tạm túp lều cặp quốc lộ 91, ngay đầu đường vào Ô Tà Ban rồi vợ chồng cùng làm mướn, rau cháo qua ngày. “Hồi đó vợ chồng tui nghèo lắm, mà một phần cũng tại ổng. Hồi mới cưới, cha tui nói cho đất, cho nhà nhưng ổng tự ái không chịu nhận, nói con mù nhưng con vẫn có cách để sống, để con gái ba không chịu khổ” - bà Lệ mắng yêu chồng.

Có người hỏi: “Hồi đó bà mê ông Năm Khổng điểm nào?”. Bà Lệ nhìn ông Năm Khổng cười cười: “Cha ni có chi mà tui mê. Ổng mê tui thì có”. Nói rồi bà bỏ đi đâu một mạch. Lâu sau mới quay về nói thiệt: “Hồi đó ổng mù nhưng biết làm đủ mọi việc giúp cho dì út của ổng, từ giăng câu lưới, nhổ cỏ, cắt lúa, bắt ốc, hái rau..., ngon hơn khối người sáng mắt. Tui phục lắm. Nhưng phục nhất, mê nhất là đêm đến nghe ổng ca. Ổng mù nhưng ca hay lắm, nghe như Thanh Tuấn, Tấn Tài (hai danh ca vọng cổ nổi tiếng miền Nam). Tui yêu ổng vậy đó, chịu lấy ổng một phần là khoái nghe ổng ca đó”.

Ở Tịnh Biên có rất nhiều thương lái sáng mắt, nhưng ông Khổng mù vẫn được ngồi riêng một chiếu. Ảnh: H.V.M

Lái bò xuyên biên giới

Năm Khổng nói, mình đến với nghề buôn bò và nổi tiếng khắp vùng biên giới Tịnh Biên như “nghiệp” trời định. Ông kể: “Hồi xưa cha tui nuôi bò đàn, lúc nhỏ tui đi giữ bò nhiều năm nên có hiểu biết chút ít về loại này. Rồi sau khi lấy vợ, nhờ đi lại làm mướn nhiều nơi, tui quen biết nhiều người Khmer trong các phum sóc ở Ô Tà Ban. Lúc này có nhiều người ở Chợ Mới, Phú Tân (An Giang) và Cao Lãnh, Sa Đéc (Đồng Tháp) tìm về vùng Bảy Núi mua bò cày. Họ tìm đến tui nhờ dẫn đi đến các hộ dân Khmer hỏi mua.

Trong quá trình mua, tui bày cho người ta mua bò thế nào thì tốt. Mua xong họ thưởng tiền cho tui, nói là hoa hồng. Thấy dắt mối mua bò cũng có tiền nên tui theo làm luôn”. Làm một thời gian, Năm Khổng không dắt mối nữa, mà chuyển qua đi buôn bò. Ban đầu là trong vùng, sau đó ông mở rộng địa bàn sang tận Campuchia do bên đó bò nhiều, to hơn, thịt ngon hơn, sức tốt hơn bò Việt Nam.

“Dù phải đi hơn 100 cây số, nhưng lãi nhiều, trung bình mỗi cặp bò lãi hơn 3 triệu đồng (mỗi tháng mua bán khoảng 3 cặp)” - ông nói. Thời điểm chúng tôi gặp Năm Khổng, ông đã có thâm niên đi buôn bò bên Campuchia gần 30 năm, đến mức “giờ qua cửa khẩu Tịnh Biên, người ta không thèm thu tiền tui vì quá quen mặt”. Những năm đầu, ông đi với bạn buôn, những năm sau này ông đi với con trai út. Ông khoe: “Tui có hai thằng con, thằng đầu thì hiểu biết về bò đúng... ngu như bò, còn thằng sau thì coi bò hay lắm. Tui có truyền nhân nối nghiệp rồi”.  

Nói về tài coi bò, trong ngoài vùng Tịnh Biên, từ lái buôn cho tới người mua, ai cũng phục tài Năm Khổng sát đất. Phục bởi cho tới giờ, dù... sờ bà Lệ đã mấy chục năm nhưng ông thú nhận vui với chúng tôi là “không biết được bả đẹp hay xấu”, nhưng chỉ cần sờ tay vào mình con bò là ông có thể đoán được con này nặng bao nhiêu ký; sờ tay vào đám lông xoáy là biết ngay bò tốt hay xấu. “Bò để cày kéo, kỵ nhất là các xoáy cu cho (từ mông đến sau đít bò), xoáy sa tinh (xoáy mặt ngang mí mắt), xoáy đập đầu và lõ đuôi. Bò có các xoáy này là không cày kéo gì được”. Chúng tôi ù tai khi nghe Năm Khổng nói.

“Đó là nói chuyện bò cày, bò kéo, mua bò thịt còn đơn giản hơn nữa. Chỉ cần sờ nhẹ thân lưng và vuốt nhẹ vào đùi bò, Năm Khổng biết ngay bò nào sẽ cho nhiều thịt. Hắn giỏi lắm, sáng mắt như tui không bằng được” - Chao Chiên thừa nhận. Chúng tôi hỏi bí quyết. Năm Khổng gãi gãi đầu chân tình: “Người ta thương nói vậy, chứ tui có tài cán gì đâu. Vì tui mù nên khi sờ vào con bò thì phải tập trung cao độ cả xúc giác lẫn trí lực. Tui không thấy được thì phải cảm bằng cách ngửi mùi, nghe tiếng bước chân, tiếng rống, tiếng khịt mũi để nhận biết thôi. Mà những điều đó cũng không phải tự nhiên có được, mà phải học, phải rút kinh nghiệm liên tục mới giỏi được...”.

Chao Chiên - người bạn nối khố, hiện cũng làm nghề buôn bò như Năm Khổng - nói, người ta biết và phục Năm Khổng không chỉ mỗi việc giỏi nghề coi và buôn bò. “Người ta phục hắn ở khả năng làm được nhiều việc như người sáng mắt. Bằng chứng lớn nhất là cái giếng phía sau nhà, nằm dưới chân đất ruộng, cũng một tay hắn  đào rồi tự đặt ống cống xuống mà không nhờ đến sự giúp đỡ của vợ và hai đứa con trai”. Nghe vậy bà Lệ thở dài rồi chì chiết: “Mù vậy chứ khó tính lắm, tui chứ bà khác sẽ chịu không nổi ổng đâu. Việc lớn đến việc nhỏ ổng đều giành vì ai làm cũng không vừa ý. Cũng vì tranh việc với vợ con mà bị cây đâm cho lòi tròng mắt khi bắt ngỗng đó...”.

Không tin được khi một người mù như Năm Khổng lại có thể vượt biên giới hơn 100 cây số, tháng đôi ba chuyến với thu nhập trung bình gần 10 triệu đồng. Lại nữa, từ hai bàn tay trắng, sau hơn 30 năm làm nghề lái bò, đến nay vợ chồng Năm Khổng có được 2 công đất rẫy và 7 công đất ruộng - một gia tài đáng giá đối với người dân vùng biên giới Tịnh Biên. Nhưng đó là sự thật. Bởi vậy mà ở Tịnh Biên có rất nhiều thương lái mua bán bò số lượng lớn, nhưng một lão mù như Năm Khổng vẫn được ngồi riêng một chiếu...
 Hoàng Kim (theo Người lao động)
Lượt xem : 33334 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo