Trang chủ --> Gương sáng --> Thầy Phạm Đình Thắng - 'Pho từ điển sống' của học sinh khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Thầy Phạm Đình Thắng - 'Pho từ điển sống' của học sinh khiếm thị

Rất nhiều thế hệ học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) đã coi thầy như là người cha kính yêu.  

Người thầy của bao thế hệ học sinh khiếm thị

Sau gần một tháng bận rộn với những công việc riêng của gia đình, tôi lại đặt chân vào căn phòng quen thuộc của thầy - thầy Phạm Đình Thắng, người cha hết mực đáng kính của bao thế hệ học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu.

Gặp tôi, thầy hồ hởi khoe: "Tổ nội trú của thầy đang cùng nhà trường chuẩn bị chương trình cho các em học sinh giao lưu với Nick Vujicic (người đàn ông cụt chân tay nghị lực nhất thế giới) để khích lệ các em. Thầy vẫn thế, vẫn gần gũi, cởi mở và trìu mến như ngày nào tôi còn là một cô bé con mới bỡ ngỡ đặt chân đến trường.

Pho từ điển sống của học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu

Thầy Thắng đang hướng dẫn một bạn học sinh khiếm thị cách sử dụng máy tính

Năm 1960, tốt nghiệp hệ trung cấp của Trường Sư phạm Trung Sơ cấp Hà Nội, chàng trai hào hoa Phạm Đình Thắng - một người con Kinh Bắc hăng hái tình nguyện lên Lạng Sơn công tác theo tiếng gọi của phong trào thanh niên "ba sẵn sàng".

27 năm gắn bó với mảnh đất vùng cao, với những em học sinh thơ ngây, chất phác và đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau, trong đó có 10 năm làm hiệu trưởng Trường THCS Đồng Đăng, đã để lại trong thầy nhiều kỉ niệm khó phai mờ.

Song, hai căn bệnh quái ác là cận thị nặng bẩm sinh và tiểu đường đã làm hỏng võng mạc của cả hai bên mắt khiến thầy hoàn toàn bị mất khả năng nhìn thấy ánh sáng. Thầy Thắng phải bùi ngùi chia tay với mảnh đất đã gắn bó 1/3 đời mình về Hà Nội chạy chữa.

Cũng trong thời gian đó (năm 1987), thầy Thắng tình cờ gặp lại người bạn thời Trung học của mình là thầy Nguyễn Như Thạch lúc này đã là hiệu trưởng Trường Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị của thành phố Hà Nội.

Cảm mến trước đạo đức, tài năng của người bạn cũ, thầy Thạch ngỏ ý mời thầy Thắng về công tác tại ngôi trường của mình. Vậy là thầy Thắng có cơ hội để tiếp tục theo đuổi nghề sư phạm của mình ở một môi trường giáo dục hoàn toàn mới.

Những ngày đầu tiên mới về trường, thầy phải dành nhiều thời gian để bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy cho trẻ khiếm thị.  Mỗi ngày tích lũy một chút, thầy đã có nhiều kinh nghiệm quý giá để truyền đạt cho các em học sinh bé bỏng, thiệt thòi.

Thầy được học sinh khiếm thị xem là "pho từ điển sống" bởi không nhìn thấy nên ngôn ngữ của đại bộ phận học sinh trong trường là ngôn ngữ rỗng (nghĩa là chưa hề có được những khái niệm gì về những từ ngữ mà mình đang dùng). Những lúc không hiểu bài, học sinh thường tìm đến hỏi thầy, sự giảng giải nhiệt tình, cặn kẽ của thầy đã giúp các em tiếp thu bài dễ dàng hơn. 

Pho từ điển sống của học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu

Thầy Thắng cùng một giáo viên tình nguyện viên nước ngoài trước lớp học thêm tiếng Anh

Người đem đến một gia đình...

Năm 1988, trường nguyễn Đình Chiểu chuyển về cơ sở mới đẹp và khang trang hơn ở 21, phố Lạc Trung, Hà Nội. Thầy Thắng nhận thêm nhiệm vụ quản lí khu nội trú và phụ trách mảng hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh khiếm thị.

Không có gia đình riêng, thầy coi khu nội trú là nhà, coi học sinh là những đứa con của mình. Thầy chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi sáng sớm, thầy đến từng phòng đánh thức học sinh dậy làm vệ sinh cá nhân, tập thể dục, ăn sáng để kịp giờ lên lớp. Tối đến, trước khi đi ngủ, thầy lại đi từng phòng để nhắc nhở các em buông màn, khóa cửa cẩn thận.

Hàng trăm lớp học sinh khiếm thị là hàng trăm mảnh đời với những nỗi bất hạnh khác nhau luôn cần sự sẻ chia và chăm sóc. Chính vì thế, thầy luôn để tâm tìm hiểu từng hoàn cảnh của các học sinh do mình quản lý; từ đó, với mỗi học sinh, thầy lại có cách tiếp cận và giáo dục riêng để xóa đi sự mặc cảm tự ti, qua đó giúp các em có thêm niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.   

Thỉnh thoảng thầy lại mời những người khiếm thị có thành công trong công việc và hạnh phúc gia đình đến nói chuyện cho học sinh nghe. Bằng tình yêu thương của mình, thầy đã đem đến cho những thế hệ học sinh khiếm thị ở khu nội trú cảm giác như được sống trong một gia đình thực sự.

Mỗi học sinh trưởng thành từ mái trường Nguyễn Đình Chiểu, ai cũng mang trong lòng những kỉ niệm sâu sắc về người thầy được mệnh danh là "Pho từ điển sống" của học sinh khiếm thị. Lê Thị Tình, một học sinh trong trường có hoàn cảnh đặc biệt được thầy Thắng cưu mang, chia sẻ: "Tôi nhớ mãi những cái Tết được ở bên thầy, rất đầm ấm và bình yên. Tôi mồ côi cha từ nhỏ, mẹ mang tôi đến trường rồi bỏ đi biệt tích. Chính thầy Thắng là người đã bươn bả khắp nơi để tìm lại mẹ cho tôi nhưng vô vọng".

Thế nên, cứ mỗi độ Tết đến xuân về các bạn trong khu nội trú được sum họp với gia đình, Tình lại thấy rất buồn và tủi thân. Những lúc như thế, thầy Thắng là người đến bên em an ủi, vỗ về. Tuy còn mẹ già khi đó đã ngoài 90 tuổi nhưng thầy chỉ tranh thủ ghé qua nhà trong chốc lát, thời gian còn lại thầy tới trường để chăm sóc cho các học sinh bất hạnh hơn mình. Nhiều học sinh ở Hà Nội cũng xin bố mẹ cho tới trường sớm từ mồng 2, mồng 3 để cùng được ăn Tết với thầy.

Nỗi trăn trở của thầy

Với phương châm tranh thủ mọi sự giúp đỡ của cộng đồng cho trẻ khiếm thị, thầy đã vận động được rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên các trường tới tổ chức các hoạt động giao lưu, dạy tiếng Anh, tin học và đọc sách, báo cho các em khiếm thị.

Trăn trở của thầy là làm sao cho người khiếm thị cũng được bình đẳng với người sáng mắt nên thầy luôn động viên học sinh học thật tốt chương trình văn hóa ở trên lớp, thầy còn bỏ công tìm kiếm, thử nghiệm nhiều nghề khác nhau: Làm tăm tre, chổi đót, đan rổ, rá... dạy cho các em. Thầy còn đề nghị với ban giám hiệu nhà trường mời các giáo viên giỏi của Nhạc viện về dạy âm nhạc cho lớp, mời các giảng viên của trường Y học Dân tộc Tuệ Tĩnh đến dạy nghề xoa bóp bấm huyệt...

Mỗi học sinh khiếm thị chúng tôi khi ra trường không những đã được trang bị cho mình một vốn kiến thức nhất định mà còn có trong tay một nghề để có thể tự bước đi bằng đôi chân của mình.

Với thầy Thắng không có niềm vui, niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn là được thấy sự trưởng thành của những thế hệ học sinh khiếm thị. Nét mặt rạng ngời, thầy khoe với tôi một bản danh sách hàng trăm em học sinh đã trưởng thành từ mái trường Nguyễn Đình Chiểu, trong đó đa số các em đã có công ăn việc làm, có 40 em đã tốt nghiệp các trường Đại học, gần 20 em đang theo học tại các trường Đại học và hàng chục em xây dựng được tổ ấm riêng cho mình.

Pho từ điển sống của học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu

Thầy Thắng cùng các bạn sinh viên tình nguyện Việt Nam và quốc tế

Khi được hỏi: Bên cạnh những cống hiến lớn lao mà thầy đã dành cho học sinh khiếm thị, còn có điều gì mà thầy còn trăn trở vì chưa làm được cho các em không? Chẳng cần do dự, thầy trả lời ngay: "Trăn trở lớn nhất của thầy là vẫn chưa có một hệ thống đào tạo nghề hoàn thiện cho học sinh khiếm thị. Bởi học sinh khiếm thị khi tốt nghiệp ra trường, bên cạnh việc công tác trong hội người mù và nghề xoa bóp bấm huyệt ra thì vẫn chưa có một nghề nào khác thích hợp hơn".

Thầy cũng mong xã hội hãy thực sự xóa bỏ định kiến với người khiếm thị, và tạo điều kiện cho họ, bởi thực tế đã chứng minh: "Người khiếm thị nếu được tạo điều kiện thì họ chẳng hề vô dụng và nghèo nàn chút nào".

Xin được mượn lời thầy để kết thúc bài viết này: "Thầy đã chọn nghề Sư phạm và gắn bó, yêu thương học sinh khiếm thị hết lòng vì thầy thích được chia sẻ; bởi như một nhà thơ đã nói:

"Niềm vui chia sẻ sẽ được nhân đôi

Nỗi buồn cho đi chỉ còn một nửa". 

 

 

Lượt xem : 15258 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo